Đất anh hùng

Đăng lúc: Thứ hai - 27/04/2015 15:25

Không đâu như ở Tân Hội có những xóm nhà mang tên rất ấn tượng theo lối hình học dân gian: Xóm Dài, xóm Dĩa, xóm Vuông… Có những xóm được hình thành từ những chòi, những trại cất tạm để giữ ruộng, sau mùa vụ, người ta lại trở về nhà cũ, rồi sau này định cư hẳn. Cũng có những xóm mới hình thành trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, dân tản cư ra đồng cất nhà ở, tránh bom pháo, có khi ở dọc theo kinh đào, gọi là xóm Dài, có khi co cụm thành xóm Vuông, khá biệt lập, xóm này cách xóm kia một
gian đồng.  

Khác hẳn với cuộc đất ven sông Tiền, ở đây mỗi năm một mùa nước nổi nên không lập vườn cây ăn trái được. Những liếp vườn trong xóm chỉ rặt loại cây trâm bầu, bình bát, tre đắng tạp nhạp, chủ yếu trồng để lấy củi đốt hoặc để cất chòi, cất trại. Giặc sợ dân tiếp tế cho “Việt cộng”, dùng trực thăng đổ quân, đốt nhà lùa mãi nhưng dân vẫn bám trụ. “Bình bát dẻo dai, trâm bầu bất khuất”,  nghe có vẻ khẩu hiệu nhưng rất có ý nghĩa.

 Phía nam Tân Hội là khu vực đất giồng. Giồng cát nổi tiếng có tên là Lâm Vồ, tên của một loại cây cùng giống loài với cây bồ đề. Người Pháp vẽ bản đồ ghi tắt là giồng Lam, nên bị gọi sai mãi thành giồng Lắm. Ngày xưa ở trên đất giồng, nước nôi khó khăn “Mẹ không gả thiếp về giồng; Nước nôi không có gánh gồng không quen”. Những người mẹ, người chị cực khổ nhất, cả làng chỉ có một giếng công, xài chung. Các chị, các mẹ gánh nước bằng gàu, tĩn… Cực khổ là vậy, nhưng vẫn “chịu chơi”, không hề kém cạnh, đình làng cất rất to “ngồi chình ình như cột đình Tân Hội”. Năm 1925, chí sĩ Nguyễn An Ninh về tập hợp phụ nữ trong làng tổ chức mua các tờ báo Phụ nữ Mín đàm, Phụ nữ Tân văn, Trung Lập, Canh Nông Luận... lập Tân Hội thơ phòng. Ai nói phụ nữ thời bấy giờ không được học hành, không biết chữ thì nên suy nghĩ lại.

Có lẽ tánh khí “chịu chơi” này đã góp phần không nhỏ cho danh hiệu xã anh hùng thời chiến lẫn thời bình.

Công thức chung của bản thành tích đơn vị anh hùng, không nói ra ai cũng biết đó là rặt những trận đánh, chiến công diệt bao nhiêu tên giặc, bắn rơi mấy chiếc máy bay và phá hủy bao nhiêu xe quân sự - Lẽ dĩ nhiên - Không thể khác được; và vì vậy lịch sử của một vùng đất đôi lúc trở thành bản tổng kết khô khan, do thiếu bóng dáng của con người cụ thể.

Ngoài những anh hùng Nguyễn Văn Lo, chị Thái Thị Kiểu... cái hào khí làng quê Tân Hội có thể là hình ảnh của bà Hai Quí, có biệt danh là “Tổng tư lịnh”. Nghe nói hồi khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, bà nai nịt, vắt mã tấu đứng mũi ghe chỉ huy đội vũ trang lên xứ Tháp Mười khui kho thóc của Hội đồng Bền. Hoặc thầm lặng hơn, là chuyện má Hai Thuần nuôi giấu cán bộ bằng cách cho ngủ trên  một chiếc xuồng gác ở trại trâu. Cứ chạng vạng tối, má hun khói làm ám hiệu là có lính ruồng;  hay một ni cô giấu cán bộ sau tấm bình phong bàn phật, tín hiệu liên lạc đi về phân biệt qua cách rửa chân. Cán bộ thời sáu năm (1955-1961) không hoạt động được, tối không dám ngủ ở nhà, nếu không muốn  bị bắt, thủ tiêu đều nhờ các má, các chị.

Lúc giặc lùa dân vô ấp chiến lược, Tân Hội có ông Năm Vành bị lính buộc phải dỡ nhà. Ông bảo để cúng ông bà xong rồi đi. Lúc ông đốt hương van vái tổ tiên, thằng chỉ huy đứng phía sau nghe lén, ông quơ tay chụp cây mác vót để sẵn ở bàn thờ chém hắn rụng đầu.

Khi chiến tranh ác liệt hơn, má Bảy, má Lê Thị Tám chuyên làm nhiệm vụ chuyển đạn, ngụy trang bằng gánh mắm, hoặc chuyển thuốc men, tài liệu cho khu Trung Nam bộ. Một lần do vẽ đường sai, khi tìm được hàng thì trời sáng, mới gánh được hai gánh, giặc đổ quân xuống. Bị lộ, may thời có một người đang chở mạ cấy lúa, liền nhanh chóng chuyển mạ xuống xuồng để ngụy trang. Lính sát hạch, hai người nhất quyết không khai. Giặc bắt bà Bảy đả đảo Cộng sản, đả đảo Hồ Chí Minh, rồi chúng sẽ thả. Má Bảy thẳng thừng “Tui sống với mấy ông thì ít, với Việt cộng thì nhiều, nên không dám đả đảo”. Lính hỏi, vậy thì bà đả đảo ai? Bà đáp, đả đảo mấy người chuyên bắt bớ.

Đó còn là những mẹ, những chị tổ chức đón đường cản xe bọc thép, trì hoãn để du kích có thời gian gài mìn, hoặc giăng hàng ngang hướng cho chúng chạy vào địa hình có mìn, có lựu đạn gài.

Xóm Dài, xóm Dĩa, xóm Vuông đâu đâu cũng có những sự tích hào hùng. Có những chuyện rất đỗi bình thường, nhưng khi nhắc lại vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc lay động lòng người, như chuyện cô giáo Nguyễn Ngọc Thuy dạy ở trường Xóm Dĩa. Đây là cái xóm hình bầu dục, ở ấp Tân Hòa, nơi giáp ranh hai xã Tân Phú và Tân Hội. Năm 1966, bà con ở đây mở một điểm trường có hai lớp học.  Buổi sáng dạy lớp vỡ lòng, buổi chiều dạy lớp một, học trò hai lớp học này có khoảng 30 em mỗi lớp. Dân địa phương đắp bảy cái công sự và một hầm trảng xê đề phòng khi giặc càn hoặc pháo bắn. Vào một buổi trưa, học sinh lớp một vừa tập trung, cô giáo đang ổn định lớp thì một chiếc “đầm già” từ hướng Mỹ Tho bay đến. Mười phút sau một trái pháo từ hướng Long Định bắn lên, nổ cách trường chừng một trăm thước. Đó là trái pháo điểm. Cô nhanh chóng điều các em học sinh xuống hầm trú ẩn. Pháo bắt đầu bắn tấp cập. Đất rung chuyển từng hồi, cả xóm Dĩa chìm trong khói pháo. Trường học bị pháo bắn trúng, không còn một mảnh lá. Bàn ghế tập vở và tấm bảng viết chỉ còn là những mảnh vụn. Quanh trường học trâm bầu ngả liệt địa. Lúc này đang mùa nước nổi, hầm trú ẩn bị ngập nước, đỉa bò lúc nhúc. Cô Ngọc Thuy kể, bình sinh cô rất sợ đỉa, nhưng trong hoàn cảnh đó, cô phải vừa trấn an học trò vừa lo gỡ bắt từng con đỉa cho các em. Khoảng một giờ sau, pháo bắn thưa hơn. Xem chừng đã êm, cô giáo bò ra khỏi hầm trước. Các mẹ, các chị trong xóm túa ra đón con cháu về nhà, ôm chầm cô giáo mà khóc...

Máu và nước mắt thấm đẫm trong lá cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng xã Tân Hội khi chiến tranh còn chưa kết thúc.

Những con người làm nên kỳ tích một thời, lẽ ra phải được ghi lại họ tên bằng chữ viết hoa.

*

Nước nhà thống nhất được hai năm. Ngày 7-2-1977, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hội được thành lập, trở thành hợp tác xã thí điểm đầu tiên, nói cho hoa mỹ một chút là con chim đầu đàn của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì sao chọn Tân Hội làm nơi thí điểm, chưa thấy ai giải thích, song có lẽ những nhà hoạch định kinh tế thời đó nghĩ rằng, người dân xã Anh hùng trong thời chiến sẽ tiếp tục anh hùng trong thời bình. Quả là như vậy!

Hè thu năm 1977 là vụ nông dân Tân Hội bắt đầu vào làm ăn tập thể với 520 héc-ta. Tổng số ruộng tập thể bấy giờ chiếm đến 65% diện tích đất canh tác toàn xã. Cán bộ cấp trên từ trung ương đến tỉnh phân công từng đoàn về hỗ trợ, ngay cả ông Phó Bí thư Huyện uỷ  Cai Lậy cũng được điều về làm Bí thư xã. Máy móc, vật tư, tiền vốn được trên chi viện tối đa...dường như tất cả cho mục tiêu đừng để con chim đầu đàn gãy cánh.

Nhưng rồi cấy sạ xong, tình trạng “cha chung không ai khóc” đã xuất hiện trong nội bộ nông dân: Lúa mới sạ bị vỡ bờ ngập nước không ai đắp, có khi giận lẫy ông chủ nhiệm về chuyện gì đó, đạp bể bờ ruộng, cho nước tràn vô chết mạ. Lúa chín không có người gặt, xã viên đập lúa cho đủ diện tích được giao, không màng hao hụt, bỏ sót... Năng suất vụ đầu tiên của “mô hình sản xuất lớn” chỉ có 14 tạ/ha, chia ngày công mỗi người được 1 ký-lô gram lúa. Tỉnh xuống kiểm tra, hoảng hốt cấp tốc chi viện thêm 14 tấn lúa để nâng thu nhập lên 4 ký/ngày và để cứu xã viên khỏi đói.

Dường như tự ái nổi dậy khi nhà nông lại xách nồi đi xin gạo. Vụ Đông Xuân liền đó, 547 hộ xã viên đã lặng lẽ xin ra khỏi Hợp tác xã. Đất tập thể chỉ còn lại 145 ha. Vụ nầy năng suất cũng chỉ có 21,7 tạ/ha, xã viên được phân phối 1,4 ký/ngày công, tính ra còn thua mấy chị đi mót lúa. Nhìn cái cảnh xã viên mạnh ai nấy cho vịt vào ăn lúa, máy bơm bỏ hư sét ngoài ruộng không ai ngó ngàng tới, cán bộ, đảng viên cũng bắt đầu nản lòng, xin ra khỏi Hợp tác xã. Đảng bộ có 79 đảng viên, thì đã có 57 người xin ra. Ban đêm có người bơi xuồng lén tìm đến đồng chí Bí thư nài nỉ, nếu không cho ra khỏi Hợp tác xã thì xin ra khỏi Đảng.

Chưa đầy một năm, những người con kiên trung của đất anh hùng có 38 người bị khai trừ ra khỏi Đảng, trong đó có 10 là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ. Thất bại của những vụ đầu tiên trong cơ chế làm ăn tập thể bị dồn đẩy vào nguyên nhân do tư tưởng cá thể nặng nề của nông dân. Một vài bài báo ca thán “Hợp tác xã Tân Hội chơ vơ trong biển cá thể bao quanh”... Nhưng “bỏ thì thương vương thì tội”, những lúc cán bộ Trung ương xuống tham quan Hợp tác xã thì đành phải dẫn tới những khoảnh ruộng cá thể xanh tốt mượt mà hơn... để báo cáo, bất đắc dĩ mới dối trên lừa dưới, biết làm sao được. Mấy năm sau kể lại, ông chủ nhiệm Chín Lễ, ông trưởng ban kiểm soát Hai Kiệt còn cười ra nước mắt.

Chịu đựng gần 5 năm, đến Đông Xuân 1981 - 1982, Hợp tác xã Tân Hội đứng lại được sau khi khoanh ruộng, đổi đất, xóa da beo, áp dụng “ba khoán”. Nói khoán này, khoán nọ cho oai, chứ thật ra, Ban chủ nhiệm bấy giờ cứ làm theo kiểu nông dân “đặt xác” cho xã viên, giao  cho họ phân bón, thuốc trừ sâu... và ấn định sản lượng từ 15 đến 20 giạ lúa/công. Thu thoạch xong, đóng đủ cho Hợp tác xã là xong. Xã viên “lãnh xác” cũng dễ thở hơn là để Ban chủ nhiệm cứ rong công phóng điểm, mỗi vụ nhận được vài ba ký lúa. Nhờ vậy đến vụ Đông Xuân 1984, một vài đội sản xuất của Hợp tác xã Tân Hội lọt vào danh sách vùng sản xuất điểm 8 tấn/ha. Rồi những trang báo cáo, tổng kết rầm rộ, tô hồng khen tặng nhau thành tích đậm màu chánh trị hơn là hiệu quả kinh tế. Ở hội nghị nào cũng thấy có chị Tám Chiến - Chủ nhiệm Hợp tác xã ngồi trên ghế Chủ tịch Đoàn.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Hợp tác xã Tân Hội được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Cái danh hiệu mà sự được mất rất khó định lượng. Bởi quá trình xoá da beo, đổi đất là quá trình xáo trộn, là đụng đến mồ mả ông bà, tập quán tín ngưỡng, hậu quả diễn ra mấy năm sau đó.

Đó là mấy năm của buổi giao thời đổi mới, ngắn ngủi nhưng đầy biến động. 

Cuộc “nổi dậy” đòi lại đất bùng nổ từ chuyện ông Cai Văn Phòng ở xã lân cận - xã Mỹ Hạnh Đông. Năm 1980, khi vào tập đoàn sản xuất đất ông Phòng dư 12 công nên Tập đoàn phải điều 8 công cho 4 hộ khác canh tác. Đến vụ Hè thu 1987, ông đợi lúc các hộ kia thu hoạch xong, thì ông đem giống ra gieo sạ chiếm lại đất. Hợp tác xã mời đến thuyết phục hòa giải không xong, 17 hộ khác “hưởng ứng” lấy lại đất. Từ chuyện ông Phòng ở Mỹ Hạnh Đông lan ra dòng họ ông bên Tân Hội, rồi nông dân Tân Hội ùn ùn đứng ra tranh chấp, lấy lại đất đổi, đất điều hòa... và tung tin nhà nước đã có chủ trương trả lại đất. Hai bên đánh nhau kịch liệt, có chị còn cởi quần áo đứng giữa ruộng để giữ đất. Trong cái hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát ấy, những người lãnh đạo ở địa phương lại đem kinh nghiệm thời chiến ra đối phó với nông dân. Họ lên danh sách những đối tượng đòi lại đất, lập kế hoạch tập trung lực lượng đập phá nhà cửa của họ để thị uy. Mấy đêm liền, những nông dân đòi đất bị một nhóm người trang bị gậy gộc, dao và đá kéo đến đập phá...có cả khẩu hiệu kèm theo “Đả đảo bọn địa chủ ngóc đầu dậy”. Không khí căng thẳng bao trùm xóm ấp cả tuần lễ. Cấp trên lại cử cán bộ xuống, chủ yếu là xoa dịu giảng hòa, để cho mọi chuyện đâu vào đấy. Chất anh hùng của người Tân Hội dường như trỗi dậy. Mọi việc bỏ qua, nhưng đất đai phải trả về chủ cũ. Thêm một giọt nước tràn ly, khiến cho Hợp tác xã Tân Hội nhanh chóng khai tử, chấm dứt một thời kỳ nóng vội.

Chuyện xảy ra đã ngót nghét 20 năm, những người thuở trước từng vác củi trâm bầu đánh nhau giành ruộng bây giờ vẫn ngồi lại với nhau bên chén trà chung rượu, có ai gợi thì khề khà kể lại, xem như một kỉ niệm, một trò chơi thời con trẻ.

Tân Hội bây giờ khá hơn trước rất nhiều. Qua những cuộc bể dâu, xã vẫn còn gần 1000 héc ta ruộng lúa cho sản lượng hàng chục tấn/năm. Mấy năm này có thêm trại chăn nuôi heo, gà, ao cá và có cả làng nghề đan lát được khôi phục lại ở ấp Tân Phong, và được tỉnh đầu tư từ hơn năm năm trước. Xóm Dài, xóm Dĩa, xóm Vuông có đường bê tông thông thoáng từ đầu đường đến cuối ngõ.  Đó đây vài khoảnh vườn cây ăn trái đã bắt đầu định hình, thay dần hình ảnh rặng trâm bầu, liếp bình bát gắn chặt từ lâu ở đất anh hùng.      

Nguyễn Ngọc Phan
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 67)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 332
  • Khách viếng thăm: 326
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 29608
  • Tháng hiện tại: 1252285
  • Tổng lượt truy cập: 63481253