Vài địa danh nổi tiếng ở Mỹ Tho

Đăng lúc: Thứ hai - 03/06/2019 16:25
Mỹ Tho là một trong những đô thị có nhiều di tích từ thời Nguyễn, nhưng trong lịch sử phát triển, đặc biệt là giai đoạn thực dân Pháp đô hộ, nhiều di tích đã bị phá. Có những di tích trở thành địa danh lưu truyền qua những câu chuyện kể.

Lộ Ma thành cũ

Mỹ Tho xưa là vùng tiếp giáp ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn đã lập một đơn vị quản lý đặc biệt là đạo Trường Đồn tại giồng Kiến Định. Sau đó, đạo Trường Đồn được nâng lên thành dinh Trường Đồn rồi đổi tên là dinh Trấn Định và dời lỵ sở về thôn Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa vào năm Tân Sửu (1781).

Năm Nhâm Tý (1792), chúa Nguyễn cho xây thành Mỹ Tho (bấy giờ gọi là thành Trấn Định). Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả “Thành vuông, chu vi 998 tầm, có mở 2 cửa ở bên phải và bên trái, ở các cửa có làm cầu treo bắc ngang. Hào rộng 8 tầm, sâu 1 tầm, bốn mùa nước đều ngọt, nhiều cá tôm. Dưới cầu có dòng nước nhỏ đổ ra sông lớn Mỹ Tho. Ngoài hào có đắp lũy đất có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai. Mặt trước chân lũy ra 30 tầm đến sông lớn. Trong đồn có kho gạo, kho thuốc súng, trại quân và súng lớn tích trữ đầy đủ, nghiêm túc”. Khi đắp thành, chúa Nguyễn Ánh có ngự giá đến xem để động viên tinh thần quân sĩ. Trong vòng 2 năm, công trình này đã được khánh thành.

Tháng 7 năm 1809, chuẩn theo lời của các quan Định Tường, vua Gia Long cho lập kho tàng ở trong thành, dựng hành cung và các sảnh thự ở ngoài thành. Tuy nhiên thành Định Tường chỉ tồn tại đến năm 1826. Sau khi dời thành qua vị trí mới, thành cũ bị phá, nền cũ trở nên vắng vẻ, hoang tàn. Đến đời Minh Mạng, năm 1836, khi lập địa bạ khu đất này đo đạc được 40 mẫu, triều đình cho bán, nhưng chẳng ai mua, bèn giao lại cho địa phương quản lý, song cũng chẳng ai thuê mướn. Cuối cùng các quan tỉnh Định Tường đã trưng dụng làm pháp trường xử chém tội nhân.

Một góc Giếng nước Mỹ Tho ngày nay

Bấy giờ, thấy nhiều tội nhân bị trảm quyết, người dân xung quanh sợ hãi, bèn lập một ngôi miếu thờ Cô hồn dưới gốc một cây gạo để thờ những hồn ma tử tội, gọi là miếu Cây Gạo. Con đường dẫn vô pháp trường vắng vẻ đến lạnh người, nhiều câu chuyện về ma cụt đầu đồn đãi, ban đêm chẳng ai dám đi ngang nên có tên là Lộ Ma. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân lấy khu đất nầy làm bãi rác, vì vậy có tên ngã ba Sở Rác. Từ đó cảnh vật trở nên hoang tàn. Đầu năm 1911, cụ Phan Chu Trinh từ Côn Đảo về Mỹ Tho, thăm Chợ Cũ, ông đã làm bài thơ tặng Huỳnh Trí Phú, một chiến sĩ của phong trào Minh Tân ở Mỹ Tho, than thở:

“Thành xưa dấu sót lau đôi cụm

Nước cũ tro tàn liễu may doanh”

Hiện nay Lộ Ma là ranh giới hành chánh giữa 2 phường 8 và 9 TP.Mỹ Tho, được đặt tên là đường Thái Sanh Hạnh.

 Thành Định Tường mới và cầu Đài chiến sĩ

Thành Định Tường mới được xây dựng trên ranh giới 2 thôn Điều Hòa và Bình Tạo vào năm Bính Tuất (1826) đều thuộc huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường (năm 1831 đổi thành tỉnh Định Tường). Thành xây kiểu Vauban, đắp bằng đất, ngoài ốp gạch, 4 góc có 4 pháo đài hình hoa mai. Ngoài thành có hào, có lũy. Hào thành về sau được người Pháp cải tạo thành giếng nước Mỹ Tho hiện giờ. Thành có 4 cửa, cửa chính quay về hướng nam. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết chu vi thành 320 trượng, cao 9 thước, 5 tấc. Hào rộng 8 trượng, sâu 6 thước 5 tấc. Trong thành có cột cờ, hành cung, dinh Tuần phủ, Bố chánh, Án sát. Hai bên có 2 ty Ty Phiên và Ty Niết, phía sau có doanh trại quân đội, các bộ phận chuyên môn: Y, Chiêm, Lễ. Phía đông thành, có ngôi chợ mới gọi là chợ Tân Thành được ông Dương Tấn Thọ đứng ra lập cũng vào năm 1826. Mấy năm sau trở nên sung túc, tức chợ Mỹ Tho ngày nay.

Vào tháng 6 năm Quí Tỵ (1853), Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An, sai Thái Công Triều dẫn quân xuống lấy thành Định Tường. Tổng đốc Long Tường là Lê Phước Bảo đánh nhau với giặc Khôi tại Sông Tra bị thua, mất cả chiến thuyền, lương thực, vũ khí, bèn chạy về Vũng Gù. Tuần phủ Tô Trân, Án sát Ngô Bá Tuấn để mất thành. Nhưng 2 tháng sau, Án sát Ngô Bá Tuấn đã tập hợp dân quân ứng nghĩa lấy lại thành.

Tháng 4 năm 1861, quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Định Tường, họ chia lực lượng làm 2 mũi: Đầu tiên một đoàn chiến thuyền của chúng đến vàm Vũng Gù, tấn công các đồn phòng thủ và phá các cản hàn trên kênh Trạm (kênh Bảo Định). Một đoàn chiến thuyền khác đánh phá phía cửa Tiểu và vượt qua các cản hàn Từ Linh, Kỳ Hôn... tấn công thành Định Tường từ phía sông Tiền. Vì liệu giữ thành không nổi nên quan quân nhà Nguyễn cho đốt hết kho tàng rồi rút lui, để toán quân này chiếm được thành vào khoảng trưa ngày 12.4.1861. 

Trong khi đó thì mũi quân thứ nhất bị đánh chặn ác liệt nên tiến rất chậm. Trung tá Bourdais bị trúng đạn thần công bỏ xác tại đồn Trung Lương (tài liệu Pallude ghi là Tam Leon và cho biết xác Bourdais được chôn vội trong ngày). Sau khi chiếm thành Định Tường, thực dân Pháp đã cải táng, đưa xác Bourdais vào chôn giữa thành để tôn vinh. Đến khi chỉnh trang đô thị, người Pháp đắp đại lộ Bourdais (nay là đường Hùng Vương), ngày 24.6.1899, xác Bourdais lại được cải táng đưa ra đất “Thánh tây”- nơi có nhiều ngôi mộ lính Tây chết trận, đồng thời cũng có số Việt gian được chôn bên cạnh quan thầy, được xây đủ kiểu.

 Khoảng năm 1920, họ xây dựng ở cuối đại lộ Bourdais một “đài chiến sĩ”, kỉ niệm những thanh niên chết trận trong thế chiến 1914 -1918. Đài chiến sĩ nầy bị phá khoảng năm 1956 cùng lúc với việc đổi tên đại lộ Bourdais thành đại lộ Hùng Vương. Tên cầu Đài chiến sĩ hiện vẫn còn nhiều người nhắc đến.

Nói thêm, mặc dù chiếm được thành Định Tường, nhưng quân viễn chinh Pháp luôn lo sợ bị tấn công, vì vậy họ cho đắp một con đường phía đông tường thành, 2 bên trồng dừa nên gọi là đường Dừa, sau đổi tên là Avenue d’ Ariès, nay là đường Lê Lợi. Doanh trại quân viễn chinh Pháp đóng sát vàm Mỹ Tho. Phía trong là nhà của các quan chức người Việt, phía ngoài sát sông Tiền có sà-lúp chiến thuyền đậu, do đó, trong thành cũ chỉ có chuồng ngựa, kho cỏ, kho lương thực và doanh trại lính mã tà.  

Cải tạo kinh Nicolas thành giếng nước.

Giếng nước Mỹ Tho nguyên thủy là hào thành Định Tường được đào năm 1826. Đoạn hào thành này xưa thuộc làng Bình Tạo, tổng Thuận Trị, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An. Lúc chiếm Định Tường, đề phòng nghĩa quân tấn công, phía tây thành Định Tường, chính quyền thực dân đã cải tạo hào thành nầy thành kinh, đặt tên là kinh Nicolais. Khoảng năm 1883, chính quyền thực dân bắc hai cây cầu sắt kiều Eiffel: Cầu phía trong (nay là đầu giếng nước, trên đường Ấp Bắc) tên là cầu Nicolais bắc qua đường địa hạt số 6/Route local N06. Cầu thứ hai đoạn giữa không lót ván chỉ dành riêng cho xe lửa, gọi là cầu Hào/cầu Hào thành, nay ở đầu đường Lý Thường Kiệt.

Đặc biệt ở gần vàm kinh, trên tuyến đường Lê thị Hồng Gấm hiện nay có một cây cầu nhỏ của bà con làng Bình Tạo, gọi là cầu “trấn nước”. Cái tên này chỉ có lớp người ở tuổi cổ lai hy mới biết.

Nguyên phía tây vàm kinh Nicolais có đình Bình Tạo, trước sân đình có một cây da cổ kính. Khoảng năm 1902 vì nhu cầu khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp lấy khoảnh đất sát vàm kinh Nicolais và sông Tiền lập một ụ sửa chữa xáng. Phía trong lấy đất đình lập một “phú de”/fourrière, tức kho chứa đồ rơi và chuồng nhốt chó đi lạc. Sau đó nhờ ông chủ nhà thuốc Nguyễn Văn Tri  giở ngôi đình tìm chỗ gởi và thỉnh tất cả hương án, bài vị, sắc phong đem về nhà, thờ trên lầu. Đến năm 1916, dân làng Bình Tạo tìm được một khoảnh đất ở đầu đường Vòng Lớn, nay thuộc đầu cầu Rạch Miễu, dựng lại ngôi đình như trước.

Nguyên tắc của “phú de” là khi thu nhận được một món đồ rơi rớt hoặc bắt được con chó chạy lạc thì phải giữ gìn nuôi dưỡng cẩn thận rồi thông báo cho người đến chuộc. Nhưng bọn quản lý thường tìm cách thủ tiêu đồ đạc và đem chó ra trấn nước làm thịt. Hàng đêm nghe tiếng chó tru trên nền đình Bình Tạo, địa điểm linh thiêng của làng nên dân đem lòng oán hận nên gọi cây cầu ở đây là cầu “trấn nước”. 

Kinh Nicolas theo thời gian bị bùn lấp cạn dần. Hai bên bờ cỏ lau rậm rạp. Đến năm 1927, kỹ sư người Pháp Partilény lập đề án cải tạo kinh Nicolas thành hồ chứa nước. Kế hoạch nầy chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một, hàn kín hai đầu kinh, phá cầu Nicolais. Giai đoạn hai, thuê 300 nhân công vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Gò Công… nạo vét và dùng xe rùa chở đất lấp các chỗ trũng trong thành phố. Kế hoạch dự định trong 7 tháng sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, thời điểm nầy các phong trào đấu tranh của công nhân lao động đang được khởi xướng. Tại chợ Mỹ Tho nổ ra nhiều cuộc biểu tình. Do bận đối phó với tình hình trên và không có nhân công làm việc nên công trình này đến năm 1933 mới hoàn thành. Theo ông Phạm Văn Xuyên, ở ấp Bình Trị, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, vào năm 1932, ông có tham gia các cuộc biểu tình ở Mỹ Tho và bị bắt phạt làm xâu một tuần. Lúc ấy giếng nước đã đào gần xong. Nhóm làm xâu của ông thực hiện công việc đẩy xe chuyển đất di nơi khác và tu sửa bờ giếng hoàn chỉnh.

Giếng chia thành hai ô. Giếng nhỏ nằm sát sông Tiền, hình vuông mỗi cạnh khoảng 150 mét. Giếng lớn phía trong hình chữ nhật, dài 800 mét, rộng 150 mét. Đầu giếng nước, sát bờ rạch Bảo Định có chợ Thạnh Trị. Ngôi chợ được lập khoảng năm 1954. Tại đây xưa có bến đò qua làng Thạnh Trị, tục gọi là bến đò Thạnh Trị. Đây cũng là khu vực dân cư sinh sống lâu đời, thời Pháp thuộc đã có nhà máy ép dầu dừa, lò heo…

Nguyễn Ngọc Phan
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 91)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 291
  • Khách viếng thăm: 287
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 53249
  • Tháng hiện tại: 2285799
  • Tổng lượt truy cập: 46253032