Khi còn bé, vốn rụt rè nhút nhát, sáng sớm lại níu áo mẹ lên chiếc xe thổ mộ của anh Hai Ích, tôi còn nhớ đó là một con ngựa thật đẹp, có cái bờm đen giữa trán và bốn chân tuyền trắng. Bến xe đến chợ Phan Thiết ở một con đường sau chợ có mấy chiếc thổ mộ chạy đường Phan Thiết - Mũi Né.
Ông bà ngoại làm nghề sản xuất nước mắm với sáu "lều", tên gọi của cái thùng gỗ ốp bằng cây rừng, chằng dây mây cao đến tám mét. Cứ mỗi lần thuyền cá về bến, cậu bé sáu tuổi ngẩn ngơ nhìn "bạn ghe" vác từng cần xé cá cơm lóng lánh ánh bạc, leo thang đổ vào "lều" cùng với một lớp muối phủ trên mặt. Sáu tháng sau, từ cái vòi phía dưới thùng, những giọt nước mắm đầu tiên đen sánh được chắt chiu, vì đó chính là nước nhỉ.
Từ cửa sổ nhà ngoại, nhìn sang phía bên kia sông là một đồi cát buồn hiu, loáng thoáng hàng dương cao vút, nghĩa trang gia đình tôi nằm ở đó.
Một góc TP.Phan Thiết về đêm
Thời ấy, nước mắm không đựng trong chai, trong thùng như bây giờ, mà đựng trong một cái tĩn bằng đất nung, trên có nắp bằng gạch gắn lại bằng xi măng non. Từ Phú Hài chất các tĩn theo lối Kim Tự Tháp, thuyền rời bến và mãi bốn ngày sau mới cặp bến Vân Đồn, Sài Gòn. Kho hàng gia đình tôi là nhà số 238 Bến Hàm Tử, đối diện với chân Cầu Móng, phường Cầu Ông Lãnh, quận Một bây giờ.
Có lần mẹ đến bên cạnh tôi, chỉ cây thập tự màu trắng đứng thinh lặng trong nắng úa biển chiều và nói:
- Mộ của bà ngoại kìa.
Và như một cơn sóng biển bạc đầu, mấy năm sau đó, mẹ lại nằm kế bên ngoại, mẹ tôi mất khi còn rất trẻ.
2. Trong chuyến du khảo ra đảo Phú Quý lần nầy, tôi có tâm trạng của một người tìm về lối xưa, bồi hồi xúc động như câu thơ của Nguyễn Đình Liên:“Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ”.
Năm 2006, giỗ mẹ, tôi có về ngôi nhà xưa rêu phong, giờ do anh cô cậu họ tôi quản lý, cậu Ba tôi ngày xưa vẫn thường gọi là cậu Hộ, vì ông giữ chức Bá Hộ (kiểu Trưởng thôn bây giờ).
Phan Thiết của tôi đang thay da, đổi thịt từng giờ, những cao ốc thương mại vươn lên tầm cao mới, bến cảng nhộn nhịp ghe thuyền và những con phố nhỏ lộng gió biển chiều vẫn còn đó những biệt thự trầm mặc, dấu chân Bác Hồ vẫn còn đó với ngôi trường Dục Thanh. Nơi đây, trên con đường bôn ba hải ngoại, chàng trai xứ Nghệ dong dỏng cao, mắt sáng như sao trời trong chiếc áo dài vải ta, đôi guốc vông mộc mạc đã dừng chân, như câu thơ của Huy Cận:
“...Trường Dục Thanh vang vọng vẫn nghe
Tiếng thầy Thành dạy trẻ xưa kia.
Bác ơi, nước mất đau lòng Bác
Bác gọi lòng dân, nước lại về ...”.
(Trích “Những cột buồm cao”)
Lúc ấy, tại Phan Thiết đã có trường Tiểu học Pháp Việt, do đó lúc khởi đầu chỉ có vài chục học sinh, dần dần đã tăng lên con số 126 học sinh theo học bốn lớp. Vào thời ấy, đây là một sĩ số đáng kể.
Nguyễn Tất Thành được ông Nghè Mô đưa vào Phan Thiết và dạy tại trường Dục Thanh. Thầy Thành chuyên dạy lớp Nhì và lớp Ba, thỉnh thoảng cũng có dạy lớp Nhất và lớp Bốn. Thầy dạy môn Pháp văn và Toán, cũng có khi thầy lên lớp môn Hán văn.
Sáng sớm, sau bài tập thể dục, học trò xếp hàng vào lớp, thầy luôn cho hát chung "Bài ca ái quốc" để mở đầu tiết học có những câu:
“Nước ta từ đời Hồng Lạc
Mấy ngàn năm khai thác đến nay
Á Châu riêng một cõi nầy
Giống vàng ta cũng xưa nay một loài”.
Bằng chiếc chuông tay, thầy Thành rung lên học trò mới được phép ngồi, thầy ngồi ở bộ bàn trà chính giữa, bên phải có cái bảng đen.
Ngày nghỉ, thầy Thành lại hướng dẫn học trò đi dã ngoại theo mô hình của hướng đạo sinh, có trò chơi trí tuệ, có học thắt nút dây và cả học tín hiệu truyền tin trên biển như Morse và đánh thủ hiệu bằng cờ (Truyền tin tàu biển).
Thầy Thành năm ấy mới 20 tuổi, là giáo viên trẻ nhất trường Dục Thanh, những giờ rỗi rảnh, người ta vẫn thường thấy thầy ngồi soạn giáo án ở ngọa du sào. Và cũng chính nơi đây, thầy đã soạn cho mình một chương trình hành động vô cùng vĩ đại đầy gian khó là lên tàu sang Pháp, với hành trang chỉ có hai bàn tay trắng và một ý chí kiên cường, đã bắt đầu một chặng đường dài 30 năm, xuyên qua nhiều quốc gia với hơn nửa vòng quay của quả địa cầu từ Việt Nam sang Pháp, Ý, Nga và cả một vài nước của châu Phi...
Trường Dục Thanh thời ấy chính là chiếc cầu chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới, nhân dân vẫn còn duy trì áo dài khăn đóng, guốc mộc, chính thầy Thành là người đầu tiên anh dũng đứng lên cổ xúy việc cắt tóc ngắn, mặc âu phục.
Người thầy trẻ Nguyễn Tất Thành, hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở hải ngoại đã trở về với nước, với dân trên cương vị Chủ tịch nước, vẫn như ngày nào, cách sống, nếp sống của một nhà giáo thanh bạch, vẫn là nề nếp đơn sơ giản dị của Người.
4. Phan Thiết bây giờ đã trở nên một đô thị loại II, theo thống kê, mức sản xuất ngành hải sản của Phan Thiết đứng hàng thứ hai sau Tuy Hòa và tiềm năng du lịch đang được đưa vào khai thác thu hút vốn đầu tư nước ngoài.Sau sáu giờ hải hành, tôi đã đến đảo Phú Quý, một huyện đảo cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (hơn 100km), cách quần đảo Trường Sa 540km về hướng Đông Bắc, có diện tích 16km2.
Phú Quý còn có tên gọi là Cù lao Thu (do có nhiều cá Thu), là đảo có tiếng có nhiều đặc sản đáng kể để biệt nạp cho Triều đình Huế. Đảo được đổi tên tổng Hạ thành tổng Phú Quý, trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận từ niên hiệu Thiệu Trị thứ tư.
Trong quá trình khai phá, người ta đã tìm được nhiều di chí văn hóa, chứng tỏ rằng Phú Quý đã hình thành từ rất sớm, ảnh hưởng đến nền văn hóa Chăm không ít, truyền thuyết công chúa Chăm tên Bàng Tranh bị vua cha đày ra đảo vẫn còn được lưu truyền.
Về lịch sử nước ta, tương truyền trong chuyến đưa công chúa Huyền Trân ra gả cho vua Chăm, trên đường đến Châu Lý (Phan Rí) do biển động, công chúa Huyền Trân có ghé qua đảo, đến nay vẫn còn đền thờ ở phía Nam đảo.
5. Đối với riêng tôi, quê ngoại lúc nào cũng là cái nôi êm ấm, sóng bạc, cát vàng, trời xanh, biển rộng lúc nào cũng là những kỷ niệm ngọc ngà thời thơ ấu... Phan Thiết, ở đó còn có nghĩa trang gia đình tôi trên đồi cát thông reo, gió lộng mỗi chiều, tiếng sóng biển thì thầm vẫn là tiếng gọi tìm về chốn xưa ngọt ngào với biết bao gợi nhớ của một thời ... một thời đã xa.
Ý kiến bạn đọc