VNTG - Thói thường ở đời thì duyên nào nghiệp đó, song cũng có khi nghiệp nọ duyên kia vô chừng. Đối với nhà văn Đoàn Giỏi, đọc lại tiểu sử của ông, hình như cũng không thoát khỏi qui luật này.
Một thanh niên lớn lên ở vùng quê Tân Hiệp, xuất thân từ gia đình họ Đoàn nổi tiếng, trong thân tộc có người từng được hàm Đốc Phủ sứ. Nghe nói thời niên thiếu ông đã từng theo học ở trường Mỹ thuật Gia Định. Khi Cách mạng tháng Tám thành công và rồi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho chính quyền Việt Minh, còn ông thì tham gia kháng chiến, làm trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc ở quận Châu Thành. Năm đó ông vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ để có thể làm lãnh đạo ngành Công an vốn dĩ rất phức tạp trong những ngày đầu lập chính quyền .
Đoàn Giỏi đi theo kháng chiến vì lòng yêu nước, không làm chánh trị, chức vụ cao nhất của ông thời chín năm kháng chiến là Phó trưởng Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá, chưa đầy một năm rồi cũng chuyển sang làm văn nghệ ở tạp chí Lá Lúa thuộc Chi hội Văn nghệ Nam bộ. Kể cả cái duyên của mấy năm học trường Mỹ thuật cũng không đưa ông đến nghệ thuật tạo hình để có một ông họa sĩ hay nhà điêu khắc Đoàn Giỏi. Cái nghiệp văn chương của ông đã được báo trước từ cái duyên gặp gỡ nhà văn Hồ Biểu Chánh hồi năm 17 tuổi.
Còn cái duyên đưa tôi gặp và được hầu chuyện với ông là nhờ biết...
uống rượu.
Trong số những nhà văn tập kết ra Bắc, dường như Đoàn Giỏi về Nam hơi muộn. Sống ở Sài Gòn một thời gian, những ngày sau Tết Đinh Mão, năm 1987, Đoàn Giỏi về Mỹ Tho cùng sinh hoạt với anh em văn nghệ sĩ Tiền Giang. Cũng trong cái Tết năm đó, nhà thơ Lê Hà dẫn ông về thăm Cai Lậy. Lúc này nhà văn Đoàn Giỏi dường như có tâm sự, uống rượu nhiều. Tôi, như đã nói ở trên, nhờ biết uống rượu nên được phân công tiếp. Ông bảo bọn hậu bối chúng tôi gọi bằng chú Năm cho thân mật.
Đối với Cai Lậy, dấu ấn in đậm trong ký ức nhà văn Đoàn Giỏi là đình Mỹ Trang, nơi những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông đã từng ở đây cùng ông Hai Phấn và các đồng chí mở lớp huấn luyện quân sự cho lực lượng võ trang địa phương. Sáng ngày 23 tháng 12 năm 1945, mặt trận Kinh Xáng - Xoài Hột thất thủ, ta hối hả thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến. Đến trưa, giặc Pháp hành quân tiến đánh chợ Cai Lậy. Trên đường hành quân, chúng phát hiện lớp huấn luyện quân sự ở đây nên đã đốt ngôi đình, hiện người dân vẫn còn gọi tên Miễu Cháy.
Nếu tính theo tuổi tác khai trên giấy tờ thì sau bốn mươi năm về thăm chốn cũ, Đoàn Giỏi đã bước vào tuổi lục tuần. Tóc bạc phơ, thỉnh thoảng miệng hơi méo vì bị chứng tổn thương dây thần kinh số 7. Thời bao cấp, về tỉnh được đi xe hơi nhưng túi không có tiền, nên mâm rượu thường là đạm bạc, có khi chỉ có đậu phộng rang, cũng có thể do thói quen nhắm rượu với lạc rang hồi còn trên
đất Bắc.
Ghé thăm Xí nghiệp Chăn nuôi 30 - 4 đóng ở xã Hội Cư, giám đốc là người khoái nhà văn nhà báo, nghe báo hôm trước, hôm sau đã chuẩn bị sẵn, cho làm thịt vài con heo sữa quá lứa không thể xuất chuồng, đem quay đãi khách. Bữa tiệc thịnh soạn là thế, nhưng bác Năm Đoàn Giỏi chỉ gắp được vài miếng, nhắm với rượu, rồi chống đũa đăm chiêu. Tâm trạng dường như bị chế độ tem phiếu chi phối. Nhà văn hưởng lương nhà nước như ông cùng lắm trong dịp Tết được phân phối vài ký thịt là cùng, còn thịt heo sữa quay gần như là món hàng xa xỉ. Tiệc tàn ông không khách khí, gợi ý chủ nhà gói vài miếng đem theo lên xe nhắm rượu. Ông giám đốc sai người chặt hơn ký thịt quay gói trong giấy báo, đổ đầy bình toong rượu. Trên xe, chúng tôi bốc thịt quay, nốc rượu, kể đủ thứ chuyện trên đời.
***
Trở lại cái duyên của ông và nhà văn Hồ Biểu Chánh. Trong lúc trà dư tửu hậu nhắc chuyện cố hương, tôi bảo tạp chí Nam kỳ Tuần báo số xuân Quý Mùi năm 1943 có đăng truyện ngắn Nhớ cố hương. Ông rất mừng, cho biết đây là truyện ngắn đầu tay của ông, tất nhiên bản thảo đã thất lạc từ lâu.
Nhớ cố hương là câu chuyện kể về cậu bé tên Kính, nhà nghèo, sớm mồ côi cha, phải đi ở đợ để trừ món nợ sáu đồng cha nó còn thiếu lại. Chiều cuối năm, trong không khí rộn ràng mua sắm tết, tiếng cu kêu, cậu bé nhớ nhà nên quyết định bỏ trốn về quê mặc dù trong túi không có tiền lại không nhớ đường về. “Đêm đã sang canh ba, trời còn đầy bóng tối, gió tháng chạp thổi từng hồi lạnh lắm, nhưng nó cũng cố trốn đi”. Hai ngày liền, Kính đói khát rồi ngã gục bên đường, trong mơ nó nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ anh trai và những người thân: “Nó sung sướng quá kêu to: Cố hương! Cố hương! Kính bỗng giật mình vì lạnh lắm, sương xuống thấm ướt áo quần. Nó nóng lắm, miệng khô và lưỡi cứng đờ ra. Tuy thế, nhưng nó cũng cố nằm lỳ, mắt mờ lệ, nức nở: “Lạy trời cho tôi lại thấy cố hương lần nữa”. Và nó nhắm mắt lại, cố níu lấy giấc mộng vừa tan”...
Câu chuyện kết thúc có hậu theo kiểu “tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh”. Một phụ nữ xinh đẹp giàu có đi chiếc xe hơi lộng lẫy chạy ngang, thấy tội nghiệp bèn dừng xe, chở nó về kiếm thuốc cho nó uống, dự định đưa nó về quê ăn tết “làm phước không mất đâu mà sợ”. “Xe hơi chở Kính mà chạy vùn vụt trên đường cái”. Và trong khung cảnh ấy, tác giả kết. “Một đàn chim kêu vui vẻ trong cảnh chiều xuân”...
Ít có người nhớ dai, nhất là khi người ta đã phải trải qua quá nhiều thăng trầm thời cuộc như nhà văn Đoàn Giỏi. Cái “kết thúc có hậu” trong truyện ngắn đầu tay theo trí nhớ của ông đó là do nhà văn Hồ Biểu Chánh, tức Hồ Văn Trung - Chủ nhiệm Nam kỳ Tuần báo, sửa bản thảo cho phù hợp với không khí ngày xuân. Nhà văn kể, sau khi báo phát hành, ông đến tòa soạn ở số 5, Rue de Reims - Sài Gòn (nay là đường Lê Công Kiều, Quận 1, TP. HCM) nhận nhuận bút thì mới gặp được nhà văn Hồ Biểu Chánh và chính nhà văn đã trao đổi với ông về cái sự chỉnh sửa bản thảo ấy.
Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ trở lại Cai Lậy và cũng là lần cuối cùng, bởi sau đó một năm thì sức khỏe ông càng ngày càng yếu. Song, tôi cũng đã kịp thực hiện lời hứa với ông, chụp lại bản thảo truyện ngắn Nhớ cố hương gởi cho ông làm kỉ niệm. Hai năm sau, ăn xong cái Tết con rắn 1989, ông Năm Đoàn Giỏi qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, mang theo nhiều ấp ủ dự định chưa thành.
Ý kiến bạn đọc