Đi trong chiến trường miền Tây Nam bộ

Đăng lúc: Thứ hai - 27/04/2015 14:14

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đã đổi tên chiến dịch giải phóng miền Nam thành chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 18-4-1975, chúng tôi đang làm báo Văn nghệ giải phóng ở Lò Gò, Tây Ninh thì có lệnh của Hoài Vũ phụ trách báo mời 3 phóng viên: Hà Phương, Phùng Đức Thắng và tôi lên gặp, điều đi chiến trường miền Tây Nam bộ. Thế là chúng tôi nhanh chóng thu xếp lên đường…
Nhà thơ Hà Phương và nhà văn Trần Thị Thắng chụp ảnh ở báo Văn nghệ giải phóng Lò Gò Tây Ninh ngày 18/04/1975

Nhà thơ Hà Phương và nhà văn Trần Thị Thắng chụp ảnh ở báo Văn nghệ giải phóng Lò Gò Tây Ninh ngày 18/04/1975

Chiều tối 19-5-1975, đoàn đến Bến Cầu bên sông Vàm Cỏ Đông. Người giao liên đưa chúng tôi lên thuyền, chiếc đèn chai để đầu mũi che kín phía trên, tránh máy bay do thám. Khi xuồng nổ máy xuôi dòng Vàm Cỏ Đông thì bắt gặp hàng trăm xuồng chở đầy vũ khí và quân chạy kín mặt sông. Một cảm nhận đang vào chiến dịch đánh lớn hơn bao giờ hết, rồi lại một cảm giác mới: Tay đang chạm tới hòa bình để người người đi xuôi về ngược trên sông nước của mình.

Sáng sớm đoàn lên Đồng Chó Ngáp, giao liên dặn chúng tôi: Các o theo tôi phải đi gấp, có máy bay trinh sát là dừng, tránh để chúng phát hiện sẽ cho A37 đến thả bom. Tôi nhận ra tiếng Nghệ An, anh gầy gò mà đi như thổi, ba anh em bám đuổi cứ vã mồ hôi. Trưa trên Đồng Chó Ngáp khát đến khô cổ nổ họng. Giao liên dẫn chúng tôi đến một vũng nước, ai nấy uống thoải mái, lấy đầy bình toong mang theo. Chiều chiều tới Bến Lức, cảnh tượng hoang tàn và chết chóc hiện lên sau một trận càn vừa qua được ba ngày. Những người đàn bà khóc bên mộ con. Một gia đình vừa khóc vừa vái năm hình nộm rơm thay cho năm đứa con vừa bị chết trong trận càn lớn vào Bến Lức. Vậy là chúng tôi lại chạm tay vào chiến tranh một cách khốc liệt.

Mấy chiếc lán mới dựng còn thơm mùi cỏ tranh, cả ba nằm trong lán chờ sáng sớm xuất quân. Không ai nói lời nào khi nỗi đau của dân chúng còn vương vất 60 giờ qua chưa thể nguôi ngoai. Đoàn được phát nắm cơm ăn sáng và xuống xuồng thì được phổ biến: Đường đi còn rất xa phải đi vòng qua mấy tỉnh để đến đích. Xuồng nhỏ bơi qua con lạch, cây chàm lúp xúp, ven lạch là những đội quân về ngay Long An: giáo dục, an ninh, bộ binh hành quân bộ, chân quần ướt sũng nhưng ai cũng phấn khởi, đó là những “hùng binh chân đất” vì nhiều người dép sút quai đeo lên bồng, chân không lội nước. Đi ra lạch lớn chúng tôi mới đi bằng xuống máy, đến gần các cứ điểm thì bơi tay tránh tiếng ồn. Trên gò cao, những quả pháo, hay cối bắn xuống kênh, tất cả ngồi bình tĩnh mặc cho xuồng chòng chành chao đảo là mình còn nguyên vẹn.

Qua vùng pháo, cối, người giao liên kể cách đây mấy tuần anh cũng chở nhà văn Nguyễn Đình Thi về Bến Lức để ra Bắc, trong cảnh pháo, cối bắn như vầy. Anh chốt lại lời kết: May mà “nhà văn lớn” không làm sao, có làm sao thì đoàn em lại bị phê bình kỷ luật nặng. Ở đây chẳng có cách nào tránh pháo, cối trên kênh rạch khi xuồng cứ đi, cối trên gò cứ bắn xuống. Đoàn phải vòng qua Đồng Tháp về Kiến Tường đến Long Định  gần giồng Nhị Quý thuộc tỉnh Mỹ Tho nằm phía Bắc sông Tiền. Các chốt giao liên nấu cơm, bắt cá nấu canh lá dang, kho cá cho chúng tôi vào ăn. Lần đầu tiên  được ăn bữa cơm cá trên Đồng Tháp mang dáng dấp bữa cơm miền Tây có cả những đọt cây dại, ăn vừa ngon vừa đậm chất Nam bộ.

Khi đặt chân lên vùng Long Định, giao liên nói: Đây là vùng công giáo mới giải phóng đêm qua. Bà con đứng trong nhà giơ bàn tay vẫy chào chúng tôi. Sau chặng đường đi bộ, lên xuồng đi men theo sông Tiền về hướng giồng Nhị Quý để về kênh Nguyễn Văn Tiếp. Xuồng đi trên  kênh Nguyễn Văn Tiếp, một bên là Cai Lậy, một bên là Cái Bè. Trên kênh thi thoảng những con cá sấu đói giương mắt nhìn xuồng chúng tôi bơi qua.

Chiều 29-5-1975, cả bốn chúng tôi đi bộ trên vườn điều thuộc vùng Cai Lậy. Những chiếc bát vỡ, nồi méo quắt, gáo dừa phơi sương nắng đã bở tung cùng với con búp bê mắt trợn ngược nhìn trời như oán trách sự tàn phế của một vùng đất vốn sầm uất, đông người ở, vườn điều thẳng tắp chạy dài xa xa. Vậy mà trở nên hoang vắng đến dễ sợ. Anh Thanh nói đây chính là ấp xưa trù phú, bị địch gom dân vào ấp chiến lược nên thành đất bỏ hoang. Trở về tiểu đoàn bộ, chúng tôi gặp chính Tiểu đoàn trưởng Ba Hùng tay chống sào chở nước ngọt về. Anh Thanh nói nhỏ với tôi: Thấy các chị đã dũng cảm đến với dân đánh vùng lộ 4 mà chúng tôi chưa một lời động viên, nên anh chở nước ngọt về cho cả đoàn tắm rồi xung trận vẫn chưa muộn. Tôi được biết Ba Hùng là “con hùm xám” mà vùng chiến thuật 4 ở đây nghe tên anh đều khiếp sợ. Ít phút sau ba anh em tôi còn nhận được từ liên lạc viên một bọc hạt điều nướng, bắp non luộc. Người lính trẻ ấp úng nói: Của thủ trưởng em gửi các chị ăn cho vui.

Tối đó các anh hành quân áp sát lộ 4, 3 giờ đêm chúng tôi xuống xuồng áp tải về nhiều thương binh và tiểu đoàn lại ém quân hai bên Cai Lậy, Cái Bè. Trận đánh gặp sự kháng cự khốc liệt của đối phương. 9 giờ sáng, 11giờ trưa 30-4-1975, trực thăng quần đảo trên đầu và sau đó là những dụ chiêu hàng cùng đọc lời tử thủ của Trung tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 4 (Đồng bằng sông Cửu Long). Có lời tử thủ trên là do Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 4 lập “mật khu”. Trong tay có 3 sư (đủ) 7, 8, 9 cùng ½ triệu Địa phương quân nằm trên toàn tuyến ở đồng bằng sông Cửu Long. Siết nhỏ hơn là vành đai Alpha xung quanh Cần Thơ với sân bay Trà Nóc. Khả năng xấu nếu không giữ được Cần Thơ thì “mật khu” dựa vào vùng biên giới Campuchia với dãy núi Thất Sơn cùng đông đảo tín đồ Hòa Hảo. Họ tìm kiếm nước lớn viện trợ và bảo trợ cho đội quân này. Chính vì vậy mà đêm qua chúng tôi áp sát lộ 4 bị lực lượng quân Chi khu Mỹ Tho đánh trả ác liệt hơn bao giờ hết mong giữ phòng tuyến ĐBSCL.

11 giờ 30 phút khi Tướng Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng trên đài, tiểu đoàn của Ba Hùng vẫn ém quân, còn dân chúng thì nổ máy, cho xuồng chạy trên kênh Nguyễn Văn Tiếp rầm rầm, nhiều xuồng kiếm đâu súng M16 bắn lên trời như mưa đạn. Bà con gom quần áo trở về làng cũ ngay từ trưa 30-4-1975. 5 giờ chiều họp tác chiến trước khi xuất trận, nửa tiếng sau có tin báo về: Tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Sư trưởng Sư 7 bộ binh từng lừng danh “con chiến mã phi nước đại ở ĐBSCL” đã uống thuốc độc tự tử 5 giờ chiều 30-4-1975. Mỗi người một nắm cơm vắt đeo bên người, ăn cơm chiều mà ai cũng vui quá vì tin chiến thắng từ Sài Gòn dội về dù không ăn cũng cảm thấy no. Tiểu đoàn phó Thanh nói với tôi: Chúng ta giải phóng  Sài Gòn thì tình hình chiến sự ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ khác, có lợi cho xuất quân hôm nay. Chúng tôi đang tiến hướng lộ 4 về Mỹ Tho (nằm phía Bắc sông Tiền), lúc 21 giờ thì nghe tin Chuẩn tướng Lê Văn Hưng tự sát. Từng là Tư lệnh Quân đoàn 3, Quân khu 3, sau phụ trách lực lượng phản ứng kịp thời rồi về phụ tá Quân đoàn 4, Quân khu 4 cho tướng Nguyễn Khoa Nam. Sở dĩ tướng Hưng tự sát khi biết tin tướng Hai tự mình quyên sinh khi chiến sự bế tắc. Người cầm đầu ý tưởng “mật khu” là Nguyễn Văn Thiệu đã ra nước ngoài không một lời từ biệt. Sự bỏ rơi của nước Mỹ đối với Tổng thống Thiệu làm ông luôn oán trách người Mỹ nhưng người Mỹ đã để lộ trình từ bỏ Thiệu cho ông  “tự cường” nhưng không làm được điều đó thì ông thất vọng, đổ lỗi. Còn ông đối với “mật khu” thì lặng lẽ ra đi, bỏ rơi cả một triệu quân (kể cả Địa phương quân (do Tỉnh trưởng chỉ huy), Nghĩa quân (do Quận trưởng chỉ huy) thì sao?  Để mấy vị chỉ huy chỉ còn cắn răng mà chịu và tìm đến cái chết. Không ai khuyến khích cái chết như vậy, những người tự vẫn kia  tự tìm lối đi ích kỷ, bỏ lại nỗi đau cho gia đình và xã hội, trách nhiệm đó có một phần của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Những diễn biến xấu cho Quân lực Việt Nam cộng hòa đang diễn ra từng giây từng phút, còn quân giải phóng đang tiến vào các thành phố của đồng bằng sông Cửu Long như vũ bão. 10 giờ đêm chúng tôi đi theo xe tăng trên lộ 4 tiến vào thị xã Mỹ Tho. Một mũi tiến theo hướng bể nước phía Bắc cũng đang tràn vào. Xe tăng đối phương khựng lại khi xe tăng ta tiến, bộ binh mạnh mẽ tiến cùng. Xe tăng ngụy lùi, ta tiến, đến một ngã ba xe tăng địch chẽ và nằm khựng lại giơ cờ trắng. Tất cả cùng tiến vào thành phố. Giao liên dẫn nhóm phóng viên vào nhà tỉnh trưởng. Người nấu bếp già tiếp chúng tôi, ông múc những tô cháo gà đặt lên bàn và nói: Thấy gia đình tỉnh trưởng chuẩn bị đồ đạc rút chạy, tôi bắc nồi cháo gà bự lên bếp. Khi tỉnh trưởng đi, tôi mở cửa đón bộ đội bị thương ốm đau vào ăn cháo cho lại sức rồi anh em đi đánh tiếp. Nhìn thấy tay chân tôi run rẩy, ông múc ít cháo lên chén nhỏ và nói: Ráng bê lên húp một chút cháo nóng là đỡ liền. Tôi làm theo như cái máy vì cả chân và tay run rẩy làm tôi không còn chủ động được chính mình. Một lát sau ông cho tôi lên lầu nghỉ ít phút. Phòng ngủ của vợ chồng tỉnh trưởng ngổn ngang ảnh vợ chồng cùng  trẻ con. Tôi vơ toàn bộ ảnh bỏ lên ghế để lấy lối vào, dẫu sao cũng là ảnh của một gia đình thua trận. Tay quơ vội trên giường xem có lựu đạn cài dưới đệm rồi đặt lưng nằm tạm. Một lúc sau đỡ run chân tay, chúng tôi lại xuống đường tiến về Chi khu Mỹ Tho. Dọc đường bà con nấu cơm cho binh sĩ đối phương ăn la liệt bên đường, những đống quần áo lột ra vứt thành đụn, súng ống cũng được gác cả đống. Tới Chi khu Mỹ Tho, những người lính Cộng hòa bị thương đang được băng bó, cùng đó là những chiến sĩ quân giải phóng bị thương anh em chăm sóc, chỉ có điều khác nhau là quân giải phóng còn mũ tai bèo bên vai, quân đối phương máu loe loét đổ đầy trên áo sơ mi. Khung cảnh bên trong Chi khu ngổn ngang quần áo ngụy vứt, súng ống quăng thành bãi. Những bao gạo sấy vỡ tung tóe do đối phương dùng làm bờ chắn đạn. Ngoài cổng treo lên đó lá cờ trắng giữa chính biển Chi khu. Kết thúc trận đánh là hàng ngàn binh sĩ ngụy được xe đò chở dọc lộ 4 về tận làng ấp. Chỉ trong  một đêm họ đã là người dân được hưởng hòa bình ngay trên mảnh đất của mình. Đi vòng quanh Chi khu, ánh đèn vàng phủ lên căn cứ một sự bình an, không còn tiếng súng. Những căn cứ quân sự xây kiên cố giờ như thừa ra trong cảnh hòa bình. Cả ba phóng viên chúng tôi hít thở không khí hòa bình ngay trong khu căn cứ quân sự hiện đại, nơi cửa ngõ thứ hai (thứ nhất là Long An) bước vào “mật khu”, nơi phòng tuyến cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Đoàn được đưa về Ban Tuyên huấn tỉnh, hơn 5 giờ sáng đã nhận tin Trung tướng Nguyễn Khoa Nam, người cuối cùng chỉ huy “mật khu" đã tự sát dù 90% dân số đất đai đã giải phóng. Đồng bằng sông Cửu Long  được giải phóng trọn vẹn sau Sài Gòn 24 giờ tức là 11 giờ 30 trưa ngày 1-5-1975  ĐBSCL mới hoàn toàn giải phóng.

7 giờ sáng 1-5-1975, chúng tôi ra trước mặt thành phố Mỹ Tho sông nước để cầu hòa bình. Bà con kéo ghe, xuồng đến đậu kín cả mặt sông rộng, trải dài ôm thành phố. Trái cây cắm trên sào trên mũi xuồng, hương khói lan tỏa khắp vùng sông nước. Sáng ngày 1-5-1975, lễ cầu hòa bình ở Mỹ Tho lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi đâu đó vẫn còn tiếng súng lẻ tẻ giao tranh. Ngày 3-5-1975, ba  phóng viên chúng tôi trở lại Sài Gòn trên xe đò thong dong đi lại. Qua Long An về Sài Gòn bằng hai cầu Tân An, Bến Lức. Khi còn chiến sự, Tỉnh trưởng Long An Đại tá Nguyễn Văn Năm đề nghị cho nổ tung hai cầu để cản bước tiến của quân giải phóng. Tướng Nam ra lệnh không phá cầu để lực lượng Sài Gòn về “cố thủ” tại “mật khu” Thất Sơn, hy vọng ấy không xảy ra khi mà các tướng lĩnh cấp cao Sài Gòn lo cao chạy xa bay trước ngày 30-4. Vậy là miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi về Sài Gòn chỉ có mấy tiếng đồng hồ xe đò. Khi vào chiến dịch, chúng tôi phải đi vòng qua mấy tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Kiến Tường mới về Cai Lậy để tiến về Mỹ Tho mất 9 ngày đêm. “Hòa bình muôn năm!”. Bỗng cả ba chúng tôi hô vang khi ô tô dừng tại 190 Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), nơi đại bản doanh của báo Văn nghệ giải phóng.

Trần Thị Thắng
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 67)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 312
  • Khách viếng thăm: 306
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 16066
  • Tháng hiện tại: 537346
  • Tổng lượt truy cập: 60887484