Về Lý Sơn tế những vong hồn trên biển

Đăng lúc: Thứ ba - 24/04/2012 09:15
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - nghi thức tế lễ đậm nét văn hóa dân gian tri ân đội hùng binh Hoàng Sa.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - nghi thức tế lễ đậm nét văn hóa dân gian tri ân đội hùng binh Hoàng Sa.

Cách nay hơn 200 năm, tại thôn Phú Long có gia đình họ Huỳnh quê ở xứ Quảng đến lập nghiệp. Mấy mươi năm sau chi họ Huỳnh này làm ăn khấm khá, bà mẹ và 5 đứa con muốn trở lại thăm quê cũ. Nhưng thuyền ra biển rồi mà vài ba năm sau tin tức vẫn biền biệt khiến cháu con lo ngại viết thơ dò hỏi, sau đó biết được chuyện chẳng lành xảy ra nên lập sáu ngôi mộ gió, thờ phụng cúng giỗ. Địa điểm sáu ngôi mộ gió bây giờ gọi là “xóm mả một mẹ năm con” ở ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy.

 Tục đắp mộ gió, táng hình nhân thế mạng phổ biến nhiều vùng trên đất nước ta, nhưng không đâu bằng huyện đảo Lý Sơn. Bởi ở đây ngoài những ngôi mộ gió của ngư dân bị tai nạn mất xác trên biển còn có những quân binh các đội Hoàng Sa, Trường Sa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

 

1. Huyện đảo Lý Sơn có tục danh là cù lao Ré. Ré là một loại cây giống chuối nước, lá như cây nghệ, dùng để lấy sợi buộc rất bền. Ở Nam bộ người ta hay lấy rễ cây ré đem sắc uống chữa đau bụng. Cù lao Ré đã được cư dân Việt khai thác hàng trăm năm trước, sách Phủ biên tạp lục chép rằng “Quảng Nghĩa Bình Sơn huyện, An Vĩnh xã, đại hải môn ngoại hữu sơn danh cù lao Ré, quảng khả tam thập dư lý, cựu hữu Tứ Chính phường đậu cư dân, đậu điền, xuất hải tứ canh khả đáo. Kỳ ngoại đại Trường Sa đảo cựu đá hai vật bác hóa, lập Hoàng Sa đội dĩ thái chi, hành tam nhật dạ thủy đáo, vị nãi cận cư Bắc hải chi xứ. (Ở ngoài cửa biển lớn thuộc địa phận xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi có một hòn núi mang tên cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm. Ngày trước có cư dân phường Tứ Chính lập ruộng trồng các thứ cây đậu, ra biển (chèo thuyền) đi bốn trống canh thì đến. Ở ngoài (cù lao Ré) có đảo Đại Trường Sa ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán khắp nơi nên có lập một đội Hoàng Sa để thu nhận hải vật. Đi ba ngày đêm mới đến được đảo đại Trường Sa ấy, như thế đảo Đại Trường Sa đã đến gần xứ Bắc Hải(1).

Theo Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt thì vào khoảng đầu thế kỷ XVI, cư dân Việt từ vùng đất liền tỉnh Quảng Ngãi đã di chuyển ra cù lao Ré sinh sống. Đó là những ngư dân An Vĩnh xã và An Hải xã trong vùng cửa biển Sa Kỳ ra lập hai phường, tức làng nghề đánh cá, lấy tên An Vĩnh phường và An Hải phường trực thuộc đơn vị hành chính đất liền. Nhóm người đầu tiên hiện được dân đảo Lý Sơn tôn làm tiền hiền, nghe nói có 15 họ lớn gọi là “thất tộc, bát hiền”. Vào năm Gia Long thứ 3 (1804) An Vĩnh và An Hải mới được tách ra thành hai thôn độc lập(2).

Tên gọi Lý Sơn đã có khá lâu, Đại Nam nhất thống chí từng nhắc “Ở phía đông Lý đảo, huyện Bình Sơn...” khi mô tả về Vạn lý trường sa hay bãi cát vàng, tức quần đảo Hoàng Sa. Hai đơn vị hành chính trên đảo này cũng trải qua nhiều thay đổi tên gọi. Thời Pháp thuộc, đảo Lý Sơn được gọi là Paulo Canton, hiểu là tổng, lại đặt đồn Lý Sơn trực thuộc tỉnh, có một viên Bang tá coi về quân sự. Người Pháp cũng đã từng nhập Lý Sơn vào thành phố Đà Nẵng trong những năm 1950. Từ năm 1954 đến năm 1975, đảo Lý Sơn có hai xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc quận Bình Sơn. Sau năm 1975, hai xã vẫn giữ nguyên tên cũ. Đầu năm 1993, huyện Lý Sơn được thành lập, hai xã Bình Vĩnh và Bình Yến đổi tên là xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải. Mãi đến năm 2003, tên gọi truyền thống An Vĩnh, An Hải mới được phục hồi; Đồng thời do đặc thù nằm ở một hòn đảo cách biệt, thôn Bắc xã Lý Vĩnh tách lập thành một xã gọi là xã An Bình. Huyện hiện tại Lý Sơn có ba xã An Vĩnh, An Hải,
An Bình.

Sản vật bắp luộc, bánh ít lá gai gói bằng lá bàng vuông… của quê hương đất đảo Lý Sơn được người dâng thành kính dâng cúng tri ân đội hùng binh Hoàng Sa trong ngày lễ Khao lề. Ảnh: Nguyễn Văn Minh.

Trải qua thăng trầm thay đổi, cây Ré trên đảo Lý Sơn hiện còn rất ít. Đi khắp đảo chỉ gặp tỏi và bắp. Tỏi là hàng hóa đặc sản có thể giúp người dân trên đảo xóa đói giảm nghèo. Bắp là lương thực dự trữ phòng khi biển động gạo từ đất liền không chuyển ra được. Đất hẹp, người đông, diện tích tự nhiên chưa tới 1.000 ha, mật độ dân số trên 2.000 người/km2, cao gấp 8 lần so với mật độ dân số trung bình của tỉnh Quảng Ngãi. Nhà cửa san sát, tập trung đông nhất ở xã An Vĩnh. Vùng biệt lập, tối ngủ không cần phải “đem xe vô nhà, khóa cổ cẩn thận”. Giữa biển khơi, con người dễ cảm thấy cô đơn, nên người dân Lý Sơn rất hiếu khách, gặp nhau lần đầu, họ có thể mời đến nhà chơi.

2. Xưa vùng này có nhiều người làm nhiệm vụ trong hải đội Hoàng Sa do chúa Nguyễn lập. Sách Phủ biên tạp lục cho biết, đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh bổ sung vào. Mỗi năm vào tháng giêng họ nhận lệnh vua luân phiên nhau đi biển làm sai dịch ở đảo Hoàng Sa, mỗi người được cấp phát 6 tháng lương. Họ chèo những chiếc thuyền câu nhỏ, đi ba ngày đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Đến tháng tám, họ trở về cửa Eo (tức cửa Thuận An) rồi đến Phú Xuân trình nạp các vật thu lượm được. Với những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, ròng rã nửa năm trời lênh đênh sóng nước, những chiếc thuyền nhỏ thường xuyên đối mặt với gió to, sóng lớn, cái chết luôn rình rập. Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thủy thủ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây hay dây ré, 1 thẻ tre khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu. Nếu không may người thủy thủ qua đời thì những đồng đội còn lại trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ vào trong manh chiếu, dùng thanh tre nẹp dọc rồi lấy dây buộc chặt lại đem thả xuống biển. Người còn sống cầu nguyện với hy vọng rất mong manh rằng thi thể người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được thì nhờ vào chiếc thẻ tre mà biết tên họ quê quán...

Nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi về được, dù chỉ là một nắm xương tàn!

Trở lại chuyện mộ gió. Quan niệm của người Việt, “sống có cửa có nhà, thác có mồ có mả”. Không tìm thấy di hài để an táng, người thân của họ sau thời gian mòn mỏi đợi chờ, họ sẽ mời thầy pháp làm lễ cúng gọi hồn và làm phép nhập hồn vào một hình nhân thế mạng. Người ta lấy đất sét đắp một hình nhân có kích thước như người thật, lấy cây dâu tằm ăn làm xương, tơ tằm làm gân. Cành dâu chẻ đôi xếp vào bụng tượng đất làm xương sườn: Đàn ông 7 nhánh, đàn bà 9 nhánh. Lấy đất đen nhào cho dẻo nặn thành lá gan. Mọi bộ phận của con người, từ mắt, mũi, miệng, tai... đều phải đầy đủ như người thật rồi dùng lòng đỏ trứng gà quét lên xem là lớp da người. Tượng nặn xong được mặc quần áo cùng với đồ liệm, linh vị đặt trên mặt, rồi khiêng đặt vào quan tài, mời thầy pháp làm nghi thức chiêu hô, gọi hồn người chết về nhập vào. Người thân và xóm làng đưa quan tài đi chôn cất trong khu mộ gió với đầy đủ các nghi lễ về tang chế theo phong tục.

Trong tiếng nhạc bát âm, tiếng trống, hàng ngàn người dân đất đảo đã chứng kiến lễ thả thuyền trên biển trong ngày lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Minh.

 Trên đảo Lý Sơn khu mộ gió là một nghĩa địa không xác người của đội lính Hoàng Sa. Còn các linh hồn thì nương tựa ở ngôi miếu Âm Linh tự. Những người có chức vụ công trạng thì có miếu thờ riêng như miếu thờ và ngôi mộ gió của Cai đội Phạm Quang Ảnh. Ông là Khâm sai Cai Cơ dưới triều Gia Long, một chức vụ có thể chỉ huy đến 500 lính. Năm 1815-1816, ông được lệnh vua ra Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, dựng bia chủ quyền. Lần cuối cùng ra đảo gặp bão tố, bị chìm ghe và mất tích. Vua Gia Long ra lệnh làm chiêu hồn, lập mộ gió để tưởng nhớ, ghi công. Tộc họ Phạm có nhiều người đi lính Hoàng Sa, trong nhà thờ họ còn lưu giữ câu đối thể hiện chí khí và lòng trung thành của dòng họ vì đất nước:

Trung can huyền nhật nguyệt

Nghĩa khí quán càn khôn.

Ngoài ra còn có ngôi mộ gió của ông Suất đội Phạm Hữu Nhật đến nay vẫn còn nguyên vẹn và được người dân Lý Sơn tự hào nhắc mãi.

Hữu Nhật và Quang Ảnh còn được đặt  tên cho hai đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa.

 

3. Mộ gió gắn liền với tục cúng “Khao lề thế lính”, một lễ thức của cư dân vùng biển với tín ngưỡng thờ chiến sĩ trận vong, ở đây là những người lính đi làm nhiệm vụ ở đảo Hoàng Sa thuở trước:

Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về.

“Khao lề thế lính” gởi chút niềm hy vọng cho người sắp bước xuống thuyền mà số phận của họ gắn với trời mây và biển cả, mong cho người ra đi còn may mắn trở về. Bài văn tế lính Hoàng Sa có đoạn viết: “Cúi nghĩ: Cõi u minh khó lòng tưởng tượng, chất trong chất đục phong hóa từ đầu. Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây, hướng đi mơ màng dễ dàng lạc bến. Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu: Thủy phủ khiến sức nước ngưng, buổi sáng trong veo như trang điểm, cho hồn các vị tựa hàng tiên. Tiếng sóng động đông dài, tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt, ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được
hàm ơn”.

Hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày những người lính của Hải đội Hoàng Sa chuẩn bị xuống thuyền, các tộc họ trên đảo thực hành lễ “Khao lề thế lính”, với ý nghĩa cầu mong cho người ra đi được bình yên trên biển dữ.  Ngày 20 là ngày chánh tế, tương tự như lễ hội Kỳ yên ở đình làng, trước khi vào phần chánh lễ, chiều hôm trước người ta tiến hành lễ túc yết, gọi tắt là lễ yết, nhằm báo cáo với các vị thần linh ngày hôm sau là đại lễ. Theo quan niệm dân gian, những người chết mà chưa hết nghiệp được xếp vào dạng cô hồn nên khi hành lễ phải thực hiện ở ngoài sân. Trong lễ yết, thầy pháp đội mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài điều hành việc cúng tế, nặn những hình nhân bằng bột gạo, hoặc bện bằng rơm rạ.

“Thiên sinh ư Tý, Địa sinh ư Sửu, nhân sinh ư Dần” (Trời sinh ra vào hội Tý, đất mở vào hội Sửu, người sinh ra vào hội Dần), đến nửa đêm, vào giờ Tý, lễ tế chính sẽ được thực hiện kéo dài đến rạng sáng. Trong lễ Khao, pháp sư thỉnh vong hồn những người chết vì đi làm nhiệm vụ trên biển và các âm hồn những người chết sông, chết biển khác cùng đồng lai phối hưởng. Lễ vật cúng tế gồm trầu, rượu, vàng mã, thịt heo, xôi chè và lễ vật bắt buộc là 1 con gà, 1 con cá nướng, 1 con cua và món gỏi cá nhám. Đặc biệt trên đàn lễ bày thêm muối, gạo, củi, mắm, nồi niêu… là những thứ mà lính Hoàng Sa hay những người đi biển phải mang theo trên thuyền. Trong nhà người ta cũng tiến hành lễ cúng ông bà, tổ tiên, và các thần linh độ mạng. Còn những người đã tử nạn vì đi lính Hoàng Sa được thiết linh vị bằng giấy hồng đơn, có ghi tên họ, đặt trên đàn cúng, phía trước có một cây nến thắp sáng. Lễ Khao kết thúc khi thầy pháp khấn cầu các thủy thần trả linh hồn người chết về với tổ tiên, và đốt các linh vị cho linh hồn được siêu thăng. 

 

Trong lễ “thế lính”, thuyền lễ là một chiếc bè chuối dài khoảng chừng 2 mét. Người ta gắn lên bè một con thuyền làm bằng tre và giấy ngũ sắc, mô phỏng thuyền buồm dùng để đi biển. Trong thuyền có các đồ lễ như vàng mã, muối, gạo, nếp nổ, chè xôi, gỏi cá nhám, cua, cá nướng, đầu, chân, huyết, lòng gà và nhang đèn, là những thứ được chia ra trên đàn cúng. Người ta làm ba hoặc bốn hình nhân bằng bột gạo, sau này được bện bằng rơm, hoặc bằng giấy, đội nón gõ, áo kẹp nẹp. Nếu có bốn hình nhân thì đặt ở bốn góc thuyền, còn ba hình nhân thì đặt ở đầu, giữa, cuối mạn thuyền. Số lượng và cách đặt hình nhân vừa mang dáng dấp của bả trạo chèo thuyền trong lễ hội Cầu Ngư vừa ảnh hưởng tục cúng thế của người Chăm: Ba hay bốn là con số biểu trưng chồng, vợ, con trai, con gái, là nam, nữ, đực, cái…theo quan niệm có âm có dương.

Suốt thời gian tế lễ những người sẽ đi biển làm nhiệm vụ phải đứng hầu bên đàn thờ. Sau khi thầy pháp cúng tế và làm các nghi thức bùa phép, đọc chú trước đàn thờ, gửi tên tuổi “thổi linh hồn” người đi biển vào hình nhân, với sự xác tín những hình nộm kia sẽ chết thay (thế) cho người lính những rủi ro bất trắc. Sau khi thầy pháp đặt các hình nhân vào thuyền, lễ tiễn đưa bắt đầu với cờ, phướn, những người khiêng thuyền lễ, thầy pháp, tộc trưởng và đoàn người gồm bà con trong tộc họ, có cả những người trong làng, cùng đội chiêng trống. Ra đến bến, thầy pháp khấn vái thần linh bốn phương, thuyền lễ sẽ được thắp đèn rồi được thả xuống nước. Cuộc lễ thường kết thúc khoảng 3 giờ sáng. Trưa hôm đó, sau phần tiệc đãi đằng sẽ có lễ tạ trong nhà lẫn ngoài sân, do tộc trưởng và các chi phái thực hiện.

 

Lễ “thế lính” suy cho cùng xuất phát từ lòng yêu thương của những người trong đất liền đối với người thân sắp lênh đênh trên biển, trong đó chứa đựng niềm hy vọng rất mong manh rằng đã có hình nhân “thế mạng”, thì Long vương sẽ không bắt mất người thân của mình về cõi
vô minh.

 4. Xa về phương Nam. Không nơi đâu từ dãy đất miền Trung đến tận cùng Tổ quốc, tín ngưỡng thờ thần phù hộ người đi biển đậm chất nhân văn và đông đúc các vị thần. Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục, Tống Thiên Quốc sư, Đại Càn quốc gia Nam Hải... là các vị thần phù hộ những chuyến vượt biển vào Nam khai khẩn. Nam Hải tướng quân (Cá Ông) là vị thần phù hộ nghề đánh cá, thêm truyền thuyết bà Thiên Y A na dạy dân đánh cá và đã hóa ra sóng gió nhận chìm đoàn tàu xâm lược của thái tử Bắc Hải. Rồi Thủy Long thần nữ là vị thần sông nước theo ý niệm của người Việt, phân công thêm là vị thần của đất cù lao, hải đảo, thần ao, giếng ở những vùng nước sinh hoạt khó khăn... Cùng với những vị thần có sắc phong và không có sắc phong, càng đi về phương Nam càng có sự biến đổi cho phù hợp với phong khí vùng đất mới, song người ta vẫn không quên những người tử nạn trên biển mà linh hồn còn trôi dạt đâu đó, dù là những ngư dân hay những lưu dân đi tìm đất sống hoặc những người lính đi làm nhiệm vụ bảo vệ hải đảo xa xôi... Những ai bỏ thây ngoài biển cả, họ xác tín rằng đã theo quân Thủy đạo Trường Sa.

Hơn nửa thế kỷ trước, ở vùng Tiền Giang cư dân những ngôi làng có gốc gác từ vùng Ngũ Quảng đều có miếu thờ Thủy đạo Trường Sa và hàng năm đều tổ chức cúng tế. Ở đây người ta cũng duy trì tục cúng thế, nhưng hình nhân trên những chiếc bè mang tính chất của tục tùy táng, bài vị thường ghi tên Văn Hầu, Văn Cận, ý nghĩa gởi người phục vụ. Cũng có pháp sư hành lễ với đầy đủ nghi thức: Xướng, tán, thỉnh... ca ngợi công đức, mời về dự lễ... Thêm nghi thức đậm tính nhân văn là tụng kinh cầu siêu cho những người theo đội quân Thủy đạo Trường Sa mà linh hồn còn trôi dạt đâu đó giữa biển khơi sớm đầu thai siêu thoát.

 Trại viết Biển đảo quê hương, tháng 3-2012

 

1. Phủ biên tạp lục (đoạn 1, quyển 2, tờ 78-79a). Đại Trường Sa đảo được Lê Quí Đôn mô tả tức là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

2. Đơn phường An Vĩnh xin tách ra khỏi xã An Vĩnh lưu tại nhà thờ họ Phạm Quang, Lý Vĩnh (Dẫn theo Đặng Trung Hội - Nguồn gốc và chức năng đội Hoàng Sa - http://www.qdnd.vn)

Nguyễn Ngoc Phan
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 185
  • Khách viếng thăm: 184
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 21985
  • Tháng hiện tại: 2254535
  • Tổng lượt truy cập: 46221768