Lạc trong miền nhớ

Đăng lúc: Thứ năm - 13/11/2014 07:00
Cậu trở về xóm cồn sau những ngày rong ruổi ngược xuôi, cậu đứng trầm ngâm nơi bến đò Tân Long vội vã. Chợt cậu thấy xóm cồn trong cậu dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tiềm thức. Từng chuyến đò ngang vẫn chở bao chuyến người đi mỗi bận. Có người rời bến đò quê vì cái gánh nặng áo cơm. Và cũng có người như ngoại vẫn ngày ngày mấy lượt đi về trên đôi quang gánh oằn trong sương sớm.

Đã bao lần cậu theo ngoại qua sông gánh gồng bán bưng. Nhớ có lần, cậu mãi nhìn những cánh lục bình trôi tím cả một khúc sông quê. Cậu mải mê đến nỗi dáng ngoại cứ hòa vào dòng người trên phố. Cậu òa khóc giữa người xe ken dày mặt phố. Cũng may cho cậu, có bác hàng xóm dắt tìm ngoại trong hàng nước mắt rưng rưng. Xóm cồn trong cậu là những chiều lặng lẽ ra bến đò chờ dáng ba về trên chiếc xe cà tàng đã rỉ màu sơn. Là những lúc theo mẹ nhặt ve chai dọc bến đò Tân Long. Là những lần trốn ngoại tắm sông móc sình chọi nhau; là những lúc hùa nhau bám vào mấy chiếc đò qua sông trong những buổi chiều nhập nhoạng.

Cơn mưa chiều qua phố không ngăn nổi cậu tìm về với xóm cồn. Một chị bán chè nói câu nghe tỉnh bơ: "Em ơi mua giùm chị vài bọc chè. Sáng giờ mưa rả rích chẳng bán buôn gì được hết." Cậu chẳng thích ăn chè, tự nhiên cậu thấy áy náy trong lòng. Giống kiểu mình tự nhủ: "Ừ, mình không mua cũng chẳng sao?". Nhưng cậu chợt thấy đắng lòng. Nếu cậu không mua thì biết đâu, ở nơi nào đó trong lòng thành phố. Các con chị lại ăn chè thay cơm, lấy tấm ván làm bảng con để học... Dáng chị thập thững hòa vào cơn mưa chiều giăng phố.

Cậu đưa mắt nhìn về phía xa, nghe rêu phong phủ đầy năm tháng. Con người ta thường vụng về trước những cuộc hạnh ngộ bất ngờ. Hơn nửa đời người cậu làm người của phố. Xóm cồn xưa cũng nhá nhem theo ngày tháng dần qua. Nhiều lúc nghe đứa bạn than: "Trời ơi, sao tao nhớ quê mình quá mày ơi. Nhớ xóm cồn nghèo khói chiều bay lãng đãng, nhớ cái quán cóc quen đường mỗi lần đi học về, nhớ cả những chiều lẽo đẽo theo ngoại chèo xuồng hái bông điên điển dọc bờ sông…". Cậu nói quâng quơ: "Nhớ sao không về?". Bạn nói, về sao được. Còn học hành, công việc đầy nhóc ở đây?

Bằng cái cớ đó, những chuyến đò lại oằn mình đưa những đứa con xóm cồn xa hàng trăm cây số. Cho nên ở đó, mỗi sáng cậu lại thấy những chiếc xe chật đất chật người lặng lờ lướt qua nhau. Rồi những ngày cuối tuần cậu ngồi một mình nơi quán vắng. Nhìn những lòng đường chật nứt người dưng. Cậu lại nhớ xóm cồn mình da diết.


Minh họa: Thanh Tiên

Cậu đưa mắt nhìn về phía cuối chân trời. Làn gió sông Tiền rào rạt thổi qua. Cậu bước đi trên con đường ngày ấy, cái lối dẫn về xóm cồn nghèo thuở ấy. Từng làn khói bốc lên từ những mái nhà vẽ lên nền trời những hình thù kì dị. Hình như lâu lắm rồi cậu mới thấy khói! Khói làm mắt cậu cay xè. Tiếng trẻ con xóm cồn í ới gọi nhau như phá tan dòng suy nghĩ trong cậu. Cậu qua ngõ nhà bác Tư, cái cổng rào vẫn đóng kín bưng từ ngày nhỏ Hồng lấy chồng xứ người rồi biệt tăm biệt tích. Rồi thằng Nam cũng ly hương cái cảnh “mấy đời bánh đúc có xương”.

Cái khoảng đất trống ở xóm cồn giờ đã mọc lên những ngôi nhà mới. Chẳng còn những buổi chiều thả diều, đánh trận giả cùng nhau, chẳng còn những khi tạt lon rôm rả. Ngọn cỏ gà bên đường vẫn dửng dưng đung đưa trong gió. Cậu khẽ ngắt ngọn cỏ xoay xoay. Cậu thấy dường như có cái gì đó đang lắng xuống rất chậm.

 Xóm cồn vẫn vậy! Chỉ có kẻ đi người ở cho lòng thêm nợ. Cho nên mỗi khi mưa về vắng tanh lại nghe những tiếng chửi thề lóc cóc: “Mẹ bà nó riết rồi cái xóm cồn này chỉ toàn người già với trẻ con”. Như có lần cậu định về ở hẳn mà cứ nghĩ đến ngôi nhà mơ ước của đứa em thì lòng cậu lại chững lại.

Nước sông Tiền cứ lững lờ vun đắp phù sa theo từng con nước lớn ròng. Xóm cồn cũng lặng lẽ chở che ôm ấp những đứa con về trên chuyến đò cuối ngày về xứ sở. Một  tin nhắn rung lên: “Ngày mai tao cũng về quê…”.

Một sớm, từng nụ bình minh bung trải khắp nơi. Chuyến đò trong buổi sớm mai cứ hòa vào phố thị xôn xao. Bến đò Tân Long lại rộn ràng như thường nhật, xóm cồn lại thức đón bình minh. Dẫu mưa về ngang phố…

Nguyễn Chí Ngoan
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 64)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 97
  • Khách viếng thăm: 90
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 8334
  • Tháng hiện tại: 1459779
  • Tổng lượt truy cập: 45427012