Nhớ về dòng sông quê hương

Đăng lúc: Thứ ba - 18/11/2014 07:00
Một sáng chủ nhật, trời mát mẻ theo từng làn gió dịu êm. Tôi lang thang trên con đường quê quen thuộc ngắm nhìn khung cảnh quê hương. Dọc theo con đường, từng hàng cây nghiêng mình như vẫy gọi. Cái cảm giác thân thương, gần gũi quay về. Từng kỉ niệm tuổi ấu thơ bên con sông quê với dòng nước hiền hòa trôi theo ngày tháng diễn ra trong trí nhớ của tôi. Con sông quê ngày xưa sao yên bình
quá đỗi!

Tuổi thơ của đám con nít quê tôi gắn liền với cánh đồng, dòng sông và những hàng cây râm bóng mát. Còn nhớ, lúc tôi học cấp hai, tôi và mấy đứa trong xóm thường ra mé sông chơi nhà chòi. Rặng trâm bầu du dương tiếng gió thổi như một khúc nhạc trữ tình ấm áp. Chúng tôi ngồi trên gốc cây, cùng nhau trò chuyện, đứa thì thả chân xuống dòng nước, nghịch nước tung tóe làm chúng tôi phải di dời gốc cây khác.

Có những cây ván ngựa lâu năm, thân cây hai đứa ôm không xuể. Gốc cây có hình rất đẹp và nhiều nhánh, đám trẻ thường hay tranh ngồi những chỗ êm và suôn rồi tựa đầu vào thân cây. Cảm giác thiệt là thích. Đặc biệt rễ cây cắm vào lòng sông tạo nên một vòm tròn, khá rộng và sâu làm chỗ cho những chú cá trê, cá lóc có một chỗ ở lý tưởng. Anh Hai On, một tay bắt cá chuyên nghiệp, luôn trông chờ vào những gốc cây này khi mùa nước cạn. Thế nào trong bữa đi bắt cũng đem về vài con cá trê vàng, trê trắng ngon lành cùng những con cá sông khác.

Cuộc sống vùng quê yên bình với thức ăn đạm bạc mà thiên nhiên ban tặng. Tôi và mấy đứa trong xóm thường trầm mình dưới sông để bắt ốc và trai sông. Khúc sông vốn vắng vẻ bỗng nhộn nhịp hẳn lên khi chúng tôi tranh nhau bắt ốc. Đứa nào cũng giành vào hai mé sông, vì trong mé có ốc nhiều hơn. Mà đông người nên chúng tôi chia mỗi đứa một khúc bắt cho khỏi gây nhau. Nói vậy chứ đi bắt ốc mà một mình thì chẳng vui tí nào.

Tôi và nhỏ Ngân là thường hay đi bắt ốc nhất. Chúng tôi nhà sát bên, gia cảnh khác nhau nhưng rất thân. Thấy trời mát mát là hai đứa, mỗi đứa một cái thau với một cái rổ lội xuống sông liền. Loại thau bằng nhôm, cỡ trung bình là được. Thau trôi trước mặt, hai đứa mò ốc phía sau. Thích nhất là nghe tiếng “kẻng, kẻng” khi để ốc vào thau, nghe vui tai và hào hứng. Mà tiếng “kẻng, kẻng” của thau bạn kêu hoài, mình không bắt được thì cũng sốt ruột. Thường thì hai đứa bắt đoạn dài chừng vài trăm mét là được kha khá ốc, có khi đi xa chừng vài cây số cũng không nhiều lắm vì nhiều người đã bắt rồi. Sau một tuần là có thể bắt lại được. Nước lớn nước ròng cũng có thể đi bắt ốc. Nếu nước lớn, chúng tôi sẽ bắt hai bên mé sông, khi đó ốc sẽ đeo trên những đám cỏ mé sông, hay bám vào lục bình, ốc rất to và nhiều ốc bươu. Chúng tôi còn lấy rổ vớt được những con cá sặt hay lòng tong dưới những tán cỏ nữa. Nếu nước ròng thì sẽ mò ốc, tay chúng tôi chạm tới đất và bắt. Đặc biệt khi nước ròng thì bắt được trai sông, chúng ngoi lên trên đất khoảng ¼ thân mình, phải dùng ngón tay trỏ moi chúng lên. Nhất là thích bắt ốc khi nước lớn, tuy không nhiều nhưng được một bữa tắm sông thỏa thích.

Làng quê xưa đã đổi thay theo năm tháng. Những cánh đồng lúa được thay bằng những vườn cây ăn trái xum xuê. Nào là vườn sầu riêng, bưởi, nhãn... Mỗi thứ một ít phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện địa phương. Nhờ vậy mà người dân quê tôi thoát nghèo. Những ngôi nhà lá xụp xệ được thay bằng những ngôi nhà tường khang trang.  Con đường mòn ngày xưa đã không còn, thay vào đó là những con đường từ đá xanh đến đường đan sạch sẽ thẳng tắp. Xe cộ và người đi tấp nập nhộn nhịp hẳn lên. Và, con sông quê cũng mất đi vẻ đẹp yên bình của nó.

Nhìn cuộc sống của người dân quê mình đổi thay heo chiều hướng tích cực, tôi mừng thầm. Nhưng lòng tôi không khỏi bâng khuâng vì mất đi những cái vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là dòng sông quê, dòng sông của tuổi thơ tôi không còn nữa. (Con sông bây giờ chật hẹp bởi nó bị lấp đi một phần cho những hàng cây ven đường. Người dân lấy đất sông làm hàng rào, và xây cầu. Những khúc sông bị ô nhiễm thật đáng thương. Màu nước trong xanh mất đi vì ô nhiễm do thuốc trừ sâu, do rác thải của con người và do người ta chăn thả vịt, ngỗng. Cứ thế, hết xây cầu, lấy đất sông mà người dân vô tình làm con sông quê đổi khác).

Khúc sông ngay ngã ba là nơi mà bọn con nít chúng tôi thường ra sông chơi nhất. Xưa nó yên bình, mát mẻ với dòng nước mát, khung cảnh nên thơ với tiếng lau sậy xào xạc. Chúng tôi cùng nhau quay chong chóng dừa, cùng nhau nướng khoai. Vậy mà bây giờ, nó trở nên vắng vẻ. Bọn trẻ bây giờ toàn giải trí trên tivi, internet, cầm Ipad… và nhiều thú vui khác. Còn đâu những hình ảnh tuổi thơ của chúng tôi như ngày xưa nữa.

Con sông xưa gắn với người dân quê tôi. Lúc nhỏ, tôi thường thấy những chiếc lưới được giăng ngang sông. Đặc biệt vào mùa mưa, cứ trời lâm râm là đi giăng lưới. Mưa tạnh thế nào cũng được một mớ cá ngon lành. Cá rô, cá sặt là hay mắc lưới nhiều nhất, thi thoảng có cá trê, cá lóc và vài con cá chạch. Chủ nhân của cái lưới ấy thế nào cũng mừng trong bụng, vì hôm đó cả nhà được bữa cơm ngon lành. Thêm nữa, người ta thường hay đặt trúm bắt lươn hay đặt dến để bắt cá to. Chú Tư là có tài nhất trong khoản này (chú đắp một lằn đất ngang cửa sông, chừa một khoảng trống ngay miệng dến để nhử cá) Chú đập ốc giập giập hay bằm cá con rồi cho vào dến. Hôm sau thế nào cũng có lươn hay vài chú cá trê to to. Đặc biệt rất nhiều cá lau kiếng, con to hơn cầm tay. Loại cá này nướng hay chiên sả là ngon hết sẩy!

Bọn trẻ chúng tôi thì cũng có tài lẻ riêng, không biết giăng lưới làm trúm nhưng biết làm chụp. “Chụp” là một dụng cụ để bắt cá, có lưới khoảng một thước vuông được căng bởi bốn cây tre dùng thun hay dây gân cột lại. Cán chụp là một cây tre dài vừa tầm. Chụp vừa nhẹ gọn lại bắt được cá nhanh nhất nên hầu như nhà nào ở quê ngày xưa đều có. Anh Bảy tôi là người làm chụp đẹp nhất xóm, nên tụi con nít thường nhờ anh tôi làm giùm. Được cái anh rất nhiệt tình, và làm tỉ mỉ. Đám con nít hay rủ nhau đi chụp chung, có khi cả đám bỏ chụp dưới sông rồi chơi năm mười, vui lắm. Đôi khi đứa này đi học mà thấy đứa kia đi chụp là bực trong lòng. Không phải cảm giác ích kỉ hay ghen tức mà là muốn cùng nhau vui đùa, cùng nhau bắt những con cá tươi ngon cho bữa cơm chiều.

Ngày xưa không có nhiều điều kiện đi lại như bây giờ, nên người ta thường hay dùng ghe xuồng làm phương tiện. Lúc nhỏ, tôi hay theo mẹ đi chà lúa. Thường hai, ba nhà đi chung, vì nơi chà lúa khá xa, có xe đạp nhưng đường khó đi, phải đi xuồng vì chở nhiều mà đi đông cũng vui. Chiếc xuồng trôi nhè nhẹ trên sông nhờ đôi bàn tay chèo xuồng thoăn thoắt của mẹ và mợ Bảy. Đi chà lúa phải canh lúc nước lớn, chứ nước ròng rất vất vả vì xuồng bị “mắc cạn”. Tôi và con mợ Bảy ngồi giữa, lúc hát vu vơ, lúc thì tát nước khi nước vào trong xuồng.

- A, dừa nước kìa. Tôi reo lên!

- Mẹ, ngừng bẻ dừa nước ăn. Nhỏ Thái con mợ Bảy cười tít mắt khi thấy dừa nước.

- Khúc này nhà người ta, đợi lát khúc sông kia tha hồ mà chặt, mẹ có đem dao nè. Mợ Bảy lên tiếng.

- Thôi, chặt đi. Hai đứa tôi nhao nhao.

Mẹ tôi với mợ Bảy vẫn làm lơ, mặc cho hai đứa tôi tiếc ngùi ngụi trong lòng. Nhưng không sao, tới đường sông lớn là “của trời”, tha hồ chặt. Lần nào cũng vậy, đi chà lúa về là hai đứa tôi được mấy quày dừa nước. Dừa nước mọc ở ven sông rất ngon, nước ngọt và cái mềm ăn rất thích, vị ngọt mà không gắt, hương thơm dễ chịu, muốn ăn hoài. Bây giờ những hàng dừa nước đã không còn, người ta đã phá để cất chòi, trại cưa cây ven sông nữa.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người ít quan tâm đến thiên nhiên. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người ta làm tổn thương thiên nhiên vô tội vạ. Hy vọng có nhiều công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là những con sông quê hương, nơi lưu giữ nhiều kí ức tuổi thơ và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta. Người ta hay mong cho mình có “một vé về tuổi thơ” là vậy. Với tôi, những kỉ niệm bên dòng sông quê hương là nỗi nhớ da diết mà tôi muốn kiếm tìm trong cuộc sống hiện tại. Tôi muốn tìm cho mình một khoảng trời riêng, một chút yên bình, mà nơi đó tôi thêm yêu quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên. Nỗi nhớ về con sông quê cùng lũ trẻ thơ làm tôi nhớ lại những ngày tháng thơ ấu ngọt ngào.

Kim Chi
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 64)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 262
  • Khách viếng thăm: 243
  • Máy chủ tìm kiếm: 19
  • Hôm nay: 40274
  • Tháng hiện tại: 431122
  • Tổng lượt truy cập: 60781260