Tản mạn Ba Dừa

Đăng lúc: Thứ hai - 29/08/2011 16:24
Tản mạn Ba Dừa

Tản mạn Ba Dừa

Con rạch nhỏ, lưu vực rộng, tưới mát cả vùng cây ăn trái rộng lớn của cuộc đất ven sông Tiền. Có lẽ vì vậy mà ngày xưa, bọn khai thác thuộc địa của người Pháp đã lưu ý ghi vào tài liệu. Nó có tên là rạch Trà Tân. Ở chỗ nó chia ba, ngã rẽ về hướng bắc, có tên là Ông Bảo, bản đồ xưa gọi là rạch Bà Mương, rạch Bà Bang, không biết từ lúc nào bà đổi thành ông… Ngã xuống Long Tiên nhập vào rạch Ba Dầu, còn dòng nước đổ ra sông Tiền thì đi theo nhiều hướng, có chỗ đi tắt qua xã Hội Xuân, nhập vào rạch Ba Rài gọi là tắt Trà Tân và nhiều nhánh nối qua các con rạch nhỏ chằng chịt, ngoằn ngoèo, khó tìm nơi bắt nguồn, nơi kết thúc.

Nơi người ta nhớ nhất là rạch Trà Tân, có một ngôi làng cổ xưa nằm trên bờ rạch - làng Trà Tân, tên làng không theo qui củ tiêu chí đặt tên và ngôi chợ cùng tên rất cổ xưa, nay không còn. Năm tháng đi qua, người ta không nhớ và không cần thiết phải nhớ Ba Dừa là cái ngã ba có những cây dừa cao vút. Nên Ba Dừa tồn tại trong ký ức của mọi người là ngôi chợ, là cái đình được công nhận di tích quốc gia và xa rộng hơn là một vùng đất nổi tiếng qua câu hát thời chống Mỹ “ghé lại Ba Dừa ngọt vị sầu riêng”, hay qua lời truyền miệng với những căn cứ thiếu rõ ràng “cây kiểng cổ
Ba Dừa”.

*

Gần hai mươi năm trước, tôi đến vùng đất này làm phóng sự, ghi lại tội ác của một gã đồ tể trong chiến tranh chống Mỹ, và đặt cho nó một cái tên rất kêu là “Hùm xám Ba Dừa”. Ba Dừa thời chống Mỹ là vùng đất dữ. Trong chiến tranh, đất dữ không nhất thiết là nơi xảy ra những trận đánh ác liệt mà có khi nó là địa bàn cài răng lược, giằng co của ta và địch suốt cuộc chiến. Quân đội Sài Gòn đặt ở đây một chi khu quân sự nhằm kiểm soát con đường chiến thuật xuống bờ sông Tiền, đến tận Mỹ Tho. Một gã đồ tể lấy chuyện chặt đầu, mổ bụng, ăn gan Việt cộng làm thú vui, rành nghề giăng bẫy biệt kích được trọng dụng tại đây. Sát sườn hang ổ hắn lại là địa bàn đứng chân của ta: Ban Tuyên huấn tỉnh, Khu 8 và nhiều đơn vị lực lượng vũ trang, bộ đội chủ lực... Việc chia Long Trung Bắc-Nam vào năm 1971 có lẽ cũng do vị thế địa quân sự này. Và Ba Dừa trong máu lửa nhiều người biết đến.

Năm 1963, nhà văn Nguyễn Thi về Ba Dừa. Trong di cảo in lại lấy tên là Năm tháng chưa xa, ông đã ghi rất nhiều trang về con người, vùng đất này đồng thời viết cuốn Ở xã Trung Nghĩa chưa có hồi kết... Điều thú vị là những người còn sống sau chiến tranh lại phản ứng những điều ghi rất thật của ông, có người đòi kiện nhà xuất bản.

Có lần tôi được gặp bác Năm Cứ, họ Trần Thế, là người quen biết với Bùi Ngọc Thự ở Kỳ Lân báo của những năm 1930. Ông là trí thức miệt vườn, thuộc rất nhiều tên nhân vật trong các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ông cho biết, nhà văn Nguyễn Thi về Ba Dừa năm 1973. Tôi cãi lại, ông già đã nhớ sai, bởi nhà văn này hy sinh ở chiến trường Mậu Thân Sài Gòn năm 1968. Lần ấy tôi mang cả quyển Năm tháng chưa xa ra trích dẫn. Cách ghi chép của Nguyễn Thi tỉ mỉ đến nỗi, đọc lên người ta hình dung ngay chuyện đó xảy ra thời điểm nào. Bác Năm nghe xong, à một tiếng rồi nhắc chuyện “con mẹ địa chủ hói đầu” ghi trong tập sách.

Ngôi nhà địa chủ mà nhà văn Nguyễn Thi mô tả đó nguyên là nhà của một người họ Âu. Một nông dân giàu lên nhờ làm nhiều ruộng và cần cù, tiết kiệm, gần cuối đời mới đủ tiền cất nhà. Lúc khởi công, những người thợ mộc ăn cam quăng hột, cam mọc, đến khi ra trái mấy mùa mà ngôi nhà vẫn chưa hoàn thành. Năm đó, nước lụt, ông chủ nhà đi xúc gạo, không ngờ trong hũ gạo có con rắn hổ chui vào trốn nước. Ông bị nó cắn và qua đời khi chưa kịp ăn tân gia. Cơ ngơi chạm trổ hoành tráng mà con cháu lại nợ nần sạt nghiệp, về sau căn nhà được bán lại cho “con mẹ địa chủ hói đầu”, dòng họ Trần Thế, hồi nhà văn Nguyễn Thi về Ba Dừa vẫn còn, mấy năm sau bị bom pháo đánh sập.

Trở lại chuyện nhớ quên. Thật ra có những chuyện mình trật nhưng chưa hiểu hết nên cứ khăng khăng bảo người khác sai. Bác Năm không hề quên, bởi có hai ông Thi về ở đất Ba Dừa trong những năm chống Mỹ. Về sau khi đọc một quyển kỷ yếu tôi mới biết nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng có đến Ba Dừa. Tháng 3 năm 1973, Tuyên huấn Khu 8 về đóng ở xã Long Trung. Năm ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi vào chiến trường miền Nam cùng đi với nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định. Hai người được anh bảo vệ Tiểu ban Văn nghệ của Khu 8 cùng du kích xã dẫn đường ra vùng yếu (chi khu Ba Dừa) và lộ bốn để chụp ảnh, tìm hiểu thực tế. Căn cứ đóng ở vùng giáp ranh xã Hội Xuân vô tới chợ Ba Dừa bây giờ xe chạy chừng 15 phút, nhưng hồi đó đi bộ mất nửa ngày. Gian nan nhất là qua những chiếc cầu khỉ bắc qua những con rạch trong địa hình. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã có vài lần rơi xuống nước... Một kỉ niệm khó quên được anh bảo vệ Đỗ Hoàng Tiễn kể lại, khi đoàn dừng lại dưới gốc cây vú sữa, anh trèo lên cây hái quăng xuống cho hai người chụp, một lúc sau được một rổ vú sữa to, trái chín bóng lưỡng. Khi anh tuột xuống gốc cây thì thấy miệng hai người dính đầy sữa, và còn bảo sữa chát quá, không ăn được. Anh bấm bụng không dám cười, giải thích vú sữa phải tách đôi, ăn từ trong ruột ra chứ không phải cạp như ăn ổi. Nhà văn bảo từ trước đến giờ chưa ăn vú sữa lần nào nên không biết, còn đến quả sầu riêng thì hai người chịu thua vì không thể ăn được.

Ghi lại vài chuyện trên không phải để giải khuây lúc trà dư tửu hậu mà tự nhắc mình cái gì không biết thì nói là không biết. Và cũng tưởng nhớ bác Năm - đã
thành người thiên cổ từ nhiều năm trước.

*

Ba Dừa là vùng đất học. Ngoài họ Trần Thế của bác Năm, xã Long Trung còn có những kiếng họ nổi tiếng họ Nguyễn Đăng, tiền hiền khai khẩn và họ Hồ Đắc, hậu hiền khai cơ làng Mỹ Đông Trung. Chuyện các khoa bảng lưu danh hậu thế của hai họ này sẽ nhắc ở dịp khác. Nay xin nói về một nhân sĩ Nho học nổi tiếng ở đất Ba Dừa mà nhiều tài liệu ghi chưa nhất quán. Đó là Cử nhân Đặng Văn Thạnh. Sự mù mờ của thế hệ sau để lại hậu quả đáng buồn là khi đặt tên đường cho ông, có nơi ghi là Lê Văn Thạnh, có nơi ghi là Nguyễn Văn Thạnh.

Đặng Văn Thạnh tự Long Phủ, sinh năm Canh Thìn (1830) tại thôn Trà Tân. Tương truyền nhà ông nhiều đời làm nghề chế biến trầu cau nên khá giả. Năm 26 tuổi, Đặng Văn Thạnh vác lều chõng đến trường thi Gia Định ứng thí, đậu Cử nhân. Vì muốn cha mẹ, xóm làng vẻ vang, sau khi bảng hổ đề danh, ông lật đật quá giang thuyền ra kinh đô để nộp đơn vào thi hội, khoa Bính Thìn (1856). Thế nhưng “học tài thi phận” ông nộp đơn xin hậu bổ và được chọn tuyển làm chức Huấn đạo Kiến Hòa (Định Tường) trông nom việc giáo dục. Mấy năm sau, ông chuyển qua việc hành chính tại huyện Phong Thạnh tỉnh An Giang... rồi được bổ làm Tri huyện Tuy Phong (Bình Thuận). 

Lúc bấy giờ thực dân Pháp đã chiếm hết Nam kỳ lục tỉnh.  Vua Tự Đức sai Phan Trung vào Bình Thuận làm Điển Nông xứ, lập đồn điền khai khẩn đất hoang, đã bí mật tổ chức một đội ngũ tình báo liên hệ với Nguyễn Thành Ý, Chánh Lãnh sự cho nhà Nguyễn ở tại Gia Định. Mạng lưới tình báo này bí mật giúp đỡ các cuộc khởi nghĩa và thu thập tin tức gửi về cho triều đình. Đặng Văn Thạnh gặp Phan Trung mưu sự rồi lấy cớ còn mẹ già xin từ chức. Vua Tự Đức chấp nhận cho ông về hưu với hàm Văn Lâm Lang, Tùng Lục Phẩm. Sau đó, triều đình đã tạo thế hợp pháp, thỏa thuận cho ông về quê. Trước khi xuống thuyền, họ đã bí mật  giao cho ông nhiệm vụ chở một số súng đạn giấu kín trong khoang hầm. Không ngờ vừa đến Vũng Tàu thì địch đã biết tin và có người thông báo cho ông nên ông đã kịp thời thủ tiêu. Khi thuyền của ông vừa cập bến Gia Định, địch xét hỏi giấy tờ tùy thân và phát hiện ra ông nhưng lục soát trong khoang hầm thì chẳng có gì đáng nghi ngờ... Địch chỉ thắc mắc tại sao ông còn trẻ mà hưu trí, nên giam ông tại Gia Định một thời gian để theo dõi, rồi giao cho tên Việt gian Trần Bá Lộc ở Cái Bè bảo lãnh rước về dạy học cho con hắn là Trần Bá Thọ.

Chuyện Cử nhân Đặng Văn Thạnh ở tại tư dinh của Trần Bá Lộc để dạy học đã có nhiều tài liệu ghi chép, nay không nói lại, chỉ nhắc vài chuyện lúc ông ẩn cư tại quê nhà làng Trà Tân.

Trà Tân lúc bấy giờ là một làng sung túc ven sông Tiền. Năm nọ trong làng có lễ Kỳ Yên, hương chức hội tề tranh giành nhau việc lạy trước lạy sau, cãi vã mất đoàn kết nên đến năm Nhâm Thìn (1862) ấp Trà Thới vận động xin tách thành một làng riêng, đặt tên là làng Tân Thới. Làng Tân Thới cất một ngôi đình và một ngôi chợ tre lá ọp ẹp tại rạch Thuộc Đẹp. Làng có một ngôi chợ ở vị trí thuận thủy bộ nên sung túc hơn chợ Trà Tân. Làng Tân Thới đặt câu đối châm chọc: Chợ Trà Tân nhóm mấy bạn hàng. Thấy em cháu trong làng tiếp tục chia rẽ, nên Cử Thạnh đã khuyên: Đình Thuộc Đẹp lợp vài tấm lá.

Ở quê nhà, Đặng Văn Thạnh có hai người bạn, cũng là hai người anh vợ Trần Thế Kiên và Trần Thế Hội (tục gọi Bá hộ Hai và Bá hộ Ba) là những người đầu tiên trồng và chế tác cây kiểng (mà bây giờ hậu bối đặt tên là kiểng cổ Ba Dừa, song chẳng biết hình thù nó ra sao bởi chẳng còn phiên bản). Nhóm bạn của ông thường gặp nhau xướng họa thi thơ hoặc bình luận vấn đề nghệ thuật. Hai ông Bá hộ nổi tiếng giàu có, thi phú ứng đối lẹ làng, nhưng lại là người sợ vợ. Cử Thạnh bèn nhắc nhở:

Cái Tắc: hộ Hai với hộ Ba

Tánh hay trồng kiểng lại ưa hoa

Cái chi cái nấy ông không sợ

Ấy vậy mà kiêng chút  “bướm bà”

Đặng Văn Thạnh là người chân thật với bè bạn, tôn trọng người xưa xin ghi lại nguyên văn chuyện mình biết, không có ý xúc phạm bậc tiền bối của bác Năm Trần Thế Cứ.

Cử nhân Đặng Văn Thạnh mất ngày 6 tháng 7 năm Kỷ Hợi (1899). Nay cháu con rân rác khắp nơi nhưng ngôi mộ ông vẫn còn tại ấp 14, xã Long Trung.

*

Phương ngữ có câu “trong thì quáng, ngoài thì sáng”. Hồi mới giải phóng, cụ Đào Duy Anh tới Ba Dừa khăng khăng tìm gặp một người là ông Trương Tuấn Kiệt - vốn là thơ ký cho Ủy ban cách mạng xã Long Trung hồi chống Mỹ. Đâu ai biết rằng một thơ ký lại là nhà Nho học uyên thâm, đến nổi cây đa cây đề trong làng nghiên cứu Hán Nôm như cụ Đào Duy Anh phải lặn lội xuống tìm. Năm đó, kinh tế khó khăn, hai ông bạn thâm giao ngồi bên mâm cơm chỉ có cá lòng tong kho lạt chấm rau dừa tranh luận về chuyện dịch sách, dịch thơ.

Vùng đất học từ Cử nhân Đặng Văn Thạnh nối tiếp thế hệ thầy giáo Nguyễn Văn Ngợi rồi Hồ Đắc Thăng, cử nhân Tây học, Tiến sĩ Trần Hữu Thế, Giáo sư Trương Văn Kháng và nhiều trí thức miệt vườn ẩn cư... bây giờ lại gần như hết lộc. Năm 1985, hậu duệ của họ Hồ Đắc còn có các em Tâm, Trãi, Nhã, Thái là học sinh giỏi cấp tỉnh. Mấy năm nay không còn nghe ai nhắc.

Nơi ngã ba con rạch này còn nhiều chuyện hay ho lắm. Dâu bể trăm năm, tác động của thiên nhiên xem ra còn chậm hơn bàn tay con người, ngã ba đang lấp dần một ngã, dòng nước chảy qua cửa ngôi đình di tích cấp quốc gia nghẹt cứng lục bình và cỏ. Hậu quả của việc đắp đập, đắp đê chống lũ vô tội vạ không chỉ làm vườn đất bạc màu ô nhiễm mà còn hủy hoại đi nhan sắc một dòng sông. Tên Ba Dừa có lẽ chỉ còn là hoài niệm của những người luống tuổi, là dấu hỏi của các thế hệ mai sau.
Nguyễn Ngọc Phan
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 47)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Trần thế thông - Đăng lúc: 14/04/2022 19:51
Trần văn cứ chớ không phải trần thế cứ.
Avata
Trương thị diễm my - Đăng lúc: 20/08/2017 20:58
Con cũng là người cai lậy tiền giang, nhưng ở ba dầu, ba dừa thì quá thân thuộc, con rất thích đọc những chuyện về quê mình, có một số chuyện ở trên con có nghe người lớn kể ạ,ngoại con cũng làm giao liên nên hay kể những chuyện thời xưa lắm ạ, con cám ơn tác giả ạ.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 124
  • Khách viếng thăm: 115
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 5289
  • Tháng hiện tại: 286403
  • Tổng lượt truy cập: 67260894