Sài Gòn sau ngày giải phóng
Những ngày tháng 3 năm 1975, các sư đoàn của Quân đoàn 2 đều khẩn trương cho một chiến dịch lớn - chiến dịch mà như Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu Quân đoàn là “có tính chất quyết định để giải phóng những địa bàn quan trọng”. Chúng tôi cảm thấy tự hào là những người đi giải phóng các vùng đất của miền Nam. Nhiều người trong chúng tôi tranh thủ ghi nhật ký. Tinh thần lên rất cao. Bộ Tham mưu Quân đoàn 2 lên Động Truồi phía Tây Nam thành phố Huế, trong một khu rừng rậm, “đóng đô” tạm thời. Chúng tôi đào bếp Hoàng Cầm, bếp lớn cho trung và đại táo, bếp nhỏ cho tiểu táo phục vụ Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Bếp tiểu táo gần với hầm chỉ huy. Máy phát điện chạy suốt ngày đêm, các hầm chỉ huy đều sáng rực ánh đèn. Những đêm ở đây, hầm Tư lệnh Quân đoàn 2 của vị thiếu tướng trẻ, đẹp trai Nguyễn Hữu An lúc nào cũng có các vị trong Bộ Tham mưu Quân đoàn cúi đầu trên tấm bản đồ tác chiến, và đêm nào chúng tôi cũng chuẩn bị bữa ăn khuya khá tươm tất cho các vị.
Một đêm, chừng gần 12 giờ, tôi nghe tiếng các vị hét vào máy điện thoại, tiếng hét rất lớn. Chỉ chừng nửa tiếng sau thì tiếng pháo nổ không ngớt ở phía gần thành phố Huế. Sáng ra, nghe tin phần lớn lính Sài Gòn ở Quảng Trị rút chạy, lính ở Huế rất hoang mang. Thế là việc “lấy Huế” như lời Đại tá Hoàng Đan có thể trở thành hiện thực trong một ngày rất gần. Quả là như thế. Chúng tôi gấp rút rời Động Truồi để xuống Huế. Các cánh quân do các sư đoàn của Quân đoàn 2 như vũ bão, nhanh chóng đánh vào Huế, ngày 26/3/1975 thì Huế giải phóng. Lính Sài Gòn cùng với thân nhân giẫm đạp lên nhau, chạy bán sống bán chết về Ngã Tư Hiền để xuống tàu vào các tỉnh miền trong hoặc vào Sài Gòn. Lần đầu tiên, tận mắt nhìn cuộc sống của nhân dân thành phố Huế, thấy thương dân mình quá. Nhiều má ôm lấy bộ đội mà khóc, rồi hỏi thăm có biết con cháu các má đang ở đâu. Chúng tôi đành rưng rưng nước mắt. Làm sao biết con cháu của các má ở đơn vị nào, còn sống hay đã hy sinh?
Ngày 29 tháng 3 thì Quân đoàn của chúng tôi lấy luôn Đà Nẵng. Sáng ngày này, chúng tôi phải huy động cả những tài xế trong lực lượng của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, dùng xe GMC chở gạo, củi và thực phẩm để phục vụ Bộ Tham mưu Quân đoàn. Đến Đà Nẵng, chúng tôi tiến vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 3 của chúng. Tôi đến nhà bếp thì thấy các nồi cơm đã được nấu chín, một số món ăn đã làm xong, mới hay chúng chưa kịp ăn thì phải bỏ chạy. Trên đồi, phía sau nhà ăn có mấy xác lính máu còn tươi. Có thể chúng nó thanh toán nhau trước lúc thoát thân. Tại phòng Tư lệnh, tấm bản đồ vẫn còn trên bàn, giấy tờ vung vãi khắp nơi. Trong các nhà vòm, loại nhà có sàn gỗ, mái và vách bằng tôn dày, cuốn thành hình vòm, nóng không tả nổi. Nhiều dòng chữ bằng tiếng Anh viết lên bàn, lên tủ, lên vách. Thì ra lính Mỹ từng ở đây. Họ ghét chiến tranh. Điều bất ngờ là tờ báo tường được làm khá đẹp và những cuốn nhật ký của các sĩ quan khi chạy không kịp mang theo. Tôi đọc lướt, mới thấy tâm trạng vô cùng lo lắng của các sĩ quan trong những ngày ở Huế có biến cố. Tờ báo tường có những bài thơ khá hay. Tôi nhớ có mấy câu mà quên tên tác giả: “Ta mơ bước lại con đường cũ/ Phân trâu bò ngai ngái hương lan”, nói lên mơ ước của người lính về một quê hương thanh bình, không có chiến tranh. Đà Nẵng trong ngày đầu giải phóng vô cùng lộn xộn. Đâu cũng thấy quần áo lính, mũ lính, giày lính... vứt bừa bãi. Lính Cộng hòa tự lột quần áo để biến thành dân, vừa trà trộn trong dân, vừa chạy trốn. Thành phố tựa như một tổ ong bị vỡ.
Mẹ con ngày gặp mặt |
Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 4, đang giấc ngủ ngon thì có lệnh báo động. Chúng tôi bật dậy. Tham mưu trưởng Bùi Công Ái tập hợp toàn đơn vị, đọc bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút từng giờ, xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam...”. Thế là hơn 50 xe, vừa “Zin Khơ” của Liên Xô, vừa GMC của Mỹ tập hợp thành hàng dài, tiến thẳng về phía Nam. Các sư đoàn của Quân đoàn đã theo các mũi tiến công để đánh chiếm các mục tiêu được vạch sẵn, đã đi từ mấy hôm trước. Qua các tỉnh đã giải phóng, thấy du kích và đồng bào tràn ra đường reo hò. Nhưng đến địa phận Phan Rang thì phải chựng lại. Địch cố thủ ở sân bay Thành Sơn. Xe chúng tôi dừng lại ở một xóm ven thị xã. Tại đây, tôi tranh thủ viết một bài thơ về Đà Nẵng. Đoạn cuối có những câu:
“Tháng ba này Đà Nẵng nắng như nung
Hàng vạn lính đạp lên nhau mà chạy
Cờ giải phóng tung bay dọc phố
Má cầm tay khen bộ đội mình tài
Nghe tin điện “Thần tốc, thần tốc”
Chưa chợp mắt đã lên xe chạy tiếp
Đà Nẵng ơi, đến mà chưa kịp
Ngắm sông Hàn một tối trăng lên”.
Sau khi dẹp được chốt chặn ở Phan Rang, các sư đoàn tiến rất nhanh về phía Sài Gòn. Xe chúng tôi là xe hậu cần, đi sau các đơn vị. Có dịp ngắm biển trời của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Lần đầu tiên trong đời, thấy đất nước mình đẹp quá, tựa bức tranh họa đồ, lại tiếc vì chiến tranh mà dân phải khổ. Chết chóc và lam lũ. Ngược với đoàn xe là những chiếc Honda của những người phải sơ tán trở về quê cũ. Lại có những chiếc chạy cùng chiều, mới hay họ muốn vào Sài Gòn, vì gia đình chẳng còn ai ngoài họ.
Trước cửa ngõ Sài Gòn, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 của Quân đoàn 2 bị khựng lại ở cầu Rạch Chiếc. Một đại úy công binh của Quân đoàn hy sinh tại đây. Một cánh quân đành lui lại đánh chiếm Trường Sĩ quan bộ binh của địch gần Chợ Nhỏ, Thủ Đức. Chúng tôi vào tiếp quản nơi này, bởi ở đây có sẵn kho ẩm thực vụ, nhà ăn, nhà bếp của trường. Trưa 30 tháng 4, các xe tăng T54 của Lữ đoàn 203 vào dinh Độc Lập, anh Bùi Quang Thận cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh, Chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng, thì chiều đó chừng hơn 4 giờ, những người lính hậu cần chúng tôi mới vào được. Chúng tôi liền triển khai đào bếp Hoàng Cầm, do không quen nấu bếp hiện đại ở trong dinh. Chúng tôi nấu ăn theo tiêu chuẩn của đại táo, trung táo và tiểu táo. Nhiều người mừng quá, quên cả ăn cơm, chỉ xin lương khô để còn hưởng thời khắc hòa bình của Sài Gòn, nơi từ lâu chúng tôi mong đợi được đặt chân.
Đêm 30 tháng Tư, không còn lệnh giới nghiêm của chính quyền Sài Gòn, nhân dân đổ ra đường, xe và người tấp nập, cờ giải phóng cắm ở đầu xe Honda, đầu xe hơi chạy khắp nơi. Bộ đội, tự vệ, sinh viên có mặt khắp các ngả đường. Đèn điện sáng trưng. Không ai ngủ được, niềm vui, niềm tự hào quá lớn. Lần đầu tiên đứng ở Sài Gòn để so sánh với một Sài Gòn trong tưởng tượng trước đây, thấy cách nhau xa quá. Hàng hóa ở Sài Gòn tràn ra cả đường, điều mà ở miền Bắc chúng tôi không hề thấy. Sự phồn vinh!? Tôi nghe có người trong đơn vị nói: “Đó là sự phồn vinh giả tạo”. Thì chỉ biết vậy.
Sau 3 ngày sống ở dinh Độc Lập, chúng tôi về lại Trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức để nhường lại cho Ban Quân quản. Những giờ phút ở dinh Độc Lập trong những ngày đầu giải phóng không thể nào quên được. Chúng tôi tranh nhau lên ngồi thử ghế Tổng thống. Hàng trăm xe Honda vứt trong khu vườn sau dinh, bộ đội ta cứ lấy tập chạy. Súng đạn của chúng cũng vứt bừa. Không kịp để dọn dẹp. Khi về Trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức, tôi mới có thời gian cầm bút, ghi lại thời khắc ở dinh Độc Lập lúc
tôi đến:
“... Dinh Độc Lập, thì đây, ngôi nhà đồ sộ
Mấy chục năm làm bộ não ngụy quyền
Ghế Tổng thống - lính ta kéo đi xềnh xệch
Phía sau đồi, bếp lính khói bay lên
Xe Honda vứt ngổn ngang trong vườn
Tài xế xe tăng tập làm tài xế xe hai bánh
Anh lính trẻ được phóng viên nước ngoài phỏng vấn
Cười rất tươi, ria mép vẫn lông măng
Bếp tiểu táo nấu trong dinh Độc Lập
Giờ cơm rồi tướng lĩnh quên ăn
Niềm vui lớn không thể nào tả được
Chỉ thấy nụ cười và mất khái niệm thời gian...”
Tôi đã được sống những ngày như thế đó!
Ý kiến bạn đọc