Phan Hiển Đạo “....Mà giọng kìm tranh điệu Huế còn”

Đăng lúc: Thứ ba - 30/10/2012 09:15
VNTG- Trong một khu vườn ven bờ rạch Gầm ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim có một ngôi mộ cổ nằm sát hàng rào quây kín bằng lưới B.40, cạnh con mương mới xẻ, dường như để củng cố thêm ranh giới chống lấn chiếm. Bốn trụ hình búp sen bằng đá ong đã theo thời gian rêu phong xiêu lệch, ngôi mộ không có mộ chí theo kiểu thông thường, chỉ có tấm bia đá sa thạch hai mặt đều khắc chữ.
Bên dưới có ghi tác giả bài văn bia là Đường Cử nhân Phan Bộ Tam, phỏng đoán ông này từ bên Tàu sang, rồi nghe được chuyện của người nằm dưới mộ, làm bài văn có vẻ để minh oan: “Trung vi mỹ đạo thị lý. Trinh nhi tử gian giả, chỉ sử dĩ thạch dĩ ký, diệc kỷ vi thần quỷ hề ! (Lấy trung làm đạo tốt, chỉ là sự tích. Sạch mà chết nhưng bị tiếng gian, thì chỉ có cách khắc ghi trên đá, để làm gương cho kẻ làm tôi vậy!).

Người nằm dưới mộ là Tiến sĩ Phan Hiển Đạo - Người có công đặt nền móng cho nghệ thuật đàn ca tài tử ở Nam bộ nhưng hơn trăm năm qua vẫn còn khuất lấp những điều oan ức.


1. Phan Hiển Đạo sinh năm 1830 ở thôn Tân Đức Đông, huyện Kiến Hưng, Tỉnh Định Tường (nay là xã Dưỡng Điềm huyện Châu Thành - Tiền Giang). Họ Phan là dòng họ khoa bảng ở tại chợ Thuộc Nhiêu. Cha của ông là Phan Hiển Tần đậu Tam trường thời chúa Nguyễn Ánh còn ở tại Gia Định, ra làm quan đến chức Án sát. Đến đời Minh Mạng không biết bị tội gì mà mất chức rồi về quê vợ ở thôn Vĩnh Kim Đông (nay là xã Vĩnh Kim) chết trong sự ấm ức. Trên mộ bia còn ghi lại một câu đối chứa đựng sự trách móc “Quân ân bát thiên lý; Hương tình tam thập niên” (Nhờ ơn vua đi xa tám nghìn dặm: Tưởng tình quê hương (đã) ba mươi năm).

Thuở nhỏ Phan Hiển Đạo là người thông minh học giỏi. Gia đình bèn gởi ông ra kinh đô ở trọ nhà Tiến sĩ Phan Thanh Giản để tham học với nhiều nhà khoa bảng. Mặc dù dưới sự giám sát khắt khe của Phan Thanh Giản, nhưng nhân lúc rảnh rỗi Đạo lại thích theo đám vương tôn công tử học đờn ca và trở thành một người am tường âm nhạc ở chốn kinh thành. Tháng 3 năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) ông nộp đơn vào trường thi Thừa Thiên, đậu Cử nhân hạng ba rồi trở về quê tiếp tục ôn luyện chờ đại khoa. 

Đến đời Tự Đức, nhà Nguyễn mở thi hội ân khoa Bính Thìn (1856). Ngày 14 tháng 9, khi Đạo còn đang làm bài thi, thì Phan Thanh Giản nhận được tin báo thân mẫu ông đã tạ thế tại quê nhà. Qui định thời bấy giờ, người có tang không được đi thi. Phan Thanh Giản thấy Phan Hiển Đạo đang có triển vọng; đồng thời trường thi hội lúc bấy giờ đã đến giờ phút chót “nội bất xuất ngoại bất nhập” nên quyết định ém nhẹm bức thư, chờ cho Đạo thi xong. Nhận được tin, đêm ấy, Phan Hiển Đạo cố gắng viết xong tờ sớ xin tội gửi vào Nội các, rồi lật đật ra bến tìm thuyền quá giang trở về quê cư tang.

Khoa thi này Phan Hiển Đạo đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ. Năm đó Phan Hiển Đạo mới 27 tuổi, là Tiến sĩ trẻ nhất. Tuy nhiên, đến ngày “truyền lô đãi yến” thì không thấy bóng dáng ông. Vua Tự Đức xem tờ sớ xin tội của Phan Hiển Đạo do Nội các dâng lên. Phát hiện ngày tháng ghi trong sớ, vua rất tức giận, nhưng một lúc sau thì nguôi dần và truyền sứ giả đem áo mũ Tiến sĩ ban cho Phan Hiển Đạo. Mấy tháng sau, ơn vua về tới Chợ Giữa, nơi Phan Hiển Đạo đang cư tang. Ông lật đật mặc áo, hối gia nhân lập hương án quì mọp giữa trung đường. Trớ trêu thay bên cạnh cái vinh dự ấy lại kèm theo lời trách mắng của vua: Hà hữu Phan Hiển Đạo vi tử như thử, vi thần nhược hà? (Phan Hiển Đạo làm con như vậy, thì làm tôi như thế nào ?).

Tương truyền lúc nhận áo mũ Tiến sĩ và đọc lời phê, ông đã té xỉu.

Sau ba năm, bệnh tình Phan Hiển Đạo nặng thêm, nhưng ở Định Tường đang thiếu chân Đốc học, các quan đầu tỉnh làm sớ đề nghị tuyển Phan Hiển Đạo bổ sung. Sau thời gian hậu bổ, Đạo được cử làm Đốc học Định Tường, hàm Biện Tu. Ông vừa rèn luyện chuyện thi cử  lại vừa dạy nhạc cho đám học trò mình như Học Lạc, Nhiêu Ninh, Nhiêu Phang...

Năm 1859, giặc Pháp tấn công thành Gia Định. Phan Hiển Đạo và các quan đầu tỉnh Định Tường gấp rút mộ quân kéo lên Gia Định tiếp ứng, được triều đình thăng thưởng hàm Thương Biện Tỉnh vụ. Nhưng sức khoẻ của ông lúc nầy đã yếu hơn, liệu không kham được trọng trách nên dâng sớ từ chức. 

Tháng 4 năm 1861, Pháp chiếm Định Tường, sau đó đánh chiếm huyện lỵ Kiến Hưng, Kiến Hòa và Kiến Đăng... Anh hùng hào kiệt rút về lập đồn Tân Thành Mỹ Quí tiếp tục kháng chiến. Lúc bấy giờ Phan Hiển Đạo đang nằm dưỡng bệnh tại chợ Giữa, thì bất ngờ giặc Pháp đổ quân đóng đồn vàm Rạch Gầm và chợ Giữa. Biết ông là quan “cựu trào”, giặc giở trò chiêu dụ, giặc sai Tôn Thọ Tường đến nhà “thỉnh” ông xuống Mỹ Tho xem hát, tặng cho áo mũ, cờ biểu rồi “mời” làm Đốc học Định Tường. Phan Hiển Đạo lấy cớ đang bị bệnh để từ chối. Không ngờ giặc Pháp thâm độc tìm cách diệt trừ Phan Hiển Đạo bằng cách liên tiếp tung ra nhiều tin đồn thất thiệt. Trưởng đoàn lãnh sự nhà Nguyễn ở Gia Định Nguyễn Thành Ý báo cáo về triều rằng Phan Hiển Đạo đã ra làm quan cho giặc. Phan Hiển Đạo hoảng sợ viết thư minh oan gửi lên Kinh lược sứ Phan Thanh Giản lúc đó đang ở Vĩnh Long. Không ngờ Phan Thanh Giản lại có tư tưởng cực đoan, phê vào bức thư tám chữ “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã bị thất thân, sao cho là trinh được) gởi lại. Phan Hiển Đạo ân hận vì đã nhận quà của giặc, nên hổ thẹn ra mộ cha thắt cổ tự tử vào năm 1864.

Đã lỡ tay giết người, Phan Thanh Giản còn báo cáo lên triều đình đề nghị xóa tên trong sổ, đục tên trên bia Tiến sĩ, ra chiếu thu hồi tất cả quan hàm của Phan Hiển Đạo.
Sách Đại Nam Thực lục chép, vua cho là Hiển Đạo từng mộ quân đánh Tây dương, Phan Thanh Giản chủ hòa, nói chưa chắc đã đúng bèn sai Lại Bộ hai tỉnh An Giang và Vĩnh Long điều tra kỹ lưỡng. Không ngờ các vị nầy cũng báo cáo và đề nghị giống như lời của Phan Thanh Giản. Cuối cùng vua Tự Đức kết luận “Danh tiết của một người sĩ phu, ta rất lấy làm thương tiếc nên phải xét rõ tâm tích mới được. Lại giao cho đình thần xét lại, cũng như Bộ bàn” rồi chuẩn cho truy đoạt chức hàm và bỏ tên trong sổ Tiến sĩ, đục bỏ tên trong bia Tiến sĩ đi.

Đọc lại vụ án này, người đời sau cho rằng vua Tự  Đức kết luận quá gắt gao, cũng có người nhận định lời luận tội của vua là động tác cảnh cáo răn đe quần thần nhiều hơn là kết tội Hiển Đạo. Nhưng có lẽ ít ai nghĩ rằng, một nghệ sĩ chỉ yêu thích lời ca tiếng hát, Phan Hiển Đạo ắt hẳn không ham thích danh vọng (đã từng dâng sớ từ chức) nên việc truy đoạt quan hàm, xóa tên trong sổ Tiến sĩ hoặc đục bỏ tên họ trong bia Tiến sĩ có lẽ ở suối vàng ông cũng chẳng quan tâm.

Thông thường người ta quan niệm lúc nắp quan tài đóng kín thì có thể kết luận hay đánh giá cuộc đời của một nhân vật. Song mộ Phan Hiển Đạo đóng kín hơn một thế kỷ qua mà câu chuyện cuộc đời của một người tài hoa mà bạc phận vẫn chưa kết thúc. Đáng trách nhất là gần đây, nhiều bài viết cố tình biến những lời kể dân gian thành sự thật lịch sử, cho rằng sau khi Nam kỳ mất ba tỉnh miền Đông, sĩ phu lúc bấy giờ chia làm hai phe. Một phe phất cờ kháng chiến, còn một phe ra đầu thú, làm việc với Pháp, điển hình là Tôn Thọ Tường. Tường mấy lần rủ Đạo ra làm quan cho Pháp. Rốt rồi, trước sự cám dỗ của tiền bạc, chức tước, Đạo xiêu lòng, nhận lời (?). 

2. Trở lại bài văn bia. Trong bối cảnh “Sĩ cùng kiến tiết nghĩa; Thế loạn thức trung thần”, người đương thời đã gởi một thông điệp cho đời sau có thể hoàn toàn yên tâm với cái chết của Phan Hiển Đạo - chết mà giữ đúng cương thường đạo lý. Tác giả nhận định: “Hễ khi có giặc đến cướp nước thì có người khẳng khái cần vương, cũng có người cởi bỏ mũ về quê bảo toàn danh tiết, cũng có người mở cửa thành đầu hàng giặc để bảo toàn thê tử. Còn Phan công (tức Hiển Đạo) đã khẳng khái cần vương, nhưng rồi tự tìm cái chết vì những lời đồn quái ác. Đây là việc bất đắc dĩ nhưng chỉ có cái chết mới có thể minh oan cho ông.

 Người xưa đã minh oan cho ông, có lẽ vì cảm thông cảnh ngộ, không vô cảm đến mức “chỉ thấy người nay cười, có ai nghe thấy người xưa khóc đâu”, rồi phán xét lịch sử bằng một thái độ hồ đồ. Có lẽ với phong thái nghệ sĩ - một người đã đặt nền móng cho nghệ thuật ca tài tử Nam bộ như Phan Hiển Đạo thì chuyện đám hậu bối muốn nói sao thì nói cũng chẳng màng. Dẫu sao thì:

Khúc đờn Lưu-thủy
                    trôi dòng bích,
Mà giọng kìm tranh
                               điệu Huế còn (*)
 
 
(*)  Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập, Nguyễn-Liên-Phong. 
Nguyễn Ngọc Phan
(Theo VNTG số 54)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 473
  • Khách viếng thăm: 389
  • Máy chủ tìm kiếm: 84
  • Hôm nay: 18432
  • Tháng hiện tại: 567728
  • Tổng lượt truy cập: 62796696