Tết trung thu, tết của thiếu nhi đã về. Năm nào cũng thế, khi đi trên phố thấy những quầy bánh treo những chiếc lồng đèn xinh xắn, tôi luôn nao nao nhớ về những mùa trung thu ngày thơ rất xa.
Tết Trung thu rước đèn đi chơi…
Ngày ấy, mỗi lần đến tết trung thu, trẻ con trong xóm tôi rộn ràng làm những chiếc lồng đèn ông sao đủ màu, treo trước nhà. Đứa nào được cha mẹ cho tiền mua chiếc lồng đèn con thỏ, máy bay là hãnh diện lắm. Rồi khi đến ngày rằm tháng tám, đi cộ đèn quanh xóm trong tiếng hát văng vẳng phát ra từ chiếc radio cũ kỹ… Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…
Nhưng đêm rằm trung thu thường có mưa, nên bọn trẻ chúng tôi tập trung trước hiên nhà đầu phố, xúm xít ngồi kể nhau nghe về sự tích tết Trung thu, về Hằng Nga, chú Cuội. Đứa nào cũng mơ mộng được như Đường Minh Hoàng, lên cung trăng, đến với thế giới huyền ảo, lung linh của đêm trăng rằm xem điệu múa Nghê Thường. Tôi nhớ những khuôn mặt bạn bè trong xóm lao động nghèo ngày đó, có bánh trung thu đâu mà ăn. Hùn tiền lại với nhau cũng chỉ mua được vài cái bánh rẻ tiền chia nhau để có hương vị trung thu.
Ngày ấy, đi ngang gian hàng bán lồng đèn, nhìn thấy lồng đèn khéo quân, bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng thích, tuy có vài hình ảnh chạy tới, chạy lui nhưng chúng tôi vẫn đứng ngắm hoài không thấy chán. Sao nó đẹp và ngộ nghĩnh thế. Khung lồng đèn trung thu thường phải được làm bằng tre, bên ngoài dán bằng giấy kiếng màu. Đốt đèn cầy lên, ánh sáng của lồng đèn phát ra dịu dàng, nhìn xa rất đẹp… Sáng rơi xuống đồi, sáng leo lên cây, sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây… Trẻ con thành phố ngày nay hình như ít thích chơi lồng đèn khung tre. Có lẽ vì điều kiện cuộc sống hiện đại, một chiếc đèn lồng bằng nhựa, chạy pin, phát ánh sáng nhấp nháy và tiếng nhạc tí te, cha mẹ các em nghĩ rằng khi chơi sẽ an toàn hơn chiếc lồng đèn giấy đốt bằng đèn cầy.
Mùa trung thu ngày nay khác xa với trung thu tuổi thơ ngày xưa của tôi. Mùa trung thu ngày nay không còn kéo dài trong sự háo hức của trẻ thơ, để được ăn bánh, chơi lồng đèn. Bây giờ các em không còn nhiều thời gian để dành cho giải trí. Việc học đã chiếm gần hết thời gian của các em, trung thu như một mùa vui đơn giản. Còn chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu… là những kỷ niệm đã qua. Không ai còn nhớ đến ý nghĩa ban đầu của tết trung thu là tết đoàn viên gia đình.
Việc ngắm trăng mơ mộng lên cung Hằng, chắc không còn với tuổi thơ bây giờ. Phải chăng các em đều biết mặt trăng là một vệ tinh không sự sống, ánh sáng của nó phát ra là điều bình thường, nên việc tưởng tượng trong đêm trung thu được lên cung Hằng đã mất tính hấp dẫn và thú vị? Ngày nay việc rước đèn, phá cổ trong đêm rằm tháng tám chỉ diễn ra ở những trung tâm văn hóa hoặc một số điểm của khu phố hoặc trường mẫu giáo. Thậm chí nhiều nơi còn tổ chức trung thu cho các em vào buổi trưa, buổi chiều hoặc buổi nào thuận tiện cũng được. Người ta quan tâm đến những việc thiết thực, cụ thể trong đời sống hơn. Các em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, đến mùa trung thu thì được nhà trường, khu phố, hoặc những nhà làm từ thiện đến thăm hỏi bất ngờ, rồi được tặng quà bánh, lồng đèn vui trung thu. Còn bình thường, các em vẫn cứ phải vất vả với cuộc mưu sinh của mình để kiếm cái ăn, cái mặc.
Riêng tôi, tối nay tôi sẽ tập lại cho các em ở nhà Thiếu Nhi bài hát trung thu quen thuộc… Tít trên cao dáng tròn xinh xinh. Soi ánh sáng xuống trần dịu dàng… Để các em còn thấy lại chút hình ảnh mơ mộng của mùa Trung thu đã xa.
Ngô Ngọc Hùng
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc