Tản mạn: Ngày Nhà giáo

Đăng lúc: Thứ năm - 17/11/2016 10:53
Ngày 20 tháng 11 lại đến. Ngày mà ta thấy xôn xao trong lòng khi thấy hình ảnh những em học trò nhỏ, tay cầm những cành hoa mang đến trường để tặng thầy cô giáo. Ngày để chúng ta bày tỏ tấm lòng biết ơn đến những người dìu dắt mình đi trên con đường tri thức. Mỗi năm vào ngày này, tôi thường nghĩ đến những người thầy đã dạy tôi qua từng cấp học, những người thầy trang nghiêm đĩnh đạc khi đến lớp.

Ngày xưa khi còn đi học, hình ảnh của người thầy như một thần tượng uy nghi với kiến thức bao la, vun đắp cho chúng ta những ước mơ cao vời đến thế. Những ước mơ ấy vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Bao gương mặt thân quen của thầy cô năm xưa còn in đậm trong ký ức của tôi, gợi nhớ tháng năm cắp sách đến trường. Rồi nó như thước phim chết, đứng sững từ ngày tôi bước vào đời, lo toan trong cuộc sống. Không có kỷ niệm nào đẹp đẽ và đáng nhớ bằng thời gian còn đi học. Khi còn đi học, ta lại mong sao cho thời gian qua nhanh, trở thành người lớn, để thực hiện bao ước muốn của mình. Nhưng lúc vào đời, sau những lần vấp ngã, ta lại ao ước trở lại tuổi thơ ngày còn cắp sách đến trường, với bao ngây thơ, trong sáng cùng thầy cô, bè bạn. Cũng như mỗi khi đi qua trường Xuân Diệu, tôi lại nhớ về trường Nam Tiểu Học ngày xưa, nhớ bài hát Bạch Đằng Giang của người thầy lớp ba dạy hát vào cuối buổi học. Đi ngang trường Nguyễn Đình Chiểu tôi lại nhớ nhiều kỷ niệm khó quên của những giờ lên lớp của thầy Toản dạy văn, thầy Thông dạy toán, thầy Hải dạy sinh… đã thắp sáng trong tôi bao ước mơ cháy bỏng của ngày mai. Những buổi văn nghệ tất niên của trường đơn sơ nhưng rất gần gũi. Nhớ đêm lửa trại, những buổi sinh hoạt vào cuối tuần của đoàn Du ca Tình Người một thời rất xa. Những gương mặt bạn bè nhạt nhòa đâu đó cùng mối tình đầu mơ hồ sương khói. Rồi đi ngang trường Đại học Tiền Giang bây giờ, tôi lại nhớ trường trung học tư thục Gioan 23, nhớ những tháng ngày hoang mang, đầy âu lo cho tương lai và trốn ra đây học, được lời trấn an của thầy cô cũ, khi ấy đất nước khắp nơi còn vang rền tiếng đạn bom. Nhớ mái tóc và tà áo dài trắng đạp xe trong buổi tan trường. Nhớ giờ học triết của thầy Minh về thuyết hiện sinh và nghe những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn để quên thực tại. Nhớ giọng hát của ai cất lên trong lớp học giữa buổi trưa hè… Bước chân em về nào anh có hay, gọi tên cho nắng chết trên sông dài… Ngày trước, hình như sân trường nào tôi thấy cũng rộng lớn với những tán bàng xanh mượt. Màu xanh của những chiếc lá bàng to xòe ra, đã nuôi dưỡng tâm hồn cho bao lứa tuổi học trò biết khát khao ước vọng vươn lên. Tuổi trẻ ai cũng có những ước mơ cao vời, như có thể dời non lấp biển. Nhưng sau bao thăng trầm trong cuộc sống, tuổi trẻ qua đi, bỗng thấy mình nhỏ bé lại. Sau nầy khi học ở những giảng đường lớn hơn, thầy cô đứng trên bục giảng có micro cầm tay, nhiều lúc nghe lời giảng nhưng không nhìn rõ khuôn mặt thầy cô. Tôi vẫn luôn nhớ về những lớp học năm xưa với tiếng giảng bài bằng giọng nói thật và bước chân tới lui giữa hai dãy bàn. Rồi thời gian qua nhanh, thầy cô năm xưa còn lại bao nhiêu người? Những người thầy khả kính của tôi, như thầy Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Huỳnh Văn Tòng, nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ... đã ra đi, nhưng để lại cho tôi bao sự ngưỡng mộ về nhân cách và đạo đức của người thầy, tận tụy say sưa khi đứng trên bục giảng, truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ sau. Xin thắp nén nhang lòng cho những thầy cô đã mất…

Ngày 20 tháng 11 lại đến. Anh về bên em như những ngày bình thường khác. Mùi hương thoang thoảng tỏa ra trong đêm của loài hoa nào đó mà em trồng trước ngõ, làm lòng anh nhẹ nhàng, bình yên. Năm nay không biết có ai tặng em những đóa hoa hồng nữa không? Vì em đã nghỉ ngơi, sau những tháng năm dài cùng phấn trắng bảng đen qua bao ngôi trường ở vùng quê xa heo hút. Tưởng rằng em sẽ được thảnh thơi, trở lại với chiếc máy may thân quen, nghề tay trái theo em đã lâu. Nhưng rồi với tình yêu học trò, những đứa học trò quê, nước da đen nhẻm, tóc cháy vàng hoe. Em lại thức bao đêm ngồi bên ánh đèn, giải những bài tập khó, để ngày mai giảng cho những học trò nghèo của mình. Anh gọi lớp học của em là lớp học “Tình thương không tên”. Anh nghe em nói về đứa học trò nào đó, nhà nghèo không thiết tha việc học vì cha mẹ ly dị nên phải sống với ông bà, em đã cố gắng động viên, rồi bỏ nhiều công sức để dạy lại phần cơ bản cho nó đã mất ở lớp dưới, hy vọng đứa học trò sẽ tiếp tục đến trường, mong tương lai nó sẽ khá hơn. Nhưng không biết đứa học trò ấy còn đến học với em được bao lâu nữa đây. Khi thi học kỳ, em lại dò bài từng môn học cho những đứa học trò nghèo của em. Trong khi cha mẹ những đứa trẻ ấy lại thờ ơ, không quan tâm nhiều đến kết quả học của con mình, nhưng em lại buồn vui theo kết quả từng môn thi của chúng. Có khi nhìn thấy em lo lắng, anh cũng không yên tâm. Anh lại kể cho em nghe về những lần phát quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cũng cái xoa đầu của người tặng và vẫn câu hỏi của phóng viên: “Em ao ước ngày mai mình sẽ làm gì?”. Và được nghe câu trả lời quen thuộc: “Em ao ước lớn lên làm bác sĩ để giúp đỡ mọi người”. Hay: “Em ao ước lớn lên làm nhà khoa học”... Các em đâu biết rằng từ ước mơ đến hiện thực là con đường rất xa, rất dài mà các em phải vượt qua, con đường đi với bao chông gai, gian khổ để biến ước mơ thành hiện thực. Còn bây giờ các em cần hiểu rằng phải nỗ lực trong học tập, phải ý thức tự vươn lên cùng sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều người, nhất là của gia đình. Thế đấy, lớp học của em là những đứa học trò nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn khác nhau. Những đứa học trò học kém và mất căn bản các môn học từ ở lớp dưới, hầu như các thầy cô trong trường đều từ chối dạy thêm. Lớp học ngoài giờ của em không phải dành cho những đứa học trò lấy điểm thi trong lớp. Lớp học của em chỉ lác đác năm, bảy đứa học trò, không phải như những lớp học thêm mà người ta hay lên án, cấm dạy thêm. Học phí gửi cho em có khi là nải chuối, quả xoài, chục ổi, hay khá hơn là con cá đồng mà cha mẹ chúng bắt được. Đó là những món quà quê dành cho cô giáo. Chao ôi! Trăm sự nhờ cô… Mà cô đâu phải là thần thánh gì, để một ngày, một buổi nhồi nhét hết kiến thức vào những cái đầu còn ham chơi hơn ham học ấy. Thôi, đó là niềm vui, để em bớt nhớ về bao năm tháng gắn bó với phấn trắng, bảng đen. Vì thế, mỗi khi về, anh không nhắc chuyện vui buồn lớp học của em. Anh chỉ hỏi em có khỏe không, để biết lớp học sẽ còn duy trì được bao lâu nữa. Công việc đưa đò, tận tụy cùng tấm lòng trong sáng của nhiều thầy cô giáo làm anh nghĩ còn có mấy ai nhớ được câu: “Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây/Ơn cha nghĩa trọng công thầy cũng sâu”.

Ngày 20.11 năm nay, thầy vẫn còn gặp lại các em, những học trò nhỏ của thầy ở lớp năng khiếu Nhà Thiếu Nhi. Rồi thầy sẽ đến lúc phải chia tay các học trò của mình, để lại bao dự tính dang dở với ít nhiều cảm xúc. Thầy luôn nhớ các em, những thiên thần nhỏ và những chuyến đi tham dự liên hoan Búp Sen Hồng, Festival hằng năm ở các vùng, miền trên cả nước. Nhớ các em là sinh viên, cũng là đồng nghiệp của thầy ở trường VH-NT. Có lần thầy nói: “Các em còn cố gắng đến trường là còn giữ được niềm vui, giữ được niềm hạnh phúc bởi sự phấn đấu của tuổi trẻ và khi trở về trường, đứng trên bục giảng, các em sẽ thấy yêu quí học trò mình hơn”. Ôi, những phút giây đáng nhớ khi được đến lớp, dù ở lứa tuổi nào cũng vậy. Nó chắp cánh cho tâm hồn chúng ta bay bổng. Học trò của thầy mai rồi sẽ lớn, có em giờ đã thành đạt, hoặc đang ở những phương trời xa xôi, có em cũng còn vất vả với gia đình trong cuộc mưu sinh, có em chỉ là những cô cậu học sinh bé nhỏ. Cuộc sống đưa đẩy, người làm việc nầy, người làm việc khác. Thầy cũng không ngờ mình đã làm công việc

“Người thầy bất đắc dĩ” nhiều năm đến thế. Thôi hãy như con chim trời đứng trên cành cây cất những tiếng hót nhẹ nhàng cho đời thêm vui. Mai này khi mỗi sáng thức dậy, nếu không còn được làm những công việc quen thuộc của mình nữa, có thể người ta sẽ buồn, thế là sẽ phải chuẩn bị cho một công việc mới. Nhiều người nói thế. Nhưng mỗi nghề đến lúc về hưu đều khác nhau. Thầy mong rằng lúc thầy được nghỉ ngơi sẽ không mang lại nỗi buồn, luyến tiếc nhiều cho các em. Chúng ta có thể sẽ được gặp nhau, dù ở trong một không gian và môi trường khác nào đó. Còn thầy vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện bao ước mơ còn dang dở của mình…

Ngô Ngọc Hùng
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 76)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 138
  • Khách viếng thăm: 134
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 18399
  • Tháng hiện tại: 225449
  • Tổng lượt truy cập: 67199940