Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu tên thật là Trần Chánh Biểu. Ông sinh năm 1946 tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy. Trước giải phóng, ông công tác ở Phân khu II - Thông tấn xã Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông là phóng viên báo Ấp Bắc, sau đó chuyển công tác về Sở Văn hóa - Thông tin Tiền Giang. Suốt mấy mươi năm gắn bó với báo chí cách mạng, từ chiến trường chống Mỹ ác liệt cho đến những năm tháng hòa bình xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu đã có nhiều tác phẩm ảnh báo chí và nghệ thuật có giá trị. Ông hiện là hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh thế giới FIAP, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam VAPA và hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang.
Hồi tưởng lại ngày chiến thắng lịch sử 30-4 tại Tiền Giang, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bửu không khỏi bồi hồi: “Mới đó mà đã 35 năm rồi! Thế nhưng mọi việc dường như mới vừa diễn ra hôm qua. Bên tai tôi dường như vẫn còn nghe tiếng nhân dân vui mừng reo hò, trước mắt như vẫn còn hình ảnh lá cờ cách mạng tung bay phất phới trong ngày giải phóng”.
Mittinh mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - Ảnh: Trần Biểu
Năm 1970, khi đang công tác tại Nhà in Lý Tự Trọng, Trần Biểu được tổ chức điều qua công tác tại Phân khu II - Thông tấn xã Việt Nam. Sau một khóa đào tạo cấp tốc về nhiếp ảnh và viết tin bài, ông trở thành phóng viên chiến trường khu Trung Nam bộ. Mặc dù biết công việc của một phóng viên chiến trường vô cùng gian khổ và nguy hiểm, nhưng được cách mạng phân công, ông không hề ngần ngại. Địa bàn hoạt động của ông lúc ấy trải dài từ Mỹ Tho, Bến Tre, Long An… có khi đến tận biên giới Campuchia. Với chiếc máy ảnh cũ kỹ được cơ quan trang bị ông xông pha ra chiến trường để đưa tin và ghi lại những hình ảnh chiến đấu nóng hổi tính thời sự lúc bấy giờ.
Các em thiếu nhi trên chiếc trực thăng của Ngụy
sau ngày 30-4-1975 tại sân bay Giếng Nướ. - Ảnh: Trần Biểu
Ông nhớ lại: Buổi sáng ngày 30.4, tôi có mặt ở Trung Lương. Hơn 9 giờ, Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi quân lệnh: Tất cả binh lính, sĩ quan, đồn bót của quân lực Việt Nam Cộng hòa ngừng bắn. Đến 10 giờ 30, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Từ 12 giờ trở đi, cả thị xã Mỹ Tho bùng nổ khí thế tiến công và nổi dậy. Nhận thấy ngày giải phóng đã đến rất gần, đây sẽ là những giây phút lịch sử cần phải lưu giữ lại, được đồng chí Út Thành, một đồng nghiệp của ông đưa cho mượn chiếc máy ảnh kha khá, ông xông xáo tiến theo đoàn quân giải phóng để chụp ảnh, viết tin. Thế là hàng loạt hình ảnh nóng hổi về ngày giải phóng ra đời như: Tiền Giang sáng 30-4, Quân ta chiếm pháo địch ngày 30-4, Chiếm máy bay địch ngày 30-4 tại Giếng Nước, Quân giải phóng tiếp quản tiểu khu Định Tường, Quân giải phóng chiếm căn cứ quân sự Đồng Tâm, Quân giải phóng đánh chìm tàu hải quân địch trên sông Cửu Long ngày 30-4… Ông tiếc rẻ: “Lúc ấy nếu có hàng trăm cuộn phim chụp cũng không đủ, bởi đâu đâu cũng là sự kiện, đâu đâu cũng toàn những khoảnh khắc đáng giá. Tiếc là thời ấy chuyện phim ảnh không được thoải mái như bây giờ. Tôi phải hết sức tiết kiệm phim, chỉ chọn những hình ảnh đắc địa nhất mới dám bấm máy”. Và dường như cảm thấy những bức ảnh không nói hết được khí thế ấy nên ông đã sáng tác bài thơ “Nhớ 30-04-1975” với những câu thơ hết sức sinh động như sau:
Tay cầm máy ảnh, cỡi ngựa sắt
Lướt dặm, băng ngàn ghi sự kiện
Lính chạy, tăng cháy, súng ngổn ngang
Nhân dân ra đường gom vũ khí…
Phấn khởi
Hân hoan náo nức bao năm tháng
Cách mạng chào mừng lễ chiến công
Pháo nổ, lân múa, kèn đồng giục
Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu nhớ lại: Chiều ngày 30-4 nhân dân ở các vùng nông thôn kéo ra thị xã Mỹ Tho ăn mừng chiến thắng rất đông. Bộ đội từ các mũi tiến công gặp nhau tay bắt mặt mừng rất vui tươi, phấn khởi. Ngày 1-5, khi mặt trời còn chưa ló dạng, bà con đã kéo ra đường, mỗi người có cách ăn mừng một kiểu: người gõ xoong nồi, người khua thùng, đánh trống, số khác thì hò reo hoan hô cách mạng; xe lam, xe xích lô cắm cờ cách mạng chạy khắp mọi ngõ ngách của thành phố. Dân các nơi kéo nhau đổ ra thị xã xem giải phóng, về rồi ra, ra rồi về… đông vui suốt mấy ngày đêm. Ngày 15-5, tại sân vận động cũ, chính quyền cách mạng tổ chức lễ mít tinh mừng chiến thắng với hàng vạn người tham dự. Và dĩ nhiên tất cả những hình ảnh này đều được ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bửu ghi lại chân thực và sinh động.
35 năm sau ngày giải phóng, Mỹ Tho đã có nhiều đổi thay. Những bức ảnh đen trắng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bửu trở thành minh chứng một giai đoạn cách mạng với những trang sử vẻ vang. Ông nói: “Những bức ảnh đã trở thành một phần cuộc đời của tôi, đó là ký ức và cũng là gia tài vô giá của tôi”. Thế nên ngoài việc lưu trữ cẩn thận những tấm phim gốc, ông đã đem phim đi rọi thành những tấm ảnh 10x15 cm cất trong rất nhiều quyển album và còn cẩn thận ghi chúng vào đĩa CD để lưu trữ. Thời gian trôi đi, lịch sử đọng lại. Và mỗi năm đến ngày 30-4, những bức ảnh úa màu ấy lại kể câu chuyện về những tháng ngày chiến đấu khó khăn, gian khổ mà đầy hào hùng của quân và dân tỉnh ta.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc