Tiếp thêm sức sống mới cho bài ca vọng cổ

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 12:11
Cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ năm 2019 do các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên kết tổ chức, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đăng cai sau hơn 8 tháng diễn ra sôi nổi vừa khép lại. Ngày 18-12, tại Thành phố Mỹ Tho, buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi được tổ chức long trọng với sự góp mặt của đông đảo các tác giả đến từ 13 tỉnh thành trong khu vực và những khán giả mộ điệu sân khấu cải lương.
Đ/c Phan Thanh Dũng - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao giải nhất cho tác giả Hoàng Chương

Đ/c Phan Thanh Dũng - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao giải nhất cho tác giả Hoàng Chương

Vọng cổ từ lâu được xem là bài bản chủ đạo trong nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Bắt nguồn từ bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, trải qua nhiều giai đoạn phát triển để phù hợp hơn với từng thời đại, bài vọng cổ được phát triển với nhịp 4, 8, 16 rồi nhịp 32 và sau này được kết hợp với tân nhạc thành bài tân cổ giao duyên. Bài vọng cổ đã tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau làm say đắm biết bao người, bao thế hệ.

Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Huỳnh Anh - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên trong khu vực với gần 500 tác phẩm của gần 150 tác giả tham dự, đặc biệt có sự góp mặt của khá nhiều tác giả trẻ. Điều đó cho thấy một tín hiệu đáng mừng là không khí sáng tác ca cổ ở khu vực vẫn diễn ra sôi nổi, khí thế. Và chúng ta có thể tin tưởng rằng tiềm năng phát triển loại hình nghệ thuật này vẫn rất lớn và sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai”.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi: Mục đích của cuộc thi là để tìm kiếm những bài ca cổ thực sự có chất lượng viết về vùng đất và con người Đồng bằng sông Cửu Long, có nội dung tư tưởng sâu sắc và tính nghệ thuật cao; Thông qua đó góp phần tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng và sân khấu cải lương nói chung, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo khán giả mộ điệu, đồng thời giúp các câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương có nhiều tác phẩm mới để sinh hoạt và biểu diễn.

Với đề tài được Ban Tổ chức đưa ra: Ca ngợi đất nước, con người Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến đấu chống xâm lược và trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước; Ca ngợi đạo lý dân tộc..., các tác giả đã mang đến cuộc thi hàng trăm tác phẩm với nội dung rất đa dạng, phong phú. Theo Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Huỳnh Anh, trong cuộc thi có rất nhiều tác phẩm đã thể hiện lòng kính yêu vô hạn của người ĐBSCL dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Bên cạnh đó là những bài viết ca ngợi những giá trị nhân văn, những giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, phản ánh chân thực cuộc sống của con người và vùng đất ĐBSCL qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và đặc biệt là mảng đề tài phản ánh cuộc sống của người dân trong sự nghiệp đổi mới tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay. Ngoài ra, các đề tài ca ngợi đạo lý dân tộc, tình làng nghĩa xóm, nghĩa vợ chồng, đạo thầy trò, tình yêu tha nhân... cũng được các tác giả tập trung khai thác trong tác phẩm dự thi. Dù ở đề tài nào thì cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất phương Nam và tính cách đặc trưng của người Nam bộ như giản dị, trung thực, thẳng thắn, hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài... luôn được các tác giả tập trung khai khác và khắc họa rõ nét trong tác phẩm của mình.

Qua vòng sơ khảo, Ban Giám khảo với tinh thần làm việc công tâm, khách quan đã chọn ra 15 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng của cuộc thi. Giải Nhất cuộc thi được trao cho tác giả Hoàng Chương (Long An) với tác phẩm “Cầu mới, phà xưa”. Bài hát là những kỷ niệm của tác giả về những chuyến phà Mỹ Lợi ngược xuôi thuở nào... khi “Chốn cũ bây giờ không còn cách trở bởi phà sông, cầu Mỹ Lợi đã nối đôi bờ Vàm Cỏ... Anh về thăm xứ Gò Công / Qua cầu Mỹ Lợi, chạnh lòng phà xưa...”. Tác giả Hoàng Chương chia sẻ: Tôi rất cảm ơn các Hội Văn học Nghệ thuật trong khu vực đã tạo ra một sân chơi chung cho những người yêu thích vọng cổ. Qua cuộc thi, tôi có dịp giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp và kết quả cuộc thi cũng là một cú huých để tôi tiếp tục phấn đấu hơn nữa với niềm đam mê của mình, tiếp tục khám phá những cái hay, cái đẹp của bài ca vọng cổ.

Phát biểu tại lễ tổng kết trao giải, Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Huỳnh Anh khẳng định: “Thành công lớn nhất của cuộc thi là hơn 400 tác phẩm mới viết về vùng đất và con người ĐBSCL. Mỗi tác phẩm khai thác một khía cạnh riêng trong đời sống muôn màu muôn vẻ của miền Tây, với rất nhiều phong cách khác nhau. Tin rằng, các tác phẩm từ cuộc thi này sẽ ghi những dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng, bởi nó được ra đời bằng những rung động chân thực của các tác giả gắn bó với vùng đất ĐBSCL, lớn lên bằng ngụm nước Cửu Long giang, bằng hạt gạo đất Chín Rồng”.

Qua cuộc thi, có thể thấy phong trào sáng tác vọng cổ ở ĐBSCL đang chuyển mình mạnh mẽ từ nội dung, đề tài cho đến ca từ, cách thể hiện ý đồ nghệ thuật. Dịp này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đã xuất bản tuyển tập ca cổ “Tiếng lòng phương Nam” giới thiệu 30 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi đến với rộng rãi công chúng. Đây chính là tiếng lòng tri âm của những người phương Nam hôm nay với mong muốn tìm thấy sự đồng cảm với khán giả mộ điệu, để bài vọng cổ luôn trường tồn cùng văn hóa dân tộc.

 

 

Kết quả cuộc thi:

- Giải Nhất: “Cầu mới phà xưa” của Hoàng Chương (Long An)

- Giải Nhì: “Ông già Hỏa Lựu” của Phạm Nam Nhi (Kiên Giang), “Tình em với biển” của Trần Thị Kim Hằng (An Giang)

- Giải Ba: “Gửi lòng đến với Trường Sa” của Huỳnh Công Luật (Vĩnh Long), “Những người mẹ đồng bằng” của Liên Phương (Tiền Giang), “Cần Thơ, quê vợ quê chồng” của Nguyễn Thị Thảo (Cà Mau)

Ngoài ra, Ban Giám khảo cuộc thi cũng chọn trao 9 giải Khuyến khích cho các tác giả.

Lê Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 127
  • Khách viếng thăm: 118
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 32237
  • Tháng hiện tại: 553517
  • Tổng lượt truy cập: 60903655