Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe báo cáo, đánh giá và thảo luận tình hình hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong 5 năm qua đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật nhiệm kỳ 2016-2021; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội khóa VI; xem xét sửa đổi, bổ sung Điều lệ và bầu Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khóa VII nhiệm kỳ 2016-2021.
Thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, phấn đấu vươn lên xây dựng các Chi hội chuyên ngành vững mạnh. Hội chú trọng đổi mới nội dung đồng thời đa dạng hóa hoạt động văn học nghệ thuật, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như nhiệm vụ chuyên môn của Hội. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh với số lượng ngày càng đông và phát triển khá toàn diện, hoạt động đồng đều trong 5 chuyên ngành, đồng thời ngày càng tỏ rõ sự vững vàng về quan điểm chính trị, tâm huyết với nghề nghiệp, say mê sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chung của tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân. Các tác phẩm, công trình sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Tiền Giang luôn hướng đến các xu hướng nghệ thuật tiến bộ, bám sát và phản ánh sinh động cuộc sống, lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới ở địa phương.
Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 |
Báo cáo nhấn mạnh trong nhiệm kỳ qua, Hội VHNT Tiền Giang đã mạnh dạn thay đổi phương thức quản lý, chú trọng phát triển cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm, đoàn kết tập hợp đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Ngoài ra, Hội còn làm tốt việc định hướng sáng tác, biểu diễn đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ, định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, ra sức xây dựng nền văn học nghệ thuật của Tiền Giang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo xu thế hội nhập nhưng vẫn giữ được những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Trong nhiệm kỳ, hoạt động của 5 Chi hội trực thuộc có bước phát triển khá mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích đóng góp tích cực vào thành tích chung của Hội. Lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh đã thực sự lớn mạnh, nhiều tác giả đã tạo được uy tín nghề nghiệp trong khu vực, xứng đáng là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tích cực phê phán cái sai, lạc hậu; cổ vũ cái chân - thiện - mỹ trong hoạt động sáng tác.Năm năm qua, ngoài việc hỗ trợ kinh phí sáng tác, thực hiện tác phẩm cho trên 30 tác giả ở các chuyên ngành gắn liền với việc thực hiện Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT của Thủ tướng Chính phủ, Hội còn tổ chức nhiều hình thức để giới thiệu, công bố tác phẩm của hội viên. Trong nhiệm kỳ, Hội đã hỗ trợ xuất bản trên 80 đầu sách, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, lý luận phê bình, nghiên cứu sưu tầm, âm nhạc… của hội viên và các CLB trong tỉnh. Bên cạnh đó, Hội tổ chức được trên 30 cuộc triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, giới thiệu tác giả tác phẩm. Các cuộc triển lãm thường diễn ra vào các ngày lễ lớn, các lễ hội, hoạt động văn hóa văn nghệ của tỉnh. Qua đó, giới thiệu được trên 500 tác phẩm mỹ thuật và gần 2.000 tác phẩm nhiếp ảnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Tiền Giang với người xem trong và ngoài nước. Song song đó, Hội đã tổ chức trên 100 chương trình biểu diễn, thu thanh, thu hình giới thiệu sáng tác mới của hội viên qua nhiều thể loại như ca khúc, tài tử, cải lương, kịch nói, ngâm thơ… được công chúng đón nhận nhiệt tình. Hội đã góp phần xây dựng các tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và thực hiện các chương trình đờn ca tài tử - cải lương, thành lập CLB Đờn ca tài tử - cải lương góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc.
Nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức trên 20 cuộc thi cho các ngành văn học nghệ thuật, tiêu biểu như: Cuộc thi “Sáng tác VHNT đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Đăng cai triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL 2016; Cuộc thi Thơ chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam và 30 năm đổi mới; Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Tiền Giang; Cuộc thi Thơ trẻ lần thứ 3; Cuộc thi Mỹ thuật và Nhiếp ảnh nghệ thuật hàng năm; v.v… Qua các cuộc thi, hội viên có điều kiện rèn luyện và khẳng định tay nghề đồng thời rút được nhiều kinh nghiệm trong sáng tác. Đây cũng là dịp để Hội thu hút nguồn tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật từ khắp nơi gởi về.Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên qua các hình thức mở trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo luôn được Hội quan tâm hàng đầu. Hội đã sử dụng Quỹ sáng tạo văn học nghệ thuật tổ chức trên 50 trại sáng tác với trên 1.000 tác phẩm mới ra đời như: 5 trại sáng tác truyện ngắn, 3 trại bút ký, 3 trại thơ, 3 trại sáng tác âm nhạc, 6 trại sáng tác và dàn dựng kịch ngắn, 5 trại sáng tác ca cổ, 10 trại sáng tác mỹ thuật, 10 trại sáng tác nhiếp ảnh, 5 trại sáng tác múa v.v… Hội còn mở các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm được anh em tích cực tham dự. Nhiều tác giả có kinh nghiệm nghề nghiệp được mời về để hướng dẫn trại và báo cáo kinh nghiệm sáng tác qua đó, Hội đã nâng cao một bước trình độ chuyên môn của hội viên. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức trên 40 chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cho các ngành văn học nghệ thuật. Hội viên được tham quan các di tích lịch sử nhiều địa phương, các vùng căn cứ kháng chiến, các công trình trọng điểm, mũi nhọn kinh tế trong và ngoài tỉnh. Nhiều ý tưởng, đề cương sáng tác được hình thành, nhiều tác phẩm tốt đã ra đời từ các chuyến đi trên.
Bên cạnh đó, Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang tiếp tục được duy trì xuất bản 6 số/năm, là cơ quan ngôn luận gắn bó song hành với các hoạt động của Hội. Tạp chí kịp thời thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật, là diễn đàn chung nơi phản ánh chân thực và sâu sắc về những hoạt động văn học nghệ thuật của địa phương. Văn nghệ Tiền Giang đã giới thiệu, công bố kịp thời các tác phẩm mới của hội viên gởi về, góp phần hình thành phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, nhiều cây viết trẻ cộng tác viên tạp chí xuất hiện với tín hiệu đáng mừng. Một bước cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức của tạp chí, mở thêm chuyên mục mới... phấn đấu đạt chất lượng chuyên nghiệp; phát huy hiệu quả xã hội, sự năng động, tính nhân văn và chất lượng thẩm mỹ của báo chí văn nghệ. Trang tạp chí điện tử Văn nghệ Tiền Giang tiếp tục được duy trì hoạt động và có nhiều cải tiến, thu hút lượng khách truy cập ổn định. Tuy nhiên việc cập nhật bài vở còn nhiều hạn chế về tổ chức lực lượng cộng tác viên và nhân sự phụ trách ở mảng hoạt động này.Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn bạc xây dựng phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021 tập trung vào các mục tiêu chính như: Hội tập trung đẩy mạnh hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh cùng lúc 02 lĩnh vực phong trào và đỉnh cao, vừa quan tâm chiều rộng vừa chú ý chiều sâu. Bằng những giải pháp phù hợp, Hội sẽ tạo sức lan tỏa phong trào trong toàn tỉnh, thông qua việc xây dựng, củng cố tạo điều kiện cho các Chi hội cấp thành, thị, huyện, các CLB hoạt động mạnh. Đồng thời, Hội nâng cao chất lượng hoạt động của các Chi hội chuyên ngành; phấn đấu có nhiều hội viên được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương, có các tác phẩm đoạt giải cao, có tiếng vang trong khu vực và cả nước.
Đại hội cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế cần được khắc phục trong nhiệm kỳ tới như: Tác phẩm ra đời trong nhiệm kỳ qua khá nhiều nhưng chưa có tác phẩm quy mô tạo được tiếng vang lớn. Đội ngũ nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn yếu, chưa thực hiện được chức năng hướng dẫn dư luận, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng và qua đó văn nghệ sĩ rút được nhiều kinh nghiệm trong sáng tác. Hoạt động của Hội rất phong phú nhưng việc tuyên truyền quảng bá chưa đúng mức. Đây là việc làm vô cùng cần thiết giúp cho Hội từng bước xã hội hóa, mở rộng hoạt động, v.v…Phát biểu tại Đại hội, nhạc sĩ Trần Long Ẩn tâm đắc với 5 bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Hội rút ra qua một chặng đường phát triển 5 năm qua, nhất là tạo niềm tin yêu của văn nghệ sĩ đối với tổ chức Hội, xem Hội là mái ấm không thể thiếu, nơi gây men hưng phấn sáng tạo, nơi chia sẻ tâm tư, ước vọng,… Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những kết quả Hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động văn học nghệ thuật đối với đời sống xã hội hiện nay. Do đó, trong thời gian tới Hội cần tiếp tục củng cố, nâng chất lượng hoạt động, phát triển lực lượng hội viên; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở ngành tỉnh, nhằm tạo thêm “đất” hoạt động cho văn nghệ sĩ. Để làm tốt hơn nữa chức năng nâng cao nhận thức, thẩm mỹ, giáo dục và giải trí của văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ cần phải lăn lộn, trải nghiệm cuộc sống, để từ đó sáng tạo những “hình tượng” có tác động mạnh mẽ, lay động lòng người, xứng đáng với thế hệ văn nghệ sĩ tài danh của quê hương Tiền Giang lâu nay.
Đại hội đã bầu 17 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Tiền Giang lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với sự thống nhất cao; soạn giả Nguyễn Huỳnh Anh tái đắc cử Chủ tịch Hội; Nhạc sĩ Lê Hữu Ngân và nhà thơ Trương Trọng Nghĩa tái đắc cử chức vụ Phó Chủ tịch Hội.
Ý kiến bạn đọc