Màu xanh Trường Sa

Đăng lúc: Thứ năm - 20/05/2010 09:38
Màu xanh Trường Sa

Màu xanh Trường Sa

Sau những ngày lênh đênh trên biển và được gặp những con người dũng cảm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, trở về đất liền, chúng tôi thấy nhớ da diết những ngày tháng tư ngắn ngủi ở Trường Sa với nắng, gió và biển xanh. “Không xa đâu, Trường Sa ơi!” - câu hát này sẽ được nhớ mãi với những ai đã từng một lần đặt chân đến Trường Sa.
Khác với hình ảnh trơ trọi nhiều năm về trước, chuối, đu đủ đã ra lá xanh mướt. Những cây tra xòe những chiếc lá to che nắng gió cho đất. Nhờ đât được phủ xanh mà giếng nước ngọt trên đảo Trường Sa luôn mát lạnh, ngọt ngào. Nhờ nước ngọt mà lính đảo có hoa sứ, hoa giấy tặng các cô gái. Nhờ nước ngọt mà đảo đã có tiếng gà gáy, tiếng heo ủn ỉn và cả tiếng trẻ con,...
Chẳng có phép màu nào biến san hô thành cây, thành hoa, ngoài bàn tay con người.
Màu xanh trên đảo luôn biểu trưng cho sự sống yên bình và phát triển.

Biển xanh sâu thẳm, mặc tàu nghiêng ngả vì sóng, các sĩ quan, chiến sĩ tàu HQ 957 (Hải đội 5, Lữ đoàn 125) cùng đoàn công tác do phó bi thư thường trực Thành Uỷ  TP HCM Nguyễn Văn Đua làm trưởng đoàn vẫn đặt tràng hoa, bàn thờ trên biển xanh, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc (đảo Ba kè, quần đảo Trường Sa).


Đi hàng ngàn cây số mới thấy một điểm nhô lên giữa biển khơi, đó là nhà giàn trạm khoa học kỹ thuật dịch vụ khu vực Ba Kè - nơi nhiều chàng trai vẫn đang trụ giữa trùng khơi để nghiên cứu và làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Nam…
Sóng to, gió lớn, tàu không vào được. Quà, sách báo, cát-xét,…còn đây. Không nỡ đi, tàu neo lại cách trạm hơn một hải lý. Boong tàu nơi chúng tôi đứng vẫy bị sóng xô xoay hướng nào, các anh trên trạm lại chạy theo hướng ấy để nhìn…Thật bất ngờ, các anh căng cờ Tổ quốc, cờ Đoàn vẫy chào. Các anh cứ đứng như thế cho đến khi tàu nhổ neo đi xa… Trên bong  tàu, nước mắt cứ chảy dài trên mặt các cô gái...

Sóng lớn, ca-nô không vào đươc đảo Trường Sa Đông, Một chiếc ca-nô đã hư bánh lái vì đá ngầm khi cố vào…Thế nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều chiến sĩ, sĩ quan của đảo cứ vẫy chào. Không đành lòng, chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo - phó tư lệnh Quân chủng Hải quân - quyết định vào một lần nữa, ưu tiên cho phóng viên, ca sĩ, dùng các cô gái…Sáu "cọc-tiêu-người" là các chiên sĩ trẻ đã ngâm ngừoi trong nước biển để dẫn ca-nô vào! Mọi người mừng vui khi được nắm chặt tay các anh ngay bên bãi cát...

 Một bên là cát, bên là biển xanh biếc, ba nấm mộ liệt sĩ  nằm cạnh nhau phơi mình trong gió  biển... Mọi người đến thắp hương, lòng nhiều thương cảm.

 

Những chốt canh chơ vơ giữa biển khơi muôn trùng sóng vỗ, những chiến sĩ da đen nhẻm vì nắng gió nhưng luôn lạc quan, tự tin, với nụ cười luôn trên môi khi chào đón các cô gái, chàng trai đến từ thành phố Hồ Chí Minh.

Ở đảo chìm, khi thủy triều dâng, tất cả chìm trong biển sóng, chỉ trừ nhà và pháo đài. Vậy mà ở đây, những vạt rau muống vẫn xanh um. Những khay đất đươc mang đến từ hàng ngàn cây số để trở thành vườn treo. Rau xanh không chỉ là thức ăn mà còn là biểu hiện của sức sống, sự thử thách…và quê hương gần gũi (ảnh chụp tại đảo Tốc Tan, Trường Sa).

Gặp đồng hương rồi! Phó bí thư thường trực Thành Uỷ Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua đang trò chuyện cùng chiến sĩ Đàm Quang Phi, quê ở Quận 5, Tp.HCM.

Các chiến sĩ, sĩ quan nhảy lên, giơ cả hai tay chào chúng tôi. Khi ca-nô vào được bến, họ mừng vui, hớn hở như những đứa trẻ…Giữa biển cả muôn trùng vắng người, thấy người đến  thăm, anh em vui lắm!

Giàn mồng tơi xanh lá bên góc nhà đã làm mát mắt mọi người trong cái nắng biển gay gắt. Lá mồng tơi xanh mướt, không chỉ thêm chất xanh cho bát canh giữa biển mà còn là quê hương, là nỗi nhớ vơi bớt (ảnh chụp tại đảo Trường Sa Đông).

Ở những đảo chìm chỉ nuôi được chó, và chúng phát triển tốt. Đại úy Nguyễn Xuân Đào (đảo Tôc Tan) cho biết chó ở đảo rất tinh như một "lính gác". Có vật lạ trôi ngoài biển, động cơ tàu, đàn cá heo nổi lên,... là chúng sủa vang báo hiệu, kể cả trong đêm tối. Nhờ vậy, lính đảo đã ứng cứu kip thời cho những ngư dân, tàu bị nạn. Chó được nuôi khắp các đảo từ năm 2002, được tập bơi, bắt cá, và nhất là làm bạn với những người lính đảo thích khám phá thiên nhiên.

Từ ngôi nhà ba tầng xây trên đảo chìm nhìn xuống, bốn bề là biển, nước xanh trong vắt thấy hàng đàn cá lội. Biển thơ mộng, biển đẹp với màu xanh đổi màu theo giờ, theo mùa. Có đến đây, mới thấy màu xanh của biển biến hóa diệu kỳ, xanh đủ màu xanh, đẹp đến ngẩn ngơ!

Say sóng, nằm bẹp trong phòng, ói đến mật xanh, mật vàng…nhưng khi ca-nô vừa vào được đảo, những nụ cười hạnh phúc của các cô gái Tp.HCM lại duyên dáng, đáng yêu giữa biển xanh, vì nỗi khát khao đến đượcTrường Sa, được gặp những người lính giờ đã thành sự thật. 

Trạm nghiên cứu hải sản với nhiều trang thiết bị hiện đại nằm giữa biển khơi, trong quần đảo Trường Sa.

Những dải cát trắng, những bờ đá san hô thành doi đất dài chia bờ biển thành nhiều vụng nước. Những con đường cát dài hai-ba cây số đi giữa biển, hai bên là sóng xanh hiền hòa, đẹp, nên thơ…Thế nhưng những người lính đảo không có thời gian để thưởng thức vẻ đẹp biển như chúng tôi: họ phải tuần tra, luyện tập và luôn trong tư thế đứng thẳng để bảo vệ biển đảo quê hương.

Đối với lính đảo, thư đất liền luôn là món quà vô giá. Những dòng chữ viết tay chính là cầu nối cái tình giữa những người đang ở nơi đầu sóng ngọn gió với quê nhà. Thư nhà, thư người yêu mỗi khi nhận được đều chia sẻ... đồng đội cùng đọc, để sẻ chia niềm vui và cả nỗi niềm thương nhớ.., Đó cũng là ngôồn động lực, động viên những người lính vượt qua nỗi nhớ nhà.
“Trước mắt người lính đảo
Con tàu là thùng thư khổng lồ chứa những phong thư
Phong thư chia bao lời thương mến
Bàn tay ướt chia thư
Bàn tay ướt bóc thư
Ồn ào trong khoảng khắc
Rồi im lìm suy tư..”
(nhà thơ Vương Đình Trọng, đại tá) 

Biển xanh bên những nụ cười xanh, những chiến sĩ đảo Trường Sa với những nụ cười hồn nhiên như sóng vỡ bên cô bạn gái đến từ Tp.HCM (ảnh chụp tại đảo Trường Sa lớn).

Giữa mùa nắng mà trên đảo Trường Sa cứ xanh um màu lá, ngoài cây phong ba còn có cây bàng lá vuông... Dù gió muối làm đọt lá quăn queo nhưng cây vẫn sống. Và thật bất ngờ khi bắt gặp những người lính đảo vẫn trồng đủ loại cây quê nhà: nào mướp, nào bí, và cả một cây đu đủ trĩu quả,... (Trong ảnh: Ca sĩ Hải Yến bên một số chiến sĩ đảo Trường Sa lớn).

Khi thủy triều xuống, dải cát trắng lộ ra là có thể đi bộ ra pháo đài. Thủy triều lên, nước ngập qua đầu, một lô cốt to như pháo đài đơn độc giữa bốn bề sóng biển đánh tung trời trắng xóa... Nhưng những người lính đảo vẫn luôn chắc tay súng, bảo vệ mảnh đất chủ quyền biển đảo quê hương.

Nắng gió gian khổ nhưng những người lính Trường Sa luôn tự tin lạc quan, với nụ cười luôn nở trên môi (ảnh chụp tại đảo Tốc Tan).

Những nụ cười hạnh phúc, thắm tình quân dân, những niềm vui mang đầy tự hào của người con đất Việt đứng trên cột mốc đảoTrường Sa.

Những người lính đảo trong niềm vui được gặp gỡ những cô gái, ca sĩ đến từ  Tp.HCM.

Đảo Đá Tây A, nhìn qua ô cửa ca-nô.

Các chiến sĩ thường xuyên luyện tập để bảo vệ biển trời quê hương (chụp ở đảo Đá Tây A).

Chiến sĩ, sĩ quan đảo Trường Sa ra tận cầu tàu tiễn đưa. Còi tàu đã hú vang, mọi người đã tiễn biệt.. Vậy mà các chiến sĩ cứ đứng mãi, vẫy tay...
Tàu xa dần, đảo cũng xa, những cánh tay của các cô gái cứ cố len ra cửa tàu để vẫy; những hình dáng người lính mờ đi... Mờ đi vì tàu đã đi xa, vì nước mắt đã nhạt nhòa... Nhớ lắm Trường Sa!
"Không xa đâu, Trường Sa ơi"...
 

Bộ ảnh Đến với Trường Sa của tác giả Duy Anh đã đoạt các giải thưởng sau: 

- Giải A - giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm năm Bộ Quốc Phòng (2005-2009)
- Giải đặc biệt ảnh báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Tiền Giang (2008)
- Giải B - Cuộc thi của Bộ Văn hoá Thông tin và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (2007)

Duy Anh
(Theo Go Online)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 292
  • Khách viếng thăm: 288
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 53341
  • Tháng hiện tại: 2285891
  • Tổng lượt truy cập: 46253124