Tác phẩm “Nhớ các con” đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh năm 1999, đánh dấu thành công bước đầu của anh về đề tài người chiến sĩ. Sau đó là một loạt những tác phẩm như “Tình ngoại” đoạt giải B của Bộ Quốc phòng cách đây 5 năm, “Quà cho con gái”, “Kỷ vật của mẹ”, “Má chờ thằng út”…Trong đó tác phẩm “Quà cho con gái” đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người xem bởi hình ảnh một người lính trở về sau chiến tranh, gia tài lớn nhất là con búp bê về làm quà cho con gái. NSNA Duy Anh đã “bắt” được giây phút bình dị của người chiến sĩ để bấm máy và khoảnh khắc đó đã mang đến cho anh một tác phẩm để đời.
Bức ảnh "Quà cho con gái". Ảnh: Duy Anh.
Trong kho tàng ảnh về người lính của anh không thể không nhắc tới bức “Kỷ vật của mẹ”, đặc tả một bà mẹ tay cầm bức ảnh người con đã hy sinh trong chiến tranh. Bố cục ảnh chặt chẽ cùng với cách lấy ánh sáng tự nhiên rất “nghề”, đã lột tả chân thực nỗi đau tột cùng của người mẹ mất con nhưng cũng tự hào bởi con trai mình đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Cũng về đề tài người mẹ chiến sỹ, bức “Má chờ thằng út” khiến người xem xúc động bởi hình ảnh tiền cảnh là bà mẹ tay cầm giỏ quà chuẩn bị đón con từ quân ngũ về thăm, xa xa là hàng quân bộ đội. Dưới góc máy của NSNA Duy Anh, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thật can trường, quả cảm, sẵn sàng hy sinh cả tình mẫu tử, để con mình được sống và chiến đấu trong môi trường quân ngũ.
Bức ảnh miêu tả buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh. Ảnh: Duy Anh
Lúc nào cũng đau đáu đề tài về hình ảnh người chiến sĩ thời bình, NSNA Duy Anh không ngần ngại đi đến mọi miền của Tổ quốc để có được những bức ảnh đẹp. Và thành quả của những ngày lăn lộn, sống cùng với bộ đội đã giúp anh thực hiện thành công bộ ảnh “Sức sống Trường Sa”, đoạt giải A tặng thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng 2004-2009. Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, anh rất tự hào vì chụp ảnh những người lính Trường Sa là đề tài mà anh theo đuổi nhiều năm, giờ đã thực hiện thành công. Trong bộ ảnh này, anh khai thác màu xanh của biển, rau, lá bàng, cùng những nụ cười lạc quan của lính đảo.
Bức ảnh miêu tả một buổi lễ tưởng niệm những người lính đã hy sinh trên vùng biển Trường Sa khiến người xem vô cùng xúc động. NSNA Duy Anh tâm sự: “Khi chụp bức ảnh này, tôi phải leo lên một điểm thật cao, sau này nghĩ lại thấy mình lúc ấy liều quá bởi chỗ tôi bấm máy là địa điểm của một tàu cứu nạn, rất chênh vênh, không có điểm tựa, nhìn xuống dưới là màu xanh biếc của nước biển và sóng bạc đầu vỗ ầm ầm vào thành tàu. Tuy nhiên, “máu” nghề nghiệp đã thôi thúc tôi không ngần ngại chọn góc máy đẹp để cho ra đời đứa con tinh thần mà mình ấp ủ bấy lâu. Đây là tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất trong bộ ảnh về Trường Sa”.
Khí hậu khắc nghiệt ở đảo đã thiêu rụi nhiều cây cối, hoa lá, nhưng những cánh hoa mười giờ mỏng manh hàng ngày vẫn hiên ngang chống chọi với thiên nhiên. Khóm hoa này được các chiên sĩ ở đảo chìm Tốc Tan rất nâng niu. Hình ảnh một anh lính đảo đang chăm bón cho hoa mười giờ khiến Duy Anh trào dâng cảm xúc và tình huống bấm máy bất ngờ đó đã mang đến cho anh một tác phẩm có hồn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Là thành viên của câu lạc bộ nhiếp ảnh chiến sĩ Báo Quân đội nhân dân, NSNA Duy Anh có nhiều dịp tiếp xúc với bộ đội nên dường như chất lính đã ngấm vào người và anh nguyện sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài người chiên sĩ trong suốt sự nghiệp của mình.
Đôi bạn trẻ hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh: Duy Anh
Không những nổi tiếng về đề tài ảnh chiến sĩ, NSNA Duy Anh còn được biết đến lĩnh vực chụp ảnh cưới trong nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang. Anh là người đầu tiên khởi xướng ra phong trào chụp ảnh độc đáo này và đến nay, đã có hơn 8 nghìn đôi uyên ương được anh và nhiều đồng nghiệp ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long đưa ra nghĩa trang chụp ảnh cưới.
Nghĩa trang là nơi an nghỉ của những người đã khuất, nên để thuyết phục được các cặp vợ chồng trẻ đến đây chụp bộ ảnh đánh dấu thời khắc thiêng liêng trong cuộc đời quả là việc làm không dễ dàng. Vậy mà, anh đã thực hiện thành công.
Không chọn những thể loại nhiếp ảnh đang “hot’ trên thị trường, NSNA Duy Anh muốn khơi những nguồn chưa ai khơi, tạo dựng tên tuổi bằng lối đi riêng. Đề tài anh chọn chỉ là những bác nông dân, trẻ con hay những người dân bình dị, chân quê. Đến nay, gia tài của anh đã có 164 giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có 29 giải thưởng ảnh chụp ở nghĩa trang liệt sĩ và 32 giải về đề tài người lính.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc