Về từ hành trình ký ức - Võ Diệu Thanh
Đúng bốn mươi năm về trước, quân Khmer Đỏ đã tràn vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người bị chúng cắt cổ hoặc dùng gậy đánh đập cho tới chết. Những người phụ nữ hiền lành bị chúng hiếp dâm và đóng cọc vào cơ quan sinh dục. Trẻ em vô tội cũng không được tha, chúng quăng bổng lên không sau chém đứt lìa bằng lưỡi lê. Những người sống sót lẩn trốn vào chùa Tam Bửu và chùa Phi Lai lánh nạn với suy nghĩ ở nơi cửa Phật sẽ được buông tha, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Những người khác trốn chạy lên núi Tượng cũng bị giết hại. Chỉ trong 12 ngày đêm chiếm đóng từ 18 - 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường, chỉ có hơn 20 người sống sót sau vụ tàn sát.
Nhà văn Võ Diệu Thanh đã cất công đi tìm những người sống sót sau 40 năm từ khi quân Khmer Đỏ đã tràn vào xã Ba Chúc, chị tận mắt chứng kiến nỗi đau hiện lại, nghe kể và tỉ mỉ ghi chép lại từng câu chuyện, cảm nhận những vết thương nhức nhối cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhà văn Võ Diệu Thanh cho biết: Hầu như những nhân vật, kể cả những người khổ sở nhất đều sẵn sàng kể tường tận những bất hạnh của mình hoặc của người trong cuộc cho tôi ghi âm. Có những người còn kể lại nhiều lần. Lần nào cũng giống nhau, như sự việc mới diễn ra hôm qua vậy…
Cũng phải, làm sao họ quên được, mọi thứ đã hằn sâu trong ký ức. Tôi chỉ việc sắp xếp lại sự việc cho nó thành một đường dây mang chất văn học. Một số nạn nhân đã từ chối kể về những bất hạnh, một số nhân vật khác đã qua đời. Người thân họ biết về câu chuyện có khi còn ít hơn tôi. Tôi vẫn viết nhưng chỉ sử dụng được thông tin rất ít do vô tình có được trước đó - Võ Diệu Thanh chia sẻ. Qua những câu chuyện kể, nhà văn Võ Diệu Thanh đã tái hiện một cách sinh động những gì đã xảy ra từ 40 năm về trước. Chị Sương, cô bé 11 tuổi đã thoát chết kỳ diệu trong thảm họa diệt chủng. Võ Diệu Thanh viết: “Chị không biết mình đã nằm bất tỉnh bao lâu. Hình như là hết ngày, hình như hết đêm. Rồi khi tỉnh dậy chị thấy chân ba chị gác lên người chị, lạnh ngắt và hôi rình. Thấy khát khô cả họng, chị cố lấy sức đỡ chân ba ra khỏi người rồi đi tìm nước uống. Miếng ruộng nơi cha chị và mọi người nằm chết có nước nhưng máu đen đặc, chị lần dò đi tìm một cái lạch nước ở gần đó vục tay lấy nước uống…”. Đau đớn hơn, có vài gia đình đang lẩn trốn trong hang thì đứa trẻ 2 tuổi khóc thét, sợ quân Pol Pot phát hiện liên lụy nhiều người khác, họ phải đau đớn hy sinh bịt mũi con đến khi bé bất động. Có gia đình ông Ba Lê, cả nhà khoảng 50 người cùng chạy vào hang trên núi trốn nhưng bị giết sạch.
Nói về những cảm xúc ám ảnh trong quá trình thực hiện tập sách, nhà văn Võ Diệu Thanh chia sẻ: Nhiều lần ngồi nghe lại những đoạn ghi âm lời kể của nhân vật giữa đêm vắng mịch mùng, khu nhà tập thể vắng tanh, chỉ có tôi và con thằn lằn nhỏ đang rình bắt bồ hóng, tự nhiên tôi thấy lạnh. Tưởng như mình đang ở giữa đêm Ba Chúc trong những ngày cạn hơi người và đầy hơi những hồn oan, hơi của cánh tay tử thần vươn dài, lạnh buốt… 40 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau dường như vẫn còn đó. Tại khu Nhà mồ Ba Chúc vẫn còn lưu giữ hơn 1.100 bộ hài cốt của những người bị Pol Pot sát hại trong 12 ngày đêm kinh hoàng ấy. “Họ vẫn sống nơi họ từng chết, hay thật nhiều yêu thương từng bị giết. Cây dầu đứng giữa đất Ba Chúc chứng kiến sự chết như vũ bão cũng chứng kiến sự sống trở về ngày càng ngồn ngộn…” - Võ Diệu Thanh đã viết trong hành trình "Về từ hành tinh ký ức" của mình.
giới thiệu sách, cuộc hành trình, trở về, ký ức, đau thương, nhà văn, Vỏ Diệu Thanh, Lê Văn
Ý kiến bạn đọc