Vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Trần Công Tùng

Đăng lúc: Thứ tư - 16/11/2016 16:23
Thiên nhiên, từ xưa đến nay, luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân say đắm, “tức cảnh sinh tình” và “vẩy bút” đề thơ. Nhưng ở mỗi nhà thơ lại có cách thưởng thức cái đẹp ấy khác nhau, những cảm nhận khác nhau và chính vì thế những tứ thơ, những vần thơ luôn mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân cũng như cảm xúc, tư tưởng của mỗi người.

Đối với nhà thơ Trần Công Tùng, ông cũng có rất nhiều bài thơ khắc họa cảnh thiên nhiên rất sống động và dạt dào cảm xúc, thể hiện lòng lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ. Thiên nhiên luôn ùa vào trong thơ ông với sự non tươi, với sự ấm áp đầy dào dạt của cảm hứng, với tâm hồn và cốt cách toát lên vẻ đẹp văn hóa của người Việt.

Có thể thấy, nhà thơ Trần Công Tùng thường lấy cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước làm đối tượng để thể hiện cảm hứng chủ đạo trong sáng tác. Điều này thể hiện ngay trong cách đặt tên tập thơ của ông từ “Sợi tơ tằm”, “Mây nước vào thu” rồi đến “Hương cúc dại”…

Nhà Thơ Trần Công Tùng

Vẻ đẹp thiên nhiên luôn thấm đẫm trong cảm xúc, tâm hồn của Trần Công Tùng. Qua những bài thơ của ông, thiên nhiên hiện lên rất đa dạng, sinh động, có sức sống riêng từ những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như: Hoàng cung Huế, biển Nha Trang, núi Ba Thê, đỉnh Lang Bian, hồ Xuân Hương, đèo Ngang, và rồi cồn Tân Long, Cầu Quay, đường về Chợ Gạo... cho đến những sự vật, cảnh vật bình dị như một ánh trăng, một bông hoa nở, một buổi chợ Tết, một buổi chiều thu, một tiếng chim cu gáy, một làn hương cúc dại... Tất cả đều gợi lên trong tâm tưởng nhà thơ những tứ thơ mênh mông, lai láng, những khoảnh khắc say sưa, nồng nhiệt.

Thiên nhiên trong thơ Trần Công Tùng có lúc mang vẻ đẹp cổ điển như:

Sân xưa mưa nắng đỉnh phơi

Thành xưa rêu phủ chim trời bay ngang

Hồ xưa mấy cụm sen tàn

Lăng xưa tượng vẫn nghiêng hàng chầu vua

(Thăm lại Hoàng Cung)

Nhưng cũng có lúc ông có những sự liên tưởng rất táo bạo và độc đáo, chẳng hạn:

Ông trời hẳn trúng mùa bông

Nên đem phơi khắp cánh đồng bao la

(Phơi bông)

Thơ viết về thiên nhiên chiếm phần lớn trong các tập thơ của Trần Công Tùng và cũng là những bài thơ hay trong các tập thơ của ông. Đặc biệt Trần Công Tùng có nhiều bài thơ hay viết về cảnh đẹp mùa xuân. Không chỉ rung động trước vẻ đẹp của mùa xuân, trước thời khắc giao mùa, muôn hoa đua nở, cây cối sinh sôi tươi tốt. Mùa xuân còn như là một nguyên cớ, tạo nguồn cảm hứng để nhà thơ bày tỏ cái nhìn lạc quan trước cuộc sống, và gửi gắm trong đó là những tình yêu đẹp, những nỗi niềm của đôi lứa yêu nhau:

Ngày xuân, anh đến vườn em

Trăm hoa nở… Đỏ, vàng chen trắng, hồng

Em cười trong nắng xuân trong

Tay tiên tưới sắc cầu vồng xuống hoa

(Hồn xuân)

Thiên nhiên luôn được nhà thơ yêu mến và được nhìn bằng sự quan sát tinh tế, nhạy bén và đầy yêu thương. Với ông, cảnh đẹp thiên nhiên lúc nào cũng rất sống động và có hồn. Chẳng hạn khi viết về những đóa hoa nhiều màu sắc trong hội hoa xuân, ông nhân hóa mỗi loài hoa với những nét

rất người:

Hoa thược dược tím hồng trầm tĩnh suy tư

Hoa thanh trúc thư sinh nho nhã

Cúc Đà Lạt nhiều màu xen sắc lá

Hoa hải đường đỏ thắm nét son môi

(Vào hội hoa xuân)

Thơ viết về thiên nhiên của các nhà thơ xưa nay bao giờ cũng có cả cảnh lẫn tình. Nhưng tình và cảnh trong thơ Trần Công Tùng nếu ta chỉ biết áp đặt vào cái công thức vịnh cảnh ngụ tình một cách máy móc thì có lẽ thơ ông không thể đọng lại trong lòng người đọc. Cái đáng nói, đáng quý ở đây là nâng bài thơ lên bằng chính cái tình của tác giả. Cái tình ấy đạt đến cái thật, cái thiết tha trong sáng đến nỗi một khi đi đọc thơ ông, ta như bắt gặp chính con người ông.
 

Nhà thơ Trần Công Tùng(thứ 2 bên trái sang) cùng các nhà thơ Tiền Giang tại buổi tọa đàm

Thiên nhiên tươi đẹp trong thơ Trần Công Tùng, trước hết, được nhìn dưới đôi mắt của một nhà nghệ sĩ. Con người nghệ sĩ ấy đã mở rộng tâm hồn để đón nhận thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên bằng trái tim hết sức nhạy cảm, đa tình cho nên cảnh trong thơ ông luôn độc đáo, đặc sắc. Ông khéo léo đưa cái tình của người viết vào những câu thơ tả cảnh từ những thăng hoa cảm xúc, những suy nghĩ củabản thân.

Trong bài “Trên đỉnh Lang Bian” ông viết:

Tượng còn nắm lấy tay nhau

Sao mình chẳng chụm mái đầu che mưa?

Vì yêu thiên nhiên, nên ông cũng vô cùng đau xót trước những thiên tai, trước cảnh thiên nhiên bị tàn phá. Trong bài “Vùng lũ”, ông đã khắc họa khung cảnh tiêu điều, hoang tàn của một vùng quê mùa lũ, để từ đó đau đáu một nỗi niềm thương:

Thương cây lúa chết chìm đáy lũ

Thương con trâu lặn sâu tìm cỏ

Thương xóm nghèo nước chấm mái tranh

Thương ngôi trường bàn ghế bập bềnh

Thương cây chuối cố vươn ngọn úa

Viết về thiên nhiên, thơ của nhà thơ Trần Công Tùng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có khi đó là những lời tự sự, những quan sát của bản thân nhà thơ được thể hiện bằng những gam màu, những đường nét của một người họa sĩ. Trong bài “Đất hồi sinh”, nhà thơ đã khắc họa những đổi thay của vùng Đồng Tháp Mười bằng những câu thơ đậm đặc chất hội họa:

Rừng tràm bát ngát mùa hoa

Đàn ong gây mật bay xa, lượn gần

Liếp dài, mắt khóm mở dần

Ngắm trời xanh ngắt, chiều ngân nắng vàng

Cũng có khi ông viết về thiên nhiên bằng những lời thật hồn nhiên, bằng đôi mắt quan sát độc đáo của một đứa trẻ:

Tại sao mưa lại cứ rơi?

Mặt trời lại mọc chân trời đằng đông?

Tại sao cây lúa trổ bông?

Sao con vịt nổi bềnh bồng trong ao?

(Nói với con)

Rồi có lúc, thiên nhiên hiện ra bằng một không gian nhuộm màu cổ tích trong bài “Lời đồng dao tặng cháu”:

Tháng tám có gió mùa thu

Mặt trăng có Cuội, trời mù có sương

Tiếng gà nhuộm đỏ vầng dương

Chuông chiều nhuộm sắc hoàng hôn tím dần

Hoa nhài, hoa bưởi trắng ngần

Phượng hè đỏ thắm, cúc xuân rực vàng

v.v…

Và dù ở cách thể hiện nào thì thiên nhiên vẫn luôn thấm đẫm cảm xúc, tâm hồn của nhà thơ. Điểm qua các bài thơ tả cảnh thiên nhiên của nhà thơ Trần Công Tùng, ta thấy rõ nét tài hoa của tác giả. Mỗi một bài thơ với ông là một cảnh thiên nhiên khác nhau. Và chỉ bằng đôi ba nét phác họa, bằng những ngôn ngữ bình thường, tác giả đã để lại trong lòng người đọc những tứ thơ đầy ấn tượng. Qua những bức tranh ấy ta lại được hiểu thêm tâm hồn, cốt cách và cách sống hòa mình vào thiên nhiên, phong thái tự tại, ung dung của tác giả.

Tình yêu quê hương đất nước xét cho cùng cũng thường bắt nguồn từ lòng yêu thiên nhiên với những sự vật nhỏ nhặt, ngỡ như không đâu của chính quê hương mình. Lòng yêu đất nước, yêu con người của nhà thơ Trần Công Tùng cũng bắt nguồn từ những tình cảm như vậy. Đó là đặc điểm đáng quý, đáng trân trọng trong thơ thiên nhiên của ông.

Cảnh vật thiên nhiên không chỉ là đối tượng để khai thác, miêu tả, nâng xúc cảm thẩm mỹ bay cao và vươn xa trong việc sáng tạo thi ca, mà thông qua đó nó còn tạo nên những giá trị thẩm mỹ tự nhiên cho tác phẩm nghệ thuật, tạo nên cốt cách của một thi sỹ, một nhà giáo hiền từ và mẫu mực luôn được mọi người yêu mến.

Trong “Lời cuối tập Sợi tơ tằm" nhà thơ Trần Công Tùng cũng đã tự bộc bạch về thơ mình:

"Chỉ là ít sợi tơ tằm quê dâu

Chỉ là hương bưởi, hương cau

Chỉ là dây bí, dây bầu,mồng tơi

Hoa đồng, cỏ nội vậy thôi

& Ngại ngần tặng bạn mấy lời thẩn thơ…

Chỉ giản dị thế thôi mà sao vẫn đầy chất thơ và vẫn chan chứa cái tình của tác giả. Nó thể hiện lòng lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ. Phải chăng vì thế mà đọc thơ của nhà thơ Trần Công Tùng chúng ta luôn cảm thấy gần gũi, đồng cảm và từ đó những tứ thơ cứ ngân nga mãi trong lòng…

Lê Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 73)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 126
  • Khách viếng thăm: 114
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 74084
  • Tháng hiện tại: 464932
  • Tổng lượt truy cập: 60815070