Chủ của ngôi nhà là hậu duệ của bậc văn tài và là nhà Nho nổi tiếng: Cụ Lê Văn Túc tự Nghiêm Kỉnh. Nghe nói vùng Gò Công còn lưu giữ khá nhiều liễn đối do chính tay cụ viết. Người đời sau còn biết các tác phẩm cụ để lại là Thủy ách ký, ghi lại trận bão năm Giáp Thìn - 1904 ở Gò Công, và Hỏa tai ký ghi chép sự kiện cháy chợ Vĩnh Hựu năm 1905...Các bài ký này có giá trị thực lục rất cao, nhưng rất tiếc bản gốc đã không còn.
Ông Lê Văn Triêu là cháu nội của cụ Nghiêm Kỉnh. Dù ông đã đến tuổi cửu tuần, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Hồi Tây vô tái chiếm đất Gò Công, ông tham gia kháng chiến với bí danh là Đào Lý Trí. Về cuối đời, trải qua bao nhiêu sóng gió, trải nghiệm, ông đã ghi lại trong hai tập hồi ký dày cộm nhưng chỉ cho “mượn đọc tại chỗ”, bởi trong những chuyện ông kể có những sự thật trần trụi phũ phàng, phơi bày ra dễ mích lòng con cháu người trong cuộc.
Thân phụ của ông Triêu là cụ Lê Lương Tri, một nhà thơ từng là thi hữu, xướng họa với nhà văn Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ và các nhân vật nổi
tiếng của văn đàn Gò Công hồi đầu thế kỷ XX. Cụ là nhà Nho cuối cùng của lớp người tân cựu học đất Gò Công.
Lê gia thế phổ ghi tên thật của ông là Lê Văn Quới, tục gọi là Năng, sinh năm 1893 ở làng Dương Phước. Năm 19 tuổi, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọ, con gái của một vị Hương thân ở làng Tân Phước, có được ba người con, ông Hai Triêu là con cả. Còn về bút hiệu Lê Lương Tri thì ông Triêu tiết lộ về một bài thơ ông để lại có hai câu kết:
“Tự lấy lương tri tìm lẽ đạo
Lương tri, ngoài nữa học đi gì”.
Ý hai câu thơ lấy từ câu nói của một nhà Nho nổi tiếng Vương Dương Minh đời nhà Minh bên Tàu rằng ngoài cái lương tri ra không còn cái gì đáng biết.
Vốn là bậc túc nho trong gia đình truyền thống có căn bản vững vàng, nhưng ông Tri vẫn lấy việc ruộng nương làm kế sinh nhai. Ngoài ra ông
Ông Lê Lương Tri (ảnh thờ tại nhà ông Lê Văn Triêu) |
có mấy năm làm Thôn trưởng nên dân trong làng gọi là Thôn Năng. Nghe nói việc làm Thôn trưởng cũng vì “gặp thời thế thế thời phải thế”, nên chỉ được vài năm, ông lại trở về với việc cày sâu cuốc bẫm và tiếp tục học hỏi, nghiên cứu Đông y. Ông Triêu nhắc, sinh thời cha tôi bảo với con cháu “Ta làm Thôn trưởng chỉ là việc trả nợ sưu dịch trong hai năm, để cho bọn thế lực trong làng không làm khó dễ gia đình”. Cụ còn ghi trong Lê gia thế phổ lời dạy con cháu rằng “Vì ta thấy kẻ quyền quí trong thời phần nhiều hà lạm, mất cả liêm khiết, lại có người ỷ thế sử oai; rồi nhưng con cháu vẫn đặt mình là dòng dõi kim chi ngọc diệp, lên mặt cao cả kiêu căng, không lo học hành không lập nghề nghiệp, lai nhiễm đủ thói hư nết xấu; quyền oai của ông cha đã hết thì sự nghiệp gia đình hào phú kia cũng mất theo vì kiêu căng xa xỉ đã quen. Lại không biết nghề gì lương thiện để mưu sanh thì đâm ra làm những chuyện gian trá lừa lận và các chuyện tồi phong bại tục...”
Trong hồi ký của ông Triêu không thiếu những con người và mẩu chuyện mà phụ thân đã khuyên răn trong thế phổ. Gẫm lại trong thế thời hiện tại, gần một thế kỷ qua mà lời dặn ấy vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo, chỉ có khác về mặt thời gian và con người.
Khi ông Lê Lương Tri trưởng thành thì nền Nho học đã suy tàn, chế độ khoa cử của triều đình phong kiến không còn nữa. Song cái tâm thức “anh về học lấy chữ nhu” vẫn tồn tại trong ông theo kiểu “ngộ biến tòng quyền” để duy trì trung, hiếu, nghĩa, nhân. Chẳng còn có thể trung theo kiểu Nho giáo, nhưng còn đó một tấm lòng thương nước, thương dân đau đáu. Có lần nhà văn Hồ Biểu Chánh đi tàu Dumont - Durville từ Vũng Tàu về ngõ Tân Thành, không biết tức cảnh sinh tình thế nào mà viết bài thơ “Đi chiến thuyền trông về quê cảm tác”, có câu:
“Quê cũ trông vời còn lý thú
Tấm lòng thơ thới, trí tiêu diêu”
Một trí thức lại là một người đồng liêu, ngồi trên tàu chiến của thực dân mà còn tâm trạng tiêu diêu, thơ thới trước cảnh dân ta còn quằn quại trong cảnh nô lệ lầm than được ư? Không bằng lòng với thái độ vô cảm đó, nên cụ Lê Lương Tri đã làm bài thơ họa lại:
“Nhớ quê tình cảnh luống buồn hiu
Ngồi nghĩ vu vơ, nghĩ lắm điều
Đồng cháy đã kinh cơn nắng sớm
Cây khô khôn đợi đám mưa chiều.
Ấm no vui vẻ điềm còn ít,
Rách rưới lầm than thấy đã nhiều.
Cùng sống chung nhau trong xứ sở
Riêng mình không nỡ tự tiêu diêu”
Âu đó cũng còn cái trung, cái hiếu sót lại trong tâm thức của nhà Nho ở buổi giao thời loạn lạc. Nghe đâu cuối bài thơ ông chú thêm mấy dòng chữ “Ở quê nhà đương lúc nắng hạn mạ chết, họ giao ruộng, buồn quá nên lấy cảnh nhà quê của mình mà họa lại vần của ngài”.
Nhà nho sống rất thanh bần và hiếu khách, từ đời cha đến đời ông ngôi nhà này thường có nhiều văn nhân, thi sĩ đến chơi. Họ thường ở lại vài ba hôm để cùng nhau bàn luận văn chương, thời thế. Đối với láng giềng thân thích, bao giờ ông cũng giữ tấm lòng ngay thẳng, khiêm tốn hòa nhã theo phong cách Nho gia. Còn đối với kẻ gian tà thì ông không ngần ngại chửi thẳng, như bài “Điêu Thuyền vu qui”, ông mượn chuyện Đổng Trác để mắng những kẻ vô luân là “thằng này đứa nọ”:
“Đem con sóng sắc chôn loại nịnh
Mượn sức thằng con giết đứa cha”
Hiếu trung đối với người xưa là đạo đức và nhân cách, là thể hiện thái độ trách nhiệm của người trí thức trước những khó khăn của đất nước và xã hội. Bởi lẽ tấn bi kịch của lớp nhà nho cuối cùng trong đó có ông cũng là tấn bi kịch chung của đất nước và dân tộc từ sau năm 1861.
Trở lại những trước tác của cụ Lê Lương Tri, ông Triêu cho biết, ngoài mấy trăm bài thơ chứa chan đạo lý, nặng tình yêu quê hương xứ sở, cụ Lê Lương Tri còn dịch hơn 30 quyển sách thuốc, chia ra làm 16 bộ, đáng kể nhất là bộ Lịch đại Danh y tiểu sử. Bên cạnh, ông dịch còn cả bộ Minh Tâm bửu giám với những lời nhận xét chữ nghĩa rất tinh túy.
Nhưng điều đáng tiếc là lớp hậu bối như chúng tôi không mấy người được đọc, còn ông Triêu thì giữ quá kỹ di vật của tiền nhân. Cụ Lê Lương Tri qua đời vào đúng cái tuổi cổ lai hy. Sáng ngày mồng 8 tháng 4 năm 1963, cụ nằm trên giường bệnh, gọi ông Triêu lại đọc bài thơ vĩnh việt cho con trai chép lại trước khi từ giã cõi trần:
“Cảm tạ ơn lòng bạn chí thân
Thương nhau cho chác viếng ân cần
Biết nhau chẳng bởi trên lời nói
Mà biết cho nhau chỗ nghĩa nhân
Thể phách dẫu về nơi xóm quỉ
Linh hồn may cũng được qui thần
Sau này nếu hãy còn thông cảm
Mượn trái tim xây họa có chăng”
Ông Triêu bảo, sinh tiền cụ có chân trong hội Tao đàn do các vị cựu học ở Gò Công thành lập, thỉnh thoảng hội viên họp lại rồi “xây cái cơ hình trái tim” trước khi xướng họa thi thơ. Cái chi tiết “xây cơ” tiết lộ thêm hoạt động của các nhà Nho đương thời (và cả ông Tri) có chút dính dáng đến đạo Minh Sư mà cơ sở Đông Nam Phật đường hiện còn tồn tại cạnh ngôi nhà cũ. Có lẽ cũng cần ghi thêm, Minh Sư - một tôn giáo cứu thế thờ Phật tu tiên, dùng kiến thức Đông y để trị bệnh cứu người. Đạo được xiển dương trong thời điểm giặc Pháp đánh chiếm Nam kỳ. Do có nhiều người trong đạo tham gia vào các cuộc khởi nghĩa kháng Pháp, nên chính quyền thực dân ghép Minh Sư vào “đạo Phật đường” gây nguy hiểm cho chế độ thuộc địa.
Người cuối cùng của thế hệ nhà Nho ở đất Gò Công đã qua đời từ 50 năm trước. Khi tôi ngồi viết lại những dòng này thì biết tin ông, Lê Văn Triêu cũng đã theo thân phụ mình về bên kia thế giới. Nhớ ngôi nhà số 42 phố Dương Phú ở thị trấn Tân Hòa, lòng không khỏi ngậm ngùi, không biết bao nhiêu sách vở, tác phẩm của cụ Lê Lương Tri bây giờ còn có được trân tàng?.
Ý kiến bạn đọc