Dẫu rằng sự tìm ấy không phải lúc nào cũng thành, khi nào cũng được, nhưng ông vẫn cứ đi tìm, chí ít là tìm được thơ. Qua thơ ông, tôi thấy phát lộ ra một điều rằng Bành Thanh Bần làm thơ không nhiều, nhưng lại có thú chơi thơ. Theo chỗ tôi biết, ở ta số người chơi thơ không nhiều. Người chơi thơ thường thuộc vào hai tuýp hoặc là nhà sưu tập thơ làm “của để dành” cho hậu thế, hoặc là người không còn mấy vướng bận đến giá áo túi cơm, nhưng có thú tiêu dao, đam mê văn chương nghệ thuật, đặc biệt là thơ. Bành Thanh Bần cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Dù ở thể loại nào, thơ Bành Thanh Bần cũng hiện rõ thú tiêu dao, có bản sắc riêng. Bài Với những người ăn mày chùa Hương có mở đầu đơn giản, cứ như ông nói chơi vậy, nhưng lại khá bất ngờ và day dứt:
Tôi đến ăn mày Phật
Bạn lại ăn mày tôi
Những mảnh đời cơ nhỡ
Ngửa tay xin “lộc” người…”.
Gặp những người hành khất nơi cửa Phật, người thơ cũng chỉ đoán già đoán non vậy thôi: nông dân mất đất, nạn nhân của thiên tai, bão lũ, người chơi chứng khoán, kẻ lười lao động… Nhưng người thơ và họ cùng đều chung số phận là những kẻ ăn mày, mỗi người một kiểu. Dù chẳng có nhiều mà chỉ “có chút đỉnh thôi”, nhưng ông vẫn sẵn sàng chia sẻ. Chỉ cho nhau sự “đồng cảm” thân phận trước sự trớ trêu của cuộc đời, mặc bạn là ai đi chăng nữa, cũng không tránh khỏi những lúc sa cơ lỡ vận. Phật đã dạy chúng sinh “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, giúp được cho người, chí ít cũng làm lòng ta thanh thản hơn.
Đây là bài thơ về đề tài thế sự theo thể ngũ ngôn, một thể thơ khá thích hợp với lối suy đoán logic, nên gây được hiệu quả mang tính chất thông điệp. Rằng ở cõi nhân gian này, vòng đời mỗi người không phải là vô tận, nên con người cần phải thương yêu, giúp nhau khi hoạn nạn, dù anh là ai, làm gì và ở đâu.
Bài Viếng mộ cụ Phùng Quán được viết theo thể tự do mang đậm chất tự sự về nhân tình thế thái. Đây là bài thơ của người hậu thế viết về tiền nhân, nói về cụ Phùng Quán hay là tự răn mình? Có lẽ là cả hai:
Đầu gối sơn
Chân đạp thủy
Thi nhân - chiến sĩ
Như Cụ - mấy người
Những kẻ ngạo nghễ cười
Nay lặng câm như thóc…
Bởi lẽ, với những người: Từ tận cùng đau khổ/ “Tuổi thơ dữ dội” chào đời… thì chỉ cần “Ba phút sự thật” cũng đủ để “Hiển hiện bao nỗi đời”. Đáng sợ nhất là có những người cả đời chẳng có lấy một giây sự thật nào.
"Viếng mộ cụ Phùng Quán"
Đêm trung thu ở chùa Bồ Đề lại chất chứa lòng thương cảm đối với những đứa trẻ không may mắn bị mẹ bỏ rơi nơi cửa chùa. Nào đâu các em có tội tình gì. Nếu có, đấy phải là tội của người lớn và của đấng sinh thành ra các em. Nhưng biết oán trách ai bây giờ, một khi lẽ đời còn nhiều oan trái, lòng người còn lắm đổi thay:
Còn bao nhiêu ngang trái ở đời
Sinh con ra không thể nuôi con được
Bầu sữa cương đêm đêm nhức buốt
Mái chùa xa
Con khóc xé trời
Những mảnh đời lánh chốn trần ai
Khoác áo nâu sồng nương thân cửa Phật
Đêm tụng kinh chợt nghe tiếng khóc
Biết ngoài cổng chùa thêm đứa trẻ bỏ rơi…
Đọc những câu thơ này chẳng mấy ai cầm nổi nước mắt, xót thương cho những số phận cút côi. Cũng sinh ra làm kiếp con người, mà ngay khi mới cất tiếng khóc chào đời đã ngậm điều oan trái. Nếu không có đức Phật từ bi hỉ xả, thì không biết cuộc đời các em sẽ đi đâu, về đâu nơi chốn dương gian này. Bài thơ thật sự ám ảnh người đọc.
Sự vị tha của người vợ trong lễ động thổ vắng người chồng cũ quả là rất đáng nể trọng. Chỉ có những con người đầy tấm lòng nhân ái mới có thể nghĩ và nói ra được điều không dễ nói chút nào. Từ khi tình tan vỡ, anh đi đằng anh, tôi đằng tôi. Dù vậy ngôi nhà mới xây anh đã đứng tên động thổ từ lâu rồi. Vượt qua sự oán trách, hờn ghen đối với người chồng cũ, khi biết rằng giọt nước đã tràn ly làm sao vớt lại được nữa, thì chỉ có tha thứ mới là diệu kế:
Vẳng đến tai em lời hàng xóm thì thào
Sao bố chúng không về phải mượn người động thổ?
Họ đâu biết từ khi tình tan vỡ
Anh lấy người ta
Ngôi nhà mới xây anh đã đứng tên động thổ rồi.
(Lễ động thổ vắng Anh)
Những bài thơ viết về đề tài thế sự của Bành Thanh Bần đã có những tìm tòi về cấu tứ, ngôn ngữ riêng, có thể coi là khá thành công của ông, vì nó ít nhiều cũng đã chạm tới chỗ thẳm sâu của lòng người.
Với một người sống trọng tình như Bành Thanh Bần, thì những vần thơ như thế này có vẻ hợp với tạng của ông hơn:
Chợ Viềng
Bán rủi, mua may
Tôi đem bán lẻ chuỗi ngày đơn côi
Trong Đền, em khấn bên tôi
“Cầu duyên Tần - Tấn
... mong Người độ tâm”
Chắp tay tôi khấn thì thầm
Sợ ai nghe- chỉ lầm rầm, nhỏ thôi...
(Chợ Viềng)
Thông thường, người ta đến chợ để mua bán hàng hóa, trao đổi vật dụng, còn nhà thơ lại chỉ “bán lẻ chuỗi ngày đơn côi”, cái mà chẳng ai cần mua. Thế mà Bành Thanh Bần vẫn đem bán. Kể cũng lạ. Nhưng nếu đọc hết bài thơ ta lại thấy ông mới chính là người có lý. Bởi lẽ “Đội ơn Trời, Phật linh thiêng/ Cầu được ước thấy. Tôi, em… xuân này…”
Trong nhiều câu, nhiều đoạn của thể thơ truyền thống dân tộc đã được Bành Thanh Bần làm mới lại qua cách “đổ đèo” riêng của ông khá ngoạn mục, mới lạ, mạnh bạo, nhưng lại khá hợp lý:
Người xưa đau đáu nỗi gì
mà khắc vào đá mà ghi giữa đời
...
Hỏi trời, Trời có biết không?
Hỏi đá, Đá cứ lặng câm…
Hỏi người:
- Em ơi! Em lắc đầu, cười…
Lấp lánh khuyên bạc treo trời lửng lơ…
(Ở bãi đá khắc cổ Sa Pa)
Ở đoạn thơ trên, nhà thơ đã táo bạo ngắt hai từ cuối nằm trong phạm vi cú pháp của câu tám theo niêm luật của thể thơ này, tách ra thành một câu riêng biệt, mang tính chất chuyển ý khá hợp lý, tạo nên được một sự bất ngờ thú vị. Còn ở bài này, ông lại ngắt câu sáu trong thể lục bát ra làm ba dòng, tạo nhịp ngưng hơi trong khi đọc, gây được cảm giác mới lạ:
Tàn đêm
Trời đã sáng
Và
Tôi quỳ trước Chúa như là con chiên…
(Tiếng chuông nhà thờ)
Đây lại là một cách “đổ đèo” khác với cụm từ “bất ngờ” và động từ “ngã” lặp đi lặp lại nhiều lần, những từ ngữ mộc mạc, chất phác, không bị yếu tố “làm văn” gây áp lực, nên ngôn ngữ thơ gần với đời sống hơn, làm nên một diện mạo mới, tạo sự bất ngờ cho ý thơ:
Bất ngờ
nàng ngã vào tôi
Bất ngờ
ngã một nụ cười trên tay
Bất ngờ
mây ngã vào mây
Tóc nàng đổ xuống ngã đầy vai tôi
Bất ngờ mây giấu làn môi
Bất ngờ gió
để cho tôi… bất ngờ!
(Bất ngờ trên Tản Viên Sơn)
Tóc người thiếu nữ đổ xuống ngã đầy vai người đàn ông là một hình tượng thơ đẹp, giàu liên tưởng, vì dường như điều ấy bất kỳ người đàn ông nào cũng đã từng gặp ở đâu đó một lần trong đời. Nhưng quan trọng là những điều xảy ra trên đây chẳng có chủ đích, mà chỉ là sự ngẫu nhiên. Chính cái sự “bất ngờ” ngẫu nhiên đến chết người ấy, lại đích thực là thơ. Chất thơ thường toát lên từ giọng điệu và thi tứ, chứ không phải là sự cố tình gò ép, nắn gọt câu chữ mà nên.
Nói là bất ngờ vậy thôi, chứ thực ra cả hai đều biết tỏng chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng tình cảm con người đâu phải lúc nào cũng nói thẳng tuột ra được. Dường như cái khoảng mờ ảo, sự khó nói ra ấy là để dành cho thơ. Bành Thanh Bần đã biết tận dụng một cách khéo léo thời khắc ấy mà viết nên những câu thơ dùng dắng, ngập ngừng về chuyện không dễ nói ra. Những câu thơ được ngắt ra, tách dòng như trên có thể tìm thấy khá nhiều trong thơ của Bành Thanh Bần làm cho diện mạo thơ lục bát của ông có sắc thái riêng, mang lại hiệu quả thẩm mỹ nhất định.
Bìa hai tập thơ của tác giả Bành Thanh Bần
Bài “Ngoài này Hà Nội vẫn mưa” cũng có những câu thơ hay và đẹp như thế:
Sông Hương thuyền vẫn gác sào
Tình anh em vẫn neo vào lưng ong?
Trường Tiền cong nét mi cong
Nhớ anh đừng chớp kẻo giông bão về…
Có thể nói câu thứ 2 và câu thứ 4 của khổ thơ trên là những câu thơ hay, tạo được sự bất ngờ trong liên tưởng của người đọc. “Neo” tình anh vào lưng cong của cô gái Huế hay cái chớp mắt của em có thể làm bão giông kéo về là cách nói rất thơ của Bành Thanh Bần.
Leo đèo lội suối lên thăm một cô giáo vùng cao, chẳng may gặp phải cơn mưa. Cô xòe ô vội ra đi, thì bất ngờ gặp người quen. Người con trai thì:
Cầu trời cho gió thôi bay
Mưa xiên đừng ướt vầng mây ngọc ngà
Ngước lên em chợt nhận ra
Ô rơi
- Ướt hết “người ta”, bắt đền!
Vầng mây ấm, nụ môi mềm
Tôi ngợp thở trước sân thềm… ngợp mưa
(Cô giáo vùng cao)
Bài thơ khá tự nhiên về ý, mộc mạc về lời, nhưng vẫn đem đến cho người đọc một sự cảm thụ tươi mới của đôi bạn trẻ lâu ngày gặp nhau trong lúc trời mưa. Ông trời thật đáng trách. Cớ sao lại đổ mưa vào lúc này để ô của em rơi, làm ướt hết “người ta”, để em “bắt đền” khiến tôi ngợp thở trước sân thềm bởi nụ môi mềm.
Tư chất vốn có của nhà thơ, như là một tài sản được trời phú. Đấy mới là tiền đề, là bước khởi đầu, nhưng để biến tài sản ấy thành tài sản riêng của mình, ngoài chất liệu cuộc sống, nhà thơ cần một quá trình chưng cất thật sự công phu, lao tâm khổ tứ, lao động nghiêm túc mới thành thơ được.
Đương nhiên là ranh giới giữa sự dân dã, mộc mạc, chất phác và sự dễ dãi, sơ lược trong văn chương nói chung và thơ nói riêng là hết sức mong manh, nhiều khi không thể phân biệt được. Nhà thơ Bành Thanh Bần là người chuộng sự dân dã trong suy tư cũng như ngôn ngữ biểu đạt thơ nên cũng khó vượt qua được ranh giới ấy. Ở một số câu, bài, sự dễ dãi, mộc mạc lấn át bản tính tự nhiên vốn có của văn chương, thơ phú. Một số câu, bài, ngắt câu, “đổ đèo” còn gượng ép nên làm mất tính tự nhiên của ngôn ngữ và giọng điệu của thơ.
Tuy nhiên nhìn chung thơ Bành Thanh Bần viết khá đều tay, có những tìm tòi, đặc biệt là ở khâu lập ý, tạo tứ và ngắt nhịp làm cho người đọc cảm thấy hứng thú hơn, bớt đi nhàm chán, nhất là trong thời điểm thơ ca đang có nguy cơ làm độc giả “bội thực” như hiện nay. Hy vọng rằng nhà thơ Bành Thanh Bần không dừng lại ở những vần thơ trên mà sẽ đem đến cho bạn đọc những vần thơ tươi mới hơn./.
---------------------------
(*) Bất ngờ- Nxb Hội Nhà văn, 2010; Rượu trời- Nxb Hội Nhà văn 2012; Thả nhớ vào sông- Nxb Hội Nhà văn 2012.
Ý kiến bạn đọc