Tìm hiểu các bài thơ, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu điếu Trương Định

Đăng lúc: Thứ ba - 11/11/2014 07:00
Nam bộ - thành đồng Tổ quốc - mảnh đất đầu tiên giáp mặt với kẻ thù cướp nước, đã vùng lên giáng trả đích đáng quân xâm lược ngay khi chúng vừa đặt chân tới. Mở đầu cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam là cuộc khởi nghĩa bùng lên từ địa bàn Gò Công, do vị anh hùng Trương Định lãnh đạo. Được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các tầng lớp, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng trở thành ngọn cờ đầu của lực lượng yêu nước, gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề.

Lịch sử ghi nhận khởi nghĩa Trương Định là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn trong giai đoạn đầu của phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của anh hùng dân tộc Trương Định bất khuất chiến đấu và hy sinh với bao niềm thương xót của nhân dân Gò Công.

Trước cái chết của Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu chẳng những tỏ ra đau đớn vì đã mất một người bạn chiến đấu đồng tâm đồng chí mà còn tỏ ra ái ngại vì trước nạn nước mất nhà tan, khó có người đầy đủ nghị lực và uy tín như Trương Định để lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Cụ Đồ Chiểu bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn của mình đối với người anh hùng một lòng vì dân đánh giặc qua cụm tác phẩm điếu Trương Định gồm một bài văn tế và mười hai bài thơ liên hoàn.

Cũng như các bài thơ điếu Phan Tòng, Đồ Chiểu ngoài lòng thương tiếc vô hạn người anh hùng đã mất, ông còn lên tiếng tố cáo, oán trách triều đình Huế rất sâu sắc đối với việc chúng cắt đất cầu hòa, thù oán những người yêu nước.

Lễ kỷ niệm 150 ngày mất của Trương Định tại TX Gò Công


Trước hết Nguyễn Đình Chiểu muốn đề cập đến vai trò của Trương Định trong miền Nam lúc bấy giờ. Tiếng tăm của Trương Định được nhiều người biết đến nhất là vùng đất Gò Công, trong mười hai bài thơ Nguyễn Đình Chiểu điếu Trương Định mở đầu ông viết “Trong Nam tên nổi như cồn”. Trương Định là người lãnh đạo nghĩa quân ở nhiều nơi để chống thực dân Pháp. Phong trào hưởng ứng nghĩa quân Trương Định lên rất cao hơn 5000 nông dân Gia Định. Ông quyết định đem nghĩa quân về vùng Gò Công để xây dựng căn cứ. Anh hùng dân tộc Trương Định là người có vai trò lớn trong chống Pháp với những trận đánh lớn làm quân địch hoang mang “Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn”. Trận đánh lớn nhất năm 1861 tấn công vào Quy Sơn (Gò Rùa) cách Gò Công vài cây số, cứ điểm này có một đội lính thủy đánh bộ và một chiến thuyền ngày đêm phòng giữ. Ngoài ra còn một số trận đánh khác. Các chiến thắng của nghĩa quân càng tạo lòng tin trong dân chúng. Nguyễn Đình Chiểu đã nêu lên những đóng góp của Trương Định ở Nam bộ. Nhưng rồi “Linh hồn nay đã thác theo thần”,  đêm 19 rạng 20 tháng 8 năm 1864, lãnh binh Tấn dẫn một toán lính tinh nhuệ xuống bao vây đám lá tối trời. Trương Định phá vòng vây, thoát ra bị Tấn bắn gãy chân té quị. Tấn đốc quân tới trói, sẵn lưỡi gươm trong tay, Trương Định điểm mặt Tấn rồi đâm bụng tự tử. Trong quyển Nam kỳ phong tục diễn ca, thời Pháp đô hộ cụ Nguyễn Liên Phong có viết một đoạn rất dè dặt khi Trương Định tử tiết:

Tiếng đồn đám lá tối trời,

Có ông Trương Định trải phơi gan vàng.

Hiềm vì cơ chưởng nam minh.

Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi.

Tác giả Nguyễn Liên Phong cũng đã đề cao tấm gương Trương Định, ví tấm lòng của ông như “gan vàng”, nhấn mạnh tấm lòng kiên trung với đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nói lên tình cảm đau xót tiếc thương vô hạn của nghĩa quân và của nhân dân thời ấy, qua khổ thơ đầy cảm động:

Trong Nam tên nổi như cồn,

Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn.

Dấu đạn bay rêm tàu bạch quỷ,

Hơi gươm thêm rạng thể hoàng môn.

Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ,

Cái ấn Bình Tây đất vội chôn.

Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy,

Lâm tâm ba chữ điếu linh hồn.

(Điếu Trương Định bài I)

Khổ thơ nhấn mạnh sự vang danh của Trương Định như một sự chói lòa cùng với nỗi tiếc thương, tình cảm xót xa khi Trương Định mất.

Gò Công binh giáp ngó chàng ràng.

Đoái Bắc trông Nam luống thở than.

Trên trại đồn điền hoa khóc chủ,

Dưới vàm Bao Ngược sóng kêu quan.

Mây giăng Truông Cốc đường quân vắng,

Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan.

Mấy dặm non sông đều xững vững,

Nạn dân ách nước để ai toan?

(Điếu Trương Định bài VII)

Hay:

Ôi! Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp bước gian truân;

Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái.

(Văn tế Trương Định)

Sau ngày Trương Định dùng gươm tuẫn tiết, tất cả đều rất xót xa. Nghĩa binh của Trương Định vô cùng thương tiếc, tất cả đều không yên chỗ nên “chàng ràng”. Bên cạnh đó, những cảnh vật “đồn điền” nơi Trương Định đã khẩn hoang để trồng trọt cũng biết “khóc chủ”. Kể cả trời, mây, nước dường như cũng phẫn nộ trước sự hy sinh của Trương Định. Tất cả đều đặt tình cảm thương yêu nhất dành cho vị anh hùng nghĩa quân. “Cây cỏ ủ ê” giúp ta thấy rõ cảnh vật cũng buồn theo. Vì “trung” mà Trương Định đã tử tiết. Hai câu cuối của bài văn tế Nguyễn Đình Chiểu có cách viết thật tài tình, phải là người hiểu rõ tâm lý mới viết được như thế. Đó cũng chính là niềm thương cảm của chính tác giả đối với người bạn. Nguyễn Đình Chiểu có cái nhìn hết sức sâu sắc, đó là cách miêu tả thật tinh tế. Và cũng chính là tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu dành cho người bạn tri kỉ của mình. Chưa dừng lại ở đó, các địa danh như: Vàm Bao Ngược, Truông Cốc, Gò Rùa (những địa danh ở vùng Gò Công) trước cái nhìn của nhà văn tất cả đều ảm đạm. Đỉnh cao của khổ thơ này là “Mấy dặm non sông đều xững vững”, tác giả mở rộng phạm vi ra cả đất nước, với “xững vững” bày tỏ sự choáng váng trước sự ra đi của Trương Định.

Trong những sáng tác thơ văn yêu nước, ngoài hình tượng người nông dân đánh giặc, Nguyễn Đình Chiểu còn dành nhiều tác phẩm viết về Trương Định, lãnh tụ nghĩa quân nổi tiếng lúc bấy giờ. Nguyễn Đình Chiểu cảm phục trước vẻ đẹp con người ấy, và ông đã hết lời ca ngợi cái chết dũng cảm của Trương Định một nhà chí sĩ, trong bài văn tế Trương Định ông viết:

Vì nước tấm thân đã gửi còn mất cũng cam;

Giúp đời cái nghĩa đáng làm nên hư nào nại.

(Văn tế Trương Định)

Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh chữ “nghĩa” ở Trương Định, dù hy sinh nhưng làm việc giúp nước giúp dân, điều đó tất cả xuất phát từ niềm yêu nước, yêu dân sâu sắc của Trương Định. Đồng thời nhà thơ cũng ghi lại nỗi đau xót của quần chúng, trước cái chết của lãnh tụ Trương Định:

Chạnh lòng tướng sĩ, thương quan tướng, nhắc quan tướng, chiu chít như gà…

Tướng quân còn đó khắp nơi đạo tặc thảy kiêng dè, tướng quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái...

(Văn tế Trương Định)

Điều đáng chú ý, khi khóc thương tiếc lãnh tụ nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ nói lên tình cảm của cá nhân mình, hay tình cảm của một tầng lớp nào trong xã hội, mà nhà thơ ghi lại lòng thương tiếc của nhân dân. Chính điều đó làm cho ta thấy sự hy sinh của Trương Định - một lãnh tụ nghĩa quân có ý nghĩa biết chừng nào! Rõ ràng cái chết của Trương Định là tổn thất của quần chúng, là mất mát to lớn của phong trào chống Pháp. Quan điểm nhân dân của nhà thơ trong việc ca ngợi lãnh tụ nghĩa quân còn ở chỗ ông thấy được mối quan hệ mới giữa Trương Định và quần chúng mà các thủ lĩnh phong kiến ngày xưa không có được.

Nguyễn Đình Chiểu còn nêu lên quan điểm dân tộc trong bài văn điếu Trương Định, thể hiện ở chi tiết nhà thơ rất đau xót thấy đất nước bị chia cắt. Ông nói đến cảnh “bên Hồ bên Hán”, “nửa Tống nửa Liêu”, “dưa chia khăn xé”. Những câu nhà thơ viết về đất nước bị chia cắt cũng xót xa, thống thiết chẳng khác gì những câu ông viết về nỗi mất mát, đau thương khác của nhân dân, của dân tộc:

Sự thế hãy bên Hồ bên Hán, bao giờ về một mối xa thư,

Phong cương còn nửa Tống nửa Liêu đâu nỡ hại một tay tướng soái.

…Vì ai khiến dưa chia khăn xé, nhìn giang sơn ba tỉnh luống thêm buồn,

Biết thuở nào cờ phất trống rung, hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái.

(Văn tế Trương Định)

Hay là:

Bờ cõi xưa đã chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung.

(Ngư tiều y thuật vấn đáp)

Nhà thơ một mặt ca ngợi hành động “theo bụng dân phải chịu tướng quân phù” của Trương Định, nhưng mặt khác dường như ông không phải không lo về “tiếng nghịch thần”:

Giúp đời dốc trọn ơn nam tử,

Ngay chưa nào lo tiếng nghịch thần?

(Điếu Trương Định bài II)

Về sau thì khác hẳn, ông không có những băn khoăn, lo lắng  như thế:

Xe ngựa lao xao giữa cõi trần,

biết ai thiên tử biết ai thần?

(Ngư tiều y thuật vấn đáp)

Từ đây trở đi, nói vua mà thực ra là nói nước, trung vua mà thực ra là yêu nước. Nếu không thế thì tại sao vẫn có thể gọi “nghịch thần” Trương Định: “Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần; Chí dốc ra tay nâng vạc ngã; Trước sau cho trọn nghĩa quân thần…” (Điếu Trương Định).

Về nội dung khái niệm cũng như về tư tưởng tình cảm tác giả ở những câu chữ dẫn ở trên là hoàn toàn thống nhất, hơn nữa đồng nhất với những khái niệm câu chữ này: “Vì nước tấm thân đã gửi”, “Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước, nào sờn tiếng thị tiếng phi”. Còn bản thân Nguyễn Đình Chiểu nâng bút viết lời tế điếu trước hết là vì “Khóc là khóc nước nhà cơn biến loạn…”, “Thương là thương bờ cõi lúc qua phân…” (Văn tế Trương Định).

Đằng sau cái chết của Trương Định là cả một khoảng không mịt mờ ảm đạm cho đại cuộc quê hương. Những dòng thơ này có thể xem như lời tổng kết của nhà thơ về một chặng vừa đi qua của cuộc kháng chiến, nó mở ra lối hành xử mới của nhà thơ:

Mây giăng Truông Cốc đường quân vắng,

Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan.

Mấy dặm non sông đều xững vững,

Nạn dân ách nước để ai toan?

(Điếu Trương Định bài VII)

Nguyễn Đình Chiểu đã viết một bài điếu liên hoàn gồm mười hai bài thơ và một bài văn tế trước cái mất của người bạn tri kỷ Trương Định. Những bài thơ văn điếu này đã nói lên tâm trạng của nhân dân thật xót xa, niềm thương tiếc lớn lao khi Trương Định mất, đấy cũng chính là tâm trạng của tác giả viết về bạn mình. Bên cạnh niềm thương tiếc đó, Nguyễn Đình Chiểu cũng nhắc lại những chiến công, những trận đánh mà làm nên tên tuổi của Trương Định ở vùng đất Gò Công và cả Nam bộ. Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu thật sắc sảo, tinh tế dường như bộc lộ hết niềm xúc cảm của nhà thơ với niềm thương xót và nỗi lo âu của nhà thơ trước bọn thực dân Pháp xâm lược.

Nguyễn Trọng Hiếu
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 64)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 84
  • Khách viếng thăm: 79
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 8891
  • Tháng hiện tại: 1460336
  • Tổng lượt truy cập: 45427569