Ấp Xóm Thủ (Gò Công Tây, Tền Giang)
Năm 1770, ông gặp gỡ và kết nghĩa anh em với Võ Tánh, một hào kiệt đất Gò Công. Năm 1772, ông kết hôn với em gái của Võ Tánh là Võ Thị Lội (2) tại Gò Tre (nay thuộc xã Long Thuận, thị xã Gò Công). Năm 1783, ông tham gia cuộc khởi binh của Võ Tánh tại Gò Tre. Năm 1788, ông cùng với đạo quân Kiến Hòa của Võ Tánh theo phục vụ chúa Nguyễn Ánh.
Do là một nhà Nho học kiệt xuất, nên ông được Nguyễn Ánh tin dùng, lần lượt giữ các chức Chế cáo Viện Hàn lâm năm 1788, Điền tuấn sứ năm 1789 (quan trông coi việc khai khẩn, canh tác nông nghiệp, xác định điền thổ và quân lương).
Năm 1790, ông cùng với Bộ Tham mưu của chúa Nguyễn Phúc Ánh tiến quân ra miền Trung. Năm 1791, ông trở về Gia Định và thi đậu thủ khoa khoa thi năm Tân Hợi. Đây là khoa thi đầu tiên mà chúa Nguyễn Ánh cho tổ chức ở Nam bộ. Ngay sau đó, ông được thăng làm Tham tri bộ Lễ kiêm Phụ đạo Đông cung (thầy dạy học Đông cung hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh). Về việc này, trong quyển Địa chí TP Hồ Chí Minh (tập 1: Lịch sử), Nguyễn Đình Đầu viết: “Nổi tiếng nhất đương thời là nhóm Gia Định tam gia, gồm ba nhân vật lỗi lạc là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh. Sự thực, Ngô Tùng Châu cũng là tay văn học kiệt xuất, tiếc rằng chết sớm, nên đời sau ít nói tới. Là học trò đầu hạng của Võ Trường Toản, ông rất được Nguyễn Phúc Ánh phục tài và tin dùng. Bởi vậy, sau khi được thăng chức Tham tri bộ Lễ, ông còn được cử làm phụ đạo dạy Đông cung Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) mà lâu nay do thầy Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) kèm dạy, Ngô Tùng Châu đã nhận lấy và làm tròn một việc khó khăn tế nhị. Ngô Tùng Châu học hành thuần chánh, “hết lòng can răn, Đông cung nể trọng lắm”.
Năm 1799, sau khi đánh tan quân Tây Sơn tại thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh đổi cho tên thành này ra thành Bình Định và cử ông cùng với Võ Tánh trấn giữ. Tháng 2/1800, hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng mang quân từ Phú Xuân (Huế) vào tấn công thành Bình Định. Ông cùng với Võ Tánh chỉ huy quân cố thủ.
Quyết không để mất thành, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã hai lần mang quân tới giải vây thành Bình Định vào tháng 4/1800 và tháng 2/1801; nhưng đều bị quân Tây Sơn chặn đứng. Thành Bình Định vẫn bị quân Tây Sơn bao vây chặt chẽ. Trước tình hình đó, ông và Võ Tánh sai người lén đem mật thư ra cho Nguyễn Phúc Ánh; khuyên vị chúa Nguyễn nên kéo quân ra đánh Phú Xuân, và khi đó, sẽ dễ dàng giành được thắng lợi, vì đại bộ phận quân Tây Sơn đang bị thu hút ở mặt trận Bình Định; lực lượng ở Phú Xuân rất yếu. Đồng thời, bức mật thư cũng nói rõ, ông và Võ Tánh sẽ cố giữ thành nhằm cầm chân quân Tây Sơn. Nghe theo lời khuyên hợp lý của ông và Võ Tánh, Nguyễn Phúc Ánh cho quân tấn công và chiếm được Phú Xuân vào tháng 6/1801.
Hai tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân mất về tay Nguyễn Phúc Ánh, liền chia quân ra cứu. Quân cứu viện Tây Sơn ra tới Quảng Nam thì bị quân chúa Nguyễn chặn đánh nên phải quay trở lại Bình Định. Không có cách nào khác, Trần Quang Diệu ra lệnh quân lính ráo riết công kích thành Bình Định. Trước nguy cơ thành bị thất thủ, có người khuyên ông và Võ Tánh nên lẻn trốn ra ngoài; nhưng hai ông đã cự tuyệt, cương quyết ở lại với thành. Tình thế ngày càng khốn quẫn, thấy không thể giữ thành lâu hơn được nữa, Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu đề nghị sau khi chiếm được thành thì quân Tây Sơn không giết hại binh lính của ông.
Để không bị quân Tây Sơn bắt, ngày 5/7/1801 (nhằm này 25 tháng 5 năm Tân Dậu), ông uống thuốc độc tự tử. Ngày 7/7/1801 (nhằm ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu), Võ Tánh tiếp nối ông, tự thiêu mà chết tại lầu bát giác.
Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, rất xúc động trước cái chết trung dũng, đầy khí phách của ông và Võ Tánh, nên cho quân lính mai táng tử tế thi hài của hai ông. Đồng thời, vị tướng Tây Sơn này cũng không giết hại bất cứ người lính nào trong thành.
Mộ Ngô Tùng Châu (Phù Cát, Bình Định)
Năm 1802, sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Ông được nhà vua truy tặng Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Trụ quốc, Thái tử thái sư, Quận công, tên thụy là Trung Ý. Năm 1831, vua Minh Mạng truy tặng ông là Tá vận công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ, Thiếu sư kiêm Thái tử thái sư, Ninh Hòa quận công, đổi tên thụy là Trung Mẫn.
Bản thân ông có cuộc sống thanh bạch. Một vị quan đồng liêu với ông là Trịnh Hoài Đức có bài thơ viết về ông như sau:
Bốc trạch đắc kỳ sở
Siêu nhiên dĩ bảo chân
Trúc ly tham khúc kính
Thôn xá nhất nhàn nhân
Thảo kết đinh tiền thụ
Thư tàng tịch thượng trân
Bất tham kim khí địa
Nhàn mịch hạnh hoa xuân.
(Đề Ngô Tùng Châu u cư)
Nhà thơ Hoài Anh dịch thơ như sau:
Chọn được nơi tốt làm nhà,
Đứng ngoài cuộc giữ cái “ta” vẹn toàn.
Giậu trơ ba luống cúc vàng,
Một người nhàn ở trong làng vui sao.
Trước sân, cỏ bện dây thao,
Sách là món quý tiệc nào bằng đây.
Đất có hơi vàng, chẳng dây
Xuân trong hoa hạnh, nhàn hay kiếm tìm.
(Đề chỗ ở ẩn của Ngô Tùng Châu)
Sau khi tuẫn tiết, thi hài ông được quân Tây Sơn an táng trong thành Bình Định. Năm 1804, mộ của ông được nhà Nguyễn cải táng về quê và xây thành lăng, tọa lạc tại Gò Tháp (Gò Lăng), dưới chân dãy núi Bà thuộc thôn Thái Định, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 1932, lăng bị một cơn bão tàn phá; sau đó, được các nhân sĩ Bình Định tu sửa. Tuy nhiên, không lâu sau đó, do chiến tranh, lăng trở nên tiêu điều, chỉ còn lại hai trụ cổng, bức bình phong và nền móng điện thờ. Năm 1969, chi phái Cao đài tiên thiên tỉnh Bình Định cùng với dòng họ Ngô xây dựng lăng “Ninh Hòa quận công tự” tại địa điểm mới: Cầu Hiệu, thôn Thái Định, xã Cát Tài. Sau năm 1975, khu lăng được trưng dụng làm trụ sở Ủy ban nhân dân xã Cát Tài cho đến hiện nay. Đồng thời, ông còn được thờ ở Đình Trung tọa lạc tại trung tâm thị xã Gò Công. Hiện nay, thị xã Gò Công có một con đường mang tên ông.
______________
(1) Theo dân gian, khu vực mà ông Ngô Tùng Trang khai khẩn nay thuộc xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, còn địa danh Xóm Thủ với nghĩa là xóm có ông thủ khoa Ngô Tùng Châu đã từng sinh sống ở đó.
(2) Theo tác giả Nguyễn Thanh Quang trong bài “Tư liệu về Quận công Ngô Tùng Châu” đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 429 (tháng 6/2013): Ngô Tùng Châu và bà Võ Thị Lội có hai người con là Ngô Tùng Quang và Ngô Tùng Hòa. Năm 1784, do Ngô Tùng Châu đầu quân dưới trướng của Nguyễn Ánh, nên cha của Ngô Tùng Châu là Ngô Tùng Trang cùng với con dâu và hai cháu nội trở về quê sinh sống. Năm 1789, Ngô Tùng Quang chết; chỉ còn Ngô Tùng Hòa sống, phụng tự tổ tiên, sinh con cháu nối dõi cho đến ngày nay. Riêng bà Võ Thị Lội, sau khi Ngô Tùng Châu tuẫn tiết, bà thủ tiết thờ chồng và sinh sống tại quê chồng. Mỗi năm một lần, bà theo ghe bầu trở về Gò Công thăm bà con. Năm 1821, vua Minh Mạng ra lệnh cho quan Trấn thủ Bình Định cấp cho bà mỗi năm 50 quan tiền và 50 phương gạo. Năm 1838, bà mất, thọ 85 tuổi. Bài vị của bà đang được dòng họ Ngô thờ cúng có ghi: “Võ húy Thị Lội, sinh năm Giáp Tuất (1754), hưởng linh 85 tuổi, mất năm Mậu Tuất (1838), giờ Tuất, ngày 24 tháng 6. Mộ xây hướng Càn Tốn kiêm Thìn Tuất”.
Vị thủ khoa đầu tiên ở Tiền Giang hồi cuối thế kỷ XVIII, Song Lan, tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp
Ý kiến bạn đọc