Một chút cảm nghĩ khi đọc truyện ngắn và ký "Một chữ" của Đậu Viết Hương

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/11/2016 17:15
Tôi đọc “Một chữ” của Đậu Viết Hương từ con số ấn tượng và đầy ám ảnh “gần 100 giải thưởng báo chí và văn học”. Được đọc đầy đủ lần một trước khi anh cho xuất bản cuốn sách này. Bây giờ đọc lần hai thì đọc loáng thoáng do không có nhiều thời gian. Tôi lại bị ám ảnh bởi hiện thực của cuộc sống cứ ngồn ngộn trong các tác phẩm của anh.
Tập truyện và kí "Một chữ" của tác giả Đậu Viết Hương

Tập truyện và kí "Một chữ" của tác giả Đậu Viết Hương

Tập truyện và ký “Một chữ” gồm 12 truyện ngắn và 11 bài ký, được Đậu Viết Hương lấy tựa của một truyện ngắn đoạt giải nhất cuộc thi viết về đề tài giáo dục - đào tạo của tỉnh Tiền Giang là tựa của cuốn sách này, âu đó cũng là một dụng ý.

Hầu hết truyện và ký của Đậu Viết Hương lấy bối cảnh vùng đất Tiền Giang trong quá khứ và hiện tại (ngoại trừ ít truyện và ký được viết rộng ra, nhân vật ở vùng Nam bộ hoặc Nam Trung bộ), nên người đọc vùng Tiền Giang vẫn thấy rất gần gũi, như đã từng gặp những nhân vật này ở đâu đó, rất gần.

Xem thế cũng biết anh có thế mạnh về việc thâm nhập thực tế để có chất liệu mà viết. Chất liệu cuộc sống vốn là thứ “bột” để gột nên “hồ” trên các trang văn. Các bài ký của anh như một sự sao chụp cuộc sống ở những góc độ khác nhau của một nghệ sĩ nhiếp ảnh làm ta thích thú. Đến cả một số truyện ngắn cũng lấy từ hiện thực cuộc sống, ngoại trừ một số truyện ngắn đoạt giải, cũng từ hiện thực, nhưng sự sáng tạo văn học được rõ ràng hơn, có sự dụng công của tác giả để thành một tác phẩm văn học. Việc trung thành với tư liệu thực địa, mặt nào đó đã đem lại độ tin cậy của độc giả về những con người và sự việc mà tác giả đề cập trong các bài ký văn học. Đó cũng là một sự đóng góp, trước hết là về mặt tư liệu và sau đó là tác phẩm.

Có lúc tôi phải đặt một dấu hỏi: Liệu Đậu Viết Hương không làm báo thì có tập truyện - ký “Một chữ” này không? Trong số 12 truyện và 11 ký này, thì quá 2 phần 3 là từ những chuyến đi thực địa, từ hiện thực cuộc sống. Vậy thì, chính anh nhà báo Đậu Viết Hương đã có công lớn cho Đậu Viết Hương trình làng tập “Một chữ”. Đất nước ta có khoảng 22.000 nhà báo, nhưng chỉ có một phần rất nhỏ trong số đó có tác phẩm được xuất bản truyện và ký văn học? Đậu Viết Hương nằm trong số rất nhỏ đó nên rất quý.

Trong hầu hết những nhân vật mà tác giả làm nhân vật chính trong các bài ký thì tôi đã gặp ngoài đời nhiều lần, nên khi đọc tôi không lấy gì làm lạ. Họ có công trạng, họ là những nhân vật điển hình về mặt này mặt khác, như: Mười Tý đặc công thủy, giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê, giáo sư nhạc sĩ Trần Quang Khải, doanh nhân - nhà báo - nhà thơ Trần Đỗ Liêm, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, rồi anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Ánh Thu, rồi nhà thơ Tạ Văn Sĩ, chị Dương Thị Lệ, bà Nguyễn Thị Dương trong kháng chiến thường được gọi là “Chị Sáu Nông Dân”,v.v.... đã đi vào trang văn của Đậu Viết Hương, như những bản sao.

Cũng với cái mạch khai thác hiện thực để đề cao cái tốt, cái hay, phê phán cái xấu, cái tiêu cực như ở các bài ký, truyện ngắn của Đậu Viết Hương cũng cung cấp cho chúng ta những tấm gương người tốt, việc tốt thông qua những nhân vật có thực trong đời sống thường ngày. Số nhân vật thực sự văn học của Đậu Viết Hương không nhiều. Tôi đặc biệt yêu thích nhân vật The giàu lòng nhân ái trong Cô gái bán bánh mì, ông Sáu - người thầy của thằng Tý thời kháng chiến chống Mỹ trong Một chữ, những suy nghĩ, hành động và cuộc đời của những nhân vật này đã chạm được trái tim. Trang viết đi đến được trái tim của người đọc là một thành công. Thứ lao động cực nhọc, lao tâm khổ trí nhất là lao động trên trang giấy. Với những mức độ khác nhau, nhiều tác giả đã chạm khắc được “chữ” của mình trong tâm trí của người khác, đó là sự lao động đặc biệt, lao động của những tài năng, của những thiên tài.

Truyện của Đậu Viết Hương có một mô - tuýp là đề cao lòng nhân hậu, cho dù cái kết bi thương đi nữa thì cũng là để đề cao lòng nhân hậu, hoặc cái kết có hậu cũng là để đề cao lòng nhân hậu. Hầu hết các nhân vật không có gì uẩn khúc, diễn biến của câu chuyện cũng khá đơn giản, tâm lý nhân vật lộ rõ ngay từ đầu nên ít có sự bất ngờ trong truyện, kết cấu truyện cũng khá đơn giản. Người ta có thể nhận ra cái kết khi đọc được một phần câu chuyện. Nhưng do truyện gần gũi với đời sống thực nên người đọc thấy anh kể chuyện có duyên. Cái duyên ấy không nằm trong văn, mà nằm trong người viết, nằm trong tấm lòng, vì thế mà có lúc tạo được sự xúc động.

Văn học có đời sống riêng của nó. Mỗi tác phẩm có một đời sống riêng. Nếu hay thì tác phẩm có tuổi thọ cao, nếu dở thì chết yểu. Đó là quy luật nghiệt ngã của nghệ thuật mà ai cầm bút cũng phải tuân theo. Đến cả đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều hay đến thế mà vẫn phải lo, để thốt lên trong bài “Độc tiều thanh ký” rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?). Mới thấy sự nghiệt ngã của văn học.

Trở lại “Một chữ”, phần lớn truyện ngắn và toàn bộ ký trong tập này lấy từ đời sống thực. Mà đời sống thực được đi vào văn học luôn mang theo hơi thở gấp gáp của cuộc sống, nó tạo sự gần gũi với độc giả, có giá trị đặc biệt đối với các nhân vật được ngợi ca. Tuy nhiên, nếu tay viết không vững thì có khi lại ngược lại, từ cái “thực” người đọc có quyền nghĩ tới cái phần “không thực” đang ẩn chứa trong đó. Nhiều lúc viết cái thực mà người đọc lại nghi ngờ. Tình trạng đó hoàn toàn phụ thuộc vào tác giả có “chắc tay” hay không? Nghệ thuật có một nghịch lý là: tả thực mà không hay có lúc người ta nghĩ là bịa. Bịa ra mà hay thì người ta nghĩ là thực. Xem một bức tranh trừu tượng (hoàn toàn phi thực) mà đẹp thì nhiều người cho là tả “đúng” là “hay”. Còn khi xem một bức như ký họa mà dở thì người ta cho là “vô lý” và “dở”. Hóa ra nghệ thuật là phải từ cái thực được thăng hoa, chứ không phải photo lại cái thực. Các tượng đài thời phục hưng nổi tiếng có tỷ lệ không đúng với người thật, dường như mình, tay, chân... đều dài hơn bình thường, nhưng người ta cho là giống thực. Còn tượng được tạc đúng tỷ lệ người thật thì nhìn vào rất thô thiển, rất xấu, người ta lại bảo không giống. Cái phi thực được khán giả, độc giả cho là “hay” ấy đích thị là nghệ thuật. “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm không có trong thực tế, ấy thế mà người ta tin là có. Nghệ thuật đích thực vốn thế, bởi nghệ thuật từ cái “cảm”của người sáng tạo và sau đó là cái “cảm và thụ” của người tiếp nhận. Đậu Viết Hương sao chụp từ cái thực và may mắn không bị cái thực làm “bình thường hóa” tác phẩm.

Đối với ký báo chí, nhà báo cung cấp cho người đọc lượng thông tin cần thiết để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người đọc. Sự việc càng thực bao nhiêu thì độ tin cậy càng cao bấy nhiêu, vì thế giá trị của nó là ở cái thực mà nhà báo cung cấp. Tuy nhiên, cần phải có nghệ thuật diễn đạt để bài viết được hấp dẫn hơn. Người đời thường có quan niệm: “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Điều này đúng trong nhiều trường hợp. Nhà văn phải nói láo mà như nói thật. Còn nhà báo thường nói thêm cho hấp dẫn hơn. Tôi có một người thầy là giáo sư Trần Quốc Vượng, một trong “tứ trụ triều đình” của làng sử học Việt Nam, ông thường nói câu: “Muốn hay phải nói quá hơn một chút, làm quá hơn một chút”. Cái “quá” ấy của nhà văn là sự thăng hoa, của nhà báo là một chút “mắm muối” cho bài viết được hấp dẫn hơn.

Có cảm giác ký văn học của Đậu Viết Hương và ngay cả một ít truyện ngắn vẫn còn đậm chất báo chí. Các ký văn học của anh dường như đi giữa báo chí và văn học, có phần ngả về phía báo chí. Nếu có sự hạn chế, thì hạn chế là ở chỗ này.

Có một chút nên lưu ý khi phân tích về địa danh hoặc tư liệu lịch sử, cần cẩn trọng, bởi nhiều nhà văn thường bị vấp lỗi này, làm cho người đọc cảm giác vấp “sạn”. Vào những chỗ có cảm giác chưa thật ổn ấy nên có cách nói chung chung để tránh những sự bắt bẻ không đáng có của độc giả.

Tôi nghĩ, với “Một chữ” Đậu Viết Hương đã có những đóng góp đáng kể trong làng văn của Tiền Giang, và nếu Đậu Viết Hương tránh bớt chất báo trong văn, thì với vốn sống, vốn thực địa, với tay nghề đa dạng của người cầm bút... Đậu Viết Hương sẽ còn đi được rất xa.

Lê Ái Siêm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 74)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 125
  • Khách viếng thăm: 123
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 29825
  • Tháng hiện tại: 396862
  • Tổng lượt truy cập: 65335214