Về 2 gánh hát của thầy Năm Tú & Huỳnh Kỳ

Đăng lúc: Thứ bảy - 18/01/2014 12:08
Theo các nghệ nhân, ca ra bộ là tiền thân của hát cải lương, mặc dù đa số các sử gia về hát cải lương đều cho rằng ca ra bộ xuất hiện tại tỉnh Vĩnh Long vào năm 1917, tại nhà ông cai tổng Tống Hữu Định, với bản Tứ Đại Oán - bài “Bùi Kiệm thi rớt trở về”. Đến năm 1920, danh từ cải lương mới được dùng để chỉ một bộ môn nghệ thuật sân khấu đổi mới.

Theo các nghệ nhân, ca ra bộ là tiền thân của hát cải lương, mặc dù đa số các sử gia về hát cải lương đều cho rằng ca ra bộ xuất hiện tại tỉnh Vĩnh Long vào năm 1917, tại nhà ông cai tổng Tống Hữu Định, với bản Tứ Đại Oán - bài “Bùi Kiệm thi rớt trở về”. Đến năm 1920, danh từ cải lương mới được dùng để chỉ một bộ môn nghệ thuật sân khấu đổi mới.

Thế nhưng, trước năm 1920, tại Mỹ Tho đã có sự kiện cải lương được phổ biến rộng rãi trong các đĩa hát của hãng dĩa Tây Pathé Phono, nhờ việc thầy Năm Tú - một người yêu nhạc tài tử và cải lương, từ năm 1917 đã mua lại gánh hát xiệc (cirque) của ông André Thận (là người đầu tiên đem ca ra bộ lên sân khấu biểu diễn giữa những màn hát xiệc).

Thầy Năm Tú khi lập gánh hát, phối hợp tất cả những tiết mục ca ra bộ ăn khách trong một buổi diễn và sau đó thầy thấy rằng, nội dung các bài ca ra bộ không cùng đi với nhau nên thầy nhờ một nhà Nho là ông Trương Duy Toản, người đã từng tham gia phong trào Đông Du đứng ra làm thầy tuồng và đặt những vở tuồng đầu tiên theo tích của “Kim Vân Kiều”.

Hí viện Vĩnh lợi, xưa là rạp Thầy Năm Tú (đường Lý Công Uẩn, phường 1, TP. Mỹ Tho) được Thầy Năm Tú xây dựng năm 1918, là rạp hát đầu tiên ở Nam bộ. Sau đổi tên Rạp Tiền Giang.
Hí viện Vĩnh lợi, xưa là rạp Thầy Năm Tú (đường Lý Công Uẩn, phường 1, TP. Mỹ Tho) được Thầy Năm Tú xây dựng năm 1918, là rạp hát đầu tiên ở Nam bộ. Sau đổi tên Rạp Tiền Giang.

Năm 1918, thầy Năm Tú cho xây cất một rạp hát đầu tiên tại Mỹ Tho rất rộng rãi và có đủ bề cao trên sân khấu. Thầy có mời một họa sĩ danh tiếng vẽ tranh cảnh để làm phông trang trí cho sân khấu cùng 2 bên cánh gà. Khán giả chia ra làm 3 hạng và 2 bên sân khấu có một số phòng đặc biệt cho khách quý.

Nhờ có rạp hát khang trang và chương trình đầy đủ, tụ họp được nhiều đào kép danh tiếng: Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du, Bảy Thông, Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Thoàn… nên hãng Pathé Phono bằng lòng ghi âm lại những bài ca cải lương và có khi ghi cả tuồng với câu mở đầu: “Bạn hát của thầy Năm Tú, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”.

Thầy Năm Tú cũng cho làm máy hát tại Việt Nam, để hình con chó ngồi nghe và trên dĩa hát có hình con gà màu đỏ, sau đó đem bán khắp nơi. Nhờ vậy mà hát cải lương vừa mới thành hình đã được đĩa hát phổ biến rộng rãi khắp thôn quê.

Thầy Năm Tú tên thật là Châu Văn Tú, có người gọi là ông Pierre Tú vì ông là người có quốc tịch Pháp, sanh tại làng Vĩnh Kim. Phu nhơn của thầy Năm Tú là cô Tám Hảo - em ruột của cô Năm Thoàn (đào hát của gánh hát Thầy Năm Tú).

Thầy Năm Tú là người hào hoa phong nhã, là người Việt Nam đầu tiên mua chiếc xe hơi (xe auto) tại nước Việt. Sau mấy năm, nhờ rạp hát và đĩa hát làm ra tiền, thầy Năm Tú sanh tật xài lớn, sử không có ghi chép tại lý do gì, nhưng sau đó thầy làm ăn ngày càng sa sút, phải bán rạp hát cho người khác. Rạp hát đó vì vậy mà thay đổi tên nhiều lần.

Mặc dù thầy Năm Tú không phải là một kép hát, nhưng thầy có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào dĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương vào những nơi hẻo lánh; đồng thời tạo điều kiện cho những đào kép giỏi có chỗ hành nghề, xây dựng tên tuổi. Các nghệ sĩ: Tám Danh, Ba Du, Năm Châu… đều coi thầy Năm Tú là ân nhân, giúp bước chân vào nghề và tiến bộ trong nghệ thuật cải lương.

Cùng gần một thời với gánh thầy Năm Tú, có Bạch công tử, tên thật là Lê Công Phước, con của ông Lê Công Sùng, là người tuy không phải trong nghề đờn ca tài tử, nhưng đã được cùng đi một lúc với dàn nhạc đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tại Pháp năm 1906. Nhờ vậy ông Lê Công Phước thuở nhỏ đã có dịp du học bên Pháp.

Năm 1926, ông Lê Công Phước gặp một người đam mê âm nhạc tài tử - cải lương tên Nguyễn Ngọc Cương. Hai người hùn lại lập nên gánh Phước Cương (lấy tên ghép của Lê Công Phước và Nguyễn Ngọc Cương) rất hùng hậu, đã tập hợp tất cả các đào kép giỏi thuở ấy. Bạch công tử có cất một rạp hát ở sát cạnh nhà của mình.

Ông Lê Công Sùng (thân phụ ông Phước) tuy là người miền Trung, nhưng vào lập nghiệp tại Mỹ Tho. Như vậy, tại Mỹ Tho có 2 rạp hát cho nghệ thuật cải lương. Nhưng đến năm 1927, Bạch công tử tách riêng và lập một gánh hát khác mang tên là Huỳnh Kỳ, có cờ vàng làm biểu hiệu.

Các gánh hát khác di chuyển bằng thuyền chèo (ghe), mà chỉ có gánh Huỳnh Kỳ là di chuyển bằng thuyền (ghe) máy. Chiếc ghe đầu dành riêng cho chủ gánh là Bạch công tử, có 2 từng và nhiều phòng đầy đủ tiện nghi (phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí…).

Chiếc ghe máy thứ hai dành riêng cho đào, kép hát. Chiếc ghe thứ ba dành cho dàn đờn và những người dọn lớp. Nhưng rồi cũng như gánh thầy Năm Tú, Bạch công tử làm ăn sa sút và gánh hát Huỳnh Kỳ lại tan rã. Đào, kép chia nhau tìm gánh khác hoặc lập ra gánh hát để mưu sinh.

GS-TS. TRẦN VĂN KHÊ

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 107
  • Khách viếng thăm: 99
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 9553
  • Tháng hiện tại: 1460998
  • Tổng lượt truy cập: 45428231