Hà Linh tên thật là Bạch Quốc Khang, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Sau tập Đa thức, Khuông gió (Nxb. Hội Nhà văn, 2009), Khúc vĩ cầm chiều (Nxb. Hội Nhà văn, 2010), gần đây anh xuất bản tập thơ Nơi hạt mưa không đau (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), riêng tặng những đồng nghiệp nghề rừng tri kỉ của tác giả.
Từ Đa thức đến Nơi hạt mưa không đau, thơHà Linh vận động liên tục trong những cảm xúc về sinh thái văn hóa tinh thần, đổi mới theo hướng hiện đại hóa, gắn bó ngày càng sâu sắc hơn với những gì bình dị, mộc mạc, với nông nghiệp, nông thôn, và bây giờ đã trở thành thứ thơ của những suy tư không gian truyền thống. Nơi hạt mưa không đau đánh dấu một chặng mới của thơ Hà Linh, nơi cái Tôi vượt qua ranh giới của không gian xã hội (phố), đến với không gian tự nhiên (rừng), từ phố đến rừng là một sự chuyển đổi kí hiệu, chuyển kênh giao tiếp từ việc nói với người khác, với đám đông sang nói với không gian tĩnh, một thiên nhiên được nhân hóa, với lòng mình nhiều hơn. Đối lập với xã hội không phải là cá nhân, mà là tự nhiên. Không phải Hà Linh bất mãn mà từ bỏ không gian xã hội, ngược lại, chính vì Hà Linh tha thiết với cuộc sống xung quanh, biết trân quý những gì thuộc về thiên nhiên, nên anh muốn giấu mình trong những khoảnh khắc yên lặng, trong trẻo nhất của nó. Đó là tâm hồn của thi sĩ thứ thiệt. Mà cũng phải nặng lòng thế, ở tập thơ mới này, thi sĩ ấy đã đẩy những ồn ào, bộn bề, thực dụng ra phía sau, mở lòng đón nhận những rộng dài tự do, tìm đến một trạng thái thanh thoát, bình thản, đơn sơ, một sự cân bằng về văn hóa tinh thần trong một không gian bao la xanh, tìm đến những thứ nguyên sinh, cái đẹp giàu giá trị nhân văn; đúng hơn là một cuộc trở về với nguồn cội, bản sắc, với quá khứ, một sự tưởng nhớ, tri ân những người giữ rừng hiền hòa. Nơi hạt mưa không đau là “một cõi đầy tâm tâm trạng” như cách nói của người viết, một cách hình dung về môi trường sống lý tưởng (rừng được miêu tả như nơi hòa hợp, tái sinh…), một tiếng nói đối thoại, hòa điệu với thiên nhiên và lời nhắn nhủ khẩn thiết với cuộc sống thành thị của Hà Linh qua những hình ảnh, chất liệu rất quen thuộc, gần gũi đối với người đọc. Nơi hạt mưa không đau không có tính chất tập hợp, góp nhặt như cách làm của nhiều người viết, mà là một tập thơ xoay quanh chỉ một chủ đề (cảnh quan môi trường), nhưng đem đến cho độc giả nhiều liên tưởng thú vị, và cả những suy tư nghiêm túc về cách ứng xử với môi trường thiên nhiên. Đó là giá trị nổi bật nhất của tập thơ này.
Tâm thế của cái Tôi trong Nơi hạt mưa không đau, do vậy, phải là tâm thế “lặng lẽ” - không lên tiếng, không tạo ra tiếng ồn để được trọn vẹn cảm nhận, trải nghiệm và tận hưởng: “Lên với rừng xin đừng ầm ĩ/ lặng lẽ thôi/ núi hắt trả mọi tiếng ồn/ Ngọn gió tung hoành gãy rạp lối mòn/ lên với rừng cũng tan vào lá/ lên với núi cũng trượt dài vách đá...” (Lặng lẽ lên rừng). Lặng lẽ, ở đây, không chỉ là một hành động đã thỏa thuận để bước vào rừng, mà như một nghi thức đồng hóa, một sự biến chuyển bên trong, sự thay đổi về tâm thế sống, về trạng thái tinh thần trước môi trường thiên nhiên: “Lên với rừng ở với đại ngàn/ tìm lại mình/ trồng lại mình giữa miền đời rất thẫm/ trong thời gian và không gian quay chậm/ nghe nhịp đời xanh lại rất nhanh”, “Ở rừng già/ lọt giữa hai mênh mông biên độ/ khuôn mặt bất ngờ của lửa - lũ mưa/ ngập gối mùn- ngập đầu xanh đều là gương mặt lá/ nghe côn trùng/ hoa rụng…mà đau”. Từ lên với rừng đến ở giữa rừng khác nhau nhiều lắm: nó là sự định vị, gắn bó, hòa nhập với thiên nhiên; rừng từ cái nhìn chia cắt không gian (phố - rừng) trở thành tâm hồn, biểu trưng một thế giới; từ lên với rừng đến ở giữa rừng không khải là chuyện câu chữ mà là chuyện thay đổi cơ chế văn hóa, từ cơ chế thời gian vật lý, hành động biến đổi sang cơ chế thời gian tâm lý, cơ chế tưởng tượng chiêm nghiệm, các hình ảnh thơ trong tập thơ hiện ra thành chùm sóng đôi, chồng xếp lên nhau, đan xen vào nhau theo quá trình mô hình hóa cảnh quan không gian, mô hình hóa sự phức tạp nội tâm của tác giả. Lên với rừng, thực ra, là trở về rừng, trở về một nơi chốn, một giá trị sống. Phần lớn tứ thơ của Hà Linh ở Nơi hạt mưa không đau được cấu trúc kiểu như thế, nên đọc thơ anh ta thấy có chiều sâu và đòi hỏi có lúc phải nhập vai để cảm hiểu, chia sẻ với người nói trong cuộc phiêu lưu của tâm tưởng, cảm giác, cảm nhận. Hà Linh đi nhiều, trải nghiệm nhiều không gian rừng, anh đau xót trước cảnh thiên nhiên bị tàn phá, hủy hoại; song anh cũng luôn giữ được niềm tin đối với sức sống của môi trường thiên nhiên, có thái độ trân trọng, thậm chí tôn sùng thiên nhiên hoang sơ, hoang dã, nguyên thủy, tức là những cảnh quan môi trường chưa có sự can thiệp của con người.
Bài mở đầu tập thơ không chỉ làm chức năng mở ra một không gian, mà còn tạo ra một tâm thế thích hợp để sống với không gian đó: “Lên với rừng thấy hoang dã rất lành/ chiêm nghiệm cái bản lĩnh phiêu lưu của quả”. Nói Hà Linh rất tinh tế, giọng thơ của anh ngày càng bình dị, thâm trầm, ấn tượng hơn, điều ấy hoàn toàn có cơ sở; có thể gắn ngay đặc điểm, chủ âm đó với bài thơ mở đầu này. Một tập thơ có chủ âm, nghĩa là tự thân nó đã có một âm vọng, một vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng. Hà Linh có lần bảo, tập thơ này anh viết riêng tặng những người trong ngành, những đồng nghiệp thân quý của mình. Nói là nói vậy thôi, Nơi hạt mưa không đau đã vượt qua ý nghĩa cụ thể đó, nó dệt đan những ước mơ tái sinh, hình thành nên những ứng xử văn hóa trước các giá trị truyền thống, trước một không gian sinh thái hiện đại, nó đề nghị một cách sống hòa hợp với thiên nhiên trong lành, thiên nhiên như một phần của đời sống: “gửi một tán chò rợp lên đô thị/ đòi cổ thụ về từ chậu bon sai/ gửi một cánh rừng vào tư duy ăn xổi/ thông điệp mặn mòi ngập nước biển dâng.”
Không gian tự nhiên - môi trường thiên nhiên được Hà Linh diễn giải và kiến tạo trong Nơihạt mưa không đau là không gian rừng. Hà Linh thường nhìn không gian rừng qua hình ảnh phố thị. Nói về phố nếu không phải một “ác mộng phố vòng xoay công việc” (Tin nhắn Mai Châu) thì đó cũng là một phố riêng thi vị nào đấy của miền rừng, thuộc về không gian đại ngàn, gắn với nỗi hoài nhớ rừng của người phát ngôn. Anh muốn “gửi một tán chò rợp lên đô thị”, “một dòng trong về với con sông”, “một vòm xanh trên mái đầu của mẹ”, “gửi ngọn gió lành vào giấc mơ con trẻ”… Hà Linh muốn bứt mình ra khỏi những quán tính của phố phường, công việc, sẵn sàng chấp nhận ở rừng “với những con số không” để được sống chậm hơn, nhất là có thể “tìm lại mình”, “trồng lại mình”… và được nghĩ ngợi nhiều hơn.
Tập Nơi hạt mưa không đau được sắp xếp từ 51 bài thơ. Bài nào cũng dài như những “trường ca” miên man, bất tận về thiên nhiên, môi trường sinh thái. Cấu trúc của tập thơ là cấu trúc đối lập giữa phố xá - đại ngàn, ra đi - ở lại, cô đơn -đông đảo, lặng lẽ - ầm ĩ, nhanh - chậm, cuống quýt - bình thản, độc lập - cộng sinh, bụi mù - trong trẻo, ngoa ngôn - khiêm nhường, nhân tạo - thiên tạo, thực -mơ, có - không, còn - mất, lửa - lũ, đom đóng rừng - đèn đường cao tốc, hoang sơ - văn minh, vô tận nhựa sống - cảm xúc khô cằn, tư duy ăn xổi - tư duy dài hạn, mùa chồi lộc - mùa lá rơi, cái chết - sự hồi sinh, sự thật - giả dối, lãng quên - ghi nhớ, thiên thần - quỷ sứ, tự nhiên - xã hội… Ý thức về các cặp đối lập biểu hiện rất rõ trong các câu thơ, bài thơ, toàn tập thơ. Cách nhìn đó biểu đạt một ý nghĩa sâu sắc: sự xung đột giữa con người và môi trường, giữa thế giới tự nhiên và xã hội. Thế giới nghệ thuật của Nơi hạt mưa không đau ngăn thành hai không gian. Một không gian của những im lặng, âm thầm, mong manh, thầm kín; vĩ đại, bạt ngàn, sự sống, hy vọng, gieo cấy ước mơ… Một không gian của những gầm gào không ngớt, của cái chết, chìm khuất, hoảng sợ, bạc khô, phế tàn, hoang tàn… Người viết nỗ lực tạo dựng hai không gian, “hai chiều gió thẳm”, “hai mênh mông biên độ”, các cặp đối xứng, các bờ cảm xúc, các phía đợi chờ… để cái tôi tự do trải nghiệm, khảo nghiệm những giới hạn, “những khuôn mặt”, lắng nghe những nhịp sống, “thao thức đến tột cùng/ khao khát đến tột cùng/ sau tột cùng cô đơn là bình thản” (Lặng lẽ lên rừng), “Người trên phố gặp rồi qua/ người trong rừng chẳng bao giờ dửng dưng” (Nếu không rừng chỉ là rừng xanh rêu). Đi sâu vào chủ đề xung đột, và cùng với nó là sự thỏa thuận điều chỉnh của con người trước môi trường thiên nhiên, để được hòa nhập vào thiên nhiên, đã đem lại cho tập thơ Nơi hạt mưa không đau tính hiện đại cần thiết.
Nói về rừng, nhớ về rừng, người phát ngôn trong thơ Hà Linhthường nói đến cánh rừng, mái rừng, góc rừng, cửa rừng, nẻo rừng, bóng rừng, tiếng rừng, linh cốt rừng, lịch sử rừng, sân khấu rừng, rừng già, rừng xanh, rừng hát, rừng khuya, rừng khóc, hoang rừng, lửa rừng, rừng cổ thụ, rừng nguyên sinh; đất, cây, đá, quả, gió, lá, nắng, mưa, rêu, sương, côn trùng muông thú, lối đi, bãi cỏ, hang động, đại ngàn hoang sơ… Người viết đồng nhất rừng với không gian của sự sống, với không gian thi ca, không gian nguồn cội, một chốn về - “nơi mưa rơi không đau”. Rừng là một không gian cộng sinh rộng lớn - luôn ôm trùm, che chở, bảo vệ sự sống muôn loài, một không gian sống bền vững, đẹp và bản lĩnh -“cây ôm cây thẳng lên mà sống”, “xòa tay ôm lấy đất mà xanh”, “cây giữa rừng như những nhà thơ/ rừng như thi đàn - miếu thiêng của đất”,“mọi ngực cây đều ưỡn về một phía/ hứng ngược gió/ hứng ngược giông/ che ấm lưng cho kiếp người vật vã”. Hiểu một cách chính xác, và cũng đáng nói hơn cả, đó là, ở tập thơ này, Hà Linh đã tạo được một ngôn ngữ không gian, một ngôn ngữ thiên nhiên, “ngôn ngữ rừng”; không gian, rừng, thiên nhiên không chỉ là chất liệu, đối tượng miêu tả, mà trở thành một ngôn ngữ, một “chủ thể”. Không phải chỉ người phát ngôn say mê kể về sự sống, môi trường sinh thái, mà chính sự sống, thiên nhiên xung quanh tự cất lên ngôn ngữ của nó, ví như lời hứa của lá, tiếng hát của rêu, “ngụ ngôn của đá”, giai điệu của cây… mà người phát ngôn trong tập thơ này đã khảo nghiệm tưởng tượng: “ngụ ngôn đá không phải khúc nịnh ca/ đừng ảo tưởng/ nhầm với lời đong đưa của gió”… Hà Linh phân thân, vừa đứng bên ngoài, vừa đứng bên trong để nói về rừng, hình dung và cảm nhận thiên nhiên. Trong bài “Xin cho ở lại”, nhà thơ hóa thân thành cây để cất tiếng nói thương thỏa: “xin người đừng cưa một lần tôi đổ/ nhiều năm không dễ vá một khoảng xanh” (Xin cho ở lại); trong bài “Lối rừng”, tác giả phê phán lối sống “văn minh nửa chừng chưa quen coi hoang sơ là bạn”, đồng thời cũng đề nghị “đừng để lại gì ngoài những dấu chân/ đừng quẳng vào rừng thứ không về với đất/ thiên nhiên dẫu tự do mục nát/ vẫn rạch ròi sạch sẽ một nguyên sinh”.
Nơi hạt mưa không đau còn gói ghém nhiều thông điệp khác, chẳng hạn thông điệp về việc lâm tặc bức tử rừng, những đào bới, chặt phá, hủy hoại “lịch sử rừng”, “nhân chứng rừng”, những nguồn gien quý, môi trường thiên nhiên, môi trường sống; về tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường qua nạn cháy rừng... nghĩa là một tập thơ tràn đầy hơi thở cuộc sống đương đại: “Sau tất cả là ma trận tro/ những cột than xỉa lên trời nhọn xỉn/ tột độ hoang tàn/ điều chiến tranh có thể chưa mang đến/ được tạo ra trong một đám cháy rừng/ .. không phải kịch bản cho thú hoang sắm vai tự đóng/ trên sân khấu rừng/ nỗi hoảng sợ không thể nháp bằng âm thanh ngôn ngữ/ sau cái chết cuộc chơi không thể sửa/ lửa rừng có bao giờ đùa giỡn/ và tro tàn/ có bao giờ là lời hứa hồi sinh” (Cháy rừng). Cảnh quan sinh thái bị biến đổi, tàn phá do thiên tai và con người tác động. Suy tư trước sự tàn phá thiên nhiên, trước một thiên nhiên im lặng, nói bằng cách chọn im lặng, Hà Linh tra vấn mỗi người chúng ta: “Người nghĩ gì khi trèo lên núi/ thấy mình cao? thấy đất thấp hèn?/ thấy tiếng đời bặt âm?/ thấy kiếp người cặm cụi?/ Có bao giờ nghe đá ru ngộ lại/ trút bỏ lòng tham nghĩ tới ngàn năm?” (Ngụ ngôn đá). Thậm chí anh còn “Xin đại ngàn - dù chỉ một lần/ hãy hết xanh/ trút kiệt lá khỏi cành/ trên mặt đất chỉ còn hình hài lửa/ để loài người - những kẻ vô tình/ những kẻ phá rừng/ hoảng sợ” (Phản động). Thơ Hà Linh không chỉ mô tả cách con người làm thiên nhiên biến đổi, chất vấn những hành động vô tình của con người, mà cả hậu quả của việc môi trường biến đối đối với cuộc sống của họ. Chính ở chỗ này, Hà Linh đã bộ lộc một quan điểm nhân văn đẹp đẽ. Đối với anh, cảnh quan môi trường thiên nhiên trở thành một thước đo quan trọng về trình độ thẩm mỹ, văn hóa và đạo đức của con người. Ứng xử trước thiên nhiên là ứng xử trước cái đẹp, thể hiện tri thức văn hóa và đạo đức; qua câu chuyện cảnh quan môi trường có thể thấy cách con người đối xử với quá khứ, hiện tại và chuẩn bị cho tương lai của nó.
Nơi hạt mưa không đau là một tập thơ có nhiều biến tấu trong cấu trúc câu thơ, một tập thơ nhiều tiếng nói, nhiều giai điệu, nhiều bè giọng. Nó tiêu biểu cho những suy tư về môi trường thiên nhiên lẫn không gian phố thị hiện đại, một chứng từ ghi lại những tìm tòi thể nghiệm của Hà Linh trên những chất liệu, đề tài quen thuộc. Hà Linh cố gắng tạo ra những cách nói mới, những cách nói lạ, những ngôn từ riêng “thật thơ”. Trên tất cả, thơ anh luôn nuôi dưỡng cái đẹp rất quen, những thi cảm đẹp, ý nghĩ đẹp, hình ảnh đẹp, tình yêu đẹp, hướng đến sự bảo tồn, tôn vinh, giữ gìn, đắp bồi cho cảnh quan môi trường sống. Nơi hạt mưa không đau là một tập thơ cấu trúc lại cuộc sống cá nhân, một tập thơ mà cái tôi được trải nghiệm tự do trong một kiểu cấu trúc tưởng tưởng về thiên nhiên, môi trường sống mới và khác, so với không gian rất quen mòn của phố phường ồn ào, thiếu chân thật; một tập thơ tiêu biểu cho trạng thái sinh thái tinh thần hiện đại. Đọc Nơi hạt mưa không đau từ điểm nhìn phê bình sinh thái chúng ta có thể thấy những vẻ đẹp riêng của nó.
------------
(*) Đọc Nơi hạt mưa không đau,Nxb. Hội Nhà văn, 2012
Ý kiến bạn đọc