Hồ Biểu Chánh Nhà văn tiên phong trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/11/2016 16:08
Hồ Biểu Chánh (1885 - 1958) là một tác giả tiểu thuyết vào thời kỳ đầu của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Như chúng ta biết, vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thôn tính Nam kỳ, thực dân Pháp tính đến việc xây dựng chính quyền để quản lý vùng đất mới chiếm này. Để việc xây dựng chính quyền được thuận lợi, người Pháp tính đến việc sử dụng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nho trong các văn bản. Ngày 22-2-1869, Phó đề đốc  Marie Gustave Hector Ohier ký Nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nho trong các văn bản ở Nam kỳ. Ngày 1-1-1879 chính quyền Pháp ra lệnh đổi các văn kiện chính thức phải dùng chữ Quốc ngữ. Trong thời gian này, chính quyền Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào ngành giáo dục, các thôn xã ở Nam kỳ buộc phải dạy lối chữ này.

Như thế, từ 2 thập niên cuối của thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ đã phổ biến ở Nam kỳ. Việc chữ Quốc ngữ ngày càng phổ biến ở Nam kỳ và lan rộng ra cả nước đã cho ra đời các tờ báo bằng tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, như Gia Định báo, ra số đầu tiên ngày 15-4-1865; Phan Yên báo do Diệp Văn Cương biên tập, xuất bản năm 1868; Nhựt trình Nam kỳ (tuần báo) xuất bản năm 1883; nguyệt san Thông loại khóa trình do Trương Vĩnh Ký chủ trì, phát hành năm 1888, Nông cổ mín đàm xuất bản năm 1901...

Bên cạnh các tờ báo ra đời, một số tác phẩm văn học cũng được xuất hiện như Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Chánh Chiếu, Phan Yên ngoại tử của Trương Duy Toản xuất bản năm 1910, Ai làm được của Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1912. Sự ra đời của các tác phẩm văn học đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ này đã đánh dấu cho việc mở đầu của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Trước khi viết Ai làm được, Hồ Biểu Chánh viết truyện dài theo thể lục bát với nhan đề U tình lục (năm 1909). Với U tình lục, Hồ Biểu Chánh là một nhà thơ chứ chưa phải một nhà văn, nhưng điều gì buộc ông phải viết văn? Ông cho biết, vào khoảng năm 1906 ở Nam bộ có phong trào đọc sách dịch của Tàu, ông thấy mình cần phải học chữ Nho, nên nhờ một người bạn dạy. Khi đọc được chữ Nho, ông chọn những chuyện hay trong bộ Tình Sử hay Kim cổ kỳ quan đem dịch ra Quốc ngữ với nhan đề Tân soạn cổ tích. Khi sách ra, ông thấy dân mình lại không hào hứng đọc truyện Tàu nữa, vì thế ông muốn viết truyện về người Việt cho dân Việt đọc. Trong lúc này, Trần Chánh Chiếu cho ra cuốn Hoàng Tố Anh hàm oan, là một tiểu thuyết nói về người Lục tỉnh, ông chịu ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết này. Vì thế, để viết tiểu thuyết về người Lục tỉnh khi chưa biết nên viết như thế nào, ông đành mô phỏng truyện của Tây gởi đăng trên các tờ báo. Thấy có nhiều người đọc, ông mạnh dạn viết Ai làm được (1912) và Chúa Tàu Kim Quy (1913). Sau đó ông ngưng viết tiểu thuyết để nghiên cứu thêm, mãi đến năm 1922 ông mới nhuận sắc 2 tiểu thuyết nói trên.

Ai làm được là câu chuyện về cô gái tên là Bạch Tuyết - con của một quan phủ quyết chí báo thù cho mẹ, do quan phủ có hai vợ, cô gái là con vợ cả. Khi lên 12 tuổi, nhờ có lão bộc thân tín, cô mới biết mẹ cô bị người vợ lẻ âm mưu bỏ thuốc độc cho biết. Cô âm thầm tìm cách trả thù cho mẹ, trong khi dì ghẻ ra sức chiều chuộng cô nhằm chiếm đoạt gia tài kếch xù mà cô là người được thừa hưởng. Nhờ có ông ngoại và người chồng cưới trái ý dì ghẻ, Bạch Tuyết đã thoát chết và đem nội vụ ra ánh sáng. Người dì ghẻ phải ngồi tù. Cô đã trả thù được cho mẹ. Tiểu thuyết này nhiều chỗ mô phỏng cuốn Andre Cornelis của P. Bourget, khi Andre Cornelis lên 9 tuổi mới biết cha mình bị ám sát mà thủ phạm là chính cha dượng. Sau nhiều lần tìm tòi, chàng có được chứng cứ, bắt cha dượng phải thú nhận tội lỗi và phải đền tội.

Còn Chúa Tàu Kim Quy thì kể chuyện chàng Thủ Nghĩa vì bảo vệ danh tiết cho em gái mà phải đánh nhau với một cường hào, tên này đút lót cho quan trên nên chàng bị tù chung thân. Ở trong tù, chàng gặp một chú khách, kết làm anh em. Trước khi chết, chú khách chỉ cho chàng biết cách tìm ra đảo Kim Quy để lấy kho báu. Sau này, chàng vượt ngục, tìm đến đảo Kim Quy và làm chủ kho báu lớn ở đảo này. Chàng cải trang làm khách trú đóng tàu đi buôn qua các cửa biển từ Thái Lan, qua Hương Cảng, tới Trung Quốc. Chàng lấy tên là Chúa Tàu Kim Quy. Cuối cùng, chàng báo oán những tên bất nhân, trả ơn cho những người đã giúp chàng. Truyện này, Hồ Biểu Chánh phỏng theo truyện Le Comte de Monte - Cristo của Alexandre Dumas. Đại úy Dantes bị tình nghi có liên lạc với địch, chàng bị bắt và bị tống vào ngục suốt 15 năm. Chàng bị giam cùng với một linh mục kỳ dị. Vị linh mục này trước khi chết đã cho Dantes biết kho báu giấu ở đảo Monte - Cristo. Nhờ lập mưu tráo cái xác chết của vị linh mục, chàng đã thoát được ngục, rồi tìm đến đảo Monte - Cristo và làm chủ cả kho vàng lớn. Từ đó chàng trở nên giàu có và tự nhận tên là Monte- Cristo. Nhờ sự giàu có này mà chàng báo oán được tất cả các thù địch cũ và gia ân các bạn bè đã giúp mình.

 Với hai tiểu thuyết trên thì Hồ Biểu Chánh vẫn còn tập viết tiểu thuyết, bởi thế, sau đó, tức từ năm 1913 cho đến năm 1922 ông không viết tiểu thuyết, mà tập trung vào việc đọc các sách luân lý, viết báo, tích lũy thêm vốn sống, nghiên cứu thêm cách viết. Đây là khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết để có thể cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết mà khó có tác giả nào ở Việt Nam sánh kịp. Năm 1922, ông tự nhuận sắc hai tiểu thuyết đầu tiên là Ai làm đượcChúa Tàu Kim Quy. Năm 1923 ông cho ra đời Cay đắng mùi đời, Tỉnh mộng, Một chữ tình. Năm 1924 cho ra đời Nam cực tinh huy. Năm 1925 cho ra đời Nhân tình ấm lạnh, Tiền bạc-bạc tiền. Năm 1926 cho ra đời Thầy Thông ngôn. Năm 1928 cho ra đời Chút phận linh đinh, Kẻ làm người chịu. Năm 1929 cho ra đời Vì nghĩa vì tình, Cha con nghĩa nặng, Khóc thầm. Năm 1930 cho ra đời Nặng gánh cang thường, Con nhà nghèo. Năm 1931 cho ra đời Con nhà giàu. Năm 1935 cho ra đời Ở theo thời, Ông Cử, Một đời tài sắc, Cười gượng, Dây oan, Thiệt giả, giả thiệt. Năm 1936 cho ra đời Nợ đời, Đóa hoa tàn. Năm 1937 cho ra đời Lạc đường, Từ hôn, Tân phong nữ sĩ. Năm 1938 cho ra đời Lời thề trước miễu, Tại tôi, Bỏ chồng. Năm 1938 cho ra đời Ý và tình (tiểu thuyết này năm 1942 mới xuất bản), Bỏ vợ, Người thất chí. Năm 1939 cho ra đời Tìm đường, Hai khối tình, Đoạn tình. Năm 1941 cho ra đời Ái tình miếu, Cư Kỉnh. Năm 1943 cho ra đời Mẹ ghẻ con nghẻ, Năm 1953 cho ra đời Bức thư hối hận, Trọn nghĩa vẹn tình. Năm 1954 cho ra đời Nặng bầu ân oán, Đỗ nương nương báo oán, lá rụng hoa rơi. Năm 1955 cho ra đời Tơ hồng vương vấn, Đại nghĩa diệt thân, Trả nợ cho cha. Năm 1956 cho ra đời Những điều nghe thấy, Ông Cả Bình Lạc, Một duyên hai nợ. Năm 1957 là năm ông viết rất sung sức, cho ra đời 9 tiểu thuyết, gồm: Trong đám cỏ hoang, Vợ già chồng trẻ, Hạnh phúc lối nào, Sống thác vì tình, Nợ tình, Đón gió mát nhắc chuyện xưa, Chị Đào chị Lý, Nợ trái oan, Tắt lửa lòng. Năm 1958 cho ra đời Lừng lẫy hào khí, Lần qua đời mới, Hy sinh.

 Năm 1958 cũng là năm ông qua đời, thọ 73 tuổi. Nhưng khoảng thời gian từ năm 1922 đến năm 1958 là 36 năm ông đã xuất bản 62 tiểu thuyết và nhuận sắc 2 tiểu thuyết viết từ năm 1912. Trong di chúc, ông viết: “Hôm nay, viết xong bộ tiểu thuyết thứ 62, nghe trong mình có hơi mệt, ta tính nghỉ chơi vài tuần cho khỏe rồi sẽ viết tiếp nữa, viết được thêm càng nhiều càng tốt”. Bộ tiểu thuyết thứ 62 ấy là bộ Lẫy lừng hào khí, được viết từ năm 1957. Sau bộ này ông còn viết được 2 bộ khác nữa, đó là Lần qua đời mới Hy sinh.

Có thể nói, nửa thế kỷ cầm bút (tính từ Tân soạn cổ tíchU tình lục viết năm 1909 đến khi ông trút hơi thở cuối cùng ngày 4 tháng 11 năm 1958), ông là một tiểu thuyết gia viết được nhiều tiểu thuyết ở nước ta, với 64 tiểu thuyết.

Không chỉ viết tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh còn viết nhiều thể loại khác, như4 tập truyện ngắn, 2 cuốn dịch thuật, 12 tuồng hát, 8 đoản thiên, 23 cuốn khảo cứu, 3 cuốn văn vần, 5 tùy bút phê bình, 6 cuốn ký ức, 8 diễn văn. Gia tài văn nghiệp của ông thật là đồ sộ.

Tọa đàm Hồ Biểu Chánh

Với tiểu thuyết của ông, có nhiều ý kiến khác nhau, ngay từ thời của ông, có nhiều người chê ông là sáo cũ, thiếu văn chương. Ông giải thích vấn đề này trong Đời của tôi về văn nghệ, rằng: “Có người chê viết tiểu thuyết sao cứ theo sáo cũ, lại viết không có mùi văn chương. Viết tiểu thuyết, tôi đuổi theo tôn chỉ riêng của tôi. Tôi học tập lâu rồi tôi mới viết, tôi không cần kiếm thầy nữa. Tôi ước mong ai làm thầy tôi cứ viết theo “sáo mới của mình đi”. Tôi đã tập cho người đọc tôi họ thích “sáo cũ” của tôi, nên tôi không cần đổi. Thiệt như vậy: năm nọ, một nhà xuất bản tác phẩm của tôi bố cáo với công chúng rằng bộ tiểu thuyết của tôi sắp ra đời viết theo văn kim thời và bố cuộc theo thể thức mới. Tôi liền được thơ của bạn đọc tha thiết yêu cầu tôi cứ theo thể thức thuở nay mà viết, đừng đổi văn đổi sáo chi hết”. Vì thế, văn ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh chất phác, bình dân, nhưng cái lõi của truyện luôn đề cao cương thường, đạo lý, khuyến thiện, trừng ác. Qua tác phẩm của ông người đọc thấy hiện lên một xã hội Nam kỳ một cách chân thực, các giai tầng trong xã hội được khắc họa một cách rõ nét, ông luôn bênh vực cho những người yếu thế, những người lao động nghèo khổ, bởi thế nên nó gần gũi với mọi người. Tính đại chúng ấy làm cho độc giả, đặc biệt là độc giả bình dân yêu thích ông, nên ông cứ “sáo cũ” mà không cần thay đổi. Ông cứ đưa tiếng nói bình dân lên môi các nhân vật của mình, nói theo giọng điệu quê kiểng của mình, rất được công chúng bình dân đón nhận. Vấn đề này, có phần nào là hạn chế.Nhưng nhờ sự “bình dân” ấy mà tiểu thuyết của ông được in ra là bán chạy. Người ta đón nhận các tác phẩm của ông một cách hào hứng. Với 64 tiểu thuyết được in đã chứng minh điều đó. Bởi thế, sự đóng góp của ông cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là đáng kể, không thể phủ nhận.

 Nếu trước đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại xuất hiện đầu tiên ở miền Bắc với các tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và Quả dưa hấu của Nguyễn Trọng Thuật xuất bản vào năm 1925. Điều đó không đúng khi chúng ta biết rằng, năm 1910 Trần Chánh Chiếu cho ra đời cuốn Hoàng Tố Anh hàm oan và Trương Duy Toản cho ra đời cuốn Phan Yên ngoại tử; năm 1912 Hồ Biểu Chánh cho ra đời cuốn Ai làm được. Như thế, các tác giả Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản và Hồ Biểu Chánh đã cho ra đời những tiểu thuyết đầu tiên của mình sớm hơn từ 13 đến 15 năm của các tác giả miền Bắc.

Như thế, có thể nói, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản và Hồ Biểu Chánh là những người đi tiên phong trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, là những tiểu thuyết gia đầu tiên của Việt Nam.

Riêng về Hồ Biểu Chánh, với 64 tiểu thuyết được trình làng và được công chúng đón nhận, một số tác phẩm được tái bản nhiều lần, nhiều tác phẩm được chuyển thành phim truyện, là một đóng góp đáng kể vào nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Thiết nghĩ, đánh giá lại công trạng của ông cho nền văn học nước nhà là điều rất cần thiết. Chúng tôi thấy rằng, ông là một trong ba người khai sinh ra nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, riêng ông đã có những đóng góp to lớn trong thời kỳ đầu của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Công lao ấy rất đáng trân trọng.

Với công lao to lớn của ông cho nền văn học Việt Nam, chúng ta nên nghĩ đến việc xây dựng nhà lưu niệm Hồ Biểu Chánh tại quê hương ông - thị xã Gò Công, tương xứng với sự đóng góp to lớn của ông.

Lê Ái Siêm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 76)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 77
  • Khách viếng thăm: 76
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7910
  • Tháng hiện tại: 1459355
  • Tổng lượt truy cập: 45426588