Thư pháp chữ Việt: Không gian văn hóa ngày càng trải rộng

Đăng lúc: Thứ tư - 07/07/2010 08:49
Nghệ nhân Hồng Sơn trong cuộc thi viết thư pháp nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2009.

Nghệ nhân Hồng Sơn trong cuộc thi viết thư pháp nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2009.

Trong những năm gần đây, không gian văn hóa thư pháp chữ Việt ngày càng được mở rộng, tạo thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Từ môn nghệ thuật mang tính tự phát của một số người hoài cổ trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ngày nay, thư pháp chữ Việt đã có mặt từ góc phố, lề đường đến các cửa hàng văn hóa phẩm, nhà sách, phòng trưng bày, triển lãm, hội chợ, lễ hội văn hóa...

* Nét đẹp tinh hoa

Cái đẹp của thư pháp là cái đẹp của tâm hồn, vì người viết mượn ngòi bút để gởi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào từng nét chấm phá trong bức thư họa. Mới nhìn qua, chúng ta có thể nghĩ viết thư pháp khá dễ, muốn viết sao cũng được, miễn đẹp thì thôi. Tuy nhiên không phải vậy. Người viết thư pháp cũng phải rèn luyện lắm công phu, nên đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn nhất định. Chính vì vậy, nếu không có lòng đam mê thì khó có thể đến được với môn nghệ thuật này. Theo nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thiện (bút danh Thiên Hoa), để có bức thư họa đẹp, người viết thư pháp phải nhập tâm. Tâm bình thì nét bút mới thanh thoát, phóng khoáng. Do đó, người viết thư pháp phải vượt qua được "bức tường" sân, si, hỉ, nộ của bản thân để tìm đến chữ ngộ, vì chữ ngộ bao hàm tất cả những nét đẹp tinh hoa trong tâm hồn mỗi con người.

Thư pháp cũng có nhiều qui tắc, như chương pháp, hình dạng, ấn chương... Chương pháp là phương pháp phân bố chữ với chữ, hàng với hàng và các hàng với toàn bộ bức thư pháp. Một bức thư pháp thành công hay không là do ở chương pháp: đầu câu không thụt vô, các hàng đều và dài bằng nhau, một chữ lẻ loi không đứng thành một hàng, khoảng trống ở hàng cuối không dài hơn phân nửa chiều dài của hàng, không dùng dấu chấm câu.

Bức thư pháp có bốn hình dạng chính: Hình chữ nhật đứng (trung đường), hình chữ nhật ngang (hoành phi), hình vuông (đấu phương), hình mặt quạt (phiến diện). Ấn chương (hay con dấu, con triện) là yếu tố quan trọng của một bức thư họa. Ðặt đúng vị trí, ấn chương tăng thêm giá trị của tác phẩm, ngược lại sẽ làm hỏng nó. Nghiên cứu kỹ ấn chương, người ta có thể giám định một bức thư họa là chính bản hay ngụy tạo. Nguyên tắc khắc ấn triện là khắc chìm hoặc khắc nổi. Khắc chìm khi in ra có nét chữ trắng trên nền đậm. Khắc nổi, khi in ra có nét chữ đậm trên nền lợt...

Vị trí đặt con dấu: tùy theo thư tác có khổ lớn hay nhỏ, dài hay ngắn mà có thể đóng một, hai, hoặc ba dấu triện. Vị trí các dấu triện đều có ý nghĩa riêng của nó. Thư pháp chữ Việt không hoàn toàn theo qui ước đóng dấu của người Trung Hoa mà theo cách sau đây: khi tác giả vừa là tác giả nội dung (ý) vừa là tác giả hình thức (hình), hoặc tác giả hình nhưng ý là các câu văn thơ cổ thì con dấu ở vị trí dưới, phải, hoặc có thể thêm một dấu ở trên, trái như dấu treo. Như vậy được gọi là toàn triện.

Chất liệu dùng để thể hiện thư pháp rất phong phú và đa dạng, như: giấy dó, giấy xuyến chỉ, vải bố, gỗ, đá... Một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm cũng sử dụng thư pháp để trang trí, nhằm làm tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Ý trong các bức thư pháp thường là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, danh ngôn, thơ..., có nội dung gần gũi với cuộc sống, hướng con người ta đến cái đẹp tinh thần thanh tao của chân, thiện, mỹ.

* Chia thành 2 xu hướng

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Ngọc Thiện (bút danh Thiên Hoa) đang thủ bút.

Thư pháp chữ Việt ngày nay chia thành hai xu hướng rõ rệt. Đó là xu hướng hàn lâm và xu hướng đại chúng. Hầu hết những người theo xu hướng hàn lâm là những người có chuyên môn sâu về thư pháp và có kiến thức về hội họa. Họ đòi hỏi thư pháp phải có giá trị thẩm mỹ cao về nội dung và hình thức. Còn những người theo xu hướng đại chúng gồm nhiều thành phần trong xã hội, như: cán bộ, công chức, bác sĩ, học sinh, sinh viên... Những người theo xu hướng này thì quan niệm thư pháp phải dễ đọc, dễ cảm, gần gũi với mọi người để phổ biến rộng rãi đến công chúng. Không thể nói là ai đúng, ai sai vì mỗi xu hướng đều có mặt tích cực của nó.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Tiền Giang Lê Hồng Sơn cho biết: Phong trào thư pháp ở Tiền Giang phát triển khá mạnh. CLB Thư pháp của tỉnh được thành lập năm 2007, hiện nay có 56 thành viên. Các địa phương có phong trào thư pháp mạnh như: TP. Mỹ Tho, Cai Lậy, TX Gò Công và Gò Công Tây. Một số thành viên trong CLB Thư pháp tập hợp những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này thành những nhóm thư pháp nhỏ để sinh hoạt, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác. Có nhóm thư pháp là các thành viên trong gia đình có cùng niềm đam mê nên thành lập nhóm để sinh hoạt. Một số nhóm mang tính chất nghề nghiệp, sử dụng thư pháp để trang trí các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để kinh doanh - những nhóm này vì mục đích kinh doanh nên có sự tiến bộ nhanh về chuyên môn.

Từ khi CLB được thành lập đến nay, đã tổ chức được 2 cuộc thi viết thư pháp cấp tỉnh. Trong lần tổ chức cuộc thi viết thư pháp nhân lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, số lượng thí sinh đăng ký dự thi rất đông, vượt chỉ tiêu quy định. Điều đó khẳng định, bộ môn nghệ thuật thư pháp ngày càng được công chúng đón nhận. Ngoài ra, trong các lễ hội do tỉnh và TP. Mỹ Tho tổ chức đều có dành không gian cho thư pháp để các nghệ nhân trưng bày, triển lãm tác phẩm và trình diễn nghệ thuật viết thư pháp. Tại các quầy trưng bày, hay các cuộc triển lãm thư pháp đã thu hút đông đảo công chúng đến thưởng ngoạn và mua tác phẩm.

Những bức tranh thư pháp ngày nay còn là món quà ý nghĩa dùng để tặng nhau trong các dịp mừng thọ, sinh nhật, tân gia... Ngày nay, trong các văn phòng làm việc của các doanh nghiệp, cơ quan, người ta cũng hay treo những bức thư họa để thay các bức tranh thông thường. Trong gia đình, người ta treo thư pháp ngoài mục đích trang trí, còn có ý nghĩa để răn dạy con cái về cái đạo làm người và cách ứng xử trong cuộc sống. Chủ nhiệm CLB Thư pháp Lê Hồng Sơn chia sẻ: Cuộc sống ngày càng bộn bề, bon chen, con người phải chịu áp lực cao vì những hối thúc của đời thường. Chính vì vậy, người ta tìm đến thư pháp như để lắng lòng lại, tìm kiếm sự bình yên, thanh thoát trong tâm hồn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Từ đó, con người sẽ lạc quan và tìm thấy niềm tin vào bản thân.

Nguyên Chương
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 401
  • Khách viếng thăm: 397
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 98092
  • Tháng hiện tại: 1846992
  • Tổng lượt truy cập: 48221119