Nguyễn Sáng, cả đời nghệ thuật hiến dâng

Đăng lúc: Thứ ba - 27/12/2011 15:30
Nguyễn Sáng, cả đời nghệ thuật hiến dâng

Nguyễn Sáng, cả đời nghệ thuật hiến dâng

VNTG- Tôi viết bài nầy trên nền nhã nhạc trong góc quán cà phê nhìn sang ngôi làng ngày xưa ông Sáng sinh ra. Lòng tôi ngập tràn xúc động, như một sáng chớm mưa buồn Đà Lạt, trong biệt thự khu vườn tượng, bất ngờ ông lộ ra, tay cầm điếu thuốc, đầu đội chiếc cát két đen, chiếc mũ cả đời bám vào đầu ông như biểu trưng cho sức ì, nhưng không làm khuất che được não bộ của người sáng tạo.

Cái mênh mông tĩnh lặng của phong cảnh gợi tôi nhớ tới khoảng cô đơn mông lung trong tranh ông. Số lượng tác phẩm ông để lại cho đời không nhiều, nhưng đã làm “sáng” tên tuổi ông, là một trong tứ trụ nghệ thuật đương thời: “Phái, Sáng, Nghiêm, Liên”,  giữa Hà Thành ngày ấy.

Sinh ra ở làng Điều Hòa (Mỹ Tho) tháng 8 năm 1923, Nguyễn Sáng là một trong số ít chàng trai Nam bộ (Hồ Văn Lái, Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh Văn Thuận…) được ra Hà Nội theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cũng cần nói qua một chút về ngôi trường danh giá nầy, ngôi trường do họa sĩ người Pháp, Victor Tardier, sáng lập đã đào tạo nên lớp nghệ sĩ Việt Nam có khả năng xây dựng cho đất nước một nền nghệ thuật tạo hình dân tộc. Đây là điều nằm ngoài mong đợi của chính phủ bảo hộ Pháp. Mục đích của họ khi cho mở trường là chỉ nhằm đào tạo đơn thuần những nghệ nhân sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu, phục vụ thiết thực cho lợi ích kinh tế. Vì vậy, nhiều phen họ đã toan đóng cửa trường, nhưng Victor Tardier đã kiên quyết chống lại, không những bảo vệ cho trường đứng vững an toàn mà còn làm cho nó ngày càng phát triển đúng như tôn chỉ mục đích đào tạo, vì: “Người An Nam” hoàn toàn có năng khiếu để trở thành những nghệ sĩ tạo hình chân chính” và “họ có quyền được như vậy”.

Victor Tardier đã hướng sinh viên Việt Nam học tập bắt đầu từ chủ nghĩa cổ điển – một chủ nghĩa từng soi sáng trí tuệ và tâm hồn các thế hệ họa sĩ Pháp 500 năm, kể từ khi nền hội họa nước nầy ra đời. Ở thế kỷ XV, Jean Fouquet, người sáng lập nền hội họa quốc gia Pháp đã lôi cuốn mọi người đến với cái cao cả cổ điển dựa vào truyền thống dân tộc. Qua chủ nghĩa cổ điển, các sinh viên Việt Nam nhận thức được điều cơ bản nhất: Hội họa là ngôn ngữ chung của nhân loại và thiên nhiên là quyển từ điển bách khoa dành cho người biết đọc. Nhưng sức mạnh trong sự hiểu biết nghệ thuật của họa sĩ chỉ có thể nảy sinh trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về cái tồn tại (tính chân thật khách quan) chẳng những như một nhà bác học mà còn như một triết gia. Và những chàng sinh viên Việt Nam đã  thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật phương Tây, biến nó thành ngôn ngữ nghệ thuật riêng của chính họ. Tranh Bùi Xuân Phái đã vượt ra ngoài cái ràng buộc của hội họa phương Tây, sau khi đã thấu triệt đầy đủ tinh thần của nó, tạo nên sự táo bạo mới lạ đầy lôi cuốn. Ông thể hiện phố cổ nhà cửa lô nhô, tường rêu nứt nẻ, cũ kỹ, hào hứng, tự do theo đuổi những hình nghiêng ngả, xiêu vẹo, những gam màu lem luốc khác hẳn những gì đã trở thành quen mắt đến tẻ nhạt. Cũng bằng chất liệu sơn dầu phương Tây, Nguyễn Sáng đã phân chia các mảng thành nhiều nét dài, sử dụng các gam màu tương phản, chen lấn nhau, hòa lẫn các nhân vật vào với cảnh, gây cảm giác nhức nhối, căm thù trong Giặc đốt làng tôi.

Tính  cách nhân vật được biểu đạt chuẩn xác qua cảnh dân làng chạy loạn và gặp đoàn vệ quốc quân ngược đường. Vẻ lo âu trên gương mặt các anh vệ quốc, dáng điệu buồn bã của mấy chị phụ nữ, và nét vô tư hồn nhiên của các em bé trước thảm họa chiến tranh. Sự kỳ vọng của người dân đối với quân đội cách mạng được biểu hiện qua hình ảnh một thiếu phụ cõng con phân trần với anh vệ quốc có ánh nhìn sâu lắng. Chính nhân vật trung tâm ấy bằng cánh tay chỉ về hướng ngôi làng từng đợt khói trắng còn lan tỏa, đã tố cáo tội ác giặc và làm bùng lên nỗi căm thù, sự háo hức của các chiến sĩ hành quân gấp rút theo dấu quân thù.


Đình Điều Hòa, Mỹ Tho

 

Không chỉ thành công ở lãnh vực sơn dầu, Nguyễn Sáng là một trong những họa sĩ sử dụng nhuần nhuyễn nhiều chất liệu của hội họa. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên,  Nguyễn Sáng đã góp phần không nhỏ trong việc sáng tạo nên kỹ thuật sơn mài hiện đại, giải phóng “sơn ta” thoát khỏi cái “tĩnh” nghìn năm trang trí (hoành phi, câu đối, đồ sơn mỹ nghệ…) để đến với cái “động” phong phú tự do, mở rộng khả năng biểu hiện những cảm xúc tinh tế nhất mà người nghệ sĩ có thể rung động trước sự vật. Mở đầu một kỷ nguyên mới đưa sơn mài thoát khỏi thế giới vàng son để đi vào hiện thực là tác phẩm Bộ đội thổi sáo của Nguyễn Tư Nghiêm. Một màu xanh lục lý tưởng đột ngột hiện lên tươi rờn trên mấy tàu lá chuối, rồi lần lượt những màu sắc quí lạ giàu sức biểu cảm trong Chiều vàng  (Dương Bích Liên), Tát nước đồng chiêm (Trần Văn Cẩn), Trái tim và nòng súng  (Huỳnh Văn Gấm), và đến kiệt tác Kết nạp Đảng trong trận Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng, các cánh cửa sơn mài  đều đã mở.

 

Nguyễn Sáng xa quê hương từ nhỏ. Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã lôi kéo để hun đúc nên trong ông tính cách đặc biệt: nghệ sĩ cách mạng. Số phận của ông gắn liền với số phận của dân tộc, số phận của những người nông dân, bộ đội, dân công, trí thức kháng chiến. Khi ở chiến khu Việt Bắc, ông đã vẽ hàng trăm ký họa anh bộ đội cụ Hồ. Ông đã nhờ anh em trong đơn vị vác súng, mang ba lô đi vòng vòng trước sân để ông quan sát. Luôn  ghi chép tư liệu, học hỏi thiên nhiên, bám sát cuộc sống, có những ký họa đã trở thành tranh một cách vô tình vì khi vẽ ông đã để rơi quá nhiều tâm hồn vào đó. Suy cho cùng, chất liệu cũng chỉ là phương tiện để người nghệ sĩ giải bày tâm linh, nên khi xem tư liệu của ông, những đường, nét đều có tiếng nói riêng. Những ký họa chân dung của ông, thông qua những chất liệu hết sức bình thường (bột màu, chì than, giấy dó…) đã lột tả hết thần thái nhân vật mà ông thể hiện. Bởi lẽ ông không lệ thuộc vào cái nhìn bình thường, không cầm cọ đơn thuần bằng tay mà còn bằng chiều sâu của tâm linh, của tư duy hiện đại. Ông vừa vẽ, vừa ngẫm nghĩ. Khi không vẽ thì ông dừng lại ở quán cà phê, quán rượu. Nhiều ký họa chân dung đặc sắc mà  ông vẽ cho một cữ rượu, một chầu cà phê đã được bạn bè lưu giữ.

Tuy sống ở Hà Nội,  Nguyễn Sáng vẫn luôn hướng về miền Nam. Đất đồng miền Tây bay mỏi cánh cò đã hun đúc trong ông bút pháp tung hoành, ngang dọc, đồng thời cũng là niềm hoài vọng hình thành nên những mảng cô đơn dàn trải trong tranh ông.

 

Ở tận cùng của sáng tạo, Nguyễn Sáng là người cô đơn. Khoảng mông lung dìu dặt trong hàng loạt tranh trữ tình của ông (Thiếu phụ chờ chồng, Thiếu nữ và hoa sen…) đã nói lên điều đó. Nghệ sĩ như “dán” từng mảng tâm trí của mình lên gương mặt muộn phiền, với đôi mắt dài thăm thẳm như kéo lan sự mòn mỏi đợi chờ trong không gian trống vắng, biểu đạt đến tận cùng sự cô đơn âm thầm khép kín.

Nguyễn Sáng thành công cả hai mặt của một lối biểu hiện. Ông thổi vào thể loại biểu hình một độ hơn hẳn chiều sâu thứ ba. Ở đó những mảng hình học được nghệ thuật hóa rất bác học, đạt đến đỉnh cao của sự thơ ngây dân gian. Phát huy đến tận cùng sự mạnh mẽ của màu sắc là quan điểm hội họa của Nguyễn Sáng (được thể hiện qua bức sơn mài Múa vòng - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980). Có thể nói, mặc dù được đào tạo ở trường Tây, hệ thống triết học phương Đông đã hình thành nên thế giới quan của Nguyễn Sáng. Ông là tổng hòa hai thái cực: bác học và dân gian.

Sáng tạo mãnh liệt, rung động đến tận cùng, với trách nhiệm công dân – nghệ sĩ cao độ, Nguyễn Sáng  không màng danh lợi. Sự nghèo khó đeo bám không làm ông lúng túng trước ý đồ và chất liệu thể hiện. Thiếu sơn dầu, ông vẽ màu bột, chì than. Thiếu vải bố thì vẽ trên giấy dó, giấy báo đã in lổn nhổn… Ông vẽ cả đời, nhưng không giữ được cho mình bao nhiêu tranh. Những bức tranh đổi lấy từng cữ cà phê, cữ rượu đều nằm trong sơ mi bè bạn. Đến bức sơn mài Vũ trụ, bức tranh cuối cùng, gần như đúc kết toàn bộ cuộc đời sáng tác của ông cũng đã được một người Nhật ái mộ tìm cách mang đi.

Sinh ra ở Mỹ Tho, khói lửa chiến tranh đẩy ông xa quê và bám trụ ở Hà Nội. Sau  1975, khi vào Sài Gòn thân thể ông đã rã rời vì nỗi nhớ băm vằm. Ông mất trong gia đình người em trai ở Sài Gòn vào buổi chiều cuối năm nhòa nhạt nắng.

 

Suốt đời sáng tạo nghệ thuật  trong sáng như cái tên cha mẹ gửi gắm lúc chào đời, đến chết Nguyễn Sáng còn mong thân hữu và gia đình đóng cỗ quan tài chừa hai lỗ để đưa hai bàn tay ra ngoài, hai bàn tay biểu thị cho sự trong sạch  không dính dấp vật chất, lợi danh của cả đời nghệ thuật hiến dâng …

Thu Trang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 229
  • Khách viếng thăm: 228
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 29724
  • Tháng hiện tại: 2474614
  • Tổng lượt truy cập: 48848741