“Hỡi cánh chim bay cho ta gởi lời này: Rằng chim có bay về phương Bắc ấy, nhớ ghé lại Ba Đình viếng Bác kính yêu. Chim hỡi đừng quên hãy hót thật nhiều, bài hát thanh bình thống nhất non sông, để Bác ta yên dạ vui lòng, say trọn giấc nồng trong bình minh rực rỡ…”.
Đó là những câu hát với ca từ ngọt ngào, sâu lắng được khơi nguồn từ cảm xúc chân thành của soạn giả Dương Thị Thu Vân dành cho Bác kính yêu. Nằm trên giường bệnh, giọng thều thào cô chậm rãi kể: Từ nhỏ, cô đã được cha dạy những bài hát về Bác, vì vậy hình ảnh Bác Hồ đã hằn sâu trong tâm trí cô. Đến năm 13 tuổi, cô thoát ly tham gia Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Bến Tre, rồi được nghe các chú kể thêm về Bác, từ đó tình yêu Bác cứ lớn dần, lớn dần trong tâm trí.
Một sáng tháng 5-1976, soạn giả Thu Vân nhìn ra đường thấy hoa phượng vĩ lẫn trong màn sương, đỏ rực. Thấy quê hương thanh bình thật êm ả, cảm xúc dâng trào. Soạn giả liên tưởng đến ước nguyện của Bác là sẽ vào thăm miền Nam, nhưng niềm mong mỏi ấy của Bác đã không thể thực hiện được.
Nước mắt cô cứ trực trào, không thể kiềm nén được. Đó cũng là giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ. Cô vào phòng viết một mạch, bài ca cổ “Nhớ Cha trong mùa phượng đỏ” ra đời. Đó là bài ca cổ thứ 3 của cô. Bài ca cổ được nữ nghệ sĩ tài danh Mỹ Châu thể hiện trên sóng phát thanh và nhanh chóng được khán giả mộ điệu yêu thích.
“Nhớ cha trong mùa phượng đỏ” như là một cú hích, giúp soạn giả Dương Thị Thu Vân tự tin hơn để tiếp tục sáng tác. Từ đó, trên sóng phát thanh và truyền hình, khán thính giả được thưởng thức nhiều sáng tác mới của cô, với ca từ mượt mà, sâu lắng, đẫm chất văn học.
Đến năm 1992 thì tác phẩm “Lỡ một chuyến về” của cô đã làm giới mộ điệu ca cổ - cải lương thổn thức với nỗi day dứt về câu chuyện tình đẹp, nhưng buồn của người con gái Bến Tre và anh bộ đội quê Bạc Liêu. Người con trai sau một chuyến hành quân thì đã không trở về, để người con gái không nguôi dằn vặt, nhớ thương vì chưa một lần dám nói lời yêu thương.
“Lỡ một chuyến về lòng cứ ray rứt không nguôi. Không có anh, tôi trở thành người khách lạ. Bạc Liêu ơi bởi lòng tôi thương nhớ quá…”. Từng câu, từng từ thấm đẫm nỗi nhớ thương, day dứt của người con gái khiến cho bài ca cổ nhanh chóng đi vào lòng người mộ điệu.
Ở tuổi 63, căn bệnh hiểm nghèo như đang bào mòn sức khỏe soạn giả Dương Thị Thu Vân từng ngày, nhưng những “chất liệu” để làm nên bài ca cổ thuộc hàng “kinh điển” vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người nghệ sĩ. Giọng đứt quãng, cô kể: Hồi đơn vị đóng quân ở miền Đông Nam bộ, soạn giả được tổ chức cử đi học đàn tranh. Cô văn công có mái tóc dài, đa tài, hát hay, đàn giỏi đã làm anh bộ đội quê ở Bạc Liêu thầm thương trộm nhớ.
Những bức thư thấm đẫm yêu thương của anh cứ đều đặn gởi cho cô văn công quê Bến Tre, nhưng anh đã không nhận được bất kỳ một hồi âm nào. Đau buồn, trước lúc hành quân, anh bộ đội tìm gặp cô văn công trẻ, xinh đẹp để thổ lộ nỗi niềm: “Lòng anh là cả cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em như lá khoai”. Anh hỏi người con gái hiểu ý nghĩa 2 câu ấy không, cô lắc đầu bảo không.
Anh bộ đội trẻ “nằm lại nơi chiến trường lửa khói”, đâu biết rằng cô văn công “tôi thấy thương nhưng giả bộ vô tình”, vì cô sợ người thầy dạy đàn khó tính biết được sẽ quở trách. Để rồi khi anh không trở lại, cô văn công đã “đêm đêm thẩn thờ ra bờ suối, khóc tình yêu chưa kịp nói lên câu…”.
Bài ca cổ “Lỡ một chuyến về” đã vượt qua hơn 400 bài ca cổ của hàng trăm soạn giả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giành giải nhì (không có giải nhất) ở cuộc thi viết ca cổ tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trong đêm tổng kết trao giải cuộc thi, đứng trên sân khấu trên đất Bạc Liêu, từng câu hát trong “Lỡ một chuyến về” như nghẹn lại, da diết. Cô tự hỏi lòng không biết người xưa có nghe được lời bài hát được cất lên từ nỗi lòng của cô văn công ngày xưa?
Soạn giả Dương Thị Thu Vân (hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) tên thật là Dương Thị Mến, quê xã Hưng Khánh Trung (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Từ nhỏ, cô đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Năm 1961, mới 11 tuổi, cô đã tham gia công tác ở đội văn nghệ xã nhà. Rồi chỉ 2 năm sau, cô thoát ly vào công tác tại Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bến Tre.
Năm 1968, soạn giả Dương Thị Thu Vân được tuyển về Đoàn Văn công Đồng Tháp (Khu 8). Cũng chính năm này, cô bắt đầu sáng tác. Tháng 10-1974, cô chuyển công tác sang ngành An ninh Khu 8, làm cán bộ tuyên truyền. Sau giải phóng, cô về công tác ở Phòng Chính trị Công an tỉnh Bến Tre cho đến lúc nghỉ hưu (2003), với cấp bậc Thượng tá. Dù ở cương vị công tác nào, niềm đam mê sáng tác vẫn luôn tràn đầy trong cô.
Khi sáng tác, soạn giả bắt mình phải có thời gian chiêm nghiệm, nuôi dưỡng cảm xúc chín muồi mới bắt tay vào viết. Điều đó đã làm nên thành công cho những tác phẩm của cô. Năm 2007, tập ca cổ “Nhớ Cha trong mùa phượng đỏ”, do Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành, đã tập hợp 30 tác phẩm của soạn giả Dương Thị Thu Vân viết từ trong kháng chiến cho đến sau này, được công chúng yêu thích, trân trọng.
Ngoài sáng tác ca cổ, Dương Thị Thu Vân còn sáng tác thơ. Năm 2002, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã xuất bản tập thơ “Bên thềm xưa” gồm 59 bài của cô. Trong số ấy có nhiều bài cô sáng tác từ những năm chiến tranh.
Với soạn giả Dương Thị Thu Vân, ca cổ và thơ đều thể hiện cảm xúc chân thành, tha thiết với quê hương, đất nước. Ngôn ngữ biểu đạt trong sáng, mượt mà và đầy chất lãng mạn nên rất được độc giả, khán thính giả yêu thích, đón nhận. Soạn giả Dương Thị Thu Vân vừa được vinh dự nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đợt 2 - lần thứ nhất. Đó là sự ghi nhận công lao đóng góp của người nghệ sĩ luôn dành trọn trái tim của mình cho nghệ thuật.
Ý kiến bạn đọc