Khói bếp cay xè

Đăng lúc: Thứ ba - 10/09/2013 21:12
Thằng Hậu gọi điện cho Hà bảo cuối tuần nó về thăm nhà. Mà nó về thì thế nào cũng dẫn thằng Bình về chơi. Thằng Bình là dân Đà Nẵng, theo thằng Hậu về quê chơi được một lần thì đòi về hoài.
Minh họa: Nguyễn Thanh

Minh họa: Nguyễn Thanh

Nó bảo, về miền Tây chơi được tắm sông, đi xuồng, ăn trái cây thật là thích. Hà và Hậu là chị em song sinh. Bình học chung lớp với Hậu nên cũng bằng tuổi với Hà. Mà nếu tính theo tháng sinh thì Bình còn lớn hơn Hà đến… sáu tháng. Vì vậy, Hà bảo Bình gọi tên được rồi, đừng kêu chị nghe già lắm. Bình không chịu, nó bảo nó là bạn của Hậu, vì vậy cũng phải gọi Hà bằng… chị. Mà nó bắt chước thằng Hậu, gọi Hà bằng Hai, nhưng không xưng em, mà xưng tên. Nghe nó gọi Hai, xưng Bình, Hà thấy cũng lạ lạ.

Hồi Bình mới theo Hậu về lần đầu, Hà còn ngại nên rất giữ ý tứ. Nhưng rồi trước sự hoạt bát, thân thiện của Bình, dần dần Hà thấy Bình như một thành viên trong nhà, không thể thiếu. Mà Bình là dân thành thị, về đồng thì nhiều cái cũng lơ ngơ lắm. Thấy Hà bơi xuồng đi hái bông điên điển, Bình đòi theo. Hà kêu Bình ở nhà nhưng nó không chịu. Ra đồng, Hà bảo về miền Tây mà chưa ăn “chè ghim” thì coi như chưa về miền Tây. Bình ngơ ngác:

- Ủa, chè ghim ngon lắm hả Hai?

Hà lém lỉnh:

- Bình muốn ăn cho biết không?

Bình hào hứng:

- Muốn chứ!

Bình đang rướn người hái chùm bông điên điển, Hà lắc mạnh chiếc xuồng, Bình ngã nhào xuống kinh, ướt loi ngoi. Hà cười khúc khắc:

- “Chè ghim” là chìm ghe á, biết chưa?

Tuy nhiên, thằng Bình cũng không phải vừa, nó chụp hình Hà rồi chỉnh sửa photoshop với những kiểu ngộ nghĩnh và quái dị, kèm theo những câu chú thích hóm hỉnh để tặng Hà. Nhìn tấm hình với cái đầu to đùng, mặt méo mó, còn thân hình ốm tong ốm teo, tay cầm chổi lông gà đánh út Hiếu, kèm câu chú thích “ác như… dì ghẻ”, Hà tức điên lên. Thế nhưng, nhìn khuôn mặt… giả nai của Bình, Hà chỉ còn biết cười trừ.

Bình cũng dễ hòa đồng. Thấy Hà xách thùng đi tưới bắp, Bình chạy theo giằng lấy cái thùng, giành tưới. Hà bảo Bình ở nhà đi, con trai ở thành phố, học suốt ngày, tưới không nổi đâu. Bình vươn vai:

- Con trai lưng dài, vai rộng thế này mà!

Nó còn lên giọng anh Hai với thằng Hậu:

- Mầy lâu lâu về quê không đi tưới rẫy cho Hai, nằm thườn thượt vậy mậy!?

Thằng Hậu cười cười:

- Mầy tưới nổi hông mà làm phách đó?

Ra ngoài rẫy, Bình kêu Hà ngồi chơi, để nó tưới cho. Mới tưới được mấy luống bắp, thằng Bình lom khom múc nước thì trượt chân ngã nhào xuống mương, va vào cây cọc, túa máu bả vai khiến cho Hà sợ xanh mặt. May mà cái cọc không đâm trúng vào cổ hay những chỗ nguy hiểm khác. Hà luống cuống đi ngắt đọt chuối nhai để đắp cầm máu cho Bình. Máu ra đỏ một bên vai, vậy mà Bình tỉnh rụi:

- Hai đừng sợ, mấy vết thương nhỏ này nhằm nhò gì!     

Hà đếm từng ngày, trông đến cuối tuần để Hậu và Bình về chơi. Hà rón rén bước vào tiệm cắt tóc với ý nghĩ sẽ tạo cho Bình bất ngờ về một mái tóc khác, trẻ trung, sinh động hơn. Chị Hoa - chủ tiệm - trao cho Hà cái nhìn thân thiện rồi ôn tồn hỏi nó muốn cắt tóc kiểu gì? Hà bối rối:

- Cắt kiểu gì cho trẻ trẻ á chị!

Chị Hoa cười xởi lởi:

- Em có già đâu mà cắt tóc cho trẻ lại!

Hà nghĩ chắc tại chị Hoa nói cho nó vui, chứ ai cũng nói nó… già háp. Mới hôm qua, thấy trưa nắng chang chang mà Hà còn ngoài đồng tưới bắp, cô Tám đi làm cỏ về ngang kêu:

- Hà ơi, con gái con đứa làm thì cũng vừa vừa thôi, lo giữ gìn nhan sắc một chút. Mầy làm riết rồi già đanh, ế chồng nghen con!

Nghe cô Tám nói, tự nhiên Hà nấc nghẹn trong cổ, không muốn khóc mà nước mắt cứ ứa ra. Không phải Hà tủi vì cực khổ, mà Hà nhớ ba. Hồi ba còn sống, mấy việc ruộng rẫy một tay ba làm. Hè, thấy ba lui cui xới chân bắp, Hà xách dao ra xới phụ, ba kêu:

- Thôi vô nghỉ đi con, học hành suốt năm cực rồi, có mấy ngày hè nghỉ ngơi cho khỏe.

Hà không chịu vô, bảo để làm phụ ba, nhưng ba cương quyết không cho. Ba bảo mấy cái việc lặt vặt này có nhằm nhò gì, để ba làm, miễn Hà học giỏi là ba vui rồi. Mới đó mà ba đã không còn nữa. Nhìn vào đâu, Hà cũng thấy ba. Ra ngoài đồng, Hà thấy ba lom khom cuốc đất. Vào nhà, Hà thấy ba lụi hụi đóng mấy cái móc cho mẹ con Hà máng quần áo, vô nhớt xích chiếc xe đạp cho Hà đi học…

Con gái, ai không muốn giữ gìn nhan sắc, nhưng Hà là trụ cột trong gia đình, quanh năm làm không dám nghỉ tay mà còn thiếu trước, hụt sau. Tiền thuốc cho má, tiền ăn học của thằng Hậu hằng tháng trên Sài Gòn, tiền trường thằng Hiếu…, bao thứ phải lo. Hồi năm ngoái, thấy Hà giỏi giang, hiền hậu. Bà Bèo cậy mai mối vào hỏi Hà cho con trai. Nhìn má ngồi thẫn thờ, rồi thằng Hậu, thằng Hiếu…, Hà nói thôi, nó chưa nghĩ đến chuyện chồng con. Bà nội nhìn Hà, thở dài:

- Con gái chỉ có một thời, 20 tuổi rồi, đâu còn nhỏ nhiếc gì nữa. Bây giờ người ta hỏi không ưng, mai mốt…

Hà nắm tay nội:

- Con người ta ai cũng có số nội ơi! Con lấy chồng, ai lo cho má và mấy em?

Từ đó, Hà tự nhủ lòng, cái số mình nó vậy rồi, lấy việc chăm lo cho má và các em làm niềm vui. Nhưng không ngờ, đời Hà còn có niềm vui khác. Đó là Bình. Bình đến, mang theo cho Hà những niềm vui mà không bao giờ nó dám mơ tới. Sinh nhật Hà, Bình từ Sài Gòn bắt xe đò về để tặng cho Hà cái kẹp tóc và chai dầu gội. Hôm đó, Bình nằng nặc đòi về quê chơi, thằng Hậu bảo khùng hả, hôm nay có tiết, tự nhiên đòi về quê chi. Thằng Bình cương quyết:

- Mầy không đi, tao đi một mình!

Tưởng thằng Bình nói chơi, ai ngờ nó đi thiệt. Trưa, Hà đang ngoài rẫy làm cỏ, thấy thằng Bình lù lù đi ra, Hà giật mình, sợ thằng Hậu có việc gì:

- Ủa, Bình về một mình hả, Hậu đâu?

Bình hấp háy mắt rồi lấy gói quà đưa cho Hà:

- Happy birthday Hai nghen!

Hà cứ nghĩ là đang mơ, vì từ trước đến giờ có ai tặng quà sinh nhật cho mình đâu. Nắng bừng bừng mà sao Hà thấy như có ngọn gió nào đang thổi qua đây, mát rượi. Thằng Hậu biết chuyện, nó hạch sách Bình:

- Ê mầy, tao và Hai tao sinh nhật cùng ngày, sao mầy không tặng quà tao mà tặng quà cho Hai tao là sao? Rốt cuộc là mầy có ý gì?

Thằng Bình mắng lại:

- Mầy có người chị như vậy mà không biết quý! Đúng là vô tâm! 

Hồi ba bị tai nạn qua đời, Hà và Hậu đang học lớp 11, còn út Hiếu mới học lớp 3. Ba mất, má bị sốc nặng nên bệnh tâm thần ngày càng nặng thêm, suốt ngày lơ ngơ, lẩn ngẩn. Từ đó, Hà quyết định nghỉ học để lo cho Hậu và Hiếu ăn học. Hồi Hà quyết định nghỉ học, thằng Hậu không cho, nó giành nghỉ để lo cho má, chị và út Hiếu. Hà không nói gì, đến bàn thờ ba thắp nhang:

- Ba ơi! Ba sống khôn thác thiêng về đây chứng dám! Ba chẳng may vắn số, con quyết định nghỉ học để lo cho má và các em ăn học nên người. Thằng Hậu mà cãi lời, con quyết theo ba cho nó vừa lòng!

Nghe Hà khấn vậy, thằng Hậu không dám đòi nghỉ học nữa. Nó biết, cái tính của Hà giống ba, hễ quyết cái gì là làm cho bằng được cái đó mới nghe.

Còn cha gót đỏ như son, một mai cha mất gót con dính bùn. Từ ngày ba mất, tuổi thanh xuân của Hà nhuộm nắng gió bởi những ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngoài ruộng rẫy. Vì vậy, khuôn mặt đầy đặn của Hà ngày nào giờ tóp lại, hốc hác. Đôi bàn tay với những búp măng thon dài của Hà cũng đã chai sần, rám nắng. Mới hôm kia, thằng Út Hiếu thấy Hà ngồi lom khom lặt rau, nó nói:

- Nhìn Hai giống má dễ sợ thiệt!

Hà bảo bộ nhìn Hai già lắm hả? Nó gãi đầu nhe răng cười:

- Ừa, nhìn Hai… già thiệt! Hai mà bới tóc lên nữa là giống hệt má á!

Còn thằng Hậu cũng quở Hà già. Hôm nó mới dẫn Bình về chơi, biết Bình bằng tuổi mình, Hà không cho nó gọi bằng chị. Thấy hai người cứ dùng dằng chuyện xưng hô, thằng Hậu dàn xếp:

- Thôi kệ đi, nhìn Hai cũng già hơn thằng Bình mà, để nó gọi bằng chị đi.

Hồi đó, ai nói già, Hà đều để ngoài tai, không quan tâm. Còn từ ngày có thằng Bình về, bỗng dưng Hà sợ già. Hà cứ lăn tăn mãi trong lòng, không biết Bình có thấy nó già không? Nhiều lần Hà muốn hỏi đại, nhưng thấy ngại quá, nên thôi. Hà sợ nhất là mỗi lần Bình theo Hậu về chơi, rồi đi, cả tuần sau Hà còn thấy nhà trống trải. Nhìn vào đâu, Hà cũng thấy Bình như hiển hiện trước mắt. Ra bờ kinh, Hà thấy Bình trèo lên cây bần rồi nhảy ùm xuống sông, nước văng tung tóe, trắng xóa. Vào nhà, nhìn lên vách, Hà thấy cái áo của Bình như đang treo trên móc. Nhiều khi đang nhóm bếp nấu cơm, Hà còn nghe giọng của Bình: “Mai mốt Hai lên Sài Gòn thăm tụi này một lần đi. Bình chở Hai đi lòng vòng thành phố rồi ăn kem cho biết”. Hà giật mình quay lại phía sau, chỉ thấy con gà đang cặm cụi mổ mấy hạt cơm nguội rơi vãi dưới đất. Nhiều khi Hà giận mình, vì muốn gom hết những hình ảnh của Bình đem đốt cho cháy thành tro để không còn ngẩn ngơ buồn trong những buổi chiều mưa lâm thâm, nhưng không được. Cứ mỗi lần Hà cố nén cho hình ảnh của Bình lắng xuống, thì y như rằng Bình lại điện thoại về, giọng ấm nồng:

- Hai ơi, Bình nhớ quê ghê luôn! Hai đi làm nhớ đội nón rộng vành, không thôi nắng cháy tóc đó nghen!

Vậy là những hình ảnh của Bình lại bùng dậy, lao xao trong tim, trong óc của Hà. Có lần, Hà buột miệng:

- Hiếu, Hai không muốn Bình về nhà mình nữa!

Thằng Hiếu trợn mắt:

- Sao vậy Hai? Em thấy anh Bình dễ thương mà.

Hà ậm ừ cho qua, chứ không lẽ nói với thằng Hiếu là tại Bình dễ thương nên Hà mới không muốn nó về nhà nữa.  

Thấy Hà săm soi mái tóc mới cắt, thằng Hiếu tặc lưỡi:

- Hai cắt tóc xấu hoắc!

Hà bí xị:

- Bộ Hai cắt tóc xấu lắm hả? Sao ở tiệm cắt tóc ai cũng nói Hai cắt tóc lên nhìn thấy đẹp và trẻ hơn mà!

Thằng Hiếu cười tủm tỉm:

- Ủa, vậy hả. Chắc tại mắt em… quáng gà! Mà tự nhiên Hai cắt tóc làm chi?

- Cắt tóc cho trẻ ra, chứ để dài rồi cuộn lên một cục thấy già quá chừng!

Nếu biết Bình về quê lần này cùng với một người con gái, Hà đã không cắt tóc. Vì dù Hà có cắt tóc, có môi son, má phấn đi nữa thì cũng không thể trẻ trung, sinh động bằng cô bé sinh viên năm nhất có làn da nõn nà, có đôi mắt lung linh, đôi má lúng liếng, lúc nào cũng tay trong tay với Bình. Hà ngồi lột vỏ rổ bắp để nấu đãi khách mà lột hoài không xong. Thằng Hiếu hỏi:

- Ủa, Hai lột có mấy trái bắp mà sao cả buổi vậy?

Hà giật mình, tay lóng ngóng hốt vỏ bắp bỏ vào rổ. Thằng Hiếu trố mắt:

- Hai sao vậy, tự nhiên hốt vỏ bắp bỏ vào rổ lộn xộn hết kìa.

Hà cười gượng:

- Trời, tự nhiên Hai quên đầu quên đuôi, lẩm cẩm thiệt!

Hà nhóm bếp nấu bắp, Bình và bạn gái xúm lại nói chuyện. Cô sinh viên có đôi mắt lung linh không chịu được khói nên nắm tay Bình kéo ra ngoài sân. Cô bảo Bình lấy máy ảnh chụp cho cô vài tấm ảnh làm kỷ niệm chuyến về miền Tây. Tiếng cười đùa của họ xôn xao một góc quê yên tĩnh, xộc vào tim Hà, đau nhoi nhói. Hà cũng không hiểu tại sao mình lại có cảm giác đau như vậy. Hà trách thằng Hậu sao không cho Hà biết trước là Bình đã có bạn gái? Sao thằng Hậu không báo trước là lần về này có bạn gái của Bình, để Hà còn gói ghém những xúc cảm của mình lại, giấu kỹ nơi đáy lòng cho không phải lúng ta lúng túng mỗi khi đối diện với ánh mắt của Bình? Thấy mắt Hà ngân ngấn, thằng Hiếu ngơ ngác hỏi:

- Ủa, sao mắt Hai đỏ hoe vậy?

Hà luống cuống rồi gượng cười:

- Tại khói quá!

Hà đứng phắt dậy đi ra rẫy. Hà đi như chạy vì sợ thằng Hiếu chạy theo, nhìn vào mắt Hà, nó hỏi: “Ủa, sao Hai khóc vậy?”. 

Nguyên Chương
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Nguyên Chương

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 237
  • Khách viếng thăm: 233
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 27569
  • Tháng hiện tại: 1250246
  • Tổng lượt truy cập: 63479214