Họa sĩ Lê Hồng Thái với lời ru... tượng gỗ

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/11/2009 14:24
Họa sĩ Lê Hồng Thái với lời ru... tượng gỗ

Họa sĩ Lê Hồng Thái với lời ru... tượng gỗ

Hành trình trôi giạt

Không phải ngẫu nhiên mà người họa sĩ chuyên vẽ tranh, nặn tượng theo trường phái lập thể nầy, đã chinh phục được Hội đồng nghệ thuật cuộc thi Mỹ thuật ĐBSCL năm 2009 với bức tượng chất liệu gỗ duy nhất: Lời ru!

Bức tượng khắc họa dáng người mẹ nghiêng đầu, cúi xuống với đứa con ôm trong vòng tay, được lập thể như cánh võng, sử dụng không gian ba chiều như lột tả âm điệu chất chứa trong nhịp võng và tiếng ru à ơi, được đánh giá là có sự tìm tòi khám phá, một cách thể hiện độc đáo.

Họa sĩ Lê Hồng Thái kể: việc sáng tác tác phẩm nầy do một cơ duyên tình cờ. Một chiều buồn đi dạo trên bờ sông Vĩnh Kim tìm cảm hứng thơ ca. (Mấy năm gần đây, bên cạnh việc vẽ tranh, anh còn đam mê thơ phú, những bài thơ lục bát ngắn, những bài tứ tuyệt của anh cũng… lập thể như tranh anh vẽ, từ tứ thơ, ngôn từ, ý tưởng… lạ lẫm, ít giống ai, đã lọt qua cặp mắt thẩm định khá là chuyên nghiệp của nhà thơ Lê Ái Siêm, và anh xuất hiện thường xuyên trên trang thơ của tạp chí Văn nghệ Tiền Giang). Ngang qua địa phận ấp Bàn Long vắng vẻ, anh chợt phát hiện ra dòng sông trước mặt như cưu mang một vật thể lạ dưới làn nước lững lờ. Vật thể đen trũi mờ mờ dưới làn nước nhìn từ xa giống như dáng người nằm khiến anh không khỏi giật thót người. Nhưng nhìn kỹ, thì đó chính một khúc gỗ dài. Khúc gỗ trôi càng gần, họa sĩ càng nhận ra tầm vóc và tính năng của nó có thể sử dụng trong công việc… đục đẽo của mình. Anh bèn nhờ ông già chài lưới cách đó không xa vớt khúc gỗ lên, rồi mướn xe ba bánh chở về nhà (cách đó khoảng 1 cây số). Anh đặt khúc gỗ giữa căn chòi lá, “phòng tranh” của mình, bắt đầu gỡ rong rêu, cọ rửa bùn đất bám đầy thân cây. Khúc gỗ từ từ lộ ra nguyên vẹn hình dáng là một gốc cây to có lẽ do sạt lở đất trôi giạt từ một cánh rừng nào đó lạc loài đến đây.

...và lời ru... tượng gỗ

Kể từ phòng tranh của họa sĩ miệt vườn có sự hiện diện của gốc cây lạc loài, ngày ngày anh ra vào nhìn ngắm. Anh đã có ý tưởng sẽ tạo thành hình dáng một pho tượng, nhưng cụ thể đề tài gì thì anh chưa nghĩ ra. Một buổi chiều, lòng lâng lâng hoài niệm, nhìn ánh nắng chếch qua vách lá, rọi chỗ gốc cây đặt nghiêng dáng dãi dầu, đã dâng trào trong anh bao cảm xúc. Anh tìm trong đống đồ nghề vốn ít ỏi của mình hai cây đục và bắt tay vào công việc...

- Vậy từ lúc bắt tay vào thực hiện cho đến khi hoàn thành tác phẩm là bao lâu - Tôi hỏi. Anh trầm ngâm nghĩ ngợi.

- Có lẽ cũng gần một năm, vì tôi không làm một mạch mà có thời gian phải xê dịch từ Vĩnh Kim - Mỹ Tho. Tuy nhiên, mạch cảm xúc vẫn không bị đứt đoạn khi tôi bắt tay thực hiện tiếp sau một thời gian ngừng nghỉ.

Tôi hỏi anh câu hỏi chừng như cũ rích: Do đâu mà anh lại chọn đề tài người mẹ, với hình tượng lời ru. Anh kể hồi nhỏ mẹ thường ru anh ngủ, lời ru và tình thương của mẹ theo anh suốt cả cuộc đời, an ủi, vỗ về những khi anh gặp bất trắc, đau khổ trong cuộc sống, ngay cả khi mẹ không còn bên anh nữa. Không phải tận bây giờ mà ngày còn là cậu bé học sinh tiểu học Bàn Cờ, mê hội họa điêu khắc, ngày nào đi ngang qua trại điêu khắc của ông Mai Lân cũng đứng trộm nhìn, rồi về móc đất sét, đập ống heo mua sơn dầu tập nắn, tập vẽ, bức họa đầu tiên vụng dại đã là bức “Mẹ thương con”, được treo ở vườn Tao Đàn trong một cuộc triển lãm dành cho học sinh tiểu học.

Cảm xúc về mẹ còn được thể hiện trong nhiều tranh, tượng của anh, như phù điêu “Mẹ và con”, là một trong hai tác phẩm mỹ thuật của Tiền Giang được chọn triển lãm toàn quốc năm 2005.

Hỏi về phương pháp sáng tác mà anh chọn và đã mang đến cho anh ít nhiều thành công trong quãng đời làm hội họa nghiệp dư, như trong bức “Lời ru” đạt giải nhì Mỹ thuật ĐBSCL năm nay, anh cho biết đã chịu ảnh hưởng trường phái lập thể từ khi tập tành đến với hội họa. Anh mê Picasso từ bé dù luôn có cảm giác như bị dẫn vào mê hồn trận khi xem tranh của ông. Từ năm mười sáu tuổi, anh được tiếp xúc với nhóm họa sĩ trẻ trong Hội Quán Văn nằm trong khuôn viên trường Đại học Văn khoa (nay là ĐH KHXH&NV). Những họa sĩ bậc đàn anh bấy giờ như: Cù Nguyễn, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức…, yêu mến cậu bé học Văn khoa có năng khiếu và lòng say mê hội họa, đã chỉ dẫn cho anh từ nội dung, cách bố cục, kỹ thuật… Ít nhiều, anh thừa nhận mình đã chịu ảnh hưởng bởi dòng hội họa của những họa sĩ nầy.

Và cả người nhạc sĩ mà anh yêu mến nữa! Tranh của ông, âm nhạc của ông đã tác động rất nhiều đến tâm thức của anh. Hình ảnh người phụ nữ mình hạc xương mai, những người con gái thuở mắt xanh xao, vai gầy guộc nhỏ, mà lại có quyền lực cao đến nỗi  có thể “gọi nắng”, “gọi gió”, “gọi mưa”, gọi cả bốn mùa xuân hạ thu đông… Cái thần thoại của một thời con gái, theo thời gian, thiên chức trở thành huyền thoại, huyền thoại của những lời ru: “mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn…”, “mẹ ngồi hát dưới mưa che đàn con nằm ngủ, che từng bước quân thù, mẹ chìm dưới cơn mưa…”

Họa sĩ Lê Hồng Thái thừa nhận, khi anh sáng tác Lời ru, ca từ và âm điệu những bài hát viết về mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ lẩn quẩn trong tiềm thức, chắp cánh cho cảm xúc thăng hoa. Có điều lời ru của Trịnh là lời ru của một thời máu lệ, khi đất nước còn ngập chìm trong đạn bom chia cắt, còn Lời ru… tượng gỗ dưới bàn tay cần mẫn của họa sĩ được cất lên trong nắng ấm thanh bình của miệt vườn xum xuê hoa trái Vĩnh Kim.

Nhưng suy cho cùng tất cả Lời ru đều xuất phát từ lòng mẹ bao la!

Thu Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 36)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 415
  • Khách viếng thăm: 401
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 106672
  • Tháng hiện tại: 1972451
  • Tổng lượt truy cập: 48346578