Tác phẩm bị lỗi

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/09/2017 12:52
Minh hoạ: Lê Hồng Thái

Minh hoạ: Lê Hồng Thái

Chiều. Trời vãi xuống Ngã Sáu những vạt nắng nhạt nhòa, mênh mang. Có một người đàn bà ngồi cầm cây roi tre, vừa khóc hờ, vừa quất vào lưng thằng bé mười mấy tuổi. Ánh mắt hoang dại, người đàn bà thốt lên những lời trách cứ:

- Sao ông nỡ bỏ tui đi biền biệt vậy? Ông với thằng Tín đi đâu mà tui tìm hoài hổng thấy?

Lại một roi nữa quất xuống lưng thằng bé, ửng đỏ trên da thịt.

-  Ông nhớ hôn, hồi đó ông nói sẽ không bao giờ bỏ tui, sao ông hổng giữ lời hứa vậy? Ông ơi là ông… Ông ác lắm!

Chiếc roi trên tay người đàn bà liên tiếp quất xuống:

- Tại mầy! Mầy là thằng nghiệp chướng hại tao mà!

Thằng bé gồng người lên, mím chặt môi hứng chịu những nhát roi, không hé răng oán trách tiếng nào.

Vứt chiếc roi lên người thằng bé, người đàn bà đứng dậy miệng hờ khóc, thập thễnh bước về phía mặt trời đỏ ối như một chậu máu đang lặn xuống đường chân trời.

Thằng bé ngồi dậy, nó lấy tay sờ mấy vết roi lằn ở lưng và đưa sát mắt để nhìn. Có chút máu dính ở đó. Nó quẹt ngón tay dính máu vào chiếc quần đùi cáu bẩn rồi lật chân sang bên, xem mấy vết ở đùi. Một người đàn bà đi ngang qua thấy vậy dừng lại. Nhìn những nốt nổi lằn ngang lằn dọc trên lưng, bà ta lấy dầu thoa, ứa nước mắt:

- Tội tình gì mà dữ vậy con? Ngày nào cũng ngồi đưa lưng cho má mầy đánh như vậy làm sao chịu nổi.

Thằng bé chảy nước mắt nước mũi mà vẫn cười:

- Kệ đi bà Năm, con quen rồi. Miễn má con vui là được.

Bà Năm, như thằng bé vừa gọi, vừa xoa lưng thằng bé vừa nạt:

- Quen gì mà quen, mai mốt má mầy có đánh thì bỏ chạy đi nghen hông. Bị đánh riết ốm o gầy mòn như vầy thì chết chứ sống sao nổi. Căn đày kiếp đọa gì mà dữ thần vậy hổng biết.

*

Từ khi đến Ngã Sáu tá túc dưới gầm cầu, người đàn bà và thằng bé đã khải lên một khúc nhạc trầm buồn khiến mọi người nao nao. Hơn mười lăm năm qua, Nghiệp - tên thằng bé, không nhớ nổi trước khi đến đây, nó và má nó đã đi qua bao nhiêu địa danh trên khắp miền lục tỉnh Nam kỳ. Nơi ở lâu nhất là hơn một năm, nơi ngắn nhất gần một tháng. Tới Ngã Sáu đến nay cũng ngót hai tháng rồi nhưng mỗi lần định đi, má nó lại lắc đầu quầy quậy. Và nữa, nếu đi tiếp thì nó cũng không biết phải đi đâu, biển đời rộng khắp còn đôi chân nó thì quá bé nhỏ, biết ba và Tín ở đâu để mà tìm cho má.

Thằng bé bó gối nhìn xa xăm. Mắt nó sậm màu nước sông. Hoàng hôn hắt những tia vàng vọt cuối cùng đang trôi dần ra xa. Nghiệp khẽ thượt ra một tiếng thở dài. Hơn mười năm trước, cũng trong một buổi những vạt chiều rơi lỗ chỗ thế này, nó xách giỏ cua đầy ắp vừa đi bắt ngoài ruộng nhảy chân sáo vào nhà thì thấy má đang tóc tai rũ rượi, giập đầu xuống nền nhà, giọng đã khản đặc:

- Anh ơi sao bỏ em! Tín ơi sao con bỏ má!? Tín ơi!

Nó đứng chết lặng. Giỏ cua trên tay rơi xuống, chiếc nắp bật ra. Những con cua bò lổm ngổm trên nền nhà. Nó vội vàng chạy đến định đỡ má dậy, cũng vừa lúc má nó ngước lên. Bắt gặp cái nhìn của nó, ánh mắt bà tóe lên những tia lửa căm hờn.

Sau nửa tháng vật vã, mắt sưng mọng vì khóc, má thằng Nghiệp trở nên lúc điên lúc tỉnh. Mỗi khi vạt chiều bắt đầu rơi lỗ chỗ, má bắt nó quỳ trước sân và lấy roi quất vào người nó. Những lằn roi tứa máu khiến nó oằn oại. Nhưng thà như thế còn hơn, bởi khi má nó tỉnh táo, má lại hờ khóc gọi chồng, gọi con. Những tiếng gọi như xát muối vào lòng nó. Không chịu nổi, một lần, nó lặng lẽ đến bên má thẽ thọt: Hay là con đưa má đi tìm ba và anh Tín nhen? Má nhìn nó rồi mím miệng gật gật.

Đi mà cũng không biết đi đâu, chỉ biết đi để may ra sẽ tốt hơn cho hai má con. Nó vừa đi vừa lưng lửng lớn lên giữa cuộc đời đầy ngang trái và lòng thương yêu, sự đùm bọc, cảm thông của những người xung quanh. Lăn lóc giữa chợ đời, chưa đến mười tuổi, nó đã biết đi phụ bán cháo lòng, rửa chén dĩa ở quán cơm… Nó nhanh nhẹn, tháo vát, người ta kêu nó làm xem như làm phước luôn, giúp nó kiếm tiền nuôi mẹ. Tuy nhiên, nhiều hôm nó đi từ đầu làng trên đến cuối xóm dưới, bụng đói meo mốc mà không ai kêu làm. Nó ứa nước mắt không phải vì đói, mà vì sợ má không có gì để ăn qua ngày. Có bữa, được mấy dì, mấy cô kêu lại dúi cho củ khoai hay trái bắp nấu, nó không dám ăn, chạy về đưa cho má. Má hỏi Nghiệp ăn chưa, nó bảo ăn rồi, phần này chừa má. Má nó tưởng thiệt, ăn hết. Ngồi nhìn má ăn, nó thấy vui trào nước mắt.

Hơn chục năm kể từ ngày ba bỏ đi, cái hình ảnh lèn chặt trong lòng má nó vẫn thế: Tín vẫn là một đứa bé lên sáu với mái tóc hoe râu bắp và hàm răng sún. Còn ba là một thanh niên vừa ngoài ba mươi, dáng cao cao, nước da ngăm, vì thế, đi đến đâu, má cũng hỏi người ta có thấy người đàn ông cao cao, da ngăm đen dẫn theo thằng bé ốm ốm, tóc hoe râu bắp, hàm răng sún có cái bớt đỏ trên cánh tay trái không. Rồi mỗi lần má thấy người đàn ông nào hao hao ba, dẫn theo đứa bé giống Tín là má lại níu tay, níu áo họ để hỏi coi có phải không. Khi người ta lắc đầu thì nỗi nhớ chồng, nhớ con lại trào sôi nhưng sự uất hận cũng cuồn cuộn phún ra như núi lửa phún. Những lúc đó má lại lôi nó ra đánh. Đánh cho vơi đi uất hận. Đánh cho dịu xuống nhớ nhung. Chính vì thế, mỗi lần má và nó di cư đến chỗ mới để ở tìm ba và Tín, cũng là khi những người xung quanh bị sốc vì thấy nó ngồi trần lưng cho má đánh. Có người thấy nó bị đánh tội nghiệp đến can, giật cây roi tre quăng, má giãy khóc đành đạch. Nó phải đi lượm lại đem cho má đánh tiếp thì má mới thôi khóc.

Càng lớn nó càng cảm thông nỗi niềm trắc ẩn trong lòng má. Nhiều người nói nó ở với má riết rồi cũng khùng theo má, ai đâu lại ngồi đưa lưng cho đánh đến tứa máu, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng mà vẫn cắn răng mà chịu. Chỉ có khùng mới như vậy. Nó chỉ cười.

*

Nếu đứa con là tác phẩm được kết tinh từ tình yêu của cha và mẹ thì nó là một tác phẩm bị lỗi. Lỗi, bởi nó được kết tinh không phải từ một tình yêu nồng nàn, da diết của hai con tim - một con tim của người đàn ông và một con tim của người đàn bà. Người đàn bà là má nó bị người đàn ông ép đến bước đường cùng, đành phải chấp nhận buông xuôi mặc cho ông ta chiếm đoạt, giày vò, thỏa mãn dục vọng và kết quả là nó được sinh ra trên cõi đời này. Má đặt cho nó cái tên là Nghiệp theo nghĩa nghiệp chướng.

Lẽ thường tình, người mẹ nào khi biết có giọt máu đang phôi thai và lớn dần lên trong bụng mình thì cũng đều vui mừng, hạnh phúc không thể tả xiết. Nhưng với má nó thì không. Khi biết nó đang lớn dần lên trong bụng mình, má thấy trời đất như sụp đổ dưới chân. Má muốn chết. Trong một đêm mưa gió mịt mùng, má cột sợi dây có nút thòng lọng lên xà nhà, đứng lên ghế rồi thòng cổ vào đó để khỏi phải đeo mang bao nỗi niềm cay đắng nặng trĩu như đá tảng trong lòng. Bỗng tiếng sấm chớp nổ rền xé toạc màn đêm, thằng Tín giật mình khóc thét gọi. Còn đứa bé trong bụng là nó đang nhè nhẹ đạp. Má bừng tỉnh. Má chết, thằng Tín ai nuôi? Và nó nữa, nó có tội tình gì? Và rồi nó đã được sinh ra. Vậy tại sao má lại ghét bỏ nó thế? Dì nó kể, nhà má ở cách đồn Rạch Đôi hơn trăm mét. Từ ngày hoạt động bí mật bị lộ, ba phải thoát li vào căn cứ cách mạng ở Đồng Tháp Mười theo sự chỉ đạo của cấp trên. Cũng từ ngày đó, má bị thằng đồn trưởng Cọp Lửa bao vây cấm vận. Mới đầu thằng đồn trưởng cứng giọng hăm dọa, sau thấy không lay chuyển được má nên chuyển sang dịu giọng ngọt ngào, tha thiết đủ điều. Hắn nói hắn thương má từ cái thời còn đi học, nhưng chưa kịp thổ lộ tình cảm thì bị ba hớt tay trên. Vì vậy hắn mới là người dâng hết trái tim cho má trước chứ hổng phải là ba.

Vì bị cấm vận nên má đi mua dầu lửa, chai dầu gió ngoài chợ, người ta cũng không dám bán. Đi mua cái hột vịt về luộc giằm nước mắm cho mấy đứa con ăn, người ta cũng xua tay, bảo có lệnh cấm bán đồ cho má. Thân cô thế cô, bơ vơ giữa chợ đời không ai để nương tựa, nhờ vả, má chưa kịp tính toán gì thì con Thùy - đứa con gái đầu của má - ngã bệnh cảm sốt. Vừa thấy má bồng đứa nhỏ ủ rũ trên tay, ông bác sĩ già xua tay đuổi má như đuổi tà, mặc cho má khóc lóc van xin. Ông bác sĩ già nén tiếng thở dài:

- Tui thương cô rồi ai thương tui. Họ mà biết tui trị bệnh cho con của cô thì cả nhà tui sống không yên được. Cô thông cảm đem đứa nhỏ đi chỗ khác trị bệnh đi hén!

 Đi trị tây y không được, má ẵm con đi trị thuốc nam, nhưng vừa thấy má, ông thầy lang cũng viện đủ lý do không trị. Má bất lực, ngồi bệt ngoài đường khóc khô nước mắt. Người ta đi qua đi lại chỉ dám liếc mắt nhìn chứ cũng không ai dám hỏi thăm, sợ bị liên lụy. Ở cái vùng địch tạm chiếm, bọn tay chân của thằng Cọp Lửa cài cắm khắp nơi, biết đâu mà lần. Người ta không dám dây dưa với vợ con của Việt cộng, sợ rước họa vào thân, khó mà sống nổi.

Vậy là đứa con gái đầu lòng của má chết. Má đau đớn hóa điên hóa dại. Nhưng rồi nhớ lời ba dặn: “Em ở nhà dựa vào tập thể mà sống!” (tập thể mà ba dặn là những người đồng đội của ba, là cách mạng), nên má kiên cường đứng lên, tìm cách liên lạc với đồng đội của ba để các anh chỉ dẫn. Chưa móc nối được với các anh thì thằng Tín - con trai út của má - lại ngã bệnh. Cũng như lần trước, không ai dám điều trị cho con của má. Hay tin con má bệnh, tối thằng Cọp Lửa mò đến nhà má giọng vừa ngọt ngào vừa

sắc lạnh:

- Em muốn trị bệnh cho con hay là để nó đi theo chị nó?

Lòng má trào dâng uất hận. Đáp lại ánh mắt tóe lửa của má, giọng thằng Cọp Lửa ngọt ngào:

- Tôi sẽ gọi bác sĩ đến khám bệnh cho thằng nhỏ ngay nếu như em…

Nhớ đến đứa con gái đầu lòng chết thảm vì không được chữa trị, má bấn loạn và không còn suy nghĩ gì được nữa, không biết gì nữa, không nhớ gì nữa.

Má lặng thinh cam chịu.

Thế là đứa con trai của má được cứu sống, nhưng trong bụng má lại hình thành một giọt máu. Giọt máu ấy, chính là nó.

Sau khi nó được sinh ra, má bỏ xứ đi, mang theo bao nỗi nhớ thương, oán hận tràn ngập trong lòng. Nó lưng lửng lớn lên trong ngổn ngang nỗi niềm của má. Có lần má ẵm nó đến cô nhi viện, nhưng rồi lại ẵm về. Dù gì đi nữa thì nó cũng là đứa con mà má đã mang nặng đẻ đau. Nó có là nghiệp chướng thì cũng không thể tách rời khỏi cuộc đời của má được. Thôi thì cuộc đời có ra sao thì ra, mặc cho số phận chứ biết làm sao bây giờ.

Sau giải phóng má định không về quê. Má tính bỏ đi luôn không về lại cái làng quê mang tên Rạch Đôi nữa. Về đó chạm với yêu thương, thấy lỡ dở càng thêm nghẹn lòng. Chạm với nỗi uất hận, vết thương lại mưng mủ, lở loét càng thêm nhức nhối. Nhưng rồi má nó bảo, thằng Tín phải có cha, phải biết mặt cha là ai. Ngày ba thoát li, nó còn quá nhỏ nên chưa có kí ức về cha của mình. Rồi phải gặp mặt ba để được khóc và giãi bày một lần về những đắng cay của một người vợ có chồng đi cách mạng mà má phải chịu đựng trong những ngày sống trong vòng vây của giặc. Được kể một lần, được khóc một lần rồi có ra sao cũng được. Má đùm túm hai anh em nó về lại Rạch Đôi thì mới hay thằng Cọp Lửa đã chết trong một trận bộ đội ta đánh chiếm đồn. Còn ba thì đã về ngay sau khi giải phóng. Nghe hàng xóm kể con Thùy chết trong oan ức, còn má thì bị thằng Cọp Lửa làm nhục, rồi mang bầu, sinh con, ba đấm tay vào ngực thùm thụp, đau đớn. Ngày má tay xách nách mang trở về, ba liếc nhìn nó rồi bỏ ra ngoài bờ kinh ngồi vấn thuốc hút hết điếu này đến điếu khác. Những ngày sau, ba cứ ngồi lặng lẽ một mình, ánh mắt thăm thẳm. Má vừa mở lời, ba đã cắt ngang:

- Tui biết hết rồi, em đừng nói gì thêm nữa.

Má nuốt buồn tủi trôi ngược vào lòng mà nước mắt thì cứ chảy mải miết. Còn nó, như cái gai trong mắt ba. Rồi việc gì đến cũng phải đến. Mỗi lần nó khóc, ba lại trừng mắt căm hờn:

- Mầy im không! Nhìn mầy là tao lại sôi gan!

Rồi ba quay sang má:

- Tui không muốn thấy mặt nó trong nhà này nữa. Tui không thể nuôi con của thằng ác ôn được!

Má bời bời ruột gan. Nó là con của má, là do má mang nặng đẻ đau, là một phần máu mủ của má. Nó biết lòng má là biết bao nỗi niềm ngang trái, day dứt, dằn vặt ngổn ngang.

Má không đành lòng vứt bỏ nó nên ba âm thầm dẫn Tín bỏ nhà đi biệt xứ. Con gái mất, ba dẫn Tín đi. Bỗng dưng má trở thành người tay trắng, chỉ còn lại nghiệp chướng đeo mang. Bao nhiêu vất vả, khổ đau, cả những tủi nhục trong những năm qua má đều vượt qua hết, bởi trong lòng má luôn có một động lực thôi thúc, một niềm tin mạnh mẽ. Đó là chờ đợi một ngày gia đình được sum họp. Thế mà…

Má đi ra sau vườn thì chạm mặt với nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên, đó là ngôi mộ của con gái lạnh lẽo, chơ vơ. Vào nhà thì chạm mặt nó khiến uất hận lại trào lên cuồn cuộn trong lòng. Nhìn vào đâu má cũng thấy Tín, thấy ba. Thấy mà chạm hoài không tới mới đau, mới khổ. Nỗi thương nhớ quyện với nỗi đau và uất hận cồn cào trong lòng khiến má trở thành một con người khác, thẫn thờ, lú lẫn, lúc tỉnh lúc mê, việc gì cũng không nhớ, suốt ngày cứ lảm nhảm nói chuyện với ba và Tín. Cái khoảng cách của má ngày hôm trước và ngày hôm sau cứ ngày một xa dần. Sự khác biệt ấy nó hứng đủ. Rót nước uống bị đổ, má đánh. Đi tè ướt quần, đánh. Nhiều khi thấy nó mũi dãi thò lò, má cũng đánh, làm như cái việc mũi dãi là tại nó vậy. Mới đầu, nó múc cơm ăn bị đổ, má cho vài bạt tay vào mông nó rồi thôi. Ít lâu sau, múc cơm ăn bị đổ, má ngồi lượm cơm lên đếm, rớt mấy hột đánh mấy roi. Rồi nó cũng phải thích ứng dần với sự khác biệt ấy của má. Mới đầu nó còn khóc thét, dần dần nó mím môi chịu đựng, riết rồi thấy cũng quen nên không khóc nữa. Nhiều khi mấy ngày không thấy má đánh, làm như nó nhớ nên hỏi:

- Ủa, sao mấy bữa nay má hổng đánh con dạ?

Nhiều người thấy má đánh quá, tội nghiệp nên đến xin má cho nó để người ta nuôi. Má chửi xối xả, bảo con của người ta mang nặng đẻ đau, đang nuôi mà lại xin là xin làm sao, bộ khùng hả. Muốn nuôi thì đẻ mà nuôi. Má mặc kệ người ta bảo nuôi mà đánh, hành hạ, giày vò như vậy thì nuôi làm gì mắc công mang tội thêm.

*

Ráng chiều buông bao trùm lên Ngã Sáu những mảng màu đỏ ửng. Trận đòn mà nó vừa phải chịu nguyên do bữa trưa má thấy người đàn ông hao hao giống ba, dẫn theo thằng bé hao giống Tín. Hồi còn ở Kinh Tư, sau mấy ngày bị má đánh, nó đổ bệnh. Thấy nó nằm chết lịm vì sốt cao, má ôm nó khóc bỏ ăn bỏ uống. Thấy vậy, nhiều người đến ghẹo, bảo thôi để thằng Nghiệp chết cho rồi chứ sống làm chi bị má đánh đập như vậy làm sao chịu nổi. Hình ảnh đứa con gái đầu của má chết thảm như lại ùa về. Má quỳ sụp xuống lạy từng người, bảo họ làm ơn cứu thằng Nghiệp, nó mà chết thì má cũng chết theo chứ làm sao sống nổi. Từ hôm đó nó biết dù mình có chết đi thì cũng không hóa giải được gì.

Hồi chiều, nó vóc hết tiền trong túi nhưng cũng chỉ còn đủ để mua gói mì tôm nấu cho má ăn. Ngồi nhìn má ăn mà tự nhiên nó ứa nước mắt. Nó không nên có mặt trên cõi đời này thì tốt hơn. Tốt hơn cho má và cho cả nó nữa. Nó nghĩ nếu đi mãi mà không gặp ba và Tín thì sao. Rồi ngày mai, ngày mốt… biết lấy gì cho má ăn nếu như không ai mướn làm. Nó mới tới Ngã Sáu nên cũng ít người biết, vì vậy khó kiếm việc làm hơn. Đang chưa biết phải tính cái ăn cho ngày mai như thế nào thì thằng Bảy xì ke đến vỗ vai rủ đi bắt chó hoang bán. Thấy Nghiệp chần chừ, thằng Bảy xì ke

giải thích:

- Bắt chó hoang chứ có phải ăn cắp đâu mà sợ. Mấy ngày nay mầy có làm được gì đâu mà có tiền.

Thấy nó vẫn không chịu đi, thằng Bảy xì ke chạm vào điểm yếu nhất

của nó:

- Bộ mầy muốn bỏ đói má mầy hả?

Bảo là đi bắt chó hoang, nhưng không phải vậy, thằng Bảy xì ke đi đánh bả chó của nhà người ta để bắt trộm. Khi phát hiện chó bị đánh bả, chủ nhà đuổi bắt, thằng Bảy xì ke bỏ chạy, còn nó nghĩ mình không đi ăn trộm chó nên chẳng sợ ai mà phải chạy trốn. Vậy là nó lãnh đủ. Không để nó giải thích gì, người thanh niên cởi trần cứ thẳng tay tung những cú đấm vào người nó. Mắt, môi thằng Nghiệp sưng vù, máu mũi chảy ròng ròng.

Thằng Tùng ở gần cầu Ngã Sáu đi ngang thấy nó bị đánh nên hốt hoảng chạy về cho má nó hay. Má đánh nó thì được, chứ ai đụng tới nó là má lồng lộn lên như con thú trúng tên. Cho nên khi nghe thằng Tùng báo Nghiệp bị đánh, má tức tốc chạy đi tìm… Má nghĩ má sẽ che chở, bảo vệ được cho nó. Người mẹ nào mà không suy nghĩ như thế, dù đó là một bà mẹ điên.

Người ta đè thằng Nghiệp xuống đất, bẻ ngoặt hai tay nó ra sau lưng rồi lấy dây trói lại. Má lao vào nắm tay người thanh niên đang đè trói thằng Nghiệp, dùng hết sức lực lôi người thanh niên ấy ra. Dù không gian vừa chập choạng tối, nhưng cái bớt son trên cánh tay phải của người thanh niên đang đè trói thằng Nghiệp vẫn hiện lên rõ mồn một trong mắt má. Má bàng hoàng, thảng thốt:

- Thằng Tín! Mầy là thằng Tín phải không?

Đến lượt người thanh niên chết sửng, bàng hoàng. Người đàn ông cao cao, có nước da ngăm đen, tóc đã điểm bạc vẹt đám người hiếu kì đến xem để chen vào, đứng chết lặng nhìn má.

Người đàn ông ấy là ba.

*

Nó nghĩ nơi đây không phải là nơi dành cho nó. Ở lại đây là cản trở, làm cho những yêu thương không thể hàn gắn và nảy mầm. Nó nghe đôi chân mình nhẹ hẫng, không biết sẽ đi đâu về đâu. Về lại Rạch Ðôi thì không thể rồi, vì nó là nghiệp chướng của vùng quê đó. Con người ta ai cũng có nguồn có cội. Nguồn cội là thiêng liêng để người ta khát khao tìm về. Còn nguồn cội của nó thì chênh vênh, nên nó không biết phải đi đâu, về đâu.

Nó quả quyết bước đi mà nước mắt ròng ròng.

Nó dẫn má đi tìm chồng, tìm con, bây giờ đã tìm được rồi thì lẽ ra nó phải mừng, phải vui chứ, sao lại khóc?

Nguyên Chương
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 80)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 135
  • Khách viếng thăm: 133
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 18769
  • Tháng hiện tại: 225819
  • Tổng lượt truy cập: 67200310