Chị Cúc học ngành kế toán ngân hàng, nhưng khi gặp anh lại chuyển sang làm nghệ thuật. Chị có khoảng 10 bức tranh, còn lại là hàng trăm tác phẩm gốm được tạo bằng đôi tay kỳ diệu của "cô gái xứ dừa" những bình gốm lớn nhỏ, mặt nạ đủ kích cỡ...
Hồi còn bộ đội, anh đã thể hiện tài năng của mình qua bức tranh cổ động "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" trên những vách núi mà anh hướng dẫn cho đồng đội cùng vẽ bằng tín hiệu mose trên nền carô. Cuộc sống thăng trầm đã cho anh nghề làm báo, làm văn công từ Lạng Sơn và tăng cường về Long An cùng góp sức thành lập Hội Văn nghệ Long An. Nhưng Tiền Giang là điểm dừng chân xây tổ ấm của họa sĩ Hoàng Anh và chị Huỳnh Thị Cúc ở con hẻm đường Hoàng Việt, phường 5, TP Mỹ Tho. Tài sản của anh chị ngoài 3 cô con gái (hai cô lớn: một chuẩn bị ra trường, một đang học Đại học Mỹ thuật), còn lại là những tác phẩm nghệ thuật với hàng chục bức tranh, hàng trăm tác phẩm gốm bằng đất nung xếp đầy từ trong nhà và cả sân vườn. Có một thời anh chị mở quán cà phê nghệ sĩ mang tên "Đất nung". Đó là nơi để cho anh em nghệ sĩ đến uống cà phê, bàn chuyện nghệ thuật và ai thích sáng tác thì đến, ở bao lâu cũng được. Chủ nhân có sẵn đất và bàn xoay, ai có cảm hứng thì cứ tự do mà nắn nót tác phẩm của mình. Đất để sáng tác gốm nghệ thuật phải là đất được "tinh luyện" chuyển từ Đồng Nai, Vĩnh Long về, điều đó cho thấy tấm lòng hào phóng của đôi vợ chồng họa sĩ này.
Hơn nửa đời người dành cho tranh màu nước, sơn dầu và gốm, họa sĩ Hoàng Anh luôn tạo cho mình những nét mới, không đi vào lối mòn. Các tác phẩm đoạt giải thưởng luôn có những nét riêng, phát triển theo xu hướng thời đại: từ "Một góc Gò Công" đến "Đất lửa", "Nỗi đau tận cùng" đã chứng minh tài hoa của anh. Tranh của Hoàng Anh đậm màu sắc triết lý, khiến người xem phải tập trung và động não mới đọc được những ngôn từ qua nét cọ của anh. Anh bảo tranh của mình hơi "quê quê, nông dân" bởi mang hơi hướm tranh dân gian Đông Hồ.
Đến thăm nhà anh, chị mới thấy hết tấm lòng và niềm say mê hội họa. Tất cả vốn liếng anh chị đều đầu tư cho sáng tác tác phẩm. Hàng chục tác phẩm gốm hình bình với nhiều kiểu dáng cao hơn 2m trưng bày trong sân vườn. Những mặt nạ người bằng đất nung với hàng trăm nét khác nhau, treo trước sân và xếp cả trong nhà. Tranh nào có giải thưởng thì để làm kỷ niệm, còn lại không chỗ để phải xếp vào một góc hoặc xóa đi. Chị đang chuẩn bị hoàn thành một bức mới cũng với đề tài "Ngàn năm Thăng Long" chưa tìm ra cái tên riêng. Ở "Thăng Long trong trái tim tôi", "Nhớ Tây Nguyên", cùng bằng chất liệu tổng hợp được thể hiện trên nền gỗ với những nét vân của gỗ kết hợp những góc cạnh uốn lượn tự nhiên của thân cây cắt ngang hoặc xẻ dọc với một ít "can thiệp" khi đường nét tự nhiên không phù hợp. Từ những cái đẹp có sẵn của gỗ với đôi tay của mình, anh đã nâng lên thành cái đẹp hoàn mỹ hơn. Cùng một chất liệu, nhưng cách thể hiện và nội dung hai tác phẩm khác nhau, theo hoạ sĩ Hoàng Anh thì "Thăng Long trong trái tim tôi" là một con rồng cách điệu với hoa văn họa tiết mang sắc thái riêng của tác giả; còn "Nhớ Tây Nguyên" là mặt con trâu cách điệu bằng gỗ được trang trí hoa văn cùng hình ảnh cồng chiêng mang đậm nét văn hóa miền núi. Những tác phẩm này đầy hứa hẹn cho đột phá mới của họa sĩ Hoàng Anh trong lần triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ XV sắp tới.
Tác phẩm tranh gỗ "Nhớ Tây Nguyên" (lớn) của Hoàng Anh và tác phẩm "Đột phá" tranh sơn dầu (nhỏ) của Chị Cúc. |
Năm 2006, Hoàng Anh đoạt giải thưởng tạo hình gốm, nhưng những tác phẩm gốm trưng bày chung quanh nhà, chủ yếu có từ đôi tay của chị. Năm 2007, chị Cúc đoạt giải nhì với 7 khuôn mặt nạ dài kết thành tác phẩm "Người muôn mặt" và tác phẩm này được giám khảo, họa sĩ Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam mua lại. Tài hoa của anh chị bắt nguồn từ năng khiếu, lòng đam mê và những tìm tòi sáng tạo để có một hướng đi riêng mà không qua trường đào tạo nào. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng nhận xét: "Tranh của họa sĩ Hoàng Anh đang thoát khỏi mô tả cuộc sống đơn thuần, mang đậm chất nghệ thuật tạo hình. Đó là một quá trình không đơn giản, đòi hỏi người nghệ sĩ nhiều lần tự lột bỏ tư duy cũ".
Tác phẩm của anh chị nhiều lần được trưng bày ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang. Không những tranh mà cả tác phẩm gốm của anh chị vẫn tạo được sức hút lạ. Những thành công của anh chị gắn liền với câu "muối mặn, gừng cay", hạnh phúc của họ giống như chất keo sơn kết dính trên những tác phẩm nghệ thuật của mình, cùng tạo nên khúc biến tấu từ những gam màu và tiếng lòng từ đất.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc