Hoàng Tuyển - hoa sĩ đầu tiên ở Việt Nam vẽ tranh chân dung Bác Hồ bằng máu

Đăng lúc: Thứ tư - 28/03/2012 08:38
Chân dung bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp: Nguồn Internet

Chân dung bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp: Nguồn Internet

Họa sĩ Hoàng Tuyển, sinh năm 1912 tại xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Năm 16 tuổi, ông học vẽ với ông Huỳnh Phác một thầy dạy vẽ ở địa phương. Năm 20 tuổi, ông thành nghề, đi vẽ và trang trí sân khấu cho các gánh cải lương ở Nam bộ.

Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cách mạng ở quê nhà. Tháng 10 năm 1945, trong một lần từ Mỹ Tho đi Sài Gòn, ông tình cờ phát hiện ảnh Bác Hồ được in trên một tờ báo. Hết sức vui mừng và cảm động, ông cất kỹ tờ báo đó.

Sau khi từ Sài Gòn trở về Giồng Nâu (Gò Công), với lòng kính yêu vô vàn vị Cha già của dân tộc đã cống hiến trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước, ông đã trích máu ở cánh tay của mình vẽ chân dung Hồ Chủ tịch. Bằng tác phẩm nghệ thuật độc đáo đó, ông là họa sĩ đầu tiên ở nước ta vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu của chính mình; thể hiện lòng tôn kính của người nghệ sĩ; và qua đó, của nhân dân Nam bộ đối với vị Lãnh tụ anh minh của dân tộc. Ông đã để lại một dấu ấn đặc biệt của nền hội họa hiện đại Việt Nam.

Bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu được trưng bày tại cuộc triển lãm cứu quốc ở thị xã Gò Công. Sau đó, để hưởng ứng chủ trương xây dựng nền tài chính độc lập cho đất nước của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bức tranh đó được mang ra bán đấu giá.

Trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, ông Trương Văn Huyên một nhân sĩ ở làng Tân Duân Đông (Gò Công) đã vinh dự mua được bức tranh đó với một số tiền rất lớn, tương đương mấy ngàn giạ thóc. Nhưng tiếc thay, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, bức tranh vô giá đó đã không lưu giữ được. Đó là một mất mát lớn không chỉ của cá nhân họa sĩ Hoàng Tuyển mà còn của nền hội họa nước ta.

Năm 1947, ông công tác tại Ban Tuyên truyền Bộ Tư lệnh Chiến khu 8 đóng ở Đồng Tháp Mười. Mùa nước nổi năm 1948, trong điều kiện hết sức khó khăn, chỉ trong vòng một tháng, ông đã hoàn thành việc vẽ 12 bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch, khổ 1 m x 1,2 m, theo yêu cầu của cấp trên để làm phần thưởng cho các đơn vị đạt được trong chiến đấu của Chiến khu 8.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Đoàn cải lương Nam bộ, phụ trách công việc trang trí sân khấu. Ngoài ra, ông còn thiết kế sân khấu cho Đoàn ca múa nhạc Việt Nam và Đoàn xiếc Trung ương khi hai đoàn này, lần đầu tiên, đi biểu diễn ở Áo, Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên.

Sau năm 1975, ông trở về miền Nam, sinh sống và công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1992, mặc dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn cùng với người học trò giỏi của mình là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu miệt mài lao động nghệ thuật, sáng tác tượng đài Trương Định đặt tại thị xã Gò Công; và xem đó là bổn phận của một người con của Gò Công đối với quê hương. Do những công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền nghệ thuật nước nhà, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông mất năm 1999 tại thành phố Hồ Chí Minh,
thọ 87 tuổi.

Nguyễn Phúc Nghiệp
(Theo Tuyển tập LLPB VHNT TG)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 374
  • Khách viếng thăm: 371
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 56706
  • Tháng hiện tại: 1094329
  • Tổng lượt truy cập: 63323297