Lặng thầm phục vụ nhân dân theo lời Bác dạy (*)

Đăng lúc: Thứ tư - 11/07/2018 12:34
28 năm công tác trong ngành y, điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh được biết đến là người tận tụy với công việc, không ngừng nỗ lực rèn luyện y đức và đam mê nghiên cứu khoa học. Với quá trình cống hiến, tận tụy với nghề, không ngừng tìm tòi học hỏi, nghiên cứu, chị đã có bề dày thành tích là người chủ trì 12 đề tài nghiên cứu khoa học, 13 sáng kiến cải tiến; 19 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh (người đứng giữa) trao đổi với đồng nghiệp

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh (người đứng giữa) trao đổi với đồng nghiệp

TẬN TỤY PHỤC VỤ BỆNH NHÂN

Câu chuyện giữa tôi và chị được bắt đầu bằng lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy: “Hơn 30 năm công tác tại bệnh viện, tôi nhận thấy chị Nguyễn Thị Mỹ Linh là một trong những trụ cột không thể thiếu của bệnh viện xét về tài năng cũng như y đức. Đối với công việc, chị luôn có trách nhiệm; đối với đồng nghiệp, chị luôn tận tình giúp đỡ; đối với bệnh nhân, chị luôn quan tâm, gần gũi nên luôn được mọi người tin tưởng, quý mến. Hầu như hoạt động nghiên cứu khoa học nào do bệnh viện chủ trì chị cũng đều tham gia. Ngoài ra, chị còn phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều bác sĩ trong bệnh viện thực hiện thành công một số đề tài, sáng kiến hữu ích, có giá trị ứng dụng thực tiễn cao. Đặc biệt, hàng năm, chị đều tham mưu Ban Giám đốc tổ chức thành công các Hội nghị khoa học do bệnh viện đăng cai từ khâu hậu cần đến mời đăng ký đề tài, đặt hàng diễn giả trình bày báo cáo khoa học…”. Hỏi chị cảm thấy như thế nào khi được đồng nghiệp đánh giá như thế, chị vẫn giữ phong thái nhẹ nhàng, điềm tĩnh của một người phụ nữ đã bước vào tuổi ngũ tuần, với nụ cười và ánh mắt ấm áp, chị bảo: “Đó là cả một quá trình dài không ngừng nỗ lực, nhưng thầm lặng, tìm tòi học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo để phục vụ nhân dân theo lời Bác dạy”.

Hỏi chị tâm đắc điều gì ở Bác để từ đó học tập và làm theo Người trong suốt ngần ấy thời gian? Không cần suy nghĩ đắn đo, chị trả lời liền mạch, rõ ràng, khúc chiết, như việc ấy là máu, là thịt, là khí trời để chị hít thở mỗi ngày. Chị bảo, chị học ở Bác rất nhiều điều, từ lối sống giản dị đến cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; tận tụy với công việc được giao… để luôn giữ cho mình cái tâm trong sáng của người thầy thuốc. Và điều chị tâm đắc hơn cả, luôn học tập và làm theo Bác, đó là nhiệt huyết, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Chị tâm sự mà cũng như hỏi lại tôi: Là điều dưỡng mà không có y đức, không tận tâm, tận tụy với công việc thì làm sao giúp bệnh nhân vơi đi nỗi đau bệnh tật, nhanh chóng hồi phục sức khỏe? Nhớ lời Bác dặn: “Lương y phải như từ mẫu”, gần cả cuộc đời gắn bó với cái nghề “làm dâu trăm họ”, nhưng chị tự hào mình luôn là chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân, luôn ân cần đến bên bệnh nhân mỗi khi họ cần. Ở cái bệnh viện khu vực, với hàng trăm bệnh nhân nằm điều trị mỗi ngày, nhưng nơi nào bệnh nhân cần là chị sẵn sàng lăn xả đến; đồng nghiệp nào cần giúp đỡ, chị cũng nhanh chóng có mặt. Với chị, đó là lương y; hơn thế nữa, đó còn là lương tâm, là trách nhiệm cao cả của người làm công tác điều dưỡng.

Hỏi chị, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương vĩ đại về tư tưởng, đạo đức, phong cách, vậy nên học tập Bác chị có cảm thấy bị áp lực không? Chị ôn tồn phân tích: Với chị, học tập Bác không nhất thiết phải làm những việc lớn lao, mà tùy vào nhiệm vụ cụ thể của từng người. Học tập và làm theo Bác là từ ngay trong cuộc sống, trong công việc hằng ngày, với những việc làm cụ thể và đơn giản nhất, như tận tụy với công việc, đặt hết tâm huyết của mình vào công việc, làm việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn… Với chị thì học tập và làm theo Bác không có gì áp lực hay khó khăn, mà nó đơn giản là không ngừng rèn luyện, giữ gìn y đức của người thầy thuốc cho thật trong sáng, để khi tối về nằm ngủ không phải băn khoăn hối tiếc tại sao mình làm bệnh nhân đau, tại sao mình không chia sẻ tận tình để bệnh nhân an tâm về bệnh tật của họ… thế là được. Chính vì vậy, gần 30 năm trôi qua, chị luôn lắng nghe bệnh nhân để thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau của họ, từ đó chăm sóc họ thật tận tình, chu đáo... Chị bảo, trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi việc cũng thuận lợi. Nhiều lúc chị gặp khó khăn hay có mâu thuẫn trong cuộc sống... nhưng khi bước vào cổng bệnh viện thì phải gác lại bên ngoài những cảm xúc tiêu cực, những bực bội của mình để đừng ảnh hưởng đến bệnh nhân và nhân viên của mình. Chính vì vậy, trong bốn năm trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, người bệnh nào được chị tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng, lấy máu xét nghiệm... thì khi xuất viện về sẽ nhớ mãi hình ảnh người điều dưỡng luôn ân cần, chu đáo với ánh mắt ấm áp, nụ cười luôn thường trực trên môi khi nhắc nhở bệnh nhân nhớ uống thuốc đúng giờ, ăn đúng bữa, ăn có ngon miệng không; luôn hỏi bệnh nhân có cần chị giúp đỡ gì không, có còn đau nhiều không... Sau này khi làm quản lý (Điều dưỡng trưởng), chị không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nữa, thì chị thường xuyên nhắc nhở đội ngũ điều dưỡng của bệnh viện về những điều ấy.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị phải liên tục gián đoạn bởi các đồng nghiệp là người cấp dưới của chị vào xin ý kiến chị về vấn đề này, vấn đề khác. Có tận mắt chứng kiến cách chị hướng dẫn đồng nghiệp giải quyết công việc, mới biết vì sao mọi người ở đây, nhất là thế hệ trẻ xem chị là người mẹ, người chị, người đồng nghiệp đáng kính. Và có tận mắt nhìn thấy chị ân cần hỏi thăm, động viên, tư vấn cho bệnh nhân mới thấu hiểu tại sao khi xuất viện, họ lại luôn nhớ về chị. Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị ân cần chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào về cái nghề mà chị đã chọn: Mỗi ngày, một điều dưỡng phải làm nhiều công việc khác nhau, chăm sóc chu đáo cho từng bệnh nhân, từ việc vệ sinh đến các thủ thuật khác. Đôi khi có những bệnh nhân đang đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết, chỉ cần sự nhanh hay chậm của đội ngũ y, bác sĩ cũng quyết định đến sự sống còn cho người bệnh. “Hiểu sâu sắc trọng trách đó nên dù vất vả, chị vẫn luôn động viên đội ngũ điều dưỡng của bệnh viện làm việc hết mình, bất kể ngày hay đêm. Bởi chị hiểu, sự sống và tính mạng của bệnh nhân quý giá vô cùng” - Chị chia sẻ với tôi bằng ánh mắt thật dịu dàng của người thầy thuốc.

Tuy nhiên, công việc của chị không chỉ có sự dịu dàng, mềm mỏng, ân cần, an ủi, sẻ chia, thấu cảm… mà đôi lúc cũng cần phải mạnh mẽ, quyết đoán và hành động dứt khoát. Chị luôn luôn động viên, tạo cơ hội và hướng dẫn cách thích nghi, ứng phó với áp lực cho nhân viên, đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo và xây dựng môi trường văn hóa thân thiện. Nhớ lại gần 17 năm là trưởng Phòng Điều dưỡng nhưng do điều kiện nhân lực thiếu, chị đã tham gia trực chuyển viện. Đó là những ca bệnh nặng, bệnh cấp cứu chuyển lên tuyến trên, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh rất cao, dẫu biết rằng chặng đường về mặt khoảng cách địa lý thì ngắn, nhưng về mặt tâm lý thì rất dài. Những ca nặng, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, trên đường cấp cứu một mình, điều dưỡng đều phải xử lý vừa cho thở hay bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực liên tiếp… Lúc đó không còn biết bản thân mình là ai, chỉ mong kịp thời đến bệnh viện để người bệnh được cứu sống. Có lẽ bằng trải nghiệm, trăn trở và những cảm xúc không bao giờ quên, đã thôi thúc chị thực hiện đề tài nghiên cứu an toàn trong chuyển viện. Đề tài đã được mời báo cáo nhiều nơi, đặc biệt trong Hội nghị nhi khoa toàn quốc năm 2017, đã để lại ấn tượng sâu sắc, được tổ chức JICA - Nhật Bản tìm đến và quyết định chọn bệnh viện nơi chị công tác để thực hiện một phần của Dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý bệnh viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy công việc điều dưỡng vất vả với nhiều áp lực, nhưng để đổi lại cơ hội được cứu sống, phục hồi sức khỏe cho người bệnh, chị đã không ngại khó khăn, cố gắng vượt qua tất cả. Với lòng yêu nghề, chị không chỉ gắn bó với công việc, mà còn huấn luyện, hướng dẫn nhân viên vừa có tay nghề giỏi, vừa có đạo đức và thái độ phục vụ tốt. Theo chị, để làm tốt công việc, điều dưỡng phải xem bệnh nhân như người nhà, dành nhiều tình cảm và thật lòng quan tâm đến họ thì mới có thể hoàn thành một cách tốt nhất công việc của mình. Bởi ở bệnh viện, điều dưỡng ngoài việc chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, theo dõi tình trạng bệnh thì còn chăm sóc về mặt tâm lý và tinh thần cho bệnh nhân. Những công việc của điều dưỡng thì hầu như giống nhau, nhưng cách thức thực hiện nhiệm vụ ấy của từng người thì có thể khác nhau, tùy vào cái “tâm”, tùy vào “y đức” của mỗi người. Đối với chị, nỗi sợ lớn nhất khi làm nghề điều dưỡng là vô cảm với nỗi đau của bệnh nhân.

CHIẾN SĨ THI ĐUA

Năm 1988, sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng của Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương III, chị về công tác tại khoa Nhi của Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy). Đến năm 1993, chị được điều động về Phòng Điều dưỡng. Với vai trò là Trưởng phòng, ngoài quản lý nhân sự của phòng, chị còn chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn, phối hợp điều động nhân sự giữa các khoa, phòng để phục vụ công tác chăm sóc bệnh nhân; đồng thời, chị còn tham gia trực chuyên môn, chăm sóc bệnh nhân và trực tiếp chuyển bệnh cấp cứu. Đầu tháng 7-2017, chị lại được điều động giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Công tác xã hội - Truyền thông của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy. Là một phòng mới thành lập, phụ trách ba mảng khá quan trọng và chiến lược của Bệnh viện, chị phải nỗ lực nhiều hơn, vừa làm vừa học, tranh thủ các ngày nghỉ trong tuần tham gia các buổi hội thảo quản lý chất lượng tuyến trên để rèn luyện các kỹ năng, các phương pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến, an toàn người bệnh hiệu quả hơn, tạo dựng môi trường thân thiện, giúp người bệnh an tâm về các dịch vụ chăm sóc y tế. Đặc biệt, chị đã lãnh đạo tổ công tác xã hội, chăm sóc khách hàng, kết nối với các mạnh thường quân, các chính sách hỗ trợ cho người bệnh có hoàn cảnh neo đơn, hộ nghèo trong thời gian nằm viện. Chị không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đã truyền cảm hứng ấy cho đồng nghiệp. Được biết, chị cũng đang theo học năm 2 chương trình thạc sĩ, chuyên ngành y tế công cộng. Theo cách nhận xét của Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng thì “với chị, động lực tổ chức quá lớn đã thúc đẩy động lực cá nhân”.

Chị cũng là một điển hình về tấm gương đam mê nghiên cứu khoa học. Trong khoảng thời gian 23 năm (từ năm 1990 đến năm 2013), chị đã chủ trì thực hiện 18 đề tài khoa học (8 đề tài nghiên cứu khoa học và 10 sáng kiến cải tiến); trong đó, đề tài “Túi cấp cứu ban đầu phòng, chống sốc phản vệ của điều dưỡng” đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ X (2012 - 2013) và một số đề tài cấp cơ sở khác, được giới Y khoa trong và ngoài nước đánh giá cao về tính hiệu quả, cũng như khả năng ứng dụng cao. Cụ thể, Đề tài “Hiệu quả sử dụng mẫu sổ in thay thế mẫu sổ carô tại các khoa, phòng”. Với đề tài này, chị được chọn đi báo cáo điển hình tại Hội nghị khoa học do Hội Điều dưỡng Canada tổ chức ở tỉnh Hải Dương vào năm 2011. Đề tài “Đánh giá tình hình rút thuốc tiêm của điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy”, đề tài này chị được mời đi báo cáo tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre (năm 2005). Đề tài “Khảo sát sự cố y khoa không mong muốn của điều dưỡng - hộ sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy năm 2008”, với đề tài này, chị được chọn đi báo cáo tại Hội nghị khoa học Nhi khoa toàn quốc tại Hà Nội, do Hội Điều dưỡng Úc tài trợ. Đề tài này cũng được ngành y tế các tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc rất quan tâm. Mới đây, Bệnh viện Chợ Quán cũng liên hệ với chị, xin báo cáo khoa học để tham khảo. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy vẫn đang tiếp tục ứng dụng đề tài này vào hoạt động quản lý điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện…

Chị cho biết, Đề tài “Khảo sát sự cố y khoa không mong muốn của điều dưỡng - hộ sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy năm 2008” được giới chuyên môn đánh giá rất cao, vì ở thời điểm đó chị đã dám đột phá. Thế nhưng trong thời gian đầu, vấn đề có nên công bố rộng rãi đề tài này hay không là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng dữ dội. Cuối cùng đề tài cũng đã được công bố với mong muốn làm thay đổi tư tưởng, cách nhìn theo hướng không nên quá khắt khe với những sai sót của nhân viên, đặc biệt là đối với nhân viên mới vào nghề do những sự cố khách quan. Tức là theo chị, không nên nhất thời quy chụp vào một cá nhân nào đó, mà trước hết phải tìm nguyên nhân (có thể do lỗi hệ thống, do công việc mới, hoặc nhân viên mới chưa được hướng dẫn rõ…), quan trọng là bàn biện pháp khắc phục, tháo gỡ và ai cũng phải biết học cái sai của người khác để phòng tránh.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh (người đứng hàng đầu thứ hai từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến toàn quốc 2017 - ảnh tư liệu

Tôi hiểu, để hoàn thành một đề tài nghiên cứu khoa học, hay một đề tài sáng kiến cải tiến không phải là chuyện một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, công sức, trí lực. Hỏi chị động lực nào khiến chị bền bỉ nghiên cứu liên tục trong nhiều năm qua, với nhiều đề tài, sáng kiến mang tính ứng dụng cao và đã đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng? Chị giải thích chuyện ấy nhẹ tênh, đó là do yêu cầu từ thực tiễn, thôi thúc chị phải không ngừng nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo để hướng đến mục đích cuối cùng là vì sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân; vì uy tín, chất lượng khám và điều trị của bệnh viện. Tuyệt nhiên, chị miệt mài làm điều ấy không phải vì thành tích, không phải vì danh hiệu này nọ, càng không phải làm để được khẳng định năng lực, từ đó để được đề bạt, cất nhắc chức vụ này, chức vụ kia. Tôi hiểu và xin được đồng cảm, chia sẻ với chị điều ấy. Với ai nói thì tôi có thể còn hoài nghi, nhưng với chị, tôi có niềm tin nội tâm là chị chân thành, chị nói thật, rất thật!  

Những thành tích cùng nỗ lực cống hiến, sự tận tụy, lặng thầm phục vụ bệnh nhân của chị trong suốt 28 năm qua đã được ghi nhận thông qua sự tôn vinh cũng như tặng thưởng của Trung ương và địa phương, bao gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy hiệu và Bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, Sở Y tế. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), chị vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng “Huân chương Lao động hạng Ba” và danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Ưu tú”. Và không chỉ có những huy chương, danh hiệu, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh còn là một trong 4 đại biểu đại diện công nhân, viên chức, lao động của tỉnh Tiền Giang tham dự Lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian vừa qua. Không chỉ có thế, chị còn 19 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, với 12 đề tài nghiên cứu khoa học và 13 sáng kiến cải tiến. Điều đó càng khiến tôi nể phục chị hơn, bởi sự nỗ lực phấn đấu của chị không dừng lại ở một giai đoạn nhất định, mang tính nhất thời, mà nó liên tục, xuyên suốt trong một khoảng thời gian rất dài, đủ cho một người sinh ra và trưởng thành.

Mỗi ngày trôi qua, trang đời, trang nghề của người phụ nữ dịu dàng, mực thước, tận tụy với nghề, say mê nghiên cứu khoa học, nhưng cũng không kém phần quyết đoán lại dầy thêm lên. Đó không chỉ là sự nỗ lực của bản thân, sự cảm mến của đồng nghiệp, sự kính yêu của bệnh nhân, mà vượt lên trên tất cả, đó là y đức thấm đẫm tính nhân văn của người điều dưỡng mặc áo Blouse trắng, là lý tưởng sống và cống hiến theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của người cha già kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc áo Blouse trắng khoác lên người chị, cả hai như cùng hỗ trợ, tôn vinh lẫn nhau để cùng đẹp hơn, ngời sáng hơn...     

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp. 

Nguyên Chương
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 85)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 348
  • Khách viếng thăm: 347
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 27575
  • Tháng hiện tại: 1479020
  • Tổng lượt truy cập: 45446253