Minh hoạ: Lê Hồng Thái
Thấy mấy em sinh viên ở nhờ nhà cô Bảy, thằng Mén muốn vào làm quen mà không dám. Từ hôm có mấy em sinh viên, thằng Mén cứ núp ló ngoài bờ rào dâm bụt trước cửa nhà cô Bảy, nhìn mút mắt. Chị Tư đi ngang, thấy Mén thập thò thập thụt ngoài bờ rào, chị Tư kêu hỏi:
- Ê, Mén! Mầy làm gì mà thập thò thập thụt vậy? Tính hái trộm bưởi của cô Bảy hả? Bày đặt ăn cắp là chết à nghen.
Thằng Mén giật mình, cái mặt nó đơ ra, sượng trân. Mén gãi đầu, miệng cười sượng ngắt:
- Hổng có ăn cắp đâu chị Tư. Tại thấy nhà cô Bảy vui quá trời nên ngó vô chơi thôi.
Chị Tư trừng mắt:
- Vui thì vào chơi, hổng vào thì thôi, làm gì mà thập thò thập thụt như ăn trộm vậy.
Thằng Mén nói muốn vào chơi lắm, mà sợ hổng dám vào. Chị Tư bực mình hỏi:
- Ai ăn thịt ăn cá gì mầy mà sợ?
Mặt thằng Mén bí xị, nó nói không có ai ăn thịt ăn cá nó hết, nhưng trong nhà cô Bảy có nhiều người trên Sài Gòn về ở mấy ngày nay, nên nó sợ không dám vào thôi. Mắt thằng Mén chợt sáng lên:
- Mà ngộ thiệt chị Tư, sao con gái ở Sài Gòn hổng giống con gái ở Ngã Sáu mình hén?
- Sao mà hổng giống?
- Em thấy con gái Sài Gòn đứa nào đứa nấy trắng phau, thơm phức hà.
Thằng Mén hỉnh mũi lên:
- Đó, chị nghe hông, lúc nào cũng có cái mùi thơm lưng lửng, bay phảng phất.
Chị Tư cười ngất:
- Mầy khùng thiệt á Mén. Khùng hết thuốc chữa luôn rồi.
Mén không phải là thằng khùng mà cũng không hẳn là người tỉnh. Mén không phải là con nít mà cũng không phải là người lớn. Nhiều khi nó suy tư như ông cụ non, nhưng đôi lúc nó lại ngờ nghệch như con nít. Nó khôn thì ít mà dại thì nhiều. Như hồi năm ngoái, mấy anh trong xóm Cống Trâu ra ngoài chợ Ngã Sáu nhậu, thấy con Cà Chía đi làm trên Sài Gòn về, mặc cái quần thiếu vải, thằng Hùng nói với mấy anh em trong bàn nhậu:
- Đ.M. Ở đâu thì theo ở đó, về cái xứ Kinh Cùng này mà ăn mặc kiểu đó thì xốn con mắt quá tụi bây.
Thằng Cò vỗ đùi cái bẹp:
- Để tao cho con nhỏ này một bài học.
- Ê, Mén! Vô tụi tao nói cái này nè.
Thằng Mén rón rén đi vào. Thằng Cò chỉ con Cà Chía:
- Mầy ra vỗ đùi con nhỏ đó, tụi tao cho mầy gói thuốc.
Thằng Mén chạy ra vuốt đùi con Cà Chía, chậc lưỡi hít hà:
- Đùi em trắng quá hén.
Cao hứng, nó còn định bóp chỗ kín của con Cà Chía, nhưng con nhỏ đã kịp gạt tay Mén ra. Sẵn tay, thằng Mén vỗ vào mông con Cà Chía rồi nghệch mặt ra cười khì khì. Con Cà Chía nhảy dựng lên:
- Đồ mất dạy! Thằng chó đẻ!
Thằng Mén vẫn tỉnh rụi, nó nhe răng cười híp mắt. Tụi thằng Hùng, thằng Cò ôm bụng cười lăn cười bò. Thằng Cò móc gói thuốc đưa cho Mén. Thằng Hùng rót ly rượu đầy tràn:
- Tốt lắm, thưởng thêm cho mầy nè.
Con Cà Chía về nhà méc anh trai nó. Thằng Cà Tây nóng sôi máu mặt. Nó chạy ra chợ Ngã Sáu tìm thằng Mén đấm túi bụi vào mặt, máu mũi chảy ròng ròng. Cô Chín Ẩn chạy ra cản, thằng Cà Tây mới chịu dừng tay. Cô Chín kéo thằng Mén vào nhà:
- Con ơi, mai mốt đừng có dại dột như vậy nữa nghen. Cái quân ác nhơn thất đức, bày chuyện tầm bậy cho thằng nhỏ bị đánh như vầy nè.
Từ cái hôm thằng Mén vuốt đùi con Cà Chía, ở Ngã Sáu, hễ ai nói hay làm việc gì khác thường là bị so sánh khùng hơn thằng Mén. Học sinh học dở cũng bị bạn bè chế nhạo ngu hơn thằng Mén. Mà ở cái Ngã Sáu này có ai học dở hơn thằng Mén mới sợ. Nó học 6 năm lớp 1 mà chưa lên được lớp 2. Nếu mẹ thằng Mén không tái phát bệnh tâm thần rồi bỏ nhà đi, không chừng nó còn học lớp 1 tiếp vài năm nữa.
Cô Diệu dạy nó 3 năm lớp 1 mà không lên được lớp 2. Hết cách, cô lên xin Ban Giám hiệu cho thằng Mén chuyển lớp coi “đổi tay” thì nó có học được không. Mới đầu, cô Giàu cũng quyết tâm dạy cho thằng Mén để nó được lên lớp 2. Nhưng chữ vào đầu nó như gió vào nhà trống, vừa vào cửa trước thì chạy tọt ra cửa sau. Có lần cô Giàu nóng quá, bắt nó xòe tay ra khẻ thật mạnh năm roi liên tiếp để nó nhớ bài. Thằng Mén ôm hai bàn tay rồi chui thụp xuống gầm bàn, xuýt xoa. Mén giương đôi mắt ầng ậc nước, ngơ ngác, hoang dại nhìn cô Giàu như hỏi: “Trời ơi, sao cô đánh con đau dữ dạ?!”. Cô Giàu ám ảnh mãi ánh mắt ấy của thằng Mén. Sau này khi về hưu, thằng Mén đã lớn, mỗi lần gặp Mén là cô nắm bàn tay nó xoa xoa:
- Hồi đó, cô đánh con đau lắm hả?
Mén gãi đầu cười:
- Dạ, hồi đó đau lắm cô, nhưng bây giờ hết rồi.
Mắt cô Giàu ngân ngấn nước:
- Cô xin lỗi con nghen! Bây giờ con có muốn học lại không, lại nhà cô dạy cho. Không biết chữ khổ lắm.
Thằng Mén lắc đầu, bảo sợ học lắm, vì không thể nào nhớ được chữ.
Thằng Mén ra đời là kết quả của lần mẹ nó mới phát bệnh tâm thần. Lúc đó, mẹ nó mới 19 tuổi. Một sáng, cả nhà phát hiện mẹ thằng Mén đi đâu mất biệt. Gia đình túa đi tìm mấy tháng trời mới gặp mẹ nó đang lang thang tuốt dưới Sóc Trăng, người ốm da bọc xương nhưng cái bụng thì lùm lùm vượt mặt. Gia đình bắt về, đưa đi bệnh viện tâm thần, vài tháng sau thì sinh ra thằng Mén.
Cuộc sống của thằng Mén sẽ êm đềm trôi qua nếu không có mấy em sinh viên trên Sài Gòn về thực tập. Nhìn các em sinh viên rạng ngời như diễn viên Hàn Quốc, Mén ngẩn ngơ như người mất hồn. Nhìn vào đâu nó cũng thấy mấy em sinh viên mặt hoa da phấn, nhiều khi còn nghe tiếng cười đùa của các em từ nhà cô Bảy văng vẳng bên tai. Thằng Mén ngạc nhiên hỏi: Ủa, sao nhà cô Bảy tuốt ngoài đầu Kinh Cùng mà mấy em sinh viên cười đùa, ở đây mình nghe ta? Đêm đêm trong giấc mơ, nó thấy mình cùng các em sinh viên cười đùa vui không thể tưởng.
Và rồi cuộc đời thằng Mén không chỉ có những giấc mơ đẹp - những giấc mơ mà khi tỉnh dậy, nó cứ tiếc hùi hụi sao tỉnh giấc chi vậy, không mơ nữa đi, mơ cho tới sáng luôn đi. Mơ đến hết cuộc đời cũng được.
Mấy em sinh viên thấy ngày nào Mén cũng núp ló ngoài bờ rào nên hỏi cô Bảy coi ai. Nghe cô Bảy kể một hơi về cuộc đời thằng Mén, Mây ngồi khóc tức tưởi. Thương cho thằng Mén không biết cha là ai, không biết mình từ đâu đến. Hôm sau, thấy Mén thập thò thập thụt ngoài bờ rào, Mây chạy ra kêu:
- Anh vào nhà chơi với tụi em nè.
Vui đùa với các em sinh viên vừa đẹp, vừa học cao, vừa được tôn trọng, Mén thấy cuộc đời mình như mơ. Mấy em sinh viên đứa nào cũng gọi nó bằng anh ngọt sớt, chứ không phải như ở cái Ngã Sáu này, tới đứa con nít cũng gọi Mén bằng thằng này, thằng nọ. Như thằng Tý, nhà ở cạnh nhà Mén, mới học lớp 5, đi học về, đụng mặt Mén ở chợ Ngã Sáu, nó hất mặt hỏi giọng kẻ cả:
- Ê Mén, mầy đi đâu dạ?
Cô Chín Ẩn nghe chói tai nên kêu thằng Tý rầy:
- Con là học trò, người ta lớn thì phải kêu bằng anh cho lễ phép.
Thằng Tý vênh mặt lên:
- Nó khùng mà gọi bằng anh cái gì.
- Đằng đó gọi tui á hả?
Mây cười, ánh mắt thật ấm áp:
- Ừa, em gọi anh á.
Thằng Mén nghệch mặt ra:
- Tui là Mén chứ hổng phải là… anh.
Tự nhiên Mây thấy thương thằng Mén quá chừng. Mây nhỏ nhẹ giải thích:
- Anh lớn tuổi hơn em nên em gọi anh là anh. Là anh Mén đó, biết chưa.
Mén gãi đầu cười bẽn lẽn:
- Vậy hả.
Tối đêm đó, Mây gọi điện thoại về cho mẹ khóc thút thít làm dì Ngân hết hồn không biết Mây có chuyện gì. Đến khi nghe Mây kể về Mén, dì Ngân mới thở phào nhẹ nhõm. Nghe Mây bảo Mén rất tội nghiệp, anh ấy không có dép mang, không có cái áo nào lành lặn, dì Ngân hỏi:
- Ý con thế nào?
Mây ngập ngừng:
- Con tính xin mẹ thêm một ít tiền để mua đồ cho anh Mén.
Dì Ngân biết tính con gái mình hay thương người. Nếu muốn giúp ai mà không giúp được thì Mây sẽ bứt rứt, dằn vặt mãi, nhiều khi khóc đến bỏ ăn. Thấy vậy, dì Ngân kêu Mây nếu muốn mua gì cho Mén thì cứ mua, dì sẽ chuyển tiền thêm cho. Sáng hôm sau, Mây dẫn Mén ra chợ Ngã Sáu mua cho nó đôi dép và hai bộ quần áo mới. Thằng Mén cứ săm soi đôi dép và mấy bộ quần áo rồi đưa lên mũi ngửi, cười tủm tỉm. Mây hỏi:
- Ủa, sao anh Mén cười hoài dạ?
Mặt thằng Mén hớn hở:
- Đồ mới đẹp quá, thơm phức hà. Hồi đó đến giờ mới có được đồ đẹp như vầy nè.
Mây vội quay mặt đi để giấu đôi mắt ngân ngấn nước. Đời thằng Mén, chưa khi nào nó thấy tươi đẹp và hạnh phúc như trong những ngày nó được sống cùng các em sinh viên trên Sài Gòn về thực tập. Mấy em sinh viên đi đâu, thằng Mén cũng được đi cùng. Đi với mấy em sinh viên, thằng Mén cũng được chào đón và tiếp đãi nồng hậu. Hồi đến nhà ông Chín Lắm trong Kinh Cùng để sưu tầm hò cấy lúa, Mén cũng được ông Chín mời ngồi và rót nước mời uống như mấy em sinh viên. Lần đầu được mời ngồi, mời nước, thằng Mén rất thích nhưng cũng thấy ngột ngạt, khó chịu vì không quen. Trước khi đi, Mây đã dặn Mén rồi, đến nhà người lạ phải ngồi thẳng lưng, tay đặt lên bàn hoặc đặt lên đùi, không được gác chân lên ghế, kỳ lắm.
Được sống trong bầu không khí thân thiện, ấm áp, tràn ngập yêu thương, thằng Mén thấy cuộc đời đẹp như mơ. Mà lẽ đời, cái gì tươi đẹp khi mất đi cũng đều để lại nỗi luyến tiếc đến xao xác lòng. Vì vậy, cuộc đời thằng Mén cũng chưa bao giờ thấy trống vắng như khi các em sinh viên về lại Sài Gòn. Nó thấy cô độc như cái Ngã Sáu này không còn ai. Lúc nào thằng Mén cũng mặc mấy bộ quần áo và mang đôi dép của Mây mua cho, rồi đến nhà cô Bảy ngồi thù lù trên bộ ván kê ngoài hiên nhà. Cô Bảy hỏi:
- Làm gì ngày nào mầy cũng đến ngồi thừ lừ ở đây vậy Mén?
Đôi mắt thằng Mén mênh mang, ngây dại. Nó chỉ từng chỗ trên bộ ván:
- Chỗ này là của Mây ngồi ăn cơm nè cô Bảy, còn chỗ này là của Thủy, chỗ kia là của Tùng, còn chỗ này là con…
Thằng Mén kể thao thao:
- Mây dặn con trước khi ăn cơm thì phải rửa tay, lên ván ngồi ăn thì phải ngồi xếp bằng, đừng ngồi chồm hổm xấu lắm. Mây dặn cái gì con cũng ghi nhớ và làm theo đúng y như vậy. Con sợ không nghe lời Mây thì cô ấy sẽ giận, hổng về thăm con.
Rồi nó lấy tay quệt nước mắt:
- Cô Bảy biết chừng nào Mây và mấy em sinh viên trên Sài Gòn mới dìa thăm mình hông vậy?
Cô Bảy lắc đầu, thở dài:
- Cô đâu có biết.
Ngồi ở nhà cô Bảy, Mây và mấy em sinh viên như mọc ra trong mắt Mén, tươi rói. Nhìn chỗ nào nó cũng thấy Mây, thấy mấy em sinh viên. Có lúc Mén thấy Mây cười phô ra chiếc răng khểnh trắng ngần. Có lúc nó thấy Mây ngồi hai tay chống cằm, mắt tròn xoe nhìn nó rồi hỏi:
- Anh Mén biết Sài Gòn chưa hén?
- Chưa.
- Vậy mai mốt anh lên Sài Gòn đi, em dẫn anh đi Sở Thú chơi cho biết nghen.
Thấy ràng ràng đó mà không với tới được, chạm tay vào thì những hình ảnh ấy lại vỡ ra, tan biến. Góp nhặt hết những hình ảnh của Mây ở nhà cô Bảy cất vào tim, Mén lại đi lang thang đến những nơi mà Mây và nó đã từng đi qua để lượm lặt tiếp. Nó sợ không nhặt cất kịp, rủi mai mốt lạc mất thì uổng lắm. Hình ảnh nào của Mây để lại ở Ngã Sáu cũng đẹp lồng lộng như những đụn mây trắng muốt đang trôi bồng bềnh ở lưng chừng trời xanh. Như kỷ niệm bên cây cầu dài 5 nhịp bắc qua con Kinh Cùng. Mén thờ thẫn đứng bên cây cầu, tự nhiên nghe mắt cay xè như bị khói đốt đồng táp vô mặt. Mấy em sinh viên đi điền dã sưu tầm ca dao, hò, vè, Mén được rủ đi theo làm bạn đường cho vui. Mây là dân Sài Gòn nên không biết đi cầu khỉ. Mén nói để nó dẫn đi, Mây cũng không dám. Cuối cùng Mén phải cõng Mây qua.
Có đêm nằm mơ, Mén thấy đang cõng Mây đi qua cây cầu khỉ dài 5 nhịp bắc ngang Kinh Cùng, hơi thở của Mây phả vào gáy nóng hổi. Khi đến nhịp giữa, bỗng dưng cầu gãy, nó và Mây rớt xuống kinh, chìm nghỉm. Nó cố lặn xuống đáy kinh mò tìm mà Mây đâu không thấy. Nó vẫy vùng, gào thét gọi Mây vang dội cả vùng trời Ngã Sáu. Giật mình tỉnh giấc, mồ hôi Mén túa ra ướt đầm. Mây có bề gì, chắc nó sống không nổi.
Chờ mỏi mòn mà không thấy Mây về thăm, Mén lội bộ ra Cổ Cò rồi lên xe đò đi Sài Gòn để tìm Mây. Lên đến Bến xe miền Tây, thấy Mén lóng nga lóng ngóng, mấy anh chạy xe honda ôm xúm lại hỏi đi đâu, nó trả lời gọn lỏn:
Anh Hoàng chạy xe honda ôm hỏi:
- Mây ở đâu mà tìm?
Mén nói Mây là sinh viên, ở Sài Gòn. Cô ấy có mái tóc dài, hay kẹp xước mái tóc bằng cây kẹp vắt có đính cái hoa màu trắng lấp lánh, đẹp lắm. Mây có làn da trắng phau như hoa lài, môi đỏ như mận chín, mắt đen tròn vo như hột nhãn… Nghe Mén tả, anh Hoàng kết luận:
- Rồi, hiểu luôn. Thằng này hổng khùng tao chết liền.
Thằng Mén hoang mang, vì nó tưởng Sài Gòn chỉ lớn gấp 5, gấp 6 lần cái Ngã Sáu nó đang sống, ai ngờ Sài Gòn quá thênh thang, nhà đặc rật, đường tùm lum. Người thì đông nghẹt, chen chúc nhau như mắm nằm sắp lớp trong hũ. Mắc gì người ta tập trung về Sài Gòn làm chi mà đông rật vậy? Dưới quê đất đai mênh mông không ở, lên đây chi để đường chật phải chen lấn giành từng xen-ti-mét cho mệt vậy? Sài Gòn mênh mông, đường đặc nghẹt như vầy thì biết Mây ở chỗ nào mà tìm? Mén đi lang thang, gặp ai nó cũng hỏi biết Mây ở đâu không, chỉ giùm để nó đi tìm. Người ta hỏi Mây nào? Ở quận mấy, đường gì, số nhà bao nhiêu? Thằng Mén ngớ ra, nó lắc đầu bảo không biết. Ở Ngã Sáu, muốn tìm nhà ông Tư, bà Sáu hay bất kỳ nhà ai, thì hỏi thăm, người ta chỉ liền. Còn ở Sài Gòn sao kỳ vậy, hỏi thăm không ai biết Mây là ai?
Tới ngã tư, thằng Mén đứng phân vân không biết đi ngã nào. Thấy thằng bé đánh giày đi ngang qua, Mén kêu hỏi:
- Ê, mầy biết Mây ở đường nào không, chỉ cho tao đi tìm với!
Thằng bé đánh giày đang bực mình vì ế khách, nó khoặm mặt lại, nạt ngang:
- Mây trôi ngang lưng trời kìa, mầy lên đó mà tìm hén.
Chiều hoang hoải. Những đụn mây trắng muốt bồng bềnh trôi với những hình thù kỳ dị. Nhưng không có đụn mây nào có hình thù dúm dó, hoang dại như khuôn mặt của Mén. Từ trong đôi mắt thất thần, hoang mang như dại đi của nó, những giọt nước trong suốt rỉ ra, lấp lánh, ngập tràn. Ngã tư trong giờ tan tầm đông hơn đàn kiến vỡ tổ. Thằng Mén dõi ánh mắt hoang hoải về phía dòng người ngược xuôi trên phố, bóng người cứ dần nhạt nhòa…
Mây bay ngang lưng trời, truyện ngắn, tác giả, sáng tác, Nguyên Chương
Ý kiến bạn đọc