Nhà điêu khắc miệt vườn

Đăng lúc: Thứ năm - 14/05/2009 08:16
Ông Tư bên một gốc cây chuẩn bị đào lên để tạc tượng.

Ông Tư bên một gốc cây chuẩn bị đào lên để tạc tượng.

Ông là một nông dân miệt vườn ở tỉnh Tiền Giang, kiếm sống bằng nghề bán vé số, nhưng lại có thể tạc ra những bức tượng “có hồn” từ những gốc cây tưởng như vứt đi.

Đẽo gốc cây thành tượng

Tên thật của ông là Nguyễn Bá Diệp (ở ấp Thới, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, Tiền Giang) nhưng người dân ở đây vẫn thường gọi ông là “ông Tư vé số”, “Nhà điêu khắc làng”… Bởi lẽ ông Tư vừa bán vé số vừa tự mày mò đục đẽo những gốc cây thành các bức tượng rất ấn tượng.

Hôm chúng tôi tìm đến nhà, ông vẫn còn đi dạo trong vườn để tìm những gốc cây có thể tạc được cái gì đó. Lời đồn về “nhà điêu khắc” quả không sai, bước vào nhà, chúng tôi đã ấn tượng bởi cái bàn để tiếp khách của ông.

Chân bàn được tạc hình 12 con giáp hướng ra phía trước như đang “đón khách”. Trên bàn là cái gạt tàn cũng được ông đục đẽo rất công phu. Vừa uống trà, ông vừa kể: “Năm 1996, một trận lũ càn qua đã làm vườn vú sữa chết hàng loạt. Trong khi thu dọn cây đổ, nhìn những gốc cây có hình thù rất giống vật gì đó, nếu để lại cũng chỉ làm củi đốt, tôi mới nảy ra ý định tạc chúng thành những bức tượng”.

Vốn có nghề thợ mộc, ông bắt tay vào làm ngay. Những tác phẩm đầu tiên ông phải mường tượng rồi đục đẽo từng tí một. Mỗi ngày đẽo một ít, sự kiên trì nhẫn nại của ông rồi cũng đem lại kết quả: con rùa đầu tiên ông làm ra giống như thật. Nhìn những sản phẩm mình làm ra, ông càng thêm mê và quyết tâm theo nghề.

Có những lúc “nhà điêu khắc làng” làm đến quên ăn khi “bắt” được gốc cây ưng ý. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ rảnh lúc nào ông lại xách đục ra vườn lúc đó. Gốc cây ông đẽo ròng rã suốt mấy tháng trời cuối cùng cũng xong. Bức tượng phía trên là tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), phía dưới là một con giáp. Người dân xung quanh nghe đồn ông Tư tạc tượng giỏi tò mò đến xem.

Sau những lần tận mắt chứng kiến tài nghệ của ông, mọi người đem gốc cây tới nhờ ông đẽo giúp. Bạn bè ông từ khắp nơi đến chơi, thấy thú vị cũng “nằng nặc” đòi ông kỷ niệm vài món đồ. Tài năng của ông cũng được Bảo tàng Tiền Giang chú ý khi họ tìm về tận nhà mua một loạt tác phẩm để về trưng bày.

Kỷ vật để đời

Gần 12 năm gắn bó với nghề tạc tượng từ những gốc cây vú sữa bỏ đi, “ông Tư vé số” đã tạc nên trăm tượng. Đó có là những con rồng, con hổ, tượng Phật bà Quan âm… Những bức tượng đó ông có thể đem tặng, bán nhưng với bức tượng tạc hình ảnh Bác Hồ đang vẫy tay chào thì ông xem là kỷ vật để đời của mình.

Ông tâm sự: “Cả đời tôi chưa có dịp được gặp Bác nên đã tạc bức tượng này để trong nhà thay cho tấm lòng mình luôn tưởng nhớ về Bác”. Bức tượng về Bác được ông Tư kỳ công, tỉ mỉ làm trong suốt 4 tháng, từ 19-5 đến 19-9-2000. Ông nhớ lại: “Ngày tôi tìm được cây vú sữa 15 năm tuổi này, tôi đã nghĩ ngay sẽ tạc một bức tượng về Bác”.

Chỉ với những chiếc đục đã gãy lên gãy xuống mấy lần, ông miệt mài đẽo. Cuối cùng, niềm ấp ủ bấy lâu của ông cũng trở thành hiện thực. Bức tượng về Bác hoàn thành. Người dân trong xã kéo tới xem không ngớt lời ca ngợi sự khéo léo và tài nghệ của ông. Bức tượng đó được gia đình ông dựng ở một vị trí trang trọng trong nhà. Đối với “nhà điêu khắc làng”, đó là niềm tự hào.

Năm nay, đã ngoài 60 tuổi, ông Tư dự định sẽ làm một bộ sưu tập tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó sẽ là bộ sưu tập thể hiện tấm lòng không chỉ của riêng ông mà còn là của tất cả những người con ở miền Nam đối với Bác Hồ.

Quang Quý
(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 414
  • Khách viếng thăm: 410
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 112077
  • Tháng hiện tại: 1860977
  • Tổng lượt truy cập: 48235104