Vũ điệu đêm giao thừa
Tôi hơi bực mình: Hỏi lãng nhách! Từ xưa tới nay hễ năm hết, tết đến ai ai cũng náo nức, háo hức chờ đón giây phút giao thừa thiêng liêng mừng ngày mới của một năm mới. Tục lệ cổ truyền từ bao đời nay, chẳng lẽ lại có những nhà không cúng giao thừa!?
Vậy mà, Phạm Dũng Hoàng - Đội phó, Đội Vệ sinh môi trường thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công trình Đô thị thành phố Mỹ Tho vẫn khẳng định chắc như đinh đóng cột với tôi rằng: “Ông không tin cũng đúng thôi, bởi không làm nghề vệ sinh môi trường như tụi tui…” Rồi hắn lại còn nói dí dỏm kiểu thơ văn rằng, thay vì cúng giao thừa thì những người công nhân vệ sinh lại trình diễn “Vũ điệu đêm giao thừa”, nói nôm na là “Múa chổi” để đón chào ngày mới của một năm mới. Rằng đây là nghề cha truyền, con nối, cũng giống như “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, vậy!
Để tìm hiểu thêm câu chuyện về những người không cúng giao thừa, tôi đã theo chân anh Lê Văn Minh, sinh năm 1956 và Phan Văn Hoàng, sinh năm 1961 là hai công nhân làm ca đêm tại khu vực chợ Vòng Nhỏ và chợ Thạnh Trị. Từ 18 giờ tối mỗi ngày, những người công nhân vệ sinh bắt đầu vào ca đêm. Cứ 2 người một xe đẩy tay, chịu trách nhiệm một cung đường hay khu chợ. Đến khoảng 12 giờ đêm, ở các điểm tập kết, từng xe rác được thu gom từ khắp các ngả đường, khu chợ lần lượt kéo về chờ phương tiện cơ giới chuyển đi. Cứ thế cho đến 2 giờ sáng, những người công nhân vệ sinh mới tan ca, hoàn thành công việc của mình.
Anh Phan Văn Hoàng chia sẻ: “Ai cũng phải có một cái nghề để sinh sống, tuy nghề này không được cao sang nhưng cũng chẳng có gì đáng để mặc cảm cả”. Yêu và gắn bó với nghề, những người công nhân vệ sinh luôn có tinh thần trách nhiệm rất cao. Có khi các anh phải quét đi, quét lại 2 lần chỉ vì một số người thiếu ý thức “nửa đêm lén vứt rác ra đường” hay một cơn giông bất chợt ào qua trút lá đầy đường khi các anh vừa mới quét dọn xong. Lê Văn Minh cho biết: “Nhiều bữa trên đường về chợt thấy rác trên con đường mình đã quét. Mà phải chi vô bọc để gọn gàng còn đỡ, đằng này vứt tung toé. Mệt, buồn ngủ díp mắt vẫn phải ráng ở lại quét dọn cho sạch nếu không cán bộ đi kiểm tra nhìn thấy, mất điểm thi đua như chơi”. Còn Phan Văn Hoàng chia sẻ: “Cực nhất là mùa mưa, gặp bữa nào giông lớn, quét xong quay trở lại cứ như thể mình chưa quét, lá rụng đầy đường, bay tứ tung. Chẳng còn cách nào khác, đành phải quét lại ”.
Những ngày cuối năm nhà nhà dọn dẹp nhà cửa mừng năm mới. Rác mới, rác cũ được đem ra bằng hết ở hè đường, góc phố chất từng đống ngổn ngang. Rác ở các khu chợ gấp đôi ngày thường do đột biến về nhu cầu mua bán. Còn khu vực chợ Hoa xuân, trông chẳng khác gì một bãi chiến trường rác. Cường suất lao động của những người công nhân vệ sinh gấp đôi, gấp ba ngày thường. Trong giây phút mọi người đang yên ấm trong nhà chờ đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng thì ngoài đường, tiếng chổi tre lại rộn rã cất lên nhanh tay hơn, gấp gáp hơn. Mải miết, say mê với công việc của mình, giây phút giao thừa tuột dần theo những giọt mồ hôi lăn dài trên tấm áo có những lằn vạch dạ quang của những người công nhân vệ sinh. Hơn mười năm nay làm ca đêm, Phan Văn Hoàng và Lê Văn Minh chưa một lần được cúng giao thừa trong căn nhà ấm áp của mình.
Tiếng chổi tre lại cần mẫn cứ thế cất lên đều đều, xoàn xoạt. Càng về khuya, bóng của những người công nhân quét rác càng nổi lên trong đêm thanh vắng. Thỉnh thoảng vài chiếc xe Honda đi khuya pha đèn loáng qua, làm cho những lằn vạch dạ quang trên tấm áo của những người công nhân vệ sinh sáng lên, lấp lánh. Dũng Hoàng cho biết: Do công việc đặc thù nên hầu hết anh em trong Đội Vệ sinh môi trường đều không có điều kiện để đón giao thừa trong căn nhà ấm cúng của mình. Chẳng hạn như: Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng tổ Cơ khí; Võ Thanh Lâm, tài xế xe ép rác; Trần Thanh Nhàn, lái xe máy ủi và các phụ xe Võ Thanh Tòng, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Ngọc Hòa đều phải túc trực suốt đêm giao thừa để hoàn thành công việc được giao. Trong giây phút giao thừa thiêng liêng, tôi và Trần Việt Hùng phải đi kiểm tra một lần cuối các cung đường, góc phố, khu chợ rồi mới yên tâm trở về nhà khi mọi người đã yên giấc ngủ say. Vì vậy, hơn chục năm nay về công tác tại Đội Vệ sinh môi trường, khoảnh khắc đón giao thừa của những người công nhân vệ sinh chúng tôi là rất hiếm hoi thậm chí hầu như không cúng giao thừa.
Tôi thắc mắc: Công việc cực nhọc như thế mà cũng có chuyện “cha truyền, con nối” hay sao? Phạm Dũng Hoàng cười chia sẻ: Ông không tin cũng phải thôi? Nhưng biên chế Đội Vệ sinh trên 200 người, nhưng đã có gần 20 gia đình từ 2 đến 3 đời theo nghề này. Như gia đình ông Lê Hồng Thế, sinh năm 1938, ngụ ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh có đến 3 đời. Ông Thế là lớp người đầu tiên làm nghề Vệ sinh môi trường sau ngày giải phóng, đến nay gia đình ông có tất cả 9 người con và cháu nối nghiệp ông. Gia truyền đến nỗi anh Lâm, con ông Thế đang làm công nhân Vệ sinh thì được lệnh lên đường nhập ngũ; vào bộ đội học được cái nghề lái xe vậy mà khi phục viên, xin chuyển ngành về làm nghề lái xe chở rác. Còn gia đình bà Trần Thị Nở ở phường 8 có trên 10 người con và cháu nối nghiệp “múa chổi” như bà, hoặc gia đình bà Nguyễn Thị Sáu ở phường 5 cũng gần chục người vừa con cháu, vừa dâu rể chuyên trình diễn “Vũ điệu đêm giao thừa”.
Giọng Dũng Hoàng buồn bã tâm sự: Hầu hết anh chị em công nhân vệ sinh đều có hoàn cảnh nghèo khổ và ít chữ. Dọn vệ sinh là công việc thủ công, không cần trình độ, bằng cấp nên nhiều gia đình nghèo chỉ cho con em học đến bậc trung học cơ sở rồi nghỉ học đi làm công nhân vệ sinh. Họ coi đây là cái nghiệp truyền từ đời này sang đời kia, vậy chẳng phải là “nghề cha truyền con nối” hay sao?
Được biết cả thành phố Mỹ Tho mỗi ngày xả ra không dưới 150 tấn rác thải các loại, quả là một con số khổng lồ! Tôi chợt bàng hoàng nghĩ rằng, nếu như thành phố vắng bóng những người công nhân vệ sinh, điều gì sẽ xảy ra? Hẳn là chúng ta, ai cũng rùng mình và liên tưởng đến chuyện “sống chung với rác”.
Đêm 30 tết, tiết trời se lạnh, khoảng khắc giao thừa đang đến gần! Đã hẹn với Dũng Hoàng, tôi vội lấy xe Honda đảo một vòng qua các khu chợ và khu vực chợ Hoa xuân nằm cạnh bến Lạc Hồng, công viên Thủ Khoa Huân. Rác! Không biết cơ man nào là rác, từng đống rác được thu gom lại một chỗ như những ngọn đồi nhỏ nối tiếp nhau chập chùng. Những chiếc xe chở rác đến rồi lại đi, những đôi tay lại cần mẫn tiếp tục trình diễn “Vũ điệu đêm giao thừa”. Tại khu vực chợ Mỹ Tho, tổ của mẹ con, bà cháu bà Trần Thị Nở đang gấp rút hoàn thành công việc của mình. Tiếng chổi tre xoàn xoạt cất lên trong đêm thanh vắng. Mỗi công nhân vệ sinh như một vũ công, đôi tay uyển chuyển đưa tới, đưa lui nhịp nhàng; xoay người qua trái, qua phải; tiến về phía bên này rồi lại tiến về phía bên kia; những lằn vạch dạ quang trên áo thỉnh thoảng lại sáng lên lấp lánh.
Tại khu vực chợ Hoa xuân, tổ của gia đình bà Nguyễn Thị Sáu hối hả hơn, gấp rút hơn vì ngập tràn một bãi chiến trường rác. Trừ những chậu cây cảnh quý hiếm bán không hết được các nhà vườn đưa về, còn những chậu bông cúc vạn thọ, mâm xôi, dâm bụt... ế ẩm đều bị vứt lại ngổn ngang. Từng đống rác khổng lồ được bàn tay của những “lực sĩ” nhẹ nhàng nâng lên thùng ép rác và chỉ trong tích tắc, đống rác vừa mới thù lù đã mất dạng.
Kim đồng hồ đã nhích dần sang những giây phút đầu tiên của một năm mới thì cũng vừa lúc Dũng Hoàng rủ tôi đi kiểm tra một vòng. Thành phố Mỹ Tho vẫn chìm trong màn sương, những con đường, khu chợ, góc phố vừa mới ngập tràn rác dần biến mất. Thành phố khoác lên mình chiếc áo mới sạch tinh tươm để đón chào năm mới!
Ý kiến bạn đọc