Cái tết của tình quân dân cá nước

Đăng lúc: Thứ tư - 01/02/2017 16:19
Cho đến bây giờ, dù đã qua mấy mươi cái tết trong thanh bình, với đầy đủ sắc, hương, vị; tôi vẫn không quên cái tết ở xóm Kinh Ngang năm đó. Và cái cảm giác vui sướng, hạnh phúc khi được sống giữa tình yêu thương bao la, ấm áp của dân mình mãi mãi là điều cao quí, thiêng liêng nhất trong tôi. Thật đúng với cái câu “Quân với dân như cá với nước”!
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Sau đợt hoạt động vài ngày để giải phóng tuyến Nhị Bình, Tiểu đoàn 2009B về đóng quân ở xã Tân Phú để nghỉ ngơi, chờ bổ sung lực lượng. Ban chỉ huy Tiểu đoàn và Đại đội 4 đóng cách xóm Kinh Ngang vài trăm thước, nên chiều chiều chúng tôi hay ra xóm chơi. Đó là những ngày tháng Chạp năm 1972, bà con trong xóm đang chuẩn bị đón tết. Tết ở xóm nhỏ này không rộn ràng, náo nhiệt như những nơi đông dân khác; nhưng trước sân nhà cũng có vạn thọ, mai vàng; có vài tấm phên phơi chuối, phơi khô, củ kiệu… Vạn thọ, mai vàng đã chúm chím những nụ hoa.

 Mới nghỉ hai ngày đã thấy buồn, sáng đó tôi định rủ anh Lê Tựu - Chính trị viên Tiểu đoàn ra xóm Tràm thăm Đại đội 2 (C2), thì có tin kỹ thuật: Tên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 (Sư 9 ngụy) lệnh cho Tiểu đoàn 3 ở Thuộc Nhiêu triển khai lên bờ làng 25, đánh vào xóm Tràm. Từ xóm Tràm, chúng sẽ cặp phía Đông xóm Trường Gà, qua ngã ba kinh Hội Đồng Vàng, rồi lên phía Bắc xóm huyện Cang. Ý đồ bọn này là thọc sâu vào vùng giải phóng để hỗ trợ cho tụi bảo an 131 ở Sầm Giang vô chiếm lại Nhị Bình.

Tôi cho C2 ở xóm Tràm tăng cường lựu đạn gài; đưa từng tổ bắn tỉa, kết hợp lựu đạn gài tiêu hao địch. Trung đội 1 (b1) của C2 ở vuông Mười Tài lên đài quan sát và sẵn sàng cơ động. Nhưng do nhát gan, tên Tiểu đoàn trưởng (d trưởng) d3 không dám đi theo kế hoạch của chỉ huy, tự ý thay đổi đường hành quân. Từ bờ làng 24 chúng qua ngã ba cầu Bến Đò. Thay vì đi phía Đông thì có khả năng chúng sẽ đi phía Tây xóm Trường Gà, rồi chia thành các mũi tiến qua xóm nhà ở ngã ba Kinh Ngang để lên cống Bà Kỳ, rút về. Từ nhận định đó, tôi không cho C2 nổ súng, mà hình thành ngay một kế hoạch bao vây chúng.

Đảng ủy hội ý. Lúc đầu, khi tôi đưa ra phương án đánh vận động nhiều đồng chí không thống nhất. Anh Mười Hơn - Chính trị viên phó - phân tích: Sư 9 mới về Mỹ Tho, ta chưa biết nó thế nào. Tiểu đoàn vừa qua đợt hoạt động dài ngày, anh em còn mệt, đạn dược chưa kịp bổ sung. Các Đại đội đóng rải rác, đường cơ động xa, dễ lộ… Đồng chí Dần - Chính trị viên C4 cũng đồng ý với anh Mười. Còn anh Hoàng Lôi - Tiểu đoàn phó và anh Lê Tựu đề nghị không nên đánh vận động, mà đánh ngăn chặn, buộc địch co cụm, tạo điều kiện cho ta tập kích ban đêm…

Như vậy Đảng ủy thống nhất là phải đánh, vấn đề là đánh bằng cách nào. Bổn phận tôi là phải chỉ ra lợi hại của từng cách đánh. Vì sao tôi lại chọn cách đánh bất ngờ? Một là, bọn này chưa quen địa hình, tinh thần suy nhược. Điều đó thể hiện qua việc chúng tự thay đổi hướng hành quân mà không báo cấp trên. Hai là, địch đã vào bờ làng 25, đến ngã ba Kinh Ngang là địa hình bất lợi cho chúng. Ta trong vườn, còn chúng ở ngoài đồng. Chúng đi không có máy bay trinh sát, đội hình cơ động của ta sẽ không bị lộ. Khu vực này cỏ tây lông cao tới vai người; C3 dễ dàng theo đường mòn tiếp cận sau lưng địch, tạo hướng bất ngờ khi ta thực hành tiến công. Ba là, chúng đã đi từ sáng, có khả năng đến trưa sẽ tạm dừng ở xóm Ngã Ba. Tôi đã điều C1 từ chùa Thầy Thắng về xóm Ông Cừu, phối hợp với C4, d bộ và trinh sát ở xóm Huyện Cang tạo thành mặt trận chính. Ngã ba Kinh Ngang cách tiền duyên trận địa chính không xa, ta đủ khả năng tiêu diệt phần lớn lực lượng chúng ngay loạt đạn đầu.

- Vậy còn bà con ở xóm Kinh Ngang? Làm sao bảo vệ được họ? - Đồng chí Dần lo lắng hỏi.

- Vì thế, trước tiên ta phải đánh bật địch ra khỏi xóm nhà và tuyệt đối không dùng B40 bắn vào đó.

Khi mọi thắc mắc đã được tháo gỡ thì quyết tâm của tôi là quyết tâm chung. Anh Hoàng Lôi chịu trách nhiệm đến xóm Ông Cừu để giao nhiệm vụ cụ thể cho C1. Anh Mười Hơn qua xóm Trường Gà trực tiếp chỉ huy C3 vận động bám sau lưng địch. C2 và b1 được điều từ vuông Mười Tài lên cầu Điềm Hy, do tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy, phục kích cách trận địa 200 mét. Hai mũi này sẽ bất ngờ tấn công từ phía sau khi có lệnh. Đồng chí Quốc - cán bộ tác chiến của tiểu đoàn - chỉ huy lực lượng trinh sát chặn địch ở bờ làng bà Sáu Bui; sẵn sàng cặp Kinh Ngang đánh bật địch ra khỏi xóm nhà, tạo điều kiện cho mũi chính xung phong tiêu diệt.

10 giờ 20 phút, các đơn vị đã vào đúng vị trí. Lúc này địch chia thành 2 mũi tiến song song trên bờ làng 25. Tôi cho C3 tiếp tục bám theo.

10 giờ 40, địch tới bờ làng 25, rồi phát triển theo Kinh Ngang lên bờ làng bà Sáu Bui. 11 giờ, toàn bộ đội hình Tiểu đoàn 3/ Trung đoàn 14 đã lọt vào đúng ý định của ta. Bộ phận đi đầu đến xóm Kinh Ngang, chúng quát tháo kêu dân bơi xuồng qua rước. Đã được ta dặn trước, nên bà con đóng cửa vô hết trong trảng xê, không ai trả lời chúng. Tụi địch hùng hổ lội qua kinh, tới đúng căn nhà lực lượng trinh sát đang phục. Đồng chí Quốc thiệt cừ, đợi địch đến kêu cửa mới nổ súng. Tốp địch đi đầu bị diệt gọn. Mặt trận chính xung phong. Súng ta, súng địch nổ đinh tai nhức óc.

Bỗng có tiếng súng phía C2, rồi lại thấy cờ hiệu từ bờ làng 25 kéo vào. Thế là thế nào? Tôi lên máy:
- C2, ai cho các anh nổ súng?

- Báo cáo, không phải ta. Tiếng súng đó không rõ của lực lượng nào.

Nghe đồng chí Trọng - C phó C2 trả lời tôi mới nhớ ra. Mấy ông trinh sát của tỉnh tự động phối hợp đây.

- Đồng chí Quốc! Nhanh chóng chia lực lượng ra làm hai mũi cặp Kinh Ngang, chiếm cho được xóm nhà - Tôi hét vào máy - C1 theo kế hoạch, chia ra 3 mũi: một mũi long theo kinh 25 vào hướng chính diện; 1 mũi phía Đông kinh, tiếp giáp C3; mũi phía Tây kinh, tiếp giáp C4 và d bộ, cùng bộ phận trinh sát đánh chiếm xóm nhà và bờ kinh, không để địch lợi dụng đánh trả!

Tôi và anh Lê Tựu đã có mặt ở xóm nhà. Khói đạn khét lẹt, cay xè. Tiếng nổ của các cỡ súng như xé cả không gian. Hai anh em càn lau sậy, băng qua mưa đạn để đến với mũi tiến công chủ yếu.

- C2 báo cáo. Địch đã đến sát chúng tôi, xin được nổ súng! - Tiếng anh Mười Hơn.

- Chưa được. Các anh cứ nằm đó! - Tôi nói dứt khoát.

- C3 xin nổ súng, địch rất gần - Tiếng đồng chí Châu, C trưởng C3.

- Các anh đừng để lộ, tuyệt đối không nổ súng khi chưa có lệnh!

- Sao ông không cho hai mũi này xung phong?

Anh Lê Tựu thắc mắc hỏi. Tôi vừa thở vừa trả lời:

- Nổ lúc này sẽ bộc lộ đội hình bao vây sớm, địch biết không có đường thối lui sẽ kiên quyết bám bờ kinh đánh trả, bất lợi cho ta.

- C4, cho đại liên quét bờ kinh! - Tôi lệnh.

Các mũi xung phong đã dồn địch vào ngã ba kinh, 4 khẩu cối 60 của C4 tập trung nả vào nơi địch đông nhất. Đã được lấy phần tử từ trước, nên những quả đạn cối rơi rất chính xác vào mục tiêu. Ngay loạt đạn đầu đã làm tắt ngấm sóng máy PRC 25 của chúng.
- Trúng sở chỉ huy rồi!...

Tôi sung sướng reo lên. C1, d bộ, trinh sát nhanh chóng chiếm ngã ba. Bọn địch như đàn kiến vỡ tổ, chạy vạt ra đồng, không kịp báo cho bọn ở Chi khu biết. Vì vậy, chúng bị đánh tan tác ở đây mà pháo vẫn bắn vu vơ trong khu vực cầu Ông Bồi.

Tôi chưa kịp lệnh thì C2, C3 đã nổ súng. Khi anh em cắm cờ lên (các mũi chiến đấu của ta đều có cờ hiệu) tôi mới hay địch đã chạy càn lên đội hình của quân mình. Một hình ảnh hết sức ngoạn mục, xung quanh cờ giải phóng là những cái mũ sắt lố nhố, chuyển động hỗn loạn trên đồng cỏ. Tôi sung sướng, tự hào về chiến sĩ của mình. Họ rất gan dạ, chấp hành mệnh lệnh một cách tuyệt đối. Hai cánh quân như được mọc lên từ lòng đất, bất ngờ chặn đường rút lui, làm cho bọn địch nháo nhác, không còn biết chui đường nào. Chúng dồn cục, ngã đè lên nhau. Số còn lại hốt hoảng quăng súng đầu hàng. Tất cả diễn ra chỉ trong khoảng 20 phút.

Tiếng súng im bặt. Không gian yên ắng, tưởng chừng trận chiến mới đây hoàn toàn không có. Bác Sáu Chua băng đồng chạy lên. Lúc chúng tôi mới nổ súng, bác đã leo lên nóc trảng xê vỗ tay, la: “Tiểu đoàn 2009 đánh là thắng. Ra coi tụi bây ơi !…”.

Bà con ra khỏi hầm cùng bộ đội thu chiến lợi phẩm. Cả Tiểu đoàn địch bị xóa sổ tại chỗ. Bên ta, nếu đồng chí thông tin không quá phấn khởi chạy trên bờ làng, thì sẽ không ai hy sinh. Ta thu được 9 máy PRC, 6 súng ngắn, 5 đại liên M60, 16 M79, trên 100 súng R15. Số vũ khí đó dư sức cho Tiểu đoàn 2009B làm ăn lớn.

Chúng tôi rút, nhân dân cũng rút, để tránh sự trả thù.

Hôm sau, Trung đoàn 14 cho quân đi lùng kiếm Tiểu đoàn 3 mất tích. Chúng theo cống Bà Kỳ, nhưng không dám đi một mình, mà bắt dân các xóm đi theo. Tới đầu trên của Kinh Ngang, dân đấu tranh không đi nữa, chúng phải tự lò dò xuống. Quá trưa chúng mới phát hiện ra trận địa. Chúng bắt dân gom xác lính chở ra Nhị Quí, rồi đốt hết mười mấy căn nhà ở xóm Kinh Ngang, kêu bom pháo dội xuống các vùng lân cận. Cũng may, bà con ta đã phòng tránh trước nên không ai bị gì.

Chiều, tôi cho trinh sát bám về, nhân dân cũng về theo. Xóm Kinh Ngang chỉ còn mấy cái nền nhà đầy tro bụi và mấy cây cột cháy đen nhẻm, chơ vơ. Sắp tết rồi mà nhà cửa không còn, trước cảnh tượng đáng phải buồn thì bà con lại vui. Chú Bảy Linh, chú Tám Đào vừa quăng cái bao “gia sản” trên vai xuống, vừa cười khà khà:

- Tụi bây cứ “quánh” vầy đi! Đốt nhà này tao cất nhà khác.

Chú Sáu Chua quệt mồ hôi trên trán chêm vào:

- Ừ! Quánh vậy, cháy nhiêu cháy. Tao coi đã con mắt, có chết cũng vừa.

Ngay hôm đó, Tiểu đoàn 2009 và anh em ở cơ quan tỉnh bắt tay ngay vào việc cất nhà cho dân. Nhóm này đốn trâm bầu làm kèo cột, nhóm kia bện rơm lợp mái, nhóm nọ đương sậy làm phên… xóm nhà cháy chẳng mấy chốc trở thành xóm nhà mới, khang trang, đẹp đẽ hơn nhiều. Mỗi Đại đội sớt chia cho dân một phần gạo. Gà vịt không còn thì đã có sẵn cá ngoài đồng, đủ cho quân dân ăn tết.

Nắng chiều dọi xuống các mái nhà lợp bằng rơm mới vàng óng, xóm nhỏ lại rộn ràng trong tiếng nói cười. Các má, các chị nhìn chúng tôi, ánh mắt tràn ngập yêu thương. Tết đó thật sự là một cái tết vui vẻ, đầm ấm trong tình quân dân cá nước. Cho đến bây giờ, dù đã qua mấy mươi cái tết thanh bình, với đầy đủ sắc, hương, vị; tôi vẫn không quên cái tết ở xóm Kinh Ngang năm đó. Và cảm giác vui sướng, hạnh phúc khi được sống giữa tình yêu thương bao la, ấm áp của nhân dân mình mãi mãi là điều cao quí, thiêng liêng nhất trong tôi.

Viết theo hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9.
Ngọc Thủy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 78)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 273
  • Khách viếng thăm: 268
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 49576
  • Tháng hiện tại: 2282126
  • Tổng lượt truy cập: 46249359