Anh Phạm Minh Đức - Người thầy "đa năng"

Đăng lúc: Thứ năm - 14/03/2013 08:58
Không chỉ làm thơ, ca hay, đàn giỏi, anh còn là thầy dạy nhạc, dạy vẽ, dạy cắt may, dạy võ, dạy viết thư pháp, dạy ngâm thơ. Ai muốn tìm tới anh học cũng được, học phí không thành vấn đề, miễn sao người đó có năng khiếu, sự đam mê và yêu thích nghệ thuật.
Chỉ vì anh ít khi nói về mình, nên mọi người ít biết đến anh. Có chăng, chỉ biết anh là một ông thầy dạy thư pháp và khi tập thơ "Bên bờ nỗi nhớ" được Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản, mọi người mới biết anh có tài làm thơ. Anh là Phạm Minh Đức, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật, Uỷ viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Thơ Tiền Giang, vừa mới làm mọi người ngạc nhiên khi tham gia biểu diễn tài múa roi, đi quyền, viết thư pháp nhân dịp chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Chưa từng qua một trường lớp đào tạo chính qui nào, nhưng nhờ có năng khiếu, ham học hỏi, tự rèn, tự luyện, anh đã trở thành thầy của nhiều môn sinh.

Chuyện làm thầy của anh bắt đầu từ những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng: "Lúc đó tôi là Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh. Trường thiếu giáo viên, tôi lại có năng khiếu, nên tuy không nằm trong biên chế chính thức, tôi vẫn được mời dạy môn văn - thể - mỹ tại Trường Thủ Khoa Huân và Trường Trần Hưng Đạo. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất, vì tôi từng dẫn dắt đội văn nghệ Trường Thủ Khoa Huân giành giải nhất toàn đoàn và đội tuyển thể dục thể thao Trường Trần Hưng Đạo giành huy chương vàng đồng đội. Thời còn học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, tôi được chọn làm thủ môn đội tuyển bóng đá của TP. Mỹ Tho và là cầu thủ bóng chuyền trong đội tuyển của trường. Những năm 2002-2004, tôi từng làm huấn luyện viên bóng đá cho đội bóng đá phường 6, TP. Mỹ Tho và đã dẫn dắt đội 3 năm liền giành chức vô địch cấp thành phố".

Từng được mệnh danh "người thổi hồn vào con chữ", anh là người đầu tiên được Nhà Văn hóa trung tâm mời làm giáo viên dạy viết thư pháp. Năm 2006, anh vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Bước qua tuổi 60, anh đang có ý nguyện truyền lại những kinh nghiệm của mình cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là môn võ cổ truyền và thư pháp. Thư pháp của Minh Đức dựa vào dáng tao nhã của thân tre, cành trúc kết hợp nhuần nhuyễn với các thế võ cổ truyền viết nên từng con chữ như "phượng múa, rồng bay". Mỗi nét bút của anh đưa lên, hạ xuống có sự đậm, nhạt tương ứng giữa cương và nhu; lúc mảnh mai như cành trúc, lúc vững vàng như thân tre. Anh tự hào vì đã gạn lọc, hấp thụ được tinh hoa của người xưa khi sử dụng "quyền bút". Một thế võ được Minh Đức sử dụng trong thư pháp của mình đó là "Bài roi thần đồng" của cụ cử nhân võ Triệu Thúc Lang, đầu đời nhà Nguyễn, thời vua Gia Long, cách đây khoảng 200 năm (1802-1819).

"Đi một đường quyền trước khi viết một câu thư pháp, tinh thần vừa sảng khoái, sức khỏe vừa dẻo dai, lại được chiêm ngưỡng nét chữ rồng bay, phượng múa của chính mình, không chỉ là một cái thú tiêu khiển, mà trong đó còn ẩn chứa biết bao điều" - Minh Đức nhắn gởi: - Vừa phát huy được tinh hoa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, vừa nhắc nhở mọi người luôn hướng đến vẻ đẹp chân - thiện - mỹ khi đọc được những câu thư pháp viết về "Công cha như núi thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" hoặc "Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" hay "Một nắm khi đói bằng một gói khi no", "Lá lành đùm lá rách".

Đậu Viết Hương
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 104
  • Khách viếng thăm: 94
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 17288
  • Tháng hiện tại: 640225
  • Tổng lượt truy cập: 60990363