Từ Hòn Mun sang Hòn Miễu không xa lắm, ca nô chỉ mất vài phút là đưa mọi người đến nơi. Nằm trong vùng vịnh Nha Trang, tọa lạc trên đảo Hòn Miễu thơ mộng, với chiều dài bờ biển 500m, Bãi Tranh nổi bật với làn nước xanh, một bên là bãi cát trắng tinh khôi, một bên là bãi sỏi giữa khung cảnh mây trời núi non bao quanh, những hàng dừa nghiêng nghiêng đung đưa tàu lá khe khẽ xạc xào như lời ru sóng giữa trưa hè. Phía trước là biển với lô nhô những hòn đảo, như mọc lên từ biển. Phía sau là cả một dãy núi cao uốn lượn hình cánh cung ôm lấy Bãi Tranh. Bãi biển tập trung rất đông người xuống tắm, tham gia các hoạt động giải trí như ngắm san hô, môtô nước, dù kéo - những trò chơi cảm giác mạnh để ngắm nhìn vẻ đẹp biển xanh, núi rừng bao la của vịnh biển Nha Trang. Một ít du khách nằm phơi mình trên bãi biển, còn phần lớn ngã lưng xuống những chiếc ghế xếp bằng tre ngắm sóng lăn tăn vỗ bờ, lặng nghe thanh âm của biển và đón những cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn, êm dịu hơn.
Lang thang trên bãi sỏi trông ra biển, bất chợt tôi bắt gặp một thanh niên mặc áo xanh dương đậm cầm chiếc vợt bước ra mép biển. Từng đợt sóng to, nhỏ từ ngoài khơi ập vào người anh làm nước văng tung tóe. Mặc kệ. Anh vẫn cầm cây vợt lội dần ra biển. Tôi tự hỏi: đang làm gì? Một đợt sóng nữa ập vào kéo theo miếng xốp trắng văng lên. Anh loạng choạng đôi chút rồi đưa cây vợt phía trước gắn chiếc vợt nhỏ vớt ngay miếng xốp ấy. Cứ như vậy, anh lần lượt vớt các chai nhựa, túi nylon và cả những lá cây, con cá chết từ ngoài khơi ập vào. À, anh đang vớt rác trên bờ biển.
Vớt rác ở Bãi Tranh - Nha Trang |
Thảo nào khi mới vào Bãi Tranh, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy bãi tắm phong quang sạch sẽ không có một chút rác bẩn như bao bãi biển đã từng đi qua, giờ mới hiểu được lý do. Lâu nay tôi thường nghe bạn bè, đồng nghiệp khi đi du lịch biển cứ than phiền về tình trạng ô nhiễm trên các bãi biển. Nhiều người đã biến nơi đây thành chỗ vứt rác, vứt xác súc vật chết, hôi hám nồng nặc đi qua phải bịt mũi, nín thở. Nực cười là ở Bình Định có một eo biển mang tên Nín Thở cũng từ lý do này. May mắn là đến nay cùng với nỗ lực của người Quy Nhơn và Nhà nước, đã dần trả lại một eo biển xinh đẹp và thơ mộng. Từ ấy, địa danh Nín Thở đã hoàn toàn trút bỏ nỗi ám ảnh ô nhiễm môi trường. Bãi Tranh đây cũng không ngoại lệ chỉ khác ở chỗ rác có trên biển là từ khách du lịch. Từ trên những chiếc tàu du lịch sang trọng, sau khi ăn uống xong, họ vô tư tống xuống biển tất cả những gì đã sử dụng. Người dân nuôi tôm cá trên bè gần đó cũng sẵn sàng trút xuống biển những gì họ xem là rác thải, xem biển như túi đựng rác khổng lồ.
Chàng thanh niên cầm chiếc vợt đầy rác từ mép biển tiến về chiếc giỏ nhựa to ở gần bờ cẩn thận trút vào. Nhìn ra biển, tôi thấy biển như trong hơn, xanh hơn trước đó. Anh ta chậm rãi bước đến chiếc ghế tre trống dưới tán dừa trên bờ cạnh tôi, ngồi nghỉ. Lúc này tôi mới nhìn kỹ chàng trai miền biển. Anh có mái tóc mềm quăng quật trong gió biển, làn da rám nắng cùng nụ cười hiền lành. Khi bắt chuyện, tôi mới biết anh tên Thanh, 27 tuổi, quê Quảng Ngãi vào đây làm hợp đồng cho ông chủ trò chơi dù kéo. Tranh thủ không phải giờ trực anh em chia nhau đi vớt rác, mà theo lời anh, không chỉ đơn thuần để bãi biển xanh, sạch, đẹp mà đó còn là tình yêu, niềm tự hào với cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Nha Trang. Anh thổ lộ:
- Từ Tết Nguyên Đán đến nay em chưa về quê thăm vợ con đó anh!
- Vậy ông chủ có trả tiền thêm cho việc vớt rác này không? - Tôi hỏi.
Anh Thanh nhoẻn miệng cười rồi nói:
- Cũng có cho thêm nhưng mang tính tượng trưng thôi, cái chính là em thích công việc này. Khi thấy khách vui vẻ, khen ngợi mặt biển sạch có thể nhìn thấy đáy, thấy cát trắng dưới chân êm ái là em vui rồi. Em chuộng cái đẹp mà.
Nói xong chàng trai cười lớn, hồn nhiên. Tiếng cười như hòa quyện với tiếng biển khơi, lan tỏa trong không gian bao la, yên tĩnh. Rồi anh nói như tâm sự: “Vớt rác trên biển cũng như nghề quét rác trên mặt đất. Nhưng điểm khác nhau là, ở trên mặt đất, khi đã quét dọn, nếu không ai xả rác ra nữa thì cả ngày vẫn sạch, còn trên mặt biển, rác vừa được vớt xong, vài phút sau quay lại, đã lềnh bềnh, bởi rác cứ theo gió, nước đưa từ nơi khác đến. Chính vì vậy tụi em phải xem ngọn gió thổi từ hướng nào để đến đó vớt miễn sao cho hết rác mới nghỉ. Đôi khi nhiều rác em phải lên chiếc thuyền thúng vớt xa hơn một chút”. Tâm sự của anh Thanh làm tôi chợt nhớ đến lời chia sẻ của anh công nhân vệ sinh ở Mỹ Tho trong bút ký “Vũ điệu đêm giao thừa” của tác giả Đậu Viết Hương “Cực nhất là mùa mưa, gặp bữa nào giông lớn, quét xong quay trở lại cứ như thể mình chưa quét, lá rụng đầy đường, bay tứ tung. Chẳng còn cách nào khác, đành phải quét lại ”. Hai bối cảnh nhưng có một điểm chung đó là những người có tâm với công việc.
- Tụi em? Nghĩa là không phải một mình Thanh? - Tôi hỏi
Chàng trai tên Thanh gật đầu:
- Vâng, còn một thằng bạn quê ở Phú Yên cùng vớt. Nó mới vừa vào trong ăn trưa.
- Rác sau khi vớt xong rồi xử lý ở đâu?
- Chúng em mang ra phía sau núi này có điểm tập kết, đốt lấy tro ủ làm phân bón cho mấy cây kiểng của khu du lịch này.
Một làn gió mạnh từ biển thổi vào. Tôi nhìn ra biển. Đi cùng những cơn sóng nhỏ theo gió vỗ vào bờ là những chai nhựa, bọc nylon, cành cây, lá cây… Có thể đây không chỉ từ khách du lịch đến Bãi Tranh mà có khi từ những nhà hàng nổi, người nuôi tôm cá gần đó xả ra biển vô tư. Một tốp nam thanh nữ tú tản bộ dọc theo bãi biển, vừa đi vừa ăn chuối rồi vứt bừa vỏ chuối xuống biển, thản nhiên chụp hình, cười nói…
- Anh vào ăn cơm trưa, để em vớt cho!
Tiếng nói bất chợt vang lên từ phía sau khiến tôi phải quay lại nhìn. Một chàng trai khỏe mạnh, dong dỏng cao, mặc áo thun đen ngắn tay bước ra lấy cây vợt. Thanh quay sang tôi giới thiệu:
- Đây là An mà em đã nói với anh. Anh ngồi chơi, em vào bỏ bụng chút cơm.
Chàng thanh niên tên An gật đầu chào tôi vừa bước ra biển vừa nói:
- Để em ra vớt tiếp, giờ này gió bắt đầu thổi mạnh, rác sẽ tấp vào nhiều.
Có lẽ công việc của họ là thế, có lúc họ chỉ kịp ăn vội miếng cơm, uống nhanh ngụm nước, rồi lại bắt đầu công việc của mình đến khi biển sạch không còn rác, họ mới yên tâm trở về. Phải chi mỗi người đều ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường không vứt rác, xác động vật xuống biển hoặc tự giác mang đến những thùng rác công cộng thì đâu cần những chàng trai “nhặt hộ” ở Bãi Tranh này. Cuộc sống văn minh bắt đầu từ những cử chỉ, việc làm nhỏ bé ấy.
Buổi chiều, trời mát dịu, bãi biển vẫn còn đông người xuống tắm. Những tiếng hò reo với những cơn sóng xô, những tiếng vui đùa đuổi nhau trên cát. Những chiếc dù bay đầy màu sắc cứ lần lượt trên không trung. Từ trên cao nhìn xuống, có lẽ du khách sẽ thấy Bãi Tranh đẹp như tranh vẽ với nước biển trong xanh hòa quyện cùng những làn sóng bạc đầu. Ở đó còn có những con người bé nhỏ đang âm thầm làm đẹp Bãi Tranh.
bãi tranh, làm đẹp, Nha Trang, bảo vệ, môi trường, Lê Quang Huy
Ý kiến bạn đọc