Những người lính Phòng Chính trị đoàn quân sự 9903 năm 1986 tại tỉnh Pursat
Lúc ấy, Phòng Chính trị tiền phương đóng quân tại thị xã Pursat, trước mặt là con suối Pursat chảy theo hướng từ Đông sang Tây. Con suối này đã trở thành người bạn thân thiết chia sẻ những buồn vui với chúng tôi trong suốt thời gian làm nghĩa vụ quốc tế tại đây.
Tuy là thị xã nhưng đời sống nhân dân còn khó khăn lắm, vì ngoài việc hạ tầng cơ sở bị tàn phá bởi bọn diệt chủng, những tập tục sinh hoạt lạc hậu vẫn còn đeo bám họ nên khó khăn càng chồng chất. Đất nông nghiệp thì mênh mông, lại được các nước XHCN, nhất là Liên Xô viện trợ phân bón, nhưng họ không biết tận dụng. Người dân vẫn làm ruộng theo kiểu cũ, gieo trồng lúa trên đất tự nhiên rồi phó mặc cho trời, cho đất, không cần chăm bón. Khi lúa chín, buổi sáng họ ra đồng cắt một mớ mang về giã thành gạo nấu cơm ăn, chiều lại ra cắt một mớ… chứ không chịu thu hoạch mang về nhà dự trữ như ta.
Đời sống bộ đội ta ở đây cũng chẳng khá gì hơn. Giá cả lương thực thì đắt đỏ, tiền ăn của bộ đội lúc ấy nếu mua thức ăn tươi thì mỗi người chỉ đủ ăn khoảng 5 - 10 ngày/tháng. Nhu yếu phẩm chủ yếu là thịt hộp, mắm kem, bột ruốc, muối trắng, bột ngọt… Gạo trên cấp cho bộ đội ta chưa bao giờ bị thiếu, nhưng thức ăn bổ dưỡng đi kèm để nuôi người lính khỏe mạnh mới là điều quan trọng. Ăn uống thiếu thốn, vất vả làm sao đủ sức hoàn thành nhiệm vụ? Do đó công tác cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bộ đội được Đảng ủy, Ban CHQS Đoàn 9903 đưa lên hàng thiết yếu. Phòng Chính trị chúng tôi cũng hạ quyết tâm làm cuộc “cách mạng” cho “cái bụng thêm no”.
Khi có chuyến xe trở về quê hương chúng tôi tranh thủ mua những công cụ cần thiết cho việc cải thiện đời sống như: chài, lưới, dây nhợ, lưỡi câu, dá, cuốc, xẻng, thùng tưới nước, hạt giống các loại... Đồng chí Năm Sơn, Phó Chủ nhiệm phòng chính trị tiền phương lúc bấy giờ đã liên hệ với chính quyền địa phương bạn mượn được 3 mẫu ruộng bỏ hoang, cách thị xã khoảng 5 km để cải tạo, trồng lúa.
Trong số anh em chúng tôi có một vài đồng chí là con nhà nông dân thứ thiệt nên có kinh nghiệm làm lúa như: Trưng, Đặng Châu, Đoàn Tài, Năm Lư, Đen, Sơn... Ở đây không có kênh, mương, thủy lợi… nên việc trồng lúa chủ yếu vào mùa mưa.
Sau khi nhận ruộng, chúng tôi tranh thủ những ngày chủ nhật, những khi rảnh rỗi cùng nhau phát quang, nhổ cỏ, cuốc đất ruộng lên phơi nắng. Giai đoạn đầu quả là một thử thách lớn đối với những anh lính chuyên làm chính trị, nhưng rồi mọi chuyện cũng “đầu xuôi, đuôi lọt”. Đợi mùa mưa tới chúng tôi sạ lúa, khi lúa lên xanh hàng tuần phân công nhau nhổ cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu rầy, đặt bẫy diệt chuột… Chúng tôi dựng một cái trại nho nhỏ bằng gỗ tạp che lá thốt nốt làm nơi nghỉ ngơi khi lao động. Phòng Chính trị cử một đồng chí chiến sĩ thường trực trông coi ruộng lúa, đồng thời chăm sóc một đàn vịt lấy trứng khoảng
300 con.
Là bộ đội thì ai cũng biết, khi nhận gạo trên cấp nếu là gạo cũ thì cứ an tâm vì điều này chứng tỏ gạo dự trữ còn nhiều, ngược lại nếu nhận toàn gạo mới thì khả năng sắp tới sẽ thiếu lương thực. Nhưng với Phòng Chính trị tiền phương chúng tôi lúc ấy ăn gạo mới, gạo dẻo là chuyện bình thường, bởi mùa nào chúng tôi cũng thu hoạch mỗi công từ 30 đến 40 giạ lúa. Đàn vịt cũng đạt kết quả khả quan. Chúng tôi tận dụng lúa lép để cho vịt ăn, nhờ ăn uống đầy đủ nên vịt đẻ trứng rất sai. Trứng vịt ăn không hết phải mang ra chợ bán lấy tiền mua các vật dụng cần thiết khác. Thỉnh thoảng chúng tôi còn tổ chức nấu chè trứng vịt với đường thốt nốt ăn bồi dưỡng, ngon không thể tả.
Mùa mưa tới, chỉ sau một đêm con suối Pursat đã tràn ngập mặt đường, không còn thấy lối đi. Con suối bình thường hiền hòa êm ả bỗng trở nên hung dữ đổ nước ào ào, ngầu đục phù sa, ẩn chứa trong dòng nước ấy cơ man nào là cá. Chỉ cần đứng trên cầu bắc ngang qua suối tung vài mẻ lưới là chúng tôi có một bữa ăn thịnh soạn. Tuy nhiên phải hết sức cẩn thận không thì có thể mất chài như chơi bởi vì nước chảy quá xiết mà cá thì trong lưới quá nhiều, có khi nó kéo cả người chài ngã xuống dòng nước. Mùa này nhiều nhất là cá mè, những chú cá vẩy bạc lấp lánh với cái vây và đuôi màu cam cam thật dễ thương. Cá bắt được chúng tôi kho lạt ăn với rau xanh, hoặc nấu canh chua với xoài rừng, hương vị rất lạ nhưng rất ngon. Ngán canh, ngán kho anh Năm Lư lại bày ra món cá bằm chiên bột, cá cặp gắp nướng dầm nước mắm ớt… Cá ăn không hết chúng tôi ướp muối phơi nắng để dành làm
lương khô.
Người dân Campuchia có đặc điểm là ăn thịt ếch, nhái, ễnh ương nhưng lại không ăn thịt cóc. Do vậy cóc ở đây rất nhiều, mùa mưa tới cóc lại rộ lên nhiều hơn. Khi con suối chưa tràn bờ anh em chúng tôi đã có những bữa tiệc cóc linh đình đầy chất dinh dưỡng. Trời vừa chập choạng tối, sau khi phân công một anh em nào đó bắc nồi cháo lên bếp, chúng tôi tay xách đèn pin tay cầm túi đệm rảo quanh khu vực đóng quân bắt cóc. Khoảng nửa giờ sau đoàn quân bắt cóc trở về với các túi đệm nặng trĩu trên tay. Cao thủ làm cóc phải kể tới Đặng Châu, để làm cóc nhanh và sạch anh chỉ cần khứa một nhát dao vào phần đít của nó rồi dùng 2 ngón tay lột ngược lên da cóc sẽ tuột ra dễ dàng. Thịt cóc làm sạch, băm nhuyễn, xào sơ với mắm muối, cho vào nồi cháo đã nhừ, nêm hành… tiêu… tỏi… ớt… Ôi! Ấm lòng người chiến sĩ!
Cóc có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon, rất đa dạng như: Nấu canh mướp, kho mặn, kho sả, xào dưa leo, làm chả… Cóc có lúc nhiều quá, ăn không hết phải rộng trong cái lu sành để dành cho những ngày sau.
Cũng vì chuyện bắt cóc mà có lần anh em tôi suýt mất mạng. Tôi nhớ hôm ấy khoảng 20 giờ Đặng Châu, Thanh Hồng (Sáu Sin), Cao Mĩa… cao hứng rủ nhau đi bắt cóc. Do khu vực gần nơi đóng quân bị tụi tôi “quần” quá nên cóc không còn mấy con. Đặng Châu đề nghị anh em sang bên kia suối bắt tiếp… nhưng lúc ấy đèn lại hết pin, anh em đành mang số cóc ít ỏi về nấu nồi cháo nhỏ. Đúng 21 giờ 30 đêm ấy bọn Pôn Pốt nổ súng tấn công vào thị xã Pursat, nhờ tinh thần cảnh giác cao và hiệp đồng chặt chẽ ta và bạn kịp thời phản công, bọn Pôn Pốt bị đánh tan tác. Sau này nghe dân kể lại, đêm ấy bọn Pôn Pốt ém quân dưới dãy nhà sàn của dân bên kia suối, chờ giờ G để tấn công. Thật hú hồn! Nếu chúng tôi qua bên ấy bắt cóc như dự tính thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Mùa khô, con suối Pursat cạn trơ đáy. Để có nước cho dân sinh hoạt, chính quyền tỉnh đã cho làm một cái đập, mùa mưa thì mở ra xả nước, mùa khô thi đóng lại trữ nước. Do đó vào mùa khô nơi cửa đập là nơi chứa nước nhiều nhất, đây cũng là nơi người dân tập trung đông đảo vào buổi chiều để tắm giặt, không gian càng hẹp lại càng vui. Người dân nơi đây tuy nghèo nhưng dùng toàn xà bông Thái Lan để tắm rửa, giặt giũ như: Lux, Camay, Palmolie…( vì chẳng có ai bán xà bông rẻ tiền), đôi khi chúng tôi chài được cá từ nguồn nước này… hương vị của nó cũng có mùi xà bông Thái Lan.
Mùa khô cũng có cái thú vị của mùa khô, các ao vũng cũng đầy ắp cá, chỉ cần chịu khó một chút là có cá rô ăn thoải mái. Buổi trưa hè, chúng tôi vác cần câu tre tìm một cái ao bèo, móc hạt cơm nguội vào lưỡi câu bé xíu thả xuống nước, chỉ trong tích tắc là có cá rô đớp mồi, tha hồ mà giật. Đó là ban ngày, ban đêm chúng tôi dùng câu cắm. Buổi chiều, sau khi cơm nước xong anh em vác bó câu cắm móc mồi trùng rồi cắm dọc theo các con mương, sáng hôm sau, thể dục xong thì đi nhổ cần câu về. Thường thì cá mắc câu là cá lóc, con nào con nấy to bằng bắp tay. Nhớ có lần tôi bị sốt rét dẫn đến suy nhược thần kinh, ban đêm ngủ không được nên đi thăm câu cho đỡ buồn. Cần câu nào có cá tôi gỡ cho vào lu rồi móc mồi mới thả xuống tiếp. Đến sáng nhìn thấy lu cá đầy ứ anh Lê Rô, Phó Chủ nhiệm phòng chính trị *, tá hỏa bắt tôi phải đi bệnh xá ngay lập tức.
Tận dụng những khoảng đất trống bên trong và ngoài doanh trại chúng tôi trồng đủ loại rau củ như: cà tím, củ cải trắng, cải bẹ xanh, xà lách, rau muống, rau lang… có cả giàn mướp, giàn bầu, bí đỏ... Đất đai ở đây nhờ nằm cặp bờ suối nên phủ đầy phù sa lại được chúng tôi thường xuyên tưới tiêu, chăm sóc nên rau củ lên xanh mịt. Hàng tháng chúng tôi đều vượt chỉ tiêu rau xanh trên giao, còn dư thừa chia cho các đơn vị bạn hoặc mang ra chợ bán cho dân.
Trong doanh trại chúng tôi bao giờ cũng nuôi từ 3 đến 5 chú chó, một đàn gà, một chuồng heo có từ 2 đến 4 chú heo thịt và đàn bò gần 20 con thả trong khu vực trại giam… nhờ vậy trong bữa ăn chúng tôi luôn đầy đủ chất dinh dưỡng, những khi lễ Tết có chất tươi thết đãi khách quý, bạn bè.
Suốt thời gian làm nghĩa vụ quốc tế ở tỉnh Pursat, Campuchia, Phòng Chính trị tiền phương luôn được Ban CHQS Đoàn 9903 đánh giá là cơ quan làm tốt công tác cải thiện đời sống cho bộ đội.
Chiến tranh luôn đi đôi với hy sinh, gian khổ. Mức độ gian khổ, hy sinh nhiều hay ít tùy thuộc vào sự khốc liệt của cuộc chiến. Riêng tôi ý thức được rằng sự gian khổ đã trui rèn và nâng cao bản lĩnh cho người lính, nó giúp cho chúng tôi ngày càng trưởng thành, đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt, luôn lạc quan yêu đời, cùng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ là chuyện cải thiện bữa ăn hàng ngày thôi, nhưng mỗi khi nhắc lại trong tôi lại dâng lên niềm tự hào, xem đó như một chiến công nho nhỏ của thời trai trẻ.
* Phòng Chính trị Đoàn quân sự 9903 lúc ấy không có Chủ nhiệm Chính trị nhưng có 2 Phó Chủ nhiệm chính trị.
Ý kiến bạn đọc