Ngọn gió Nha Trang

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2018 13:53
Thành phố Nha Trang nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam, vì thế ra Bắc hay vô Nam bằng đường bộ đều qua “nàng phố biển” xinh đẹp này. Những năm 1984-2004, tôi thường xuyên đi qua hoặc có dịp lưu trú tại Nha Trang. Mới sau này khi hàng không phát triển, hơn 10 năm rồi không có dịp tới đây. Đường sắt, đường ôtô tuy chậm vậy nhưng du khách lại khám phá được mọi miền quê hương đất nước. Thế nên, ai muốn khám phá, thăm thú phong cảnh thì đi bằng xe máy từng chặng hoặc đi xe đò ghế ngồi, không nên đi bằng xe khách giường nằm cao cấp.
Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang trước tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang trước tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma

Trên máy bay, dù ngày đẹp trời, nhìn xuống cũng chỉ thấy biển mây trắng như bông gòn của trời bung ra hong nắng, không hứng thú bằng chạy trên mặt đất ngắm biển xanh cát trắng, trực tiếp mua bán ngã giá với bà con miền Trung. Cảnh đẹp, người cũng đẹp… Những bông “hoa cát”: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc? Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Xe chạy băng băng giữa nắng gió ào ào. Một bên là sóng núi chập chùng miên man. Ngoài kia là sóng nước hát tình ca rạo rực, bồi hồi. Sóng và sóng. Sóng núi và sóng biển. Miền Trung hội tụ sơn thủy hữu tình…

Tuổi hai mươi tôi đến Nha Trang, lưu trú tại một nhà nghỉ gần Hòn Chồng. Mở cửa phòng, mùi ẩm mốc bốc lên, chứng tỏ thường ngày không ai ở. Những năm ấy, lo miếng ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện du lịch. Thỉnh thoảng hàng năm vào dịp hè, giáo chức được Công đoàn cho đi nghỉ mát, được bao từ A đến Z. Chỉ có công viên chức mới có dịp khám phá, du lịch còn nông dân, công nhân, tiểu thương buôn bán nhỏ ngày ấy chẳng mấy ai đi du ngoạn.

Sáng và chiều, tôi đứng trên bãi biển ngắm mặt trời lên, mặt trời lặn, nghe sóng vỗ rì rào bọt tung trắng xóa. Bãi tắm cũng vắng. Nhà nghỉ thưa thớt. Biển hình như trong xanh hơn, trời hình như cũng nắng vàng rực rỡ hơn? Biển Nha Trang hoang sơ, tinh khôi! Những hàng dừa như những cô gái dịu dàng phơi mình sát biển. Cây cối nhiều hơn nhà cửa. Rất nhiều rặng phi lao lá mềm như tóc tiên, màu xanh thẳm phối màu cát trắng và nước biển biếc xanh. Nha Trang đẹp rực rỡ, dịu dàng, thơ mộng và không khí trong lành. Ngọn gió từ biển khơi xa ghé vô bãi bờ cây xanh cát trắng. Gió mang vị mặn mòi tẩm thêm vị ngọt ngào, êm dịu của cát mềm và cây lá. Ngọn gió Nha Trang ngày ấy tắm gội hồn tôi. Thật đúng nghĩa “mùa hè trên bãi biển”. Thật đúng với nghĩa: đi nghỉ mát và bồi dưỡng. Công viên chức ngày ấy tự giác, nhiệt tâm. Giờ tôi ngồi mơ “bao giờ cho tới ngày xưa”…

Mỗi lần có khách lưu trú nghỉ mát tắm biển, các em, cô chú phục vụ tiếp đón hết lòng và rất vui vẻ. Có lần, tôi được cậu trai lễ tân nhà nghỉ chở đi khắp thành phố. Gặp người Nghệ, nói trọ trẹ, cử chỉ chân mộc, ngô nghê, cậu trai phấn chấn, chơi hết mình. Anh bạn rủ tôi:

- Anh ra đây dạy vui lắm! Người Nha Trang phóng khoáng, không cục bộ bè phái đâu. Em rất thích máu nghệ sĩ của anh!

Một tấm lòng hào hiệp hiếu khách. Bữa cơm chia tay đoàn Tiền Giang xôm tụ, ca hát thắm tình. Hứa rồi thất hứa! Tôi không đủ bản lĩnh để xa rời nơi từng gắn bó. Nha Trang với tôi cũng nhặt thưa từ đó. Có lẽ mình không có duyên với Nha Trang, khô duyên nợ như không dây tơ xe kết.

Hôm nay, đi thực tế sáng tác cùng Chi hội Văn học Tiền Giang, dọc miền Trung với đích chính là Nha Trang và Phú Yên. Ngồi trên xe tốc độ 50-60 km/giờ mới kịp nhìn loáng thoáng cảnh vật quê hương. Miền Trung khô cằn và bão tố. Miền Trung mưa lũ và đói nghèo. Miền Trung như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước. Nơi từng chiến tranh khốc liệt, miền của hoa xương rồng trên cát. Miền bầy bò, bầy cừu ăn gai xương rồng hay gặm đất trơ xương… Những căn nhà nhỏ thấp để tránh bão táp mưa chan. Nhìn xóm làng ven quốc lộ qua Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên… mà tưởng đang đi trên xứ Nghệ quê mình. Gặp những nông dân dáng thấp nhỏ, da ngăm đen vì nóng cháy, vì mần ăn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tôi như thấy lại chính mình, bà con thân thích của tôi. Thương lắm, miền Trung của tôi! Nhưng chính sự khắc nghiệt của trời đất nơi này lại hun đúc dân khí ngoan cường, tính cần cù chịu khó và sáng tạo. Dải đất nhỏ hẹp, xương xẩu, cỗi cằn nhất nước bỗng thành mảnh đất của thi ca! Ngoài kia là biển xanh, phía trong là bãi cát trắng mịn màng, phía trong cùng là những nhà thơ tài hoa... Tôi bỗng trào dâng cảm xúc về ngọn gió Nha Trang thổi vào lòng mình ngày trở lại…

Chúng tôi đến Cam Ranh, nơi ngày trước tôi chỉ được ngắm từ xa. Về đêm, cảng Cam Ranh nhấp nháy ngàn sao. Đây là cảng chiến lược, tập trung sức mạnh hải quân Việt Nam. Chúng tôi tìm đến thắp hương tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma năm 1988. Đài tưởng niệm trên đồi cát tự nhiên. Sức mạnh vô biên của vũ trụ đã dồn cát thành đồi cao chất ngất mà con người với máy móc hiện đại muốn có một đồi cát như vậy ước tính cũng phải chuyển đắp liên tục cả trăm năm! Chiều chiều, khách khắp nơi lên đồi viếng liệt sĩ. Người Việt Nam là như thế: Ân tình và tâm linh! Xương thịt các anh đã tan vào biển cả. Gần 40 năm rồi còn gì? Nhìn tượng đài ít ai cầm được nước mắt! Trong số liệt sĩ này, có nhiều người ở quê tôi. Đồng chí trông coi tượng đài thấp đậm, là chiến sĩ hải quân cũng quê xứ Nghệ, nói giọng Nghệ:

- Khu tưởng niệm còn dang dở, sắp tới mới in tài liệu cho khách được, anh à!

Mà có lẽ cũng không cần khi tôi đã chép vô tim những anh hùng đã lấy thịt da máu đỏ chở che đảo Gạc Ma. Giấy bút nào cho đủ để ghi hết hàng triệu người lặng lẽ nằm xuống cho Tổ quốc bay lên, cho ngày ngày trên bến cảng, từng đoàn người thong dong dạo bước bình yên?

Theo đường sát biển, uốn lượn như sóng núi, xe chúng tôi tới thành phố Nha Trang. Giữa mùa hè, người đổ về đây đông nghịt! Một thành phố gần như hoàn toàn khác xưa. Nhà cao tầng chất ngất, đường Trần Phú chạy dọc theo bờ biển, tôi vẫn nhớ nhưng dáng hình khác hẳn.

Buổi sáng Nha Trang, tôi tản bộ ra biển. Bãi biển mùa này tấp nập y như trẩy hội giêng hai. Biển xanh, sóng vẫn hát rì rào. Nhưng kiến trúc phố xá, quy hoạch bãi biển làm tôi ngơ ngác. Lên Đà Lạt, ngắm đồi thông hoa mimôsa, cẩm tú cầu… Sáng nay, trên bãi biển Nha Trang, tôi như lạc vào vườn hoa cát… Ngược lên núi cao, bạn khoác áo ấm, quàng khăn len, giày vớ. Về nhà đóng cổng, vô phòng khép cửa. Một tách cà phê nóng, một bầu rượu nhâm nhi… lên rừng đóng cửa. Xuống biển Nha Trang, du khách thoải mái mở cánh cửa tâm hồn đón gió biển khơi…

Tôi dạo dọc bãi biển chiêm ngưỡng những đóa hoa cát. Ra bãi tắm rồi, ai cũng tươi mát như nhau. Nắng nhẹ, hàng ngàn người khỏa trần trên cát. Đen, trắng, đỏ, nâu, v.v… đủ màu sắc, đường nét. Ngàn hoa đua nở trên cát bình minh. Gió từ biển thổi phóng khoáng, tung bồng mái tóc. Gió nô đùa bờ vai, vồng ngực thần tiên của bao cô gái chàng trai. Ngọn gió tự do như đất trời hồng hoang nguyên thủy. Ngọn gió vẫn như ngày tôi mới đến. Ngọn gió mang chất người phố biển giao hòa! Nha Trang hôm nay là hội tụ con người năm châu bốn biển. Dẫu mỗi châu lục một nét riêng, một màu da, mỗi phong cách, mỗi dáng hình. Nhưng đến đây rồi, đều mang khí chất Nha Trang! Phố biển này không chỉ giàu sang nhanh chóng nhờ nguồn tiền từ khách du lịch, mà còn là nơi con người giao hòa, phát triển nhanh chóng, văn minh lịch sự về tâm hồn, ứng xử nhân văn…

Gần chục năm trước, tôi có dịp tham gia chuyến đi dọc miền đất nước, ra Huế, Quảng Trị viếng nghĩa trang Trường Sơn, tận Phong Nha - Quảng Bình do Hội tổ chức. Đoàn ghé Nha Trang chỉ một ngày đêm. Hai người bạn cùng đơn vị với tác giả Đậu Viết Hương, đi chung đoàn hẹn nhau nhậu lai rai. Nhà hàng nằm trên đường sát biển, độ cao lý tưởng bao quát vùng phong cảnh. Hai người bạn thổ lộ:

- Thành phố này phát triển chóng mặt luôn! Xa mấy tháng trở về không nhận ra nữa…

Tác giả bài viết (thứ 2 từ phải qua) trên biển Nha Trang

Hai anh đã nhận Nha Trang là quê hương. Dù mới ở vài chục năm. Thành phố Nha Trang rộng mở, phóng khoáng và thân thiện. Ở đây không giàu nhưng sang trọng và hiếu khách. Bạn cứ đến một lần chắc chắn muốn trở lại nhiều lần tiếp theo. Đây là tiêu chí quan trọng của thành phố du lịch. Nó là số đo chuẩn mực của ứng xử văn hóa nhân văn. Nơi đây giúp con người vứt bỏ sự ích kỷ bon chen, tính địa phương cục bộ. Mà tư duy phóng khoáng bốn biển đều là anh em…

 Một tài xế taxi lấy tiền đúng với quãng đường chở khách, tự giác trả lại đồ khách bỏ quên. Một cửa hàng bán đồ ăn, đồ lưu niệm không chặt chém. Mỗi cư dân thành phố tự giác tự trọng, lịch sự trong ứng xử góp phần làm nên cái đẹp, văn minh của một thành phố. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hùng xúc động kể:

- Mình tắm biển chung với gia đình người Nga. Không biết tiếng nói của họ. Vậy mà cả gia đình nhìn mình cười thân thiện. Cậu bé chừng 4 tuổi đến bắt tay mình làm quen nữa chứ! Bàn tay nhỏ xíu của cậu bé người Nga làm mình nhớ mãi Nha Trang…

Nha Trang ngọn gió hào phóng thân thiện và chan hòa yêu thương. Bất cứ ai, bất cứ cư dân nước nào đã đến đây đều mang khát vọng hòa bình, khát vọng chung sống bình đẳng. Kẻ nào khoe khoang giàu có, phô diễn cơ bắp, muốn dùng vũ lực độc chiếm miền thơ mộng này sẽ bị loại trừ, bị tống tiễn ngay lập tức! Mảnh đất sẽ lựa chọn cư dân, lựa chọn phẩm chất hiền hòa. Một vùng đất đáng sống, chất lượng cao là đất cho mọi người thoải mái tự do. Những bông hoa khoe sắc hương trên cát mịn…

Anh Quang, trước đây từng công tác tại Học viện Hải Quân, định cư tại thành phố Nha Trang bảo:

- Sáng nào tụi anh cũng ra bơi lội ngoài bãi biển. Một năm, anh rời Nha Trang không dưới 20 lần. Đi khắp nơi thấy rằng: Không nơi nào bằng Nha Trang!

- Anh có chủ quan không đó? Cái gì khiến anh đóng đô nơi này?

- Khí hậu tuyệt vời, giá sinh hoạt vừa phải. Đặc biệt tính cách người Nha Trang hiền hòa, không phân biệt, không cục bộ như một số nơi anh đã đến!

Thế giới đang hướng tới cuộc sống chất lượng cao. Khi chuyện ăn uống đã thỏa mãn rồi thì người ta tìm “món ăn” cho tâm hồn. Nhu cầu khẳng định mình, thỏa mãn cái đẹp, chung sống thân thiện là nhu cầu của tầng lớp trung lưu. Tôi nhìn thấy nhu cầu này ở ngàn hoa cát lúc bình mình. Cái gì lắng đọng trong tôi khi rời thành phố biển? Chắc chắn là ngọn gió của Nha Trang. Năm 1905, Phan Bội Châu cao hứng ứng khẩu: “Nguyện trục trường phong đông hải khứ / Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”. Bậc anh hùng cưỡi gió ra đi tìm chân lý, văn minh ngoại quốc. Nay con cháu lại đón chào bè bạn khắp năm châu đến lập nghiệp tại Việt Nam, tại Nha Trang… Xưa ra đi thì nay lại trở về. Âu cũng lẽ tự nhiên trong cõi đất trời thôi. Xin hẹn ngày trở lại để ngắm trời biển biếc, thưởng thức ngọn gió mát rượi ân tình thành phố biển Nha Trang.

Nguyễn Thanh Xuân
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 87)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 387
  • Khách viếng thăm: 364
  • Máy chủ tìm kiếm: 23
  • Hôm nay: 23825
  • Tháng hiện tại: 1475270
  • Tổng lượt truy cập: 45442503