Màu ký ức

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2018 11:19
…. Cơn đau quặn lên từng hồi, chị ta nghiến răng kềm tiếng rên, bơi xuồng thật nhanh về phía trước”. Nghe cái giọng kể của anh cứ như nghe Đài Phát thanh đọc chuyện đêm khuya. Tôi không nhịn được, nói: “Lúc ấy anh ở đâu mà thấy được cảnh đó?”. Anh tự ái, gắt giọng: “Thì cứ nghe đi, chưa gì đã cãi rồi. Sau này con gái chị ta nói lại, cả xóm ai hổng biết. Thôi đừng chen ngang nữa nha, làm mất hứng”.
Minh họa: Thanh Sơn

Minh họa: Thanh Sơn

Nói xong anh sửa lại thế ngồi, rồi lại cất cái giọng trầm trầm, y như người kể chuyện. Tôi lắng nghe, không ngờ bị câu chuyện của anh cuốn đi lúc nào không biết. Qua lời kể của anh, những thước phim dần dần hiện lên trong tâm trí tôi.

“Đứa bé gái chừng 4, 5 tuổi ngồi trên tấm ván giữa xuồng ngơ ngác nhìn những tổ chim dòng dọc như cái đụt đựng cá treo lủng lẳng trên mấy ngọn bần. Con rạch chỉ rộng hơn mười thước, nước vàng đục, uốn cong giữa um tùm cây cối. Trên bãi bồi vô số cạc bần xen lẩn ô rô, cóc kèn… Những cây bần lâu năm cao chót vót, tàn của nó giao nhau che gần kín con rạch. Bởi vậy, giữa trưa mà không khí cứ lành lạnh. Con bé không biết mẹ nó tới chỗ này làm gì, ở đây đâu có nhà ai. Lâu lâu mới có một người lội bè dưới rạch, cột sợi dây vòng cái nồi thiệt lớn bên hông. Họ đi xúc.

Nước đang ròng, lòng rạch nhỏ lại, bãi sình lộ ra. Người phụ nữ oằn người, dường như không còn sức để nhất dầm lên nữa. Bỗng chị buông dầm, ưỡn người, hai tay bám chặt be xuồng. Con rạch ngoằn ngoèo, chiếc xuồng ba lá dập dềnh, không gian vắng lạnh. Một tiếng kêu đau đớn phát ra, tiếp theo là tiếng khóc oe oe của đứa trẻ mới chào đời. Đàn chim đậu trên ngọn cây bần giật mình bay túa lên. Con bé ngơ ngác nhìn mẹ nó run rẩy lấy cái bẹ chuối dùng để tát nước xuồng đậy hòn thịt đỏ hỏn. Mấy lớp vải quấn quanh bụng mẹ nó tuột ra, lòng thòng. Tấm ván lót xuồng nhuộm đầy máu, cái quần mẹ nó cũng thấm đầy máu. Mẹ nó cho xuồng lủi vô một đám cóc kèn, rồi hối hả lội xuống bãi móc một cái lỗ. Đặt hòn thịt đang ngọ nguậy vô cái mo cau, bẻ co lại, mẹ nó đặt xuống cái lỗ, lấp sình”.

Đoạn phim tới lúc hấp dẫn nhất thì bị cắt. Anh ngừng lời. Sau khi nuốt hơi, anh đổi giọng:

“Cái hòn thịt đỏ hỏn ấy là thằng Vũ, đứa em trai nuôi của tôi bây giờ. Đúng cái lúc người phụ nữ kia bơi xuồng đi sau khi vùi hòn máu của mình xuống bãi ô rô thì má tôi bơi xuồng tới. Bà đi chà gạo. Chiếc xuồng chở lúa khẳm đừ nên đi rất chậm. Má tôi nghe văng vẳng tiếng khóc. Tiếng khóc ngắt quảng, nghèn nghẹt ngày càng lớn hơn. Chỗ này không có nhà ai, sao có tiếng con nít khóc? Tiếng khóc phát ra từ đám ô rô bên bãi bồi, rõ ràng là tiếng trẻ sơ sinh. Gai ốc bà nổi lên với ý nghĩ: “Hay là ma?”. Rồi má tôi nghĩ lại: “Ma đâu giữa ban ngày? Hay thú dữ vô xóm bắt con nít đem ra đây ăn thịt?”. Ý nghĩ đó làm má tôi hoảng sợ, bà la lên thất thanh. Nghe tiếng tri hô của má tôi mấy người đang làm ruộng rẫy gần đó cầm cây chạy tới, nhưng không ai dám bước vô đám ô rô, chỗ phát ra tiếng khóc. Má tôi cũng sợ, lỡ bước vô đó mà có con gì nhảy ra chụp mình thì sao? Nhưng hổng lẽ cứ đứng đây? Biết đâu vì chậm một bước mà đứa nhỏ bị thú dữ cắn chết? Tiếng khóc đã khàn lắm rồi, yếu lắm rồi. Thủ sẵn một khúc cây trong tay, má tôi quyết định bước tới đám ô rô. Lom khom nhìn qua khe lá, bà rụng rời khi thấy một đôi chân bé xíu, xanh mét đang cố gắng quẫy đạp. Cái mo cau bung lên, nhưng đầu đứa bé còn bị kẹp lại phía trong. Má tôi quăng cành cây, nhảy tới bươi nhanh lớp sình, kéo cái mo lên. Một hình hài bé nhỏ, trắng bệch, cuống rún bầy nhầy, lòng thòng. May là bùn đất không che lấp miệng mũi nó, nên nó còn thở được, còn khóc được. Má tôi lột cái khăn rằn đang bịt xước trên đầu quấn đứa bé, ôm chặt thân thể lạnh giá của nó vào lòng. Mọi người xúm lại nhìn, rồi tản ra, không có ai muốn đem đứa trẻ về nuôi. Thân má mẹ góa con côi, thôi thì nuôi thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà. Nghĩ vậy, má tôi ẵm đứa trẻ xuống xuồng, bơi trở về.

Từ hôm đó suốt ngày má tôi lo chăm sóc đứa bé, nâng niu như đứa con mà mình mới sanh ra. Đã 10 ngày rồi mà nó chưa mở mắt ra được, ai cũng nghĩ là em sẽ chết. Nhưng tôi không tin. Lúc đó tôi mới hơn 10 tuổi, đi học về là tôi quấn quít bên em, bên má. Tôi nhẹ nhàng chùi từng chút sình còn bám trong móng tay em. Nhà hết gạo ăn rồi, má phải đi chà gạo. Đường tới nhà máy chà rất xa, mỗi lần má đi chà gạo phải vài ngày mới về. Đâu còn cách nào khác, tôi phải ở nhà một mình vừa lo cho bản thân, vừa săn sóc em. Tôi cho em uống sữa; lóng ngóng thay tã, thay quần áo cho em, vỗ em ngủ... Ba tôi hy sinh, nhà chỉ có hai má con. Nhiều lúc tôi ước mình có một đứa em để sau này tôi đi bộ đội, nó ở nhà với má. Tưởng mơ ước ấy không bao giờ có được, ai ngờ trời thương cho tôi một đứa em trai. Tên cúng cơm của tôi là Lê Hùng Lâm (tên khai sinh là Lê Hồng Lâm), má tôi đặt tên em là Lê Hùng Vũ, nhưng bà con cứ gọi em là Vũ Ô Rô.

Một hôm tôi đi học về không thấy em đâu. Tôi hỏi má, má nói “Bà ngoại thằng Vũ tới nhìn, mới bồng nó đi đó!”. Má tôi chỉ tay ra đường. Tôi ngó theo, thấy xa xa có người đàn bà vừa đi vừa cầm cái nón lá che trước bụng. Như đất trời sụp đổ, tôi quăng cái cặp xuống đất, chạy xuống bếp rút con dao phay phóng theo. Với cặp giò của thằng bé quen băng đồng lội rạch, chỉ một lát sau là tôi chạy theo kịp người đàn bà. Tôi nhảy qua con mương đứng chặn ngay đầu cầu, tay cầm dao vung lên, miệng hét: “Bà trả nó cho tôi! Không trả tôi chém!...”. Người đàn bà bị bất ngờ, run rẩy, lắp bắp: “Nó là… cháu… của qua… Cho qua xin lại…”. Mắt tôi long lên, nhất định có chết tôi cũng không để mất thằng Vũ. Tôi la lớn: “Cháu gì mà cháu? Má tôi không lượm vìa thì còn đâu mà bà đòi!”. Người phụ nữ đó còn lắp bắp câu gì nữa, nhưng tôi không còn tỉnh táo để nghe. Tôi xông tới với cái dao phay giơ cao. Mặt bà ta biến sắc, hai tay run run nâng thằng Vũ đưa ra trước. Chỉ chờ có vậy, tôi quăng cái dao, bồng thằng Vũ chạy như bay về nhà.

Từ đó thằng Vũ lớn lên trong tình thương yêu của hai má con tôi.

Ước nguyện lớn nhất trong đời tôi là đi bộ đội, nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện này là tôi lo lắng. Tôi là con một, tôi đi rồi má ở nhà với ai? Ngày má lượm thằng Vũ về tôi rất mừng; mừng vì tôi rất khoái có em và mừng vì nỗi lo trong lòng tôi bấy lâu nay đã được giải quyết. Bây giờ có em rồi, lỡ tôi đi chiến đấu có chuyện gì thì em sẽ thay tôi chăm sóc má. Và thằng Vũ đã làm tốt việc này, nó càng lớn càng hiểu chuyện và rất có hiếu.

Khi tôi được 16 tuổi, thằng Vũ mới ba tuổi thì tôi đã thoát ly. Tôi cùng 25 chiến sĩ ưu tú của tỉnh Bến Tre được đưa đi đào tạo cán bộ chiến lược ở Hà Nội, nhưng do tình hình thay đổi nên cả đoàn phải quay trở về. Rồi tôi được đưa vô Trường Quân chính R (Trường H 12 ở miền Đông) học khóa đào tạo cán bộ tiểu đoàn, đại đội; sau đó tiếp tục học khóa đào tạo cán bộ đặc công của R. Đi từ năm 1966, đến 1970 tôi mới về Khu 8, được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đặc công của Khu. Không lâu sau tôi về Mỹ Tho, công tác ở Ban Chính trị Tỉnh đội. Từ Mỹ Tho về nhà tôi ở Bến Tre, bây giờ chỉ cần chạy xe vài chục phút, chớ hồi đó đi không dễ chút nào. Từ địa hình muốn tới được bờ sông Cửu Long phải đi qua vùng địch kiểm soát, rồi còn phải mạo hiểm qua sông trước con mắt của tàu giặc. Bởi vậy, dù nhớ má, nhớ em tôi cũng không về được. Những buổi chiều bình yên, rảnh rỗi tôi hay nhìn bầu trời phía quê nhà, nhưng có thấy được gì đâu ngoài những cánh chim bay tít mù xa. Đến cuối 1973 tôi được điều sang Tiểu đoàn 514, làm Tiểu đoàn phó Chính trị, cùng anh em chỉ huy tiểu đoàn chiến đấu cho tới hòa bình.

Những năm lăn lộn trên chiến trường, những lần cái chết trong đường tơ kẽ tóc, tôi nghĩ đến má, đến thằng Vũ. Nếu tôi hy sinh chắc má sẽ khóc nhiều lắm. Còn thằng Vũ, nó có buồn, có nhớ anh Hai không? Tôi bị thương ba lần, lần nặng nhất là lủng bao tử, lủng phổi, đứt ruột… Chị Mười Tâm (Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Hiếu Tâm), lúc đó là Quân y sĩ, Trạm trưởng Trạm xá I của Thành đội Mỹ Tho, nói: “Trong tình trạng này nếu chuyển em về Trạm xá chắc em không chịu nổi”. Vì muốn đi từ chỗ tôi bị thương (xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành) tới Trạm xá (ở xã Thạnh Phú) phải qua nhiều đồn bót giặc, đi suôn sẻ cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Ở đây không có nhà ai, không có những phương tiện cần thiết, chị Mười đã giải phẫu cho tôi ngay trên nền đất. Tôi nằm trên tấm ni lon, lưng dựa vào cái ba-lô tấn vô gốc chuối. Chị Mười Tâm đề nghị bịt mắt tôi lại, nhưng tôi nói không cần. Vậy là chị gây tê cho tôi rồi bắt đầu cuộc đại phẫu thuật. Tôi cắn chặt răng để nén tiếng kêu la khi những nhát dao cắt vào da thịt mình. Mắt tôi đầy sao, tôi gồng người chịu đựng. Thân tôi hết cong lên rồi nhũn ra. Mổ không gây mê, không được truyền dịch (vì vết thương phổi) nên đau không chịu nổi. Khi kéo ruột tôi ra ngoài chị Mười liên tục động viên tôi: “Ráng nha em! Tỉnh nha em! Ráng sống để còn chiến đấu!”.Tôi thấy chị ấy phăng ruột tôi như người ta bắt phèo heo, rồi cắt bỏ một khúc cả chục thước. Bao tử tôi bị thủng, thức ăn đổ ra ổ bụng. Chị Mười kéo bao tử tôi ra ngoài, làm vệ sinh, vá lại. Tôi đau đớn, chỉ muốn chết cho xong. Khi chị đưa ruột và bao tử tôi trở vô ổ bụng thì tôi đã mê man. Nhưng không hiểu nhờ phép màu nào mà tôi vượt qua được và sống đến ngày chiến thắng.

Sau này gặp chị Mười, tôi nói vui: “Chị mổ tôi giống như người ta mổ heo”. Chị cười: “Em thông cảm, điều kiện chiến trường mà em”.

Tôi cắt lời anh, vì tôi muốn biết thêm về người đàn bà đã vùi con mình vào bãi sình. Tôi không ngần ngại dùng những từ nặng nhất để lên án bà ta. Với hành động nhẫn tâm đó bà đã làm lem ố bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Những người phụ nữ Việt Nam mà tôi đã thấy không như vậy, họ là những người mẹ có tấm lòng thương con bao la, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con. Những bà mẹ mà tôi đã thấy, dù họ sinh ra đứa con không nguyên vẹn; dù con họ bị tật nguyền, dị dạng họ vẫn ôm ấp, thương yêu. Sao lại có người mẹ như vậy chứ?

Anh không đồng ý với tôi, anh biểu tôi hãy đặt câu chuyện kia vào hoàn cảnh cụ thể để phán xét. Anh nói chuyện này xảy ra từ những năm đầu 1960, khi ấy đạo đức phong kiến trong xã hội còn khá nặng nề. Chuyện yêu đương cũng bị lên án, huống gì phụ nữ có chửa hoang. Mà lúc đó chị ta còn quá trẻ, mới 24, 25 tuổi thôi; cái tuổi đó làm sao tránh khỏi những hành động nông nổi, bồng bột. Chồng chị đã chết mấy năm, chị đang sống ở nhà chồng. Trong hoàn cảnh đó, chị lỡ thương một anh đã có gia đình, rồi lỡ có bầu với anh ta. Nếu chuyện đổ bể ra không chỉ chị bị người đời bêu riếu, mà còn có thể bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà. Em thử nghĩ tới cái cảnh cha mẹ chị ấy bị bên chồng mời tới nói nặng nói nhẹ, rồi tuyên bố đuổi chị; nghĩ tới cái cảnh chị ấy phải cúi mặt mà đi, không dám ôm con lần cuối, nhớ con không dám dìa thăm… thì hiểu cho tâm trạng hoảng loạn của chị lúc đó. Nếu có ai để chị bấu víu, cho chị một lời khuyên, thì chị đâu có làm chuyện hồ đồ như vậy. Dù trời còn thương, đứa bé không chết, nhưng chuyện chị làm cũng trở thành bản án; nó đeo đẳng, hành hạ chị suốt cuộc đời.

Anh nói xong rồi nhưng tôi vẫn lặng thinh. Cùng là phụ nữ nhưng tôi không rộng lượng được như anh, đành rằng chị ấy ở trong hoàn cảnh bế tắt, đành là chị không thể nuôi đứa bé, nhưng còn nhiều cách sao chị không chọn? Sao chị lại chọn cách đó? Tôi nhè nhẹ lắc đầu.

Anh tiếp tục câu chuyện: “Nghe nói sau đó chị đã rất hối hận. Khi má chị đến nhà tôi xin lại thằng Vũ thì chuyện đã đổ bể rồi. Vì hôm đó chị bơi xuồng đi được một đoạn thì bị băng huyết, ngất xỉu. Nghe con gái chị khóc la, bà con tới đưa chị đi cấp cứu. Cộng việc này với chuyện má tôi lượm được đứa bé trên bãi sình thì đã rõ rồi...

Chị ta bỏ nhà đi, không ai biết đi đâu. Nhiều năm sau gia đình chị nhận được giấy báo tử mới biết, thì ra bấy lâu nay chị đã đầu quân vào một đơn vị bộ đội ở miền Đông. Chị chiến đấu rất dũng cảm, được đơn vị tin tưởng, đồng đội yêu thương, nhưng lúc nào chị cũng có một tâm trạng nặng nề. Chị ít khi cười, hay ngồi lặng lẽ một mình, đôi mắt luôn buồn hun hút. Rồi trong một lần đi công tác chị bị trúng bom, hy sinh - Anh thở dài - Chuyện này do một người đồng đội của chị tìm tới nhà, giao di vật của chị kể lại”.

Anh kết thúc câu chuyện bằng một câu hỏi: “Em thấy sao? Đã thông cảm cho chị ấy chưa?”.

Tôi thở dài im lặng, bởi thật sự tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì? Người ngoài như tôi có thông cảm cho chị được hay không cũng đâu có ăn nhằm gì, nhưng còn Vũ. Làm sao Vũ quên được hoàn cảnh chào đời của mình khi người đời luôn gọi anh là “Vũ Ô Rô”?

Anh nói bây giờ Vũ đã có vợ, có con rồi và đang sống với má anh ở quê. “Nó gắn bó với má, nên má thương nó còn hơn anh”. Trái với hoàn cảnh ra đời của mình, Vũ có vẻ ngoài rất sáng sủa, cao ráo, trắng trẻo… Sau những giờ chăm sóc mảnh vườn, Vũ đi đàn, hát…Vũ là thành viên của một nhóm đàn ca tài tử ở địa phương.

Tự dưng tôi thấy như mình được an ủi khi biết cuộc sống củaVũ khá thư thái, ung dung. Vậy mà câu chuyện này vẫn cứ ám ảnh tôi, rất lâu sau đó mà nó còn làm cho lòng tôi nặng nề, u ám.

Ngọc Thủy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 87)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 316
  • Khách viếng thăm: 310
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 15697
  • Tháng hiện tại: 536977
  • Tổng lượt truy cập: 60887115