Trở lại Nha Trang vào những ngày diễn ra Festival biển với nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước, tôi mới thấy được sự thay đổi, bức phá hết sức ngoạn mục của thành phố trẻ trung, năng động này. Nhớ lại gần 10 năm trước trong lần dự trại sáng tác trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đó cũng là lần đầu tiên tôi đến thành phố biển này. Khi ấy, Nha Trang không có nhiều tòa cao ốc cao chọc trời như bây giờ, chỉ có từng bãi cát trắng với những hàng dừa ngả nghiêng soi bóng xuống mặt biển, bờ biển uốn lượn chạy dài theo con đường Trần Phú đẹp như tranh vẽ.
Nghề thác yến sào đảo thiên nhiên ở Khánh Hòa với lịch sử hàng trăm năm |
Những ngày dự trại, tôi ở Nhà sáng tác Nha Trang, được xây trên vùng bờ biển mới mở rộng phía Tây thành phố, khi ấy hãy còn hoang sơ và buồn não ruột. Chúng tôi đùa nhau: Đây đúng là nơi lý tưởng dành để sáng tác văn chương. Đêm đêm, bọn tác giả trẻ chúng tôi lại có dịp họp mặt ở bãi đất trống bên cạnh Nhà sáng tác nhâm nhi vài ly rượu gạo và bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhờ đó mà tôi được làm quen với nhiều cây bút trẻ của Nha Trang cùng trang lứa lúc bấy giờ như: Khánh Linh (con nhà thơ Lê Khánh Mai), Đoàn Đại Trí, Hà Văn Đạo,…
10 năm trở lại, tôi đã vào hàng trung niên còn Nha Trang thì đang trong sức trẻ với nhịp sống hối hả và năng động không kém cạnh Sài Gòn, Hà Nội. Thành phố Nha Trang như được khoác lên mình chiếc áo mới và đang đổi thịt thay da từng ngày, khiến ai cũng phải giật mình ngỡ ngàng trước những chuyển mình về mặt cơ sở hạ tầng giao thông cũng như sự phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội. Hệ thống trục giao thông lớn Phạm Văn Đồng - Trần Phú và Đại lộ Nguyễn Tất Thành đã phá thế độc đạo vào Nha Trang, biến nơi đây là trở thành một thành phố mở cửa để đón nhận du khách và các nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về đây.
Vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa nằm trên trục giao thông Bắc Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy lẫn đường hàng không, lại được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên với vịnh biển đẹp hàng đầu thế giới. Nha Trang đã đi vào biết bao thơ ca, nhạc họa với nét đẹp dịu dàng như chính tên gọi của nó. Từ nhỏ tôi đã mê giọng ca Thanh Tuấn với bài vọng cổ “Nhớ Nha Trang”, và thường lẩm nhẩm hát theo: “Nhớ biển Nha Trang đêm hè lộng gió, mặt nước xanh rờn con sóng khẽ lời ru thì thầm trong đêm vắng, khơi đọng lòng anh càng yêu say đắm, nét mặt diễm kiều miền cát trắng quê em...”. Nơi đây còn nổi tiếng là xứ sở của trầm hương và yến sào - hai sản vật được chắt lọc từ tinh túy của rừng và biển. Riêng yến sào Khánh Hòa được ví như thứ “vàng trắng” được mẹ thiên nhiên ban tặng gắn liền với nghề khai khác yến với lịch sử hơn 700 năm ở xứ sở trầm hương. Nhiều năm nay, chiếc tổ yến bé nhỏ đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi cuộc sống ở thành phố biển này, góp phần tạo nên một Nha Trang lộng lẫy như một nàng công chúa xinh đẹp như hôm nay. Chỉ cần lấy con số hơn 1.000 tỷ đồng mà Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Yến sào Khánh Hòa) nộp cho ngân sách Nhà nước cuối tháng 12-2017 là đủ thấy được tầm quan trọng của con chim yến, giờ đây đã trở thành món đặc sản xuất khẩu được thế giới ưa chuộng mang không ít ngoại tệ về góp phần xây dựng
đất nước.
Độc đáo lễ hội yến sào
Hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng 5 (âm lịch), những người làm nghề yến khắp nơi lại tề tựu về đảo yến Hòn Nội (cách thành phố Nha Trang khoảng hơn 13 hải lý) để thắp nén nhang tri ân tiền nhân trong ngày giỗ tổ và tham dự lễ hội nghề yến mang đậm bản sắc văn hóa. Từ cảng Cầu Đá (ở phường Vĩnh Nguyên), theo chân đoàn người nô nức đi lễ từ sáng sớm tinh mơ, trên tay mang theo lỉnh kỉnh bao nhiêu lễ vật, nhang đèn, hoa quả… tôi mới thấy hết giá trị thiêng liêng của lễ giỗ đã được truyền nối từ hàng trăm năm nay. Trước khi lên tàu lên đảo yến, ai cũng phải bước qua khay nước diệt khuẩn, đó cũng là cách họ bảo vệ quần thể chim yến đang sinh sống trên đảo.
Hỏi về nguồn gốc và thủy tổ nghề yến, ông Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ: Theo sử sách ghi lại, năm 1328, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt trong chuyến công cán phương Nam gặp phải bão lớn, nên thuyền của họ bị dạt vào đảo Hòn Tre. Nhờ đó, ông tình cờ phát hiện tại các hòn đảo ngoài khơi vịnh Nha Trang này có rất nhiều tổ yến nên ông cho thành lập đội quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên quý này. Nghề yến sào ra đời từ đó và ông được người đời sau suy tôn là thủy tổ nghề yến sào Việt Nam.
An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang (sinh năm 1719, hậu duệ đời thứ 21 của Lê Văn Đạt) và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm là những người có công kế nghiệp. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu... cho nhà Tây Sơn. Ngày 10.5 năm Quý Sửu (1793), Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến. Từ đó, ngày 10.5 âm lịch hằng năm, người dân địa phương tổ chức cúng giỗ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn tại đền thờ tổ nghề yến trên đảo Hòn Nội, để ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối ngành nghề yến sào và những người đã ngã xuống để bảo vệ quê hương.
Đã thành thông lệ, ngay từ sáng sớm mùng 10/5 âm lịch, các bậc tiền bối cùng nhiều thế hệ những người trong nghề khai thác yến đã có mặt đông đủ trên đảo Hòn Nội để sắm sửa lễ vật, hương đăng, trà quả sẵn sàng cho lễ giỗ. Phần nghi lễ cúng có đầy đủ ban bệ từ thầy xướng đến chánh tế, bồi tế... Lễ cúng được tiến hành hết sức trang trọng và thiêng liêng với đầy đủ các nghi thức cúng bái cùng dàn lễ nhạc hòa trong không khí linh thiêng giữa biển trời bao la bốn bề sóng vỗ.
Ông Lê Văn Hùng, một trong số hậu duệ của thủy tổ nghề yến Lê Văn Đạt cho biết: “Năm nào tôi cũng cùng con cháu ra cúng tổ, dâng nén nhang thơm bẩm báo với tổ tiên những việc đã làm được trong năm qua và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mọi việc hanh thông”. Lễ cúng kết thúc bằng nghi lễ cúng tống na, tức là tiễn thần đi cùng với con thuyền đầy ắp lễ vật được đưa ra biển lớn. Sau lễ là phần hội với nhiều hoạt động tôn vinh những người có công đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghề yến sào và rất nhiều những hoạt động văn hóa, thể thao đậm đà phong vị biển.
Chủ tịch Lê Hữu Hoàng cho biết lễ giỗ tổ chính là dịp để các thế hệ những người gắn bó với nghề yến sào ôn lại lịch sử ngành nghề, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những bậc tiền bối cũng như tri ân “bà mẹ thiên nhiên" đã ban tặng nguồn “vàng trắng” quý giá cho vùng đất này. Từ đó phát huy các giá trị truyền thống, mọi người cùng chung tay giữ gìn, xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng phát triển bền vững.
Chuyện về những người giữ đảo yến
Cheo leo trên những mỏm đá, bên cạnh những hang yến là những chiếc chòi canh nhỏ, nằm trơ trọi giữa nắng gió biển khơi, đó là nhà của những người giữ đảo yến, họ như những những chàng “Robinson thời hiện đại”. Cách đất liền hàng chục hải lý và trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt nhưng nhiều năm qua họ luôn ngày đêm bám đảo bảo vệ đàn chim yến, giúp ngư dân trú tránh bão, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng bảo vệ môi trường và chủ quyền biên giới biển, đảo quê hương.
Đây chính là lực lượng tự vệ biển Công ty Yến sào Khánh Hòa, hiện có khoảng 800 thành viên. Anh Nguyễn Xuân Ninh, Phó Chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ biển cho hay: “Phần lớn tụi em là quân nhân xuất ngũ, công an chuyển ngành được bồi dưỡng chính trị, đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, huấn luyện võ thuật, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, khai thác, phát triển các hang yến, đảo yến trên vùng biển Khánh Hòa”. Anh Ninh cho biết: Ngày xưa, làm nghề này vô cùng nguy hiểm và gian khổ. Sợ nhất là bọn hải tặc vào cướp yến sào, nên người gác đảo thời đó phải giỏi võ, đồng thời phải thạo bơi lặn, leo trèo, chịu đựng thiếu thốn mọi bề. Rồi sau này là những người đi mót yến. Có khi yến đang trong thời điểm khai thác, nhiều người cứ ngang nhiên vào cạy tổ yến, nên đã xảy ra không ít cuộc đụng độ với những người canh yến trên đảo.
Khó khăn là thế nhưng ai cũng yêu nghề mến nghiệp, có anh đã có vài chục năm ở đảo. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính ở đảo các anh tham gia bảo vệ môi trường sống cho đàn yến, canh chừng không cho những ngư dân thiếu ý thức dùng thuốc nổ đánh cá ở vùng biển xung quanh các đảo yến đồng thời tìm cách bảo vệ chim yến trước kẻ thù như chim cắt, chuột… Anh Ninh chia sẻ: Bây giờ cuộc sống của anh em trên đảo cũng đỡ vất vả hơn phần nào. Ở những đảo lớn đã có điện năng lượng mặt trời, có phương tiện để liên lạc về nhà chứ trước đây toàn gửi đường thư, có khi cả tháng trời mới đến… Thế nhưng, cứ mỗi lần ở nhà điện thoại ra cho hay người thân ốm đau là chúng tôi lại lo sốt vó cả lên, vì không thể về ngay được. Chuyện nhà cửa, con cái học hành coi như giao hết cho vợ ở nhà…
Vị trí các đảo yến nằm cách xa đất liền, là điểm tiền tiêu trọng yếu trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc phòng của tỉnh Khánh Hòa. Ông Hoàng cho biết, được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy quân sự thành phố Nha Trang, công ty đã thành lập 2 trung đội tự vệ biển, cùng đội tàu 36 chiếc phục vụ cho công tác cơ động tuần tra; xây dựng trung tâm huấn luyện quân sự với các phương tiện hiện đại bảo vệ quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Sẵn dịp ông khoe về Trung tâm Huấn luyện quân sự tại đảo Bàng Lớn (thuộc vùng biển Nha Trang) với đầy đủ trang thiết bị và phương tiện để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà công ty đã bỏ tiền đầu tư xây dựng. "Hàng năm chúng tôi đều tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cũng như võ thuật, quân sự và có những chế độ đãi ngộ đối với anh em bảo vệ đảo nhằm bảo vệ an toàn các sản phẩm trên các đảo yến và bảo vệ an ninh trật tự trên khu vực các đảo do công ty quản lý" - Anh Ninh chia sẻ với tôi.
Trên đảo mỗi ngày chỉ nghe tiếng sóng, tiếng gió và tiếng kêu lao xao của những đàn chim yến. Dịp lễ giỗ tổ mỗi năm, đó là lúc đảo trở nên nhộn nhịp, đông vui nhất. Và những người lính lại có dịp quay quần bên nhau cùng với cây đàn ghi-ta cất cao tiếng hát yêu đời: “Những người lính đảo yến chúng tôi, giữa biển khơi nắng mưa quen rồi. Vẫn vượt khó dù cho gió sương, vẫn sẻ chia biết bao ngọt bùi...”. Đó cũng là nỗi lòng của những người lính đảo xa nhà được nhạc sĩ Thế Hiển nói hộ trong bài hát “Những người lính đảo yến”, nên ở đây các anh ai cũng thuộc nằm lòng.
Suốt nhiều năm qua, lực lượng tự vệ biển đóng trên các đảo vừa làm nhiệm vụ bảo vệ đàn chim yến, vừa phối hợp cùng đơn vị quân đội bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Anh Lê Ngọc Tài, thành viên đội tự vệ biển trên đảo A6 chia sẻ: “Địa hình trên đảo khá hiểm trở, những chiến sĩ trong tự vệ biển phải bạt đá núi làm đường tuần tra, tựa vào những vách, mỏm đá để dựng lên các đài quan sát, chòi canh kiên cố”. Chỉ vào mấy luống rau xanh anh Tài nói thêm: “Chúng tôi cũng phải tăng gia rau xanh, trồng cây phủ bóng mát trên đảo, tạo chỗ ăn ở, nghỉ ngơi ổn định cùng nhau yên tâm bám trụ giữ đảo”. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các anh không chùn bước, vượt qua thử thách bám biển giữ đảo, kế tục sự nghiệp cha ông, trấn giữ một vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực hiện tốt phương châm hoạt động là: Đàn chim yến ở đảo càng tăng, hoạt động an ninh biển đảo càng được tăng cường, củng cố; càng khai thác, sử dụng nhiều diện tích biển đảo cho sự phát triển quần thể chim yến và khai thác yến sào, càng phải tăng cường hiệu quả sự phối hợp giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng - Ông Hoàng khẳng định như thế với tôi!
Yến sào Khánh Hòa bay xa
Nói đến yến sào ở Khánh Hòa là nói đến yến đảo thiên nhiên với giá trị và chất lượng tốt đã được hình thành và phát triển từ lâu đời. Được các vua nhà Nguyễn coi là tài nguyên quốc gia, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), hình chim yến đã được khắc trên Tuyên Đỉnh đặt trong hoàng thành ở kinh đô Huế…
Yến sào Khánh Hòa với nguồn gốc địa hóa, thành phần hóa học, khoáng vật phong phú từ các hang yến trên đảo nên có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao và mùi vị đặc trưng của tổ yến đảo thiên nhiên. Đặc biệt, tổ yến huyết, yến hồng ở Khánh Hòa có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều hoạt chất quý, bổ dưỡng nên mặc dù giá cao gấp đôi, gấp ba so với yến sào của các nước khác nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng. Nói không ngoa thì yến sào của “xứ sở trầm hương” quả thực sự là một món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nên từ xưa đã được xếp vào hàng bát trân (tám món ăn cao lương mĩ vị) để dâng lên vua chúa.
Họ chim yến có gần 100 loài, trong đó phân loài chim yến hàng (aerodramus fuciphagus) là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt là ở các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam nước ta. Chúng thường làm tổ trong các hang, ngách, vách đá cheo leo trên các đảo hoang, hiểm trở. Đây là loài cho tổ yến đảo thiên nhiên với chất lượng cao đứng hàng đầu thế giới, mà hiện nay Khánh Hòa khai thác với sản lượng vào khoảng 3,5 tấn / năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, yến sào có chứa nhiều protein và các axit amin không thay thế như: Arginine, Leucine, Phenylalamine, Threonine, Valine… với hàm lượng rất cao (34,31%). Những chất này có giá trị dinh dưỡng cao và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển, phòng chống bệnh tật và phục hồi sức khỏe cho con người. Yến sào còn chứa nhiều nguyên tố khoáng đa lượng và vi lượng với hàm lượng cao, rất cần thiết cho nhu cầu của cơ thể. Đặc biệt là những yếu tố vi lượng có vai trò đặc biệt trong việc hình thành các hormon sinh trưởng, giúp cơ thể phát triển hài hòa và khỏe mạnh.
Không những thế, dựa trên những nghiên cứu thực tiễn và các bằng chứng nghiên cứu khoa học được công bố gần đây cho thấy yến sào có những hoạt tính sinh học và y dược rất quý như khả năng kháng ung thư và hỗ trợ điều trị ung thư, kháng cao huyết áp, kháng virus, chống lão hóa, làm sáng mịn da và giảm nếp nhăn, kích thích sản sinh collagen, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, tăng cường chức năng sinh lý đàn ông… Ông Lê Hữu Hoàng phấn khởi cho hay những kết quả nghiên cứu này đang mở ra triển vọng phát triển kinh doanh những sản phẩm thực phẩm chức năng, hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe cũng như sắc đẹp từ sản phẩm yến sào mà công ty đang đầu tư, nghiên cứu…
Liên tục trong nhiều năm qua, Yến sào Khánh Hòa đã triển khai thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, không ngừng cải tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong nước và vươn tầm chinh phục thị trường thế giới. Ông Hoàng cho biết trong năm 2017, mức tiêu thụ sản phẩm của Công ty Yến sào Khánh Hòa tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao với thị trường trong nước và quốc tế ngày càng được mở rộng cùng hơn 40 dòng sản phẩm. Hiện nay, Yến sào Khánh Hòa có trên 1.000 nhà phân phối tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; trên 30 nhà phân phối tại các nước trong khu vực châu Á, châu Úc, Hoa Kỳ và nhiều vùng lãnh thổ. Công ty đang quản lý 33 đảo yến với hơn 170 hang yến trải dài từ Quảng Bình đến Côn Đảo.
Theo các nhà nhập khẩu, yến sào Khánh Hòa được ưa chuộng và có giá cao hơn hẳn các nước có nghề nuôi chim yến như Malaysia, Indonesia, thậm chí cao hơn gấp 5 lần so với yến sào Thái Lan. Do có nguồn thức phong phú, đa dạng cùng với khí hậu thích hợp nên Yến sào Khánh Hòa đã trở thành thương hiệu uy tín với những đặc điểm như tổ yến có màu trắng hơn, kích thước lớn hơn, mỗi ký yến chỉ cần 90 tổ và không lẫn nhiều tạp chất.
Với kinh nghiệm ngành nghề truyền thống yến sào lâu đời kết hợp với khoa học công nghệ hiện đại, Yến sào Khánh Hòa đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP; thực hiện tiêu chuẩn tích hợp của Cộng đồng châu Âu IFS, tiêu chuẩn Liên hiệp Anh BRC, tiêu chuẩn FDA Mỹ, nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ. Yến sào Khánh Hòa đã gặt hái được nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý, tiêu biểu như: Anh hùng Lao động, Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải vàng chất lượng quốc gia, Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng doanh nghiệp lớn bậc nhất Đông Nam Á cho hạng mục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Asean Business Award...
“Tự hào về truyền thống lịch sử gần 700 năm nghề yến, Công ty mong muốn kế thừa, chuyển giao và lưu giữ bí quyết, kỹ thuật khai thác nhằm duy trì và phát triển, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống của dân tộc theo định hướng bền vững. Để giữ vững được thị trường cũng như thương hiệu, Yến sào Khánh Hòa luôn nỗ lực không ngừng, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty còn chú trọng nghiên cứu khoa học, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm” - Ông Lê Hữu Hoàng khẳng định đầy quyết tâm.
Bảo tồn và phát triển yến đảo
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề Yến sào Khánh Hòa đã được duy trì từ đời này sang đời khác và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Hiện nay, Khánh Hòa là địa phương có số đảo yến tự nhiên nhiều nhất trong cả nước. Ông Lê Hữu Hoàng chia sẻ: "Để bày tỏ sự biết ơn đối với tổ nghiệp cũng như các bậc tiền nhân, thời gian qua chúng tôi không ngừng đầu tư phát triển ngành nghề, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, củng cố và mở rộng nhiều hang đảo… Song song đó, chúng tôi còn liên kết với các địa phương có chim yến, cùng “chung sức, đồng lòng” xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam.”
Nghi thức Lễ giỗ tổ |
Thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát triển quần thể chim yến, từ năm 2000 đến nay Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về chim yến từ việc ấp nuôi nhân tạo, nhân đàn di đàn chim yến đến các đảo, phát triển quần thể chim yến hàng… góp phần tăng nhanh đáng kể quần thể chim yến tại Việt Nam.
Ông Hoàng phấn khởi cho hay trong giai đoạn 2001-2014, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát triển 129 hang yến mới, nâng tổng số hang yến lên 169 hang và đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á chứng nhận về số lượng hang đảo yến nhiều nhất, sản lượng khai thác yến sào đảo yến thiên nhiên lớn nhất châu Á. Hiện nay, Yến sào Khánh Hòa là đơn vị dẫn đầu cả nước về quản lý, khai thác, chế biến và phát triển bền vững nguồn tài nguyên yến sào từ đảo yến thiên nhiên. Chia sẻ bí quyết thành công, ông Hoàng khẳng định: Bí quyết đầu tiên phải kể đến là những hoạt động bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu bên cạnh việc khai thác tổ yến và đa dạng hóa các sản phẩm từ yến sào. Những năm qua bên cạnh việc khai thác, hoạt động của Công ty Yến sào Khánh Hòa luôn gắn liền với việc quản lý và phát triển đàn yến, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững biển đảo. Việc dày công nghiên cứu để bảo tồn và nhân rộng đàn yến cũng đã góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm yến sào của công ty.
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam” được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao: “Trước tình hình biến đổi khí hậu, đô thị hóa thời gian gần đây, Yến sào Khánh Hòa đã có những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc góp phần phát triển ngành nghề yến sào tại Việt Nam, di đàn, nhân đàn, nâng cao chất lượng sản phẩm... Việc phát triển bền vững ngành nghề yến sào là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi chiến lược biển đảo ở nước ta hiện nay”.
Từ năm 2011, Yến sào Khánh Hòa triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” góp phần quan trọng trong việc đưa nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn tỉnh cũng như nhiều địa phương trong cả nước ngày càng phát triển bền vững. Là người “miệng nói tay làm”, ông Lê Hữu Hoàng đã cùng các cộng sự dày công nghiên cứu những đặc điểm sinh học, sinh sản của chim yến; kỹ thuật xây dựng nhà yến; xây dựng quy trình nuôi chim yến trong nhà; cho đến nghiên cứu các vật liệu, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến… Một số đề tài khoa học do ông làm chủ nhiệm được đánh giá cao và đã ứng dụng thành công vào thực tiễn như: Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam; Khai thác và phát triển nguồn gen chim yến đảo phục vụ phát triển bền vững nghề chim yến của Việt Nam; Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà, v.v…
Công ty đã thành lập hẳn Trung tâm Kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến Sanatech để chiêu mộ những kỹ sư được đào tạo bài bản cả trong nước lẫn nước ngoài để cùng nghiên cứu về chim yến. Theo lời ông Hoàng thì hiện nay, Sanatech được xem là nhà tư vấn kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến hàng đầu Đông Nam Á, có chức năng chuyển giao bí quyết kỹ thuật, công nghệ ấp nuôi nhân tạo chim yến cho các cá nhân và tổ chức; nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị nuôi chim yến trong nhà. Đến tham quan trung tâm, tận mắt nhìn các cán bộ, nhân viên ở đây chăm chút cho từng con chim yến từ việc theo dõi ấp nở, cho ăn, theo dõi bệnh, huấn luyện bay… mới thấy được sự tận tâm với công việc. Mỗi con chim yến ở đây đều được đánh số, theo dõi từng ngày tuổi, con nào chết đều phải báo cáo. Tại đây, dựa trên các kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh học của chim yến hàng, trung tâm đã tiến hành lấy trứng yến để ấp nở tự nhiên, chăm sóc yến non từ việc mớm mồi nhân tạo, phòng chữa các loại bệnh, luyện tập cho chim bắt mồi… để sau đó thả về môi trường tự nhiên tái tạo đàn.
Những chòi canh chênh vênh trên đảo của lực lượng bảo vệ đảo yến |
Ông Lê Hữu Hoàng khẳng định: Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn. Để phát triển bền vững nghề nuôi yến nhà trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành về chim yến, tập trung nghiên cứu cấu trúc quần thể chim yến của các địa phương, nghiên cứu thiết bị công nghệ sử dụng trong nhà yến, phòng trừ dịch bệnh, công nghệ tạo nguồn thức ăn, công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến.
Có thể thấy bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty Yến sào Khánh Hòa luôn coi trọng công tác bảo tồn và phát triển đàn yến, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên công ty và người dân trong việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng tới việc phát triển bền vững. Trong dịp Festival biển Nha Trang, công ty đã tổ chức lễ thả hơn 10.000 con cá giống xuống khu vực biển thuộc đảo yến Đông Tằm để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là một trong những hoạt động thiết thực và hết sức ý nghĩa, nhằm góp phần bảo tồn, đa dạng hóa nguồn lợi thiên nhiên trên vịnh biển Nha Trang.
*
Buổi chiều trên biển Nha Trang, từng đàn chim yến kéo nhau về tổ kêu inh ỏi một góc đảo yến. Những con chim yến bé nhỏ lại mang trong mình sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Những chiếc tổ yến quý giá từ chính nước bọt của chim yến, chúng dùng lưỡi đẩy nước bọt ra khỏi miệng và cần mẫn quẹt nhiều lần lên vách hang để dệt thành tổ yến. Đó là món quà tinh túy và bổ dưỡng, được chắt lọc từ thiên nhiên dâng tặng con người. Nhạc sĩ Thế Hiển đã xúc cảm viết nên ca khúc “Đêm mơ thành chim yến” với ca từ đậm chất thơ: “Đêm mơ thành chim yến dâng hương cho cuộc đời /Yến sào đắm vị quê có biển sóng và thơ / Và ta nhớ bên em ngày ấy về đảo yến hát say biển ngàn / Để ta nhớ Nha Trang và cát cùng đập xô trùng khơi bát ngát…”.
Nha Trang đã lên đèn. Trên biển nhìn về Nha Trang rực rỡ với bao ánh đèn, thứ ánh sáng rực rỡ còn phồn hoa, thịnh vượng, của sự phát triển. Những ánh đèn vút lên nền trời đêm như hàng ngàn đôi cánh của chim yến đang bay lên. Nha Trang đang cất cánh và đôi cánh ấy như được tiếp thêm sức sống của loài chim yến, “vàng trắng” của xứ sở trầm hương.
Vàng trắng, xứ sở, trầm hương, phóng sự, ghi chép, Trương Trọng Nghĩa
Ý kiến bạn đọc