ÐƯỜNG 4 MỸ THO: Ký ức một thời…

Đăng lúc: Thứ tư - 11/07/2018 13:52
Trung tướng Nguyễn Văn Thi

Trung tướng Nguyễn Văn Thi

Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi nghe tôi hỏi về kỷ niệm một thời đánh Mỹ trên Mặt trận Đường 4 năm xưa, trung tướng Nguyễn Văn Thi (Mười Thạnh) bỗng trở nên hoạt bát, sôi nổi lạ thường. Với tay lấy cuốn sổ đã ngã màu qua năm tháng trên chiếc kệ gần đấy lật xem qua một số trang, giọng trung tướng nhẹ nhàng cất lên vừa trầm, vừa ấm tuy hơi khào khào một chút nhưng nghe rất rõ:
- Đường 4 thời Pháp thuộc gọi là Lộ Đông Dương (Quốc lộ 1 hiện nay) là tuyến đường bộ huyết mạch từ Sài Gòn đi về các tỉnh miền Tây. Riêng đoạn đi qua Mỹ Tho dài khoảng 72 km, có tổng cộng 72 cái cầu, trong đó cầu dài nhất là cầu An Hữu, dài 159 mét. Trên thực tế, mặt trận đánh phá giao thông Đường 4 đã có từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau chiến dịch Bình Trưng, đầu năm 1950, lần đầu tiên ta chính thức thành lập Mặt trận đánh phá giao thông Lộ Đông Dương, do đồng chí Nguyễn Văn Ty, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Mỹ Tho làm Chỉ huy trưởng…

Ký ức một thời bỗng dưng ùa về làm khuôn mặt trung tướng trở nên đăm chiêu, ra chiều suy nghĩ. Nhưng chỉ một lát sau đó, giọng trầm, ấm của trung tướng lại cất lên:

- Với độ dài trên 70 km và mỗi cầu chỉ cách nhau trung bình chừng 1 km, nên Mặt trận Đường 4 Mỹ Tho trở nên vô cùng ác liệt và trở thành chiến trường trọng điểm của khu Trung Nam bộ. Vì vậy, ngày 4-11-1963, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 quyết định chính thức thành lập Mặt trận Đường 4, do đồng chí Trần Hữu Danh, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho làm Chỉ huy trưởng.

Mặt trận Đường 4 ra mắt bằng một trận đánh tuyệt vời: Đánh sập cầu Hòa Khánh, đây là cây cầu sắt dài 61 mét, bắc ngang sông Trà Lọt chảy từ sông Tiền vào nối với kinh 28. Đây cũng chính là trận đánh cầu đầu tiên trên Đường 4, kể từ sau ngày ta nổi dậy Đồng khởi, làm tắc nghẽn giao thông nhiều ngày.

Trải qua bao đời Chỉ huy trưởng Mặt trận: năm 1967 là đồng chí Lê Văn Nhỏ, cán bộ cấp trung đoàn của khu; năm 1968 là đồng chí Trần Hữu Danh, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Mỹ Tho; năm 1971 là đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho; từ năm 1974 đến 30-4-1975, Chỉ huy trưởng là đồng chí Mười Phục, Trưởng phòng Dân quân Khu 8. Đường 4 luôn bị đánh phá, nhiều lần bị cắt đứt, có khi bị tắc nghẽn lên tới hàng chục ngày như khi ta đánh sập cầu Bà Tồn, cầu Hòa Khánh, cầu Mỹ Đức Tây, cầu Cổ Cò, cầu An Hữu… trong đó cầu Bà Tồn và cầu Hòa Khánh 3 lần bị ta đánh sập.

Càng kể, giọng trung tướng càng sôi nổi nhưng thỉnh thoảng khi nhắc đến những trường hợp hy sinh anh dũng của đồng đội, giọng trung tướng lại chùng xuống, đôi mắt hoe hoe đỏ. Trầm ngâm một lát, trung tướng lại kể tiếp:

- Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiệm vụ cắt đứt Đường 4 vô cùng khó khăn và nặng nề, gian nan và ác liệt. Địch dồn lực lượng, hỏa lực cố sống cố chết giằng co với ta từng giờ, từng ngày trên con đường huyết mạch này. Đường 4 trở thành con đường sinh tử. Địch cố giữ để chờ viện binh từ miền Tây kéo lên cứu nguy hoặc từ Sài Gòn rút về miền Tây cố thủ. Ta kiên quyết chặt đứt, cắt đứt để đập tan chiến thuật, chiến lược, âm mưu, kế hoạch của kẻ thù, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trung tướng vui thú tuổi già với cây kiểng

Ngày 6-4-1975, Trung ương Cục giao nhiệm vụ cho Khu ủy Khu 8: “Tập trung lực lượng ba mũi giáp công cắt đứt hoàn toàn Đường 4 và kênh Chợ Gạo. Mở mũi tiến công từ hướng Nam đánh vào Sài Gòn, chiếm một trong năm mục tiêu then chốt của chiến dịch và tự lực giải phóng địa phương”. Ngày 9 tháng 4, Tỉnh ủy Mỹ Tho nhận được lệnh Khu ủy Khu 8: “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Ngày 14 tháng 4 Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua Chiến dịch Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ đánh phá, cắt đứt Đường 4 của quân và dân Mặt trận Đường 4 Mỹ Tho vinh dự là một trong năm cánh tiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đêm 25 tháng 4, khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh phát lệnh nổ súng trên toàn địa bàn chiến dịch, lực lượng chủ lực của địch tại Mỹ Tho vẫn còn rất mạnh. Bao gồm: 6 trung đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 7 và sư đoàn 9 ngụy; 13 tiểu đoàn bảo an cùng với hàng ngàn cảnh sát, dân vệ, phòng vệ xung kích, có pháo binh, xe tăng yểm trợ.

Về phía ta, ngoài lực lượng đã bố trí cho Mặt trận Đường 4, còn có lực lượng chủ lực của Quân khu 8 hỗ trợ. Song, để tăng cường thêm sức mạnh bảo đảm cho quyết tâm cắt đứt Đường 4, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Mỹ Tho đã thành lập Mặt trận Tứ Kiệt, phân công đồng chí Lê Quế, Chính trị viên phó Tỉnh đội làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Châu Thế Bình, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Bắc làm Chính trị viên; đồng chí Hồ Thị Đỉnh, Tỉnh đội phó làm Chỉ huy phó. Nhiệm vụ của Mặt trận Tứ Kiệt là cắt đứt Đường 4 đoạn Cai Lậy.

Đêm 26 tháng 4, Ban Chỉ huy Mặt trận Đường 4 Mỹ Tho đóng tại Điềm Hy (Châu Thành) ra lệnh cho các lực lượng trên toàn tuyến nổ súng đánh chiếm Đường 4 với quyết tâm: Chặt đứt Đường 4, cắt đứt Đường 4, không cho địch từ miền Tây lên cứu viện và không cho bọn tàn quân từ Sài Gòn chạy về miền Tây cố thủ. Khí thế những ngày cuối tháng 4 vô cùng sôi động, lực lượng quân và dân cả 5 huyện (Châu Thành Bắc - Châu Thành Nam - Cai Lậy Bắc - Cai Lậy Nam và Cái Bè) có Đường 4 đi qua từ Tân Hương tới Mỹ Thuận nhất tề tràn lên Đường 4. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, lực lượng sư đoàn 7, sư đoàn 9 ngụy và các tiểu đoàn bảo an đi giải tỏa liên tục bị đánh bật, bị tiêu diệt. Nhiều đoạn đường bị lực lượng công binh đặt mìn đánh bứt hàng chục mét. Hàng chục ngàn quần chúng tràn lên đường ban phá, đắp mô, đặt chướng ngại vật, thậm chí đặt cả tổ ong vò vẽ, không cho địch lấn chiếm khắc phục, sửa chữa. Ngay cầu Bến Chùa cũng đã bị ta đặt mìn tính đánh sập theo kế hoạch, nhưng sau đó có lệnh hoãn. Đường 4 bị chặt đứt từng khúc và bị cắt đứt hoàn toàn.

 Nhiệm vụ và sứ mạng lịch sử hoàn thành, quân và dân Mỹ Tho vô cùng tự hào được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Kỷ niệm ngày 30 tháng 4 lịch sử, chúng ta không thể quên công ơn của những người con trung hiếu đã anh dũng hy sinh trên Mặt trận Đường 4 và càng không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng quần chúng nhân dân. Bài học lấy dân làm gốc rút ra từ trong chiến tranh, từ trong chiến thắng cho đến hôm nay và mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị.

Ghi theo lời kể của trung tướng Nguyễn Văn Thi.

Đậu Viết Hương
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 85)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 406
  • Khách viếng thăm: 404
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 8270
  • Tháng hiện tại: 1874049
  • Tổng lượt truy cập: 48248176