Vài kỷ niệm với bút nhóm Cuối Trời và phong trào sinh viên học sinh trước 1975

Đăng lúc: Thứ năm - 01/06/2017 09:13
Tôi biết đến phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn từ một duyên may tình cờ. Năm 1972 đang học lớp 9 trường trung học quận lỵ, tôi có tham gia viết bài cho một số trang dành cho tuổi mới lớn như Vườn Hồng (báo Dân Chủ Mới), Tuổi Lá Mạ (báo Điện Tín)… Một lần, trên tờ Điện Tín tôi đọc thấy lời mời tham gia một bút nhóm sáng tác. Hồi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu thấu đáo những ẩn ý sâu xa tôn chỉ mục đích mà bút nhóm đăng tải, chỉ thấy thích vì mình đạt tiêu chuẩn gia nhập nhóm: có 2 sáng tác in trên báo. Tôi cắt phiếu xin gia nhập, điền thông tin kèm 2 tấm ảnh và 2 đồng tiền phí làm thẻ, bỏ vô bao thư, náo nức ra bưu điện gửi.
Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Không đầy một tuần sau tôi nhận được một bì thư dày. Hồi hộp mở ra thấy cái thẻ hội viên bút nhóm với tấm hình tôi dán phía trái dưới logo mặt trời mọc (biểu tượng của bút nhóm), tờ giới thiệu về ban điều hành, thông báo hoạt động, 2 lá thư của anh trưởng nhóm Lê Đình Đăng và chị thủ quỹ Uyên Thy. Anh Đăng nói từ nay tôi sẽ là thành viên của Cuối Trời, giờ viết bài đăng báo có thể đề bên dưới tên mình “Bút nhóm Cuối Trời” thay vì là cái câu mà tôi thường ghi chung chung là: Khung trời áo trắng, Khung trời quận lỵ… Chị Uyên Thy “nhiệt liệt” chào mừng tôi là một trong những thành viên nữ ít ỏi và nhỏ tuổi nhất của nhóm, dặn dò khi có dịp lên Sài Gòn thì ghé “văn phòng” của nhóm ở đường Lý Thái Tổ, chị sẽ dẫn đi ăn… bò bía.

 

Việc tham gia bút nhóm Cuối Trời đã mở ra cho việc viết lách của tôi nhiều ý hướng mới. Trước đây bài viết của tôi thường là những xúc cảm, mơ mộng của tuổi mới lớn, loanh quanh chuyện bạn bè ở lớp, ở trường. Đọc đi đọc lại điều lệ và tôn chỉ, ở mục sáng tác, cái câu: Viết cho Việt Nam hòa hợp, hòa bình…, và những ấn phẩm quay ronéo của nhóm mà tôi nhận được hàng tháng, tôi thấy những gì mình viết trước giờ sao mà lạc lõng. Hồi đó lên lớp 9, 10 hầu như cô nào cũng chép đầy trong sổ tay thơ tình Xuân Diệu, Nguyên Sa,... đặc biệt những tình khúc học trò đang nổi đình nổi đám của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ nhạc. Những Tuổi mười ba, Áo lụa Hà Đông, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Em hiền như ma sơ…, dẫn người ta vô một thế giới lãng đãng, mộng mơ khác hẳn với những thân phận trong những đoản văn, bài thơ đăng trong các tuyển tập của nhóm mà tôi nhận được hàng tháng. Đó là những người dân phải bỏ làng quê ruộng vườn tản cư ra phố sống cuộc đời thị dân dưới gầm cầu, trong những xóm lao động chen chúc, mưu sinh vất vả bằng cách vắt kiệt thân xác mà trong lòng luôn ăm ắp nỗi khắc khoải quê nhà.

 

Cũng từ sự giới thiệu của các anh chị trong nhóm, từ chỗ miệt mài ngấu nghiến với truyện của Quỳnh Dao, Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, đặc biệt tiểu thuyết diễm tình của nhà văn trẻ Lệ Hằng đang nổi đình nổi đám bấy giờ, tôi bắt đầu tìm đọc Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, truyện của Lê Vĩnh Hòa, Vũ Hạnh… Và đặc biệt là những truyện ngắn của Văn Phụng Mỹ (nhà văn Trang Thế Hy): Vầng trăng bên kia sông, Nắng đẹp miền quê ngoại… Từ  việc đắm chìm trong những vần thơ sầu mộng của các tác giả tiền chiến, lãng đãng, thất tình của Nguyên Sa, Du Tử Lê,… tôi bắt đầu làm quen với những bài thơ viết về quê hương, cuộc chiến, thân phận tuổi trẻ trên đất nước lầm than… Những câu thơ của Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục…, đặc biệt của các anh chị trong nhóm đã mở ra cho tôi hình dung mới về thực tế cuộc sống, những cảm nhận mới mẻ mà văn chương mang lại.

 

Cho đến giờ tôi vẫn không quên được những vần thơ từng lay động tâm thức, trong các tuyển tập của bút nhóm Cuối Trời:

 

Có những tối nghe xa bom đạn nổ

 

Có những chiều mơ lạc dáng em thơ

 

Ta bỗng thấy ai về theo tiếng thở

 

Nhạc hùng ca âm điệu ngút rừng thưa

 

Kính thưa mẹ đã già thêm tuổi nữa

 

Đang chờ con ngày tháng mỏi mòn thương

 

Cây có cội mai con về thôn xóm

 

Để hôn lên làn tóc bạc pha sương…

 

Chiều bỗng dưng buồn như thời mới lớn

 

Tóc xanh mơ già tuổi để vào đời

 

Bước lạc lõng giờ mong manh nhỏ lại

 

Tìm trong muôn hạt cát vị cơm ôi.

 

Tay sửa lại vành nón đen áo vải

 

Áo ngày xưa ba mặc lúc ra đồng

 

Xin trả lại những gì xa cách mãi

 

Để ngày sau tự hỏi có còn không.

 

(T.M)

 

Tôi không bó hẹp cảm nhận của mình trong lớp học, trong gia đình nữa, mà dần dà tập quan sát cuộc sống chung quanh. Tôi bắt đầu viết về chú Xái đạp xích lô, ông Chín Trầu, bà Năm bán bánh bò, những người thanh niên trẻ bị bắt lính trở thành thương phế binh sống trong xóm lao động nghèo. Rồi truyện của tôi được chọn đăng trong cuộc thi dành cho “người lớn” trên một tờ báo nổi tiếng, dù chưa được giải thưởng nhưng đó là niềm vui, khích lệ không nhỏ.

 

Ấn tượng nhất là mỗi dịp nghỉ hè được lên Sài Gòn chơi, tôi luôn tìm tới căn gác chênh vênh trong hẻm sâu ở quận 3, “văn phòng” của nhóm. Vào những ngày chuẩn bị ra tuyển tập, ban điều hành có mặt đầy đủ, người gõ máy đánh chữ, kẻ gò lưng vẽ tít tựa, minh họa… Họ đa số là sinh viên ở các trường đại học, mà sau nầy tôi từ từ nhận ra ngoài việc tới giảng đường, họ còn tham gia hoạt động bí mật nào đó. Một lần khi phụ dò morat, tôi tình cờ nhìn thấy trong xấp giấy stenxin được đánh máy để quay ronéo, không chỉ là bài vở mà còn là những khẩu hiệu như: Chống quân sự hóa học đường, Chống đôn quân bắt lính, Đòi quyền tự trị đại học… Rồi một ngày trước buổi biểu tình rầm rộ đòi đưa ra xét xử các sinh viên bị bắt, giam giữ từ cuộc đấu tranh chống bầu cử tổng thống độc diễn tháng 10 năm 1971 được báo chí đưa tin rầm rộ sau đó, tôi đã thấy tận mắt trong căn gác nhỏ các anh chị cặm cụi vẽ hình chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình in trên ngực áo để mặc hôm xuống đường. Cũng tại văn phòng này, tôi đã may mắn gặp chính nhạc sĩ Miên Đức Thắng khi ông ôm đàn hát ca khúc Hát từ cánh đồng hoang của chính mình. Sau này tôi biết đó là những buổi diễn tập cho những “Đêm không ngủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”…

 

Giữa năm 1974 sắp bước vào mùa khai giảng lớp 11, tôi nhận được thông báo bút nhóm sẽ ra một tuyển tập kỷ niệm 3 năm thành lập với quy mô tăng trang tăng số lượng. Tuyển tập lấy tên là: Tháng chín bây giờ. Ngoài việc góp bài vở, anh trưởng nhóm phân công tôi phát hành một ít ở quận lỵ, chủ yếu là trong các lớp học của trường. Tuyển tập được chuẩn bị công phu từ nội dung và hình thức. Bên trong có nhiều chuyên mục: Viết cho Việt Nam điêu linh, Viết cho Việt Nam độc lập, Viết cho Việt Nam hòa bình, và lời mở đầu là sự nhắc nhở, bâng khuâng, tiếc nhớ về một mùa thu xa xưa hào hùng nào đó. Tuyển tập vừa phát hành được một ít thì cảnh sát ập vào văn phòng tịch thu hết số còn lại. Anh trưởng nhóm và một số người trong ban điều hành bị bắt giữ.

 

Sau 1975, một lần họp mặt ở Thành đoàn, tôi gặp lại anh trưởng nhóm. Anh kể từ giữa năm 1972, vì chính quyền Sài Gòn tiến hành bắt hết các lãnh đạo sinh viên, Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên đã tan rã, các hoạt động phải đi vào bí mật, một số núp dưới danh nghĩa các bút nhóm, thi văn đoàn để quy tụ lực lượng, kêu gọi người trẻ liên kết, tìm những cách thức đấu tranh mới. Tôi tiếc nuối vì lúc ấy không được tham gia những “Đêm không ngủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, những cuộc xuống đường biểu tình. Anh nói khi ấy tôi còn nhỏ quá nên nhóm không muốn tôi “dấn thân”, vì nguy cơ bị bắt bớ luôn chực chờ . Vả lại việc tôi tham gia viết bài cho các tuyển tập phát hành 17 phân khoa cũng đã là góp mặt cho phong trào…

 

Hơn 40 năm trôi qua, nhớ lại những ngày sinh hoạt ở bút nhóm Cuối Trời, tiếp xúc với các anh chị lãnh đạo phong trào sinh viên học sinh, tôi vẫn thầm cám ơn cái duyên viết lách đã đưa tôi đến với phong trào đấu tranh của những trí thức trẻ từng làm mất ăn mất ngủ chính quyền Sài Gòn, góp phần vào chiến thắng chung ngày 30 tháng 4.
Thu Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 79)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Hôm nay: 37440
  • Tháng hiện tại: 2269990
  • Tổng lượt truy cập: 46237223