Thấm thoắt đã hai mươi năm! Giờ đây, Huyền và Trường đều đã bước qua tuổi tứ tuần, nhưng cả hai cùng cảnh ngộ giữa đường đứt gánh nên vừa gặp lại, ngọn lửa tình ấp ủ, ẩn náu bao năm được dịp bùng lên. Không còn e lệ như cái thuở ban đầu, Huyền nhỏ nhẹ:
- Anh có còn thương yêu em nữa không?
Bàn tay Trường thay lời muốn nói, nhẹ nhàng kéo Huyền vào lòng siết chặt. Và, không thể kìm nén được nỗi nhớ thương dằn vặt bấy lâu, Trường cúi xuống đặt lên môi Huyền một nụ hôn dài hơn cả hai mươi năm.
*
Hai mươi năm trước, buộc phải theo gia đình xuất ngoại, Huyền đau khổ, xót xa để lại mối tình đầu say đắm ở quê nhà. Mảnh đất Cồn Lân xanh mướt, nhiều kinh rạch, đầy nắng gió, chứa đựng bao kỷ niệm dẫu xa, vẫn cứ chập chờn trong tâm trí Huyền. Và hình ảnh Trường! Có còn men theo những con rạch, vẹt những nhánh bần gie ra hai bên bờ để bắt cá, mò tôm? Chợt, thoang thoảng như có mùi tôm nướng thơm phưng phức, làm lòng Huyền thổn thức bao đêm.
Có lẽ! Tất cả chỉ còn là ký ức, nếu như bất hạnh không dồn dập ập xuống đời Huyền. Ba mẹ qua đời, người chồng xấu số mất sau một tai nạn giao thông. Không còn gì để vướng bận, Huyền bán hết tài sản, gom góp vốn liếng quyết định đưa hai con trở về quê nhà sinh sống làm ăn.
Ông trời còn thương. Hoàn cảnh của Trường cũng na ná như Huyền. Cảnh gà trống nuôi con, vì vợ Trường qua đời trong một cơn bạo bệnh. Tình xưa dậy sóng, Trường và Huyền đều ao ước nối lại mối tình đầu đã bị vùi chôn. Từng lăn lộn mưu sinh ở xứ người, Huyền tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm và vốn liếng nên bàn với Trường:
- Anh và em cùng mở dịch vụ du lịch vườn sinh thái nghe anh?
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cồn Lân, từ nhỏ tới lớn Trường chỉ biết mảnh vườn, góc ruộng. Từ khi Cồn Lân được ngành du lịch chọn làm địa điểm du lịch, nhiều người đổ xô làm dịch vụ du lịch vườn thu lợi khá. Trường cũng ước ao đổi đời nhưng lực bất tòng tâm, vì không có vốn. Nay nghe Huyền bàn, Trường như mở cờ trong bụng, nở nụ cười tươi:
- Đó là mơ ước của anh bao nhiêu năm qua.
Mảnh vườn của Trường nằm bên con rạch Tiên Cô, rộng hơn năm công. Huyền bỏ vốn mua thêm gần một mẫu phía bên bờ đối diện. Đất cồn phù sa màu mỡ, đặt giống cây gì xuống cũng tươi tốt, xanh um. Hai mảnh vườn được quy hoạch với những lối đi trải sỏi, lót dal sạch sẽ, dẫn tới những mái lều tranh nằm thấp thoáng dưới những tàn cây trái xum xuê. Dân thành phố tránh cái bụi bặm, ồn ào, không khí bị ô nhiễm tìm đến Cồn Lân ngày một đông. Trường không ngờ con rạch Tiên Cô được phát triển thành dịch vụ đò chèo. Du khách khoái được thả tay xuống dòng nước mát rượi nghịch ngợm, vít những lá dừa nước, nhánh bần gie ra hai bên bờ mà đùa vui, mà tận hưởng cái thú được trở về với khung cảnh thiên nhiên hoang dã. Cồn Lân cây trái bốn mùa đủ các loại chôm chôm, sầu riêng, nhãn lồng, măng cụt, cam, quýt, ổi, mít. Du khách có thể tự tay hái từ trên cây xuống mà thưởng thức ngay tại chỗ. Dịch vụ kinh doanh vườn du lịch của Huyền và Trường ngày càng phát triển.
Huyền bàn:
- Chúng mình xây nhà hàng, khách sạn nghe anh ?
Một đời chân lấm tay bùn, Trường dè dặt hỏi:
- Như vậy, nó có làm mất đi vẻ tự nhiên không em? Chúng mình làm dịch vụ du lịch vườn sinh thái, cái du khách cần là cảnh vật thiên nhiên hoang sơ và không khí trong lành. Đừng…đừng để xi măng, sắt…sắt thép nó làm màu xanh nơi đây bị biến …biến mất em ạ. Giọng Trường trở nên lắp bắp, cà lăm.
Huyền cười:
- Chàng ngố của em ạ! Du khách tới đây cũng cần được nghỉ ngơi thoải mái, chí ít là khách sạn ba sao hoặc bốn sao, lại phải có hồ bơi và cả sân tennis nữa. Phải giữ chân du khách lại anh ạ! Mà muốn vậy thì cần phải đầu tư, mở rộng. Nghe lời em, đi cưng!
*
Nghe lời em, đi cưng! Câu nói thoát ra từ đôi môi xinh xắn của Huyền quá đỗi ngọt ngào và nũng nịu, cứ chèn cứng lấy cổ họng Trường. Để rồi, từng mảng màu xanh cây trái dần bị chặt bỏ, thay vào đó là xi măng, sắt thép, gạch ngói ùn ùn chuyển về. Mấy lần Trường tính can ngăn nhưng Huyền cứ nhõng nhẽo, nằn nì thành thử khu vườn sinh thái ngày nào, giờ biến thành mấy dãy nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi và hiện đại. Chỉ đến khi Huyền cho nhân công chặt bỏ hai hàng dừa nước và những cây bần gie ra hai bên bờ rạch Tiên Cô, với dự định xây hồ bơi nhân tạo thì Trường mới lên tiếng phản đối:
- Em không thể làm như vậy được. Không còn những hàng dừa nước, những nhánh bần gie thì du khách sẽ không còn đến đây nữa.
- Thôi mà anh! Huyền lại nhõng nhẽo - Mình không làm, người khác làm trước là mất đi cơ hội. Thời buổi kinh doanh bây giờ, phải cạnh tranh khốc liệt may ra mới có thể tồn tại và phát triển được.
Không còn là Huyền của ngày xưa và cũng không giống Trường của hơn hai chục năm về trước. Mặc cho Trường phản đối, Huyền vẫn âm thầm làm theo ý định của mình. Trường buồn, lẩm bẩm một mình:
- Chặt phá như vầy thì còn gì là địa điểm du lịch sinh thái xanh?
Khốn nỗi, càng ngày cách làm của Huyền và suy nghĩ của Trường không cùng một hướng. Thành thử, những cuộc cãi vã giữa Trường và Huyền xảy ra thường xuyên hơn. Giọng Trường vẫn nhỏ nhẹ:
- Huyền ạ! Em và anh đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cù lao nầy, con rạch Tiên Cô từng in đậm biết bao dấu ấn kỷ niệm của chúng ta cái thuở còn thơ rủ nhau đi mò tôm, bắt cá. Còn những hàng dừa nước, những nhánh bần gie có tội tình gì đâu, em nỡ lòng nào dang tay chặt bỏ. Không còn con rạch Tiên Cô đồng nghĩa với việc không còn dịch vụ đò chèo, điều mà em thừa biết du khách vô cùng thích thú. Có thể, em sẽ níu giữ được du khách ở lại với những dự án của mình nhưng vô tình, em sẽ làm mất đi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và màu xanh vốn có của vùng đất cù lao nầy. Vì vậy ý của anh vẫn là, không đồng ý chặt bỏ những hàng dừa nước và những nhánh bần gie bên bờ rạch Tiên Cô.
Môi Huyền mím lại, giọng tỏ ra mai mỉa:
- Anh đúng là một gã nhà quê. Bây giờ là thời đại nào mà anh vẫn khư khư ôm lấy suy nghĩ của những người tiền sử. Chỉ có dịch vụ đò chèo và những cành dừa nước, những nhánh bần gie, du khách chỉ đến tham quan chút xíu rồi về thì lợi nhuận được bao nhiêu? Trong khi đó, nếu du khách ở lại thì phải ăn, phải chơi, phải nghỉ, ta sẽ thu được nào là tiền từ sân tennis, tiền từ hồ bơi, tiền ăn, tiền phòng, bao nhiêu là thứ tiền mà du khách phải trả. Anh đừng có ngang bướng nữa được không.
Trường vẫn nhã nhặn:
- Không còn đò chèo, không còn những hàng dừa nước, những nhánh bần gie, không còn màu xanh và cảnh quan môi trường thiên nhiên hoang dã thì du khách sẽ không còn đến đây nữa. Lúc đó, lấy đâu ra du khách để cho em níu giữ? Hãy từ bỏ dự án biến nơi đây thành một khu đô thị hiện đại, những nhà hàng, khách sạn cao sang vì nó không còn là khu vườn du lịch sinh thái xanh nữa. Anh rất yêu em, yêu mảnh đất Cồn Lân này và không muốn để cho bất cứ sự cám dỗ nào cướp đi tình yêu của chúng mình.
- Yêu em! - Huyền làm mặt giận - Anh lúc nào cũng nói yêu em, chiều chuộng em, sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu của chúng mình nhưng trên thực tế, anh nào có chiều em, một chút xíu thôi cũng hổng có. Mấy hàng dừa nước, mấy nhánh bần gie có đáng gì đâu. Nghe lời em đi cưng, đây là thời cơ để mình xây dựng làm cơ sở mai nầy thành lập công ty. Lúc đó, anh sẽ là giám đốc, có một chút địa vị trong xã hội chứ không lẽ suốt đời làm anh nông dân chân lấm tay bùn hay sao.
*
Ông Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Thịnh hết đi ra lại đi vào, lòng buồn rười rượi. Bởi chỉ cách hai dãy hồ bơi và mấy cái sân tennis chừng 5 công đất, du khách đang thích thú bước những bước run rẩy qua cây cầu khỉ gập ghềnh hoặc đang xắn quần lội xuống mấy cái mương vừa tát để mò tôm, bắt cá. Trong những căn lều lợp lá dừa nước nằm dưới những tàn cây trái xum xuê, tiếng đàn cò, đàn kìm luyến láy hòa cùng mấy câu vọng cổ xen lẫn tiếng cười, tiếng nói của du khách rôm rả vang lên.
Huyền vắng nhà thường xuyên và Trường cũng không buồn nghe Huyền giải thích: “Em phải đi liên hệ với các công ty du lịch để họ dẫn khách về cho mình. Thời buổi này, cứ chi hoa hồng thật đậm vào lo gì không có khách”.
Trong lòng trống vắng, Trường thẫn thờ bước những bước chầm chậm về cuối góc hồ bơi. Hình như ở nơi đó, có một cái gì đó đang thu hút sự chú ý của Trường. Giữa ba bề, bốn bên gạch men, xi măng bít kín, một mầm non xanh nhạt vừa nhú ra từ một kẽ nứt làm lòng Trường thổn thức. Trường biết, sức sống của cây bần vô cùng mãnh liệt, nhánh bần rồi sẽ gie ra trên mặt hồ bơi.
Ý kiến bạn đọc